Theo ông, hiện vật được vớt lên từ lòng sông Hương rất phong phú, từ hiện vật có niên đại rất xa xưa của dân tộc Việt, Chăm. Trong dòng chảy trầm tích văn hóa đó, dấu ấn văn hóa Lý - Trần xuất hiện khá nhiều.
Ông cho biết, từ trước khi Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân (1306), nhận sính lễ là hai châu Ô, Lý, sau đó trở thành châu Thuận, châu Hóa thì hai dân tộc Việt, Chăm đã có mối giao lưu văn hóa rồi, nhiều cuộc giao thương đã diễn ra trên miền "phên giậu" của hai đất nước. Trong thời kỳ này, nhiều sản vật của nhà Lý cũng đã được đem vào đây trao đổi. Việc giao thương được thúc đẩy mạnh mẽ nhất là khi hai châu Ô, Lý đã trở thành vùng đất mới của Đại Việt, trên những đôi quang gánh một đầu là "con thỏ", một đầu là "gia tài" của các bà, các mẹ theo chồng vào trấn thủ vùng đất mới Ô châu ác địa chắc chắn sẽ có rất nhiều những vật dụng thường ngày cũng như pháp khí thờ tự.
Trong hàng ngàn hàng vạn hiện vật gốm sứ từ ngoài vườn cho đến trong nhà của ông mang dấu ấn văn hóa thời Lý Trần có khá nhiều. Ông cho biết cứ mỗi lần ông khăn gói đi sưu tập về thì mỗi lần ông thấy có "thấp thoáng nét văn hóa ngàn năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội" qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Mạc... Và trong những đồ vật gốm sứ từ thời Lý Trần mà ông có, có cái thì còn nguyên vẹn, có cái thì đã sứt mẻ chỉ còn lại một vài đường nét hoa văn mà thôi.
Ông giới thiệu cho chúng tôi bộ sưu tập đồ gốm sứ Chu Đậu mà theo ông đó là dấu ấn văn hóa thời Lý hiện rõ nhất, điển hình nhất của văn hóa thời Lý Trần, nối Thuận Hóa - Huế với Thăng Long - Hà Nội".
Những đồ gốm Chu Đậu mà ông có được đều rất đẹp. Theo ông, gốm Chu Đậu được phát triển rực rỡ trong suốt một thời gian dài vào thời kỳ Lý đến nhà Trần và nhà Lê, Mạc về sau. Nét đặc trưng của gốm Chu Đậu thể hiện ở kiểu dáng, màu sắc, hoa văn và các họa tiết tinh xảo. Gốm Chu Đậu toát lên vẻ đẹp dung dị, thuần Việt, biểu trưng của nền văn minh châu thổ sông Hồng, với những họa tiết hình cánh sen, cùng với nhiều họa tiết khác như muông thú, cỏ cây, hoa lá, non sông gấm vóc Việt.
Để lý giải về sự hiện diện một cách phong phú dấu ấn văn hóa thời kỳ Lý, Trần trầm tích trong lòng sông Hương, theo chúng tôi, thông thường qua hai con đường: trao đổi sản vật và hai là giao lưu văn hóa (trao đổi nghề, trao đổi công nghệ...). Nhưng với ông, ông chỉ nhận mình là người sưu tập, là người đã bao tháng năm bất kể mưa hay nắng một lòng kiên nhẫn lắng nghe "dòng sông kể chuyện" văn hóa để tìm những dấu ấn kết nối văn hóa các thời kỳ từ tiền sơ sử đến Chu Đậu và hiện đại... Mỗi hiện vật vốn đã mang trong mình một trách vụ kết nối văn hóa của một dân tộc trước và sau khi nó xuất hiện; những hiện vật mang dấu ấn văn hóa Lý Trần (điển hình là gốm Chu Đậu) theo ông cũng là một minh chứng cụ thể cho mối liên hệ giữa quá trình hình thành vùng đất mới Thuận Hóa - Huế với Thăng Long và trước đó nữa.
Nhà sưu tầm Hồ Tấn Phan nói về văn hóa Việt qua các thời kỳ
Đánh giá chung trong "núi đồ gốm sứ" của ông, dấu ấn "ngàn năm Thăng Long - Hà Nội" không những "thấp thoáng" mà còn xuất hiện rất nhiều; và trong rất nhiều hiện vật mang dấu ấn văn hóa thời Lý Trần mà ông có được, có thể có nhiều đồ vật vô giá về tiền bạc nhưng cũng có rất nhiều hiện vật mà theo nhiều nhà chơi đồ cổ "thì nó không đáng một xu" vì rất nhiều miếng mẻ sành, mẻ sứ chỉ còn lại vài đường nét hoa văn nhưng đã được ông trân quý, cất giữ trong các tủ kính và niêm khóa rất cẩn mật, bởi với ông nó vô giá về mặt văn hóa...
Người Huế nói chung, những nhà nghiên cứu sưu tầm đồ gốm sứ nói riêng muốn thấy được Thăng Long xưa tại Huế thì không thể không tìm về thăm bộ sưu tầm gốm sứ phong phú của nhà nghiên cứu sưu tầm gốm sứ cổ Hồ Tấn Phan.