Nhắc về cha, mẹ của mình, anh Phước Thành, 36 tuổi bộc bạch: “Cha, mẹ luôn là người thầy của tôi, đầu tiên và xuyên suốt trong cuộc sống. Trong ký ức, tôi nhớ lúc tôi chưa đi học mẫu giáo, mẹ đã dạy cho tôi cách vo gạo không để rớt hạt gạo nào xuống đất, và ba tôi luôn dạy ăn cơm phải sạch bát, hạt gạo không dễ kiếm, ăn bỏ mứa là mang tội”.
Trong mạch hồi tưởng, anh kể thêm: “Tôi biết đi chùa, biết niệm Phật, biết lễ phép, và biết nói điều hay là do hai đấng sanh thành dạy cho đầu tiên. Có ba, mẹ rồi mới có con, đó là điều mà tôi luôn khắc ghi, để sống tử tế, nên người”.
Một Phật tử trẻ địu con tham gia lễ dâng y Kathina tạichùa Siêu Lý (quận 6, TP.HCM) - Ảnh: Khánh Vi |
Và cũng vì biết bản thân mình là người thầy đầu tiên của con, là tấm gương cho con, cho nên khi con vừa lên 2 tuổi, anh Phước Thành đã đưa con đến chùa lễ Phật, gần gũi Tam bảo. Đặc biệt, các dịp lễ quan trọng của Phật giáo như dâng y, chư Tăng mãn hạ,... anh đều đưa con đến chùa tham gia.
Đứa nhỏ cùng đoàn dâng y đi nhiễu quanh chánh điện chưa được 5 phút đã ngủ gật ngon lành trên tay anh, nhưng niềm vui không vì vậy mà vơi bớt. “Muốn con trở thành người như thế nào, thì mình cần phải giáo dục con, và mình cũng phải là tấm gương cho con nữa. Tôi luôn cố gắng gieo vào tâm thức con những hạt giống thiện, những việc làm lành, mỗi ngày một chút, bắt đầu từ việc nhỏ nhất. Hôm nay thế này đã rất hạnh phúc rồi”, anh Thành tâm sự.
Khánh Vi/ Báo Giác Ngộ