Người truyền nghị lực sống cho trẻ khuyết tật

GN - Từ nhỏ, ông đã được anh ruột là võ sư Hà Trọng Ngự truyền dạy những đòn thế của phái võ Bình Định. Vốn có năng khiếu và được sự tận tình dạy dỗ của anh trai, Hà Trọng Khánh tiến bộ rất nhanh. Chính con đường thượng đài đã giúp võ sĩ Khánh trưởng thành trong nghiệp võ và nhờ đó, ông trở thành người thầy của trẻ em khuyết tật…

“Nhập vai” để bài học đạt hiệu quả

Một buổi chiều, tôi đến thăm Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi (trụ sở tại đường Lê Văn Khương, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM), lòng không khỏi bất ngờ. Những hình ảnh tập luyện tại võ đường đặc biệt này do võ sư Hà Trọng Khánh (58 tuổi) đảm trách thực sự khiến những ai đến đây cũng cảm phục. Điều đặc biệt ở lớp học này chính là tất cả học viên đều là những trẻ em khuyết tật đang học nghề tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi tại TP.HCM (trung tâm).

vo su Khanh 1.jpg

Võ sư Khánh cùng học trò ở võ đường

Trò chuyện với chúng tôi, võ sư Khánh chia sẻ: “Với một trẻ bình thường, những động tác võ thuật hay những bài quyền sẽ dễ dàng được tiếp thu, nhưng với những em khuyết tật là cả một sự cố gắng, nỗ lực. Bởi từ nhỏ, các em chưa hề vận động mạnh. Một điều bắt buộc trong võ thuật, đó là đòi hỏi người học phải hoạt động nhanh, mạnh, dứt khoát, đây là một khó khăn, thách thức với các em.

Vậy nhưng, qua tập luyện, tôi thấy các em rất nỗ lực và có khao khát mãnh liệt. Nhiều động tác khó, các em cũng cố gắng thực hiện. Chính điều đó đã thôi thúc chúng tôi, những người thầy, những huấn luyện viên phải dành tâm huyết “nhập vai” mình vào các em. Tôi xem mình là người khuyết tật để có thể soạn ra giáo án huấn luyện cho riêng mỗi em. Bởi lẽ, mỗi em trong lớp học có điều kiện sức khỏe và khiếm khuyết riêng nên không thể áp dụng giáo án chung được”.

Dưới sự hướng dẫn tận tụy, tâm huyết của võ sư Khánh, các em khuyết tật và cả những trẻ thiểu năng đều có thể tập luyện một cách hăng say từ những đòn đánh, những bài quyền khó. Tuy vất vả, khó khăn trong từng động tác nhưng các em luôn nở nụ cười hồn nhiên. Sự cố gắng của cả thầy và trò ở đây truyền đi một thông điệp tới mọi người rằng, các em cũng có thể học và làm được những điều mà một người bình thường có làm được.

“Chúng tôi dặn lòng, phải đặt tình yêu vào công việc mình đang làm và dành tình cảm từ trái tim cho các em. Chúng tôi hiểu rõ sự khao khát, ước mơ vượt lên nỗi đau và khiếm khuyết bản thân của các em. Đó chính là động lực để tôi và các đồng sự theo đuổi công việc. Mình là người thầy nhưng trong chừng mực nào đó, chính sự học tập không ngừng nghỉ và tinh thần của các em cũng là động lực phấn đấu cho người thầy trong công việc thiện nguyện này”, võ sư Khánh tâm sự.

Hành trình truyền nghị lực sống cho trẻ khuyết tật

Mới 6 tuổi, Hà Trọng Khánh đã được anh ruột là võ sư Hà Trọng Ngự truyền dạy những đòn thế của phái võ Bình Định. Có năng khiếu và được sự tận tình dạy dỗ của anh, Hà Trọng Khánh tiến bộ rất nhanh. “Người học võ mà chỉ luyện quyền, biểu diễn không thôi thì chưa phải là võ thuật mà còn phải đối luyện, đối kháng với các võ sĩ của phái khác.

Chính con đường thượng đài, đối kháng đó giúp các võ sĩ trưởng thành hơn, giúp võ thuật phát triển lên một tầng nấc mới. Vì võ thuật chính là nghệ thuật chiến đấu của con người”, võ sư Khánh phân tích. Cũng như anh mình, võ sư Hà Trọng Khánh rất thích thượng đài. Ông thượng đài từ rất sớm, nhờ đó đã giúp ông trưởng thành hơn và gầy dựng danh tiếng trong giới võ học.

Năm 1986, võ sư Khánh đi dạy võ ở huyện Sông Cầu (Phú Yên). Hơn một năm sau, ông về lại quê nhà Bình Định phụ dạy ở Võ đường Hà Trọng Ngự (TP.Quy Nhơn). Năm 1987, võ sư Khánh lên Đắk Lắk dạy võ ở huyện Ea Kao. Gần một năm sau, cán bộ huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) mời ông về dạy cho Huyện đoàn Thanh niên huyện Ninh Hòa.

