Người thắp hương giùm

Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock
0:00 / 0:00
0:00
GN - Trong sân nhà, dưới gốc một cây đa nhỏ, tôi có thỉnh về một tượng Phật bằng đất nung. Tượng làm bằng gốm cổ truyền Chăm, từ tay những nghệ nhân mà từ một xa xưa đã dựng nên Phật viện Đồng Dương lừng lẫy...

GN - Tôi mua một căn nhà nhỏ nơi thảo dã quê nhà, làm chốn lui về sau nhiều năm tất bật.

Nhà nằm gần động cát, ngút trước mắt là hoang vu, cát chạy dài, qua lơ thơ cỏ, rậm xương rồng, mấy luống rau mùi được dăm. Cuối tầm mắt là núi đá nhỏ, trên núi mấy ngôi chùa và thiền viện. Tiếng thỉnh chuông chiều theo gió băng qua cát gõ cửa nhà mỗi ngày. Nhà nuôi sự tịch lặng, nhà dưỡng thân tâm đã nhiễm nhiều ô trọc, tôi cứ tưởng sẽ học được nhiều nhất từ hằng hà sa số hoang vu, an bình trước nhà. Nhưng không, việc tinh tấn luôn cần bóng con người, những con người đã đến mức độ uyên nguyên mà không cần phải trăn trở, cầu viện đến ngoại cảnh như tôi.

Như bao xóm nhỏ nơi hẻo lánh khác, xóm nhà tôi chỉ 5 nóc nhà, cùng hướng về động cát, những cư dân không đi xa hơn từ nhà ra cánh đồng nha đam, tầm nhìn cao nhất là đến ngôi chùa trên đỉnh núi nhỏ. Những cư dân đọc mặt chữ chưa rành khi từ biết đi đã gắn liền đời mình với cát, đọc lời kinh theo hướng dẫn của sư thầy, phát âm sai nhưng sự tin tưởng và thành kính cao hơn cả nghĩa.

Chưa dứt được các việc nơi đô thành, tôi thường nhờ chị hàng xóm chăm sóc nhà giúp những khi vắng mặt. Ngôi nhà tươm tất, cây lên xanh ngắt từ tay chị, ngôi nhà xanh lên giữa động cát nhờ chị biết cách làm nông trên đất cát từ xưa. Trong sân nhà, dưới gốc một cây đa nhỏ, tôi có thỉnh về một tượng Phật bằng đất nung. Tượng làm bằng gốm cổ truyền Chăm, từ tay những nghệ nhân mà từ một xa xưa đã dựng nên Phật viện Đồng Dương lừng lẫy. Phật không chỉ ngự nơi hình tướng, tôi vẫn biết thế, nhưng tôi tin rằng có Ngài trong mảnh sân nhỏ, tâm thiền biết đâu dễ khởi hơn. Mỗi hành cước của tôi dù quẩn quanh sân cũng phải chú trọng hơn, để tâm hơn, tỉnh giác hơn. Là nghĩ thế thôi, như mọi kẻ lạc lối trong quẩn quanh triền phược, mong cầu một nơi nào đó, một xúc tác nào đó có thể mang mình về nguồn cội, trả lại thân tâm suối nguồn. Một mong cầu đã chứa nhiều lầm lạc từ đầu.

Tôi xa nhà nhiều ngày, đến khi đẩy cổng bước vào, cây đa đã được chăm chút để có thể xòe tán rộng che mát cho tượng Phật, dưới chân Phật, một bệ nhang đã được dựng, nhiều chân nhang còn đỏ thắm. Chị qua nhà, đưa cho mảnh giấy về đất đai gì đấy, nhờ đọc giúp. “Tui từ nhỏ không được đi học ngày nào, nhà nghèo quá, cứ đi làm riết, 6 tuổi đã theo ông già lên dỡ gai, dỡ chà dựng nhà trên đất động cát này, 7 tuổi đã xúc cát bán cho xe bò chở để người ta xây nhà. Có người chỉ, biết mấy chữ lõm bõm, đọc mấy cái giấy này không biết đàng mà lần, chú đọc giùm tui thử”, tôi đọc rồi giải thích cho chị. Chị cười vui đi về: “Có đi học, biết nhiều thứ, đầu óc to rộng hẳn ha chú, tui tiếc không được đi học quá. À, tui có thấy tượng ông Phật. Tui thương ông nắng nôi, mưa gió, tui ráng làm cho cái cây nó xòe ra che cho ông. Với tui thấy ông lạnh lẽo, tui chịu không được, tui để cái bát, ngày nào cũng thắp nhang cho ông ấm, vui. Có sao không chú?”. Chị nói chữ “thương” Phật thật tự nhiên và tình cảm, niềm thương như xương rồng bám vào cát, niềm thương như rau ôm lấy nắng để thêm hương vị, như hai người hàng xóm trong một nẻo động xa trông vào nhau để nương tựa. Điều không cần phải quanh quẩn đi tìm như kẻ đọc sách, niềm thương có từ thoạt kỳ thủy, bất biến, vững chãi. “Dạ, không sao, cám ơn chị đã chăm sóc ‘ông Phật’, công đức lắm chị ạ”, tôi nói cho chị yên tâm. “Công đức gì chú ơi, có ổng mình mới bình an chứ, chú cứ để tui chuyện này, tui kính mấy ông lắm”, chị tất tả đi về.

Tôi ngờ ngợ rằng chính chị mới là người đến đích, người đã không còn biết đến thân và tâm, điều gì điều khiển gì, chị cứ mở lòng ra mà đi tới. Chính chị mới là người hành thiền trong từng bước chân, trong từng nén hương thắp trong sân nhà tôi, còn tôi vẫn là một kẻ lạ, kẻ ngơ ngác, đòi hỏi, mong cầu.

Buổi chiều cuối năm sụp xuống nhanh, khi bật bóng đèn thềm nhà ngồi đọc sách, tôi nghe vọng tiếng chị và chồng nói bên kia vách: “Ông mặc quần dài vô, đi qua thắp nhang ông Phật giùm tui, nay tui không thắp được”. Tôi ngạc nhiên quá, sự có mặt của tôi ở nhà khiến chị có khó khăn gì sao, hay tôi là kẻ vô hạnh đến mức làm khuấy đảo cả lòng thành kính của chị, tôi đành lắng tai nghe cho kỹ hơn câu chuyện vừa phát sinh. “Ủa, sao bà không qua thắp, mắc mớ gì kêu tui, bà có đang làm gì đâu?”, anh chồng cự nự. “Kêu đi thì đi đi, mà thắp cho đàng hoàng đó”. “Không, bà không nói tui không đi”. Chị gắt lên rồi thuận ý chồng, chị nói nho nhỏ: “Bữa nay tui không sạch, sao dám thắp nhang cho Phật, không qua thắp được, ông đi giùm tui một bữa”. À, không phải do tôi, tôi thở một hơi nhẹ nhõm, không dám cười to. Anh chồng đã bước qua cổng nhà, anh gãi đầu không biết giải thích sao: “Bả kêu anh qua thắp nhang Phật giùm bả, anh thắp nha?”. Tôi như không biết gì: “Dạ, anh cứ thắp đi anh, thắp nhang hướng Phật tốt mà, chắc chỉ muốn anh yêu kính Tam bảo như chỉ thôi”. “Tui có biết Tam bảo gì đâu, thôi để tui thắp nhang rồi về”.

Chị không biết tôi đã kinh ngạc thế nào chuyện một người xét nét đến mình từng ngày để xem mình có đủ trong sạch để dâng hương cho Phật không. Với tôi, chỉ riêng việc ấy đã cho thấy chị trong sạch hơn tôi mọi lúc, để có thể thành kính thắp một nén hương mở lối vào việc đoạn tuyệt những đau buồn, triền phược. Chị - người thắp nhang giùm tôi còn có thể hồi hướng công đức ấy tới một người khác, người mà chị nhờ thắp giùm cho chị. Sự trong sạch của ý nghĩ, lòng thành, yêu thương người thân của chị chẳng phải là cứu cánh của một kẻ hay băn khoăn về tu tập như tôi sao?

Tôi sang nhà anh chị để chỉ bé con nhà chị ít bài học cấp một, cháu nhanh nhẹn, thông minh, và được người mẹ không rành chữ nhất quyết cho đi học tới khi nào không học nổi thì thôi, theo lời chị nói. Hai chú cháu ngồi học ở căn phòng chính căn nhà, căn phòng có bàn thờ Phật trên cao hướng về phía núi. Buổi học còn vang tiếng chuông và tiếng kinh trầm len theo gió bấc, nhờ sự trống trải, lan rộng khắp một vùng động cát. Đó là lúc tôi thấy nó. Nó - một con tắc kè đã kêu những tiếng vang dội vào cả giấc ngủ khuya của tôi, tiếng kêu lớn hơn tất thảy mọi tiếng tắc kè mà tôi đã nghe, được nhân độ lớn lên nhờ sự yên tĩnh của làng mạc. Con tắc kè ngụ ngay phía sau bàn thờ Phật, nó to hơn cả cùm chân tôi. Cháu bé nói: “Tắc kè đó còn lớn tuổi hơn con nữa, mẹ nói vậy á”. Con tắc kè hơn chục năm tuổi, khi chị cất nhà và lập bàn thờ, nó đến xin trú ngụ phía sau ấy, yếu ớt và nhỏ bé. Chị đã để yên nó nơi ấy, như kẻ bảo vệ, như người thân thiết. “Nó đến xin trú sau lưng Phật rồi, sao mình xua đuổi nó được. Nó ở đó bao năm nay, giờ nó quen cả khi thắp nhang, lúc lên tiếng, chắc nó còn rành Phật, rành kinh sách hơn chị nhiều. Nó mới là người thờ Phật đó”, chị nói. Chú tắc kè bò ra một vòng quanh tường nhìn ngó, rồi lại chậm rãi trở về góc của mình, kín đáo, an toàn, ấm cúng trong bóng Phật. Lát nữa đây, như một thiền sư hành trì giữa đêm, tắc kè sẽ sang sảng lên tiếng.

Cám ơn chị, ngôi nhà tôi chọn ở nẻo vắng động cát, trở thành nơi tôi có thể gột rửa, nơi tôi tìm nguồn cội, không phải nhờ sự thanh vắng, không phải nhờ kinh kệ xa xăm, là nhờ chị, nhờ anh, những người thắp nhang giùm, những người đã lọc xong bản thân từ khởi thủy.

Nam Thụ/Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày