GN - Nhắc đến Đại lão HT.Thích Thiện Hào (1911-1997), nhiều bậc tôn túc ở cả ba miền có duyên thân cận, làm việc đều bày tỏ một đạo tình thâm thiết, sự kính trọng về tinh thần trách nhiệm, đức tính tận tụy và cương quyết đối với các công tác Phật sự vì lợi ích chung; người luôn khiêm cung đối với đồng đạo giới hạnh, từ ái đối với cộng sự phụ tá, hậu học.
Chư tôn thiền đức lãnh đạo GHPGVN, lãnh đạo PG TP.HCM thành kính tưởng niệm cố Đại lão HT.Thích Thiện Hào tại chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình) sáng nay, 31-7-2015 - Ảnh: Bảo Toàn
Đại lão Hòa thượng sinh ngày 15 tháng 2 năm Tân Hợi (1911) tại làng An Phú Đông, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định - nay là quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. Dù là con một, nhưng năm 16 tuổi, ngài đã phát tâm xuất gia làm đệ tử của Tổ Huệ Đăng ở chùa Thiên Thai tỉnh Bà Rịa, nay là Bà Rịa-Vũng Tàu; chính thức nối pháp đời thứ 42 dòng Thiên Thai Thiền Giáo tông.
Với ý thức công dân xuất gia trong hoàn cảnh đất nước lầm than nửa đầu thế kỷ XX, ngài vừa làm tròn bổn phận của sứ giả Như Lai: tinh tấn tu học, nhiệt tâm trong việc thuyết giảng Phật pháp, hành đạo; lại vừa tích cực tham gia các hoạt động yêu nước do Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ, Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Định thời bấy giờ cũng như Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… sau đó. Dù ở hoàn cảnh nào, theo ký ức của nhiều bậc tôn túc hiện nay, nhiệt tâm của ngài đối với đạo pháp vẫn luôn mãnh liệt, có cách ứng xử điềm tĩnh, nhẫn nại, trí tuệ, được mọi người, đồng đạo các thế hệ kính trọng.
Trong câu chuyện về hoạt động của Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn đầu sau ngày thống nhất đất nước, hồi tưởng lại, HT.Thích Trí Quảng, bậc giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo thành phố hiện nay cho biết: “Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Ban Hoằng pháp đã thành công trong việc mở hai khóa huấn luyện giảng sư mang tên Thiện Hoa và Trí Thủ, đào tạo cho Giáo hội gần ba trăm giảng sư. Một điều mà giới Phật giáo chúng ta từ xưa đã hằng mơ ước. Có thể khẳng định rằng nếu không có Hòa thượng Thiện Hào đỡ đầu thì công việc này khó thực hiện được”.
Trong nhân duyên đặc biệt, với uy tín của mình, Đại lão HT.Thích Thiện Hào là người đã tạo nên mối liên lạc giữa chính quyền với Phật giáo, nhờ đó, nhiều hoạt động của Phật giáo được tiếp tục, phát huy. Dẫu không phải là người đứng đầu, nhưng vai trò và những đóng góp của ngài trong Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam là rất lớn, tạo nên những thuận duyên để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay.
“Trong tâm trí tôi, ngài luôn hiện hữu ngời sáng một bậc chân tu đã trải thân hành đạo, âm thầm phục vụ đạo pháp bằng tất cả chân tình, không khoa trương, tự phụ, cũng không sân hận hay buồn phiền vì bị hiểu lầm. Đối với đàn hậu học, ngài cũng hết lòng giáo dưỡng, nâng đỡ để tạo điều kiện cho họ gánh vác Phật sự. Nơi ngài cũng tỏa sáng đức hạnh của một bậc cao đức giải thoát, nhìn xa thấy rộng, không bám trụ địa vị, lợi danh, sẵn sàng mở lối đưa đường cho hàng hậu học tham gia hoạt động Phật sự, chắp cánh cho họ thăng hoa trên bước đường tiến tu đạo nghiệp” - HT.Thích Trí Quảng chia sẻ.
Cùng với các bậc giáo phẩm khác, Đại lão HT.Thích Thiện Hào là người đã góp phần đặt nền móng xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một người mở đường tận tụy luôn hài hòa giữa trách nhiệm với đất nước và lý tưởng với đạo pháp.
>> Xem thêm: Lễ húy nhật lần thứ 18 cố Đại lão HT.Thích Thiện Hào ||