Sau đó, võ sư Khánh mở võ đường ở thôn Thanh Mỹ, xã Ninh Quang, Ninh Hòa. Hơn một năm sau, võ sư Khánh về lại Đắk Lắk. Đến năm 2010, ông mới quyết định xuống TP.HCM hành nghề và sau đó dạy võ cho trẻ em khuyết tật cho đến ngày nay. Tính đến nay, ông đã giảng dạy cho hơn 40 em học sinh khuyết tật, được chia ra thành 3 lớp: lớp khuyết tật các bộ phận cơ thể, lớp bại liệt ngồi xe lăn và lớp thiểu năng.

vo su Khanh 2.jpg

Võ sư Khánh quan niệm dạy võ là truyền nghị lực sống cho các em khuyết tật

Khi được hỏi về cơ duyên đến với con đường thiện nguyện - làm thầy cho trẻ khuyết tật, võ sư Khánh cho biết: “Vào một buổi tối năm 2012, tôi đang dạy võ cho các đệ tử của mình ở một võ đường nằm bên quận 12, thì bỗng nhìn ra ngoài thấy có một em gái nhỏ đứng nấp sau thân cây theo dõi lớp học.

Đứng trong lớp nhìn ra và quan sát kỹ, tôi mới thấy cô bé bị cụt một tay. Tôi liền bước lại gần chỗ cô bé thì bỗng dưng em sợ hãi và bỏ chạy, gọi lại hỏi thăm thì biết em đang đợi một người bạn học trong lớp võ. Bản thân em ấy cũng ước mơ được học võ. Vì thế, những lần đợi bạn, cô bé thường nấp sau gốc cây chăm chú theo dõi”.

Hỏi thăm hoàn cảnh của em, võ sư Khánh được biết, em cùng mẹ đang ở trọ gần giảng đường của ông. Em bị cụt tay trong một lần gặp tai nạn xe máy khi bố đón em ở trường mẫu giáo về, vụ tai nạn đã cướp mất đi người bố. Sau đó, em và mẹ lang bạt khắp Sài Gòn nhặt ve chai kiếm sống qua ngày.

Câu chuyện bất hạnh của cô bé 12 tuổi và ước mơ được học võ như những người bạn cùng trang lứa làm cho vị võ sư xúc động mạnh. Ông bảo với cô bé, nếu muốn học võ hãy về xin phép mẹ rồi đến học với thầy,  “thầy sẽ dạy miễn phí cho con”. Những lời đó của ông còn hơn một món quà với cô bé 12 tuổi tàn tật. Một tuần sau, em được nhận vào lớp, ước mơ được học võ của em thành hiện thực.

“Bé rất có năng khiếu, chỉ với một tay trái nhưng em học rất nhanh và múa quyền rất đẹp. Mới học chưa đầy 1 năm, em đã khiến tôi ngạc nhiên. Tôi vui mừng vì nhận được một em bé có năng khiếu, nhiệt huyết và ham mê võ thuật như thế, điều ít thấy ở những học viên bình thường cùng tuổi.

Thế nhưng, đến một ngày, tôi không thấy em đến lớp. Hỏi thăm các bạn cũng không biết bé đi đâu. Tôi điện thoại cho mẹ bé thì mới hay vì cuộc sống ở Sài Gòn khó khăn nên người mẹ đã đưa bé về quê. Vì sợ thầy buồn, bản thân em cũng buồn nên em không dám chào tạm biệt thầy”, lời kể của võ sư Khánh như nghẹn lại, khi nhớ về người học trò khuyết tật đầu tiên.

Đó cũng là cơ duyên ban đầu khiến ông quyết tâm mở trung tâm dạy võ từ thiện cho những em khuyết tật. Nghĩ là làm, ông bắt tay ngay vào việc định hướng mở trung tâm và bàn bạc với những võ sư có cùng tâm huyết. May mắn, ông được những người “cùng chung chí hướng, có tấm lòng thiện nguyện”, chia sẻ công việc với mình. Từ khi thành lập đến nay, dù mới chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng những tâm huyết, sự tận tụy của ông đã đem lại những hiệu quả thiết thực.

Võ sư Hà Trọng Khánh cho biết, về tương lai, nếu hội đủ điều kiện, ông sẽ mở một võ đường riêng để dạy võ cho các em khuyết tật. Mục đích của việc dạy võ là ngoài việc giúp nâng cao thể lực, rèn luyện sức khỏe cho các em khuyết tật, còn giúp các em hòa nhập cộng đồng. Ông cũng luôn trăn trở làm sao mở được một phòng tranh để tạo công ăn, việc làm lâu dài cho các em khuyết tật.

Hiện tại, ông có nhiều dự tính nhưng vấn đề cốt lõi, muốn làm từ thiện thì phải có kinh tế vững mạnh, hoặc phải có nhà tài trợ. Trung tâm mới đi vào hoạt động nên bước đầu đang gặp phải những khó khăn nhất định về nhân sự và kinh tế. Thế nhưng, vì nhiệt huyết thiện nguyện, vì trẻ em khuyết tật, những người thầy ở đây luôn cố gắng hết sức cho những lựa chọn của mình.

“Khi có ý hướng thành lập trung tâm, tôi hoàn toàn nghĩ đến các em khuyết tật, không vì một mục đích nào khác. Có nhiều người đặt câu hỏi, vì sao phải dạy võ cho các em mà không dạy một cái nghề gì đó để các em tự kiếm tiền; có ai đánh những người khuyết tật đâu mà dạy võ? Với tôi, dạy võ là cách để mình truyền “lửa” yêu thương, nghị lực sống cho các em, là cách để mình “nung tinh thần”, “rèn thể chất”, giúp các em vững chãi, tự mình vượt lên mặc cảm khiếm khuyết của thân mà vững tin trong cuộc sống. Đó là điều quan trọng nhất”, võ sư Hà Trọng Khánh tâm sự.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày