Chia sẻ về cách đưa Phật pháp đến với người trẻ ngày nay, TT.Thích Chân Tính (ảnh), trụ trì chùa Hoằng Pháp cho biết:
- Trong bất cứ ngành nghề nào cũng có một ngôn ngữ nhất định để giao tiếp; muốn Phật pháp phổ biến đến mọi tầng lớp trong xã hội thì phải sử dụng ngôn ngữ của tầng lớp bình dân. Ngôn ngữ kinh điển đôi khi hơi khó hiểu cho những người mới vào đạo, chúng ta làm “mềm” những lời dạy đó thì người nghe dễ dàng tiếp nhận hơn. Do đó, khi muốn người trẻ mở lòng thì cần phải sử dụng ngôn ngữ của họ, phải biết, phải hiểu bạn trẻ đang suy tư, quan tâm đến cái gì, nguyện vọng ra sao, rồi đưa ra những ví dụ gần gũi để các bạn thấy đạo Phật không phải nói những chuyện trên mây, cho người già hay chỉ dành cho người xuất gia.
Ví dụ, nếu các bạn thích âm nhạc phải đáp ứng nhu cầu đó, các bạn hay lên Facebook để đọc và chia sẻ thông tin thì mình cũng phải dùng Facebook để biết các bạn đang nghĩ gì. Quan trọng là mục đích tiếp cận để các bạn có thể hiểu đạo, đạo ở đây không phải nằm ở phạm trù tôn giáo hay tâm linh, mà là nghệ thuật sống, những phương pháp thực tập để có đời sống cân bằng, an lạc, hướng thiện. Đó là những vấn đề mà chùa Hoằng Pháp quan tâm và khéo léo trong việc vận dụng ngôn ngữ trong khi thuyết giảng.
* Hiện nay, đối với người trẻ mới học Phật phải chuẩn bị nền tảng như thế nào, trước quá nhiều nguồn bài viết, băng giảng trên mạng, để đi đúng con đường Phật dạy, thưa Thượng tọa?
- Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn kể về hai câu chuyện sau. Khi Đức Phật du hóa đến vùng Kesaputta của người Kalama, các thanh niên tìm đến hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn, có một số Sa-môn và Bà-la-môn đi đến nơi này. Họ luôn cho quan điểm của mình là đúng và cố gắng rao giảng những tư tưởng của họ, nhưng lại đi bài xích, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc quan điểm người khác. Rất nhiều vị giáo chủ với hàng trăm chủ thuyết ra đời, họ kích bác và chống trái nhau, ai cũng xem mình là đúng. Ðối với những người này, bạch Thế Tôn, chúng con nghi ngờ và phân vân: ‘Trong những Tôn giả Sa-môn này, ai nói sự thật, ai nói láo?’.
Đức Phật trả lời:“Ðương nhiên, này các Kalama, các ông có quyền nghi ngờ, bên cạnh đó là những phân vân, điều đó dễ hiểu thôi! Trước những giáo thuyết mà mình chưa biết đúng sai, Ta chỉ khuyên các vị rằng:“Này các Kalama, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì người nói ra là thầy của mình. Nhưng này các Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị các người có trí chỉ trích;các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau’, thời này Kalama, hãy từ bỏ chúng!”.
Bài kinh thứ hai là nội dung được nhắc đến trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật dạy cho bà Gotamì về tám điều xác chứng: “Này Gotamì, những pháp nào bà biết “Những pháp này đưa đến tham dục, không phải ly tham; đưa đến hệ phược, không đưa đến ly hệ phược; đưa đến tích tập, không đưa đến không tích tập; đưa đến dục lớn, không đưa đến ít dục; đưa đến không biết đủ, không đưa đến biết đủ; đưa đến tụ hội, không đưa đến nhàn tịnh; đưa đến biếng nhác, không đưa đến tinh tấn; đưa đến khó nuôi dưỡng, không đưa đến dễ nuôi dưỡng”.
Này Gotamì, hãy thọ trì nhứt hướng rằng: “Ðó là không phải Pháp, đó là không phải Luật, đó là không phải lời dạy của bậc Ðạo sư”. Và này Gotamì, những pháp nào bà biết: “Những pháp đưa đến ly tham, không đưa đến tham dục; đưa đến ly hệ phược, không đưa đến hệ phược; đưa đến không tích tập, không đưa đến tích tập; đưa đến ít dục, không đưa đến dục lớn; đưa đến biết đủ, không đưa đến không biết đủ; đưa đến nhàn tịnh, không đưa đến tụ hội; đưa đến tinh tấn, không đưa đến biếng nhác; đưa đến dễ nuôi dưỡng, không đưa đến khó nuôi dưỡng”. Này Gotamì, hãy thọ trì nhứt hướng rằng: “Ðó là Pháp, đó là Luật, đó là lời dạy của bậc Ðạo sư”.
Để hiểu được đâu là lời dạy nguyên thủy của Đức Phật, đâu là Chánh pháp, trước hết phải chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu về năm bộ kinh Nikaya. Thứ hai là phải đọc sách, nghe những bài giảng của các vị cao tăng có uy tín trong nước cũng như nước ngoài, chẳng hạn như HT.Thích Thanh Từ, HT.Thích Nhất Hạnh, ngài Đạt-lai Lạt-ma, HT.Narada, HT.Thánh Nghiêm, Tỳ-kheo Bodhi, các vị Sayadaw của Myanmar... Chúng ta nên đọc và nghe những vị này để có được những căn bản vững chắc, khi tiếp cận với những người nào hoặc bài giảng nào, mình cũng có điểm y cứ để phân định được đâu là chánh, đâu là tà, đâu chơn, đâu ngụy.
Cốt lõi của đạo Phật là trí tuệ giải thoát, sự hiểu biết đúng đắn về bản chất con người và thế giới. Những gì nằm ngoài Tứ diệu đế không phải là nội dung Phật pháp, con đường hay cách thực tập xa rời Bát Chánh đạo không phải là con đường Đức Phật dạy chúng ta thực hành.
* Và vai trò của người tu sĩ trong hoằng pháp cho người trẻ là rất quan trọng, vậy ở chùa Hoằng Pháp, Thượng tọa có định hướng như thế nào cho các đệ tử của mình?
- Người xuất gia khi vừa làm lễ thế phát đã được nghe bài kệ:“Hủy hình thủ chí tiết. Cát ái từ sở thân. Xuất gia hoằng thánh đạo. Thệ độ nhất thế nhân”. Chí nguyện của một người xuất gia “trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh”. Muốn độ được chúng sinh, người xuất gia cần phải trải qua một quá trình học và tu.
Do vậy, theo đúng tinh thần trong Hiến chương của Giáo hội, một người xuất gia muốn thọ giới Sa-di phải tốt nghiệp THCS và thuộc lòng hai thời công phu cùng 2 quyển đầu của Thiền môn Trường hàng Luật. Sa-di muốn thọ Tỳ-kheo phải tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp hoặc đang theo học trung cấp Phật học, nắm vững các giáo lý căn bản cũng như thuộc lòng 4 quyển luật Trường hàng.
Ngoài tiêu chuẩn mà Giáo hội đưa ra, trong thời gian tới, chùa Hoằng Pháp có định hướng những vị nào muốn thọ giới Tỳ-kheo phải biết thêm một ngoại ngữ. Điều này sẽ khích lệ tinh thần phấn đấu học tập của đại chúng.
Tôi thường xuyên nhắc nhở động viên chư Tăng phải trau dồi nội điển là điều bắt buộc và hiển nhiên phải nghiên cứu kỹ. Ngoài ra, quý thầy cũng cần phải biết cách thức tổ chức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử,… vì ngoài việc tu tập cho bản thân, người xuất gia còn có bổn phận và trách nhiệm giảng dạy giáo pháp thì không thể thiếu kiến thức. Trong tương lai, Phật pháp muốn được phát triển rộng rãi, chư Tăng cần phải đi sang các nước để học hỏi những điều hay, cách tổ chức một buổi lễ khoa học, khi có nhiều hiểu biết, tầm nhìn sẽ được cao, rộng và thoáng.
* Việc ứng dụng công nghệ trong hoằng pháp tại chùa được chú trọng từ khi nào, bạch Thượng tọa?
- Khi nhận ra tác dụng của việc sử dụng phương tiện truyền thông cho truyền bá Chánh pháp, từ năm 2000, chùa Hoằng Pháp định hướng phát triển theo hướng ứng dụng những thành tựu này. Ban đầu, chùa phân công một số thầy đi học quay phim, các kỹ thuật xử lý hình ảnh, âm thanh… từ đó làm được những đĩa VCD, DVD bài giảng, phim ảnh và ký sự đầu tiên. Sau đó, chùa lập một website đăng tải các bài viết.
Khi nhu cầu thực tế ngày càng cao, cần nhiều người cùng hợp tác, chùa đã đào tạo cư sĩ để phụ công việc và thay thế cho chư Tăng. Nhiệm vụ chính của người xuất gia phải là nghiên cứu nội điển và tu học, do đó học hay làm lúc ban đầu để biết cách hướng dẫn cho những Phật tử sau này. Hiện tại, các thầy chỉ đứng ra lãnh đạo, điều hành, còn ghi hình, dựng phim, đăng tải trên các phương tiện thông tin nhờ vào sự hỗ trợ của quý cư sĩ. Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng có làm, có sai mới có sửa, từ từ khắc phục được những khiếm khuyết. Hiện tại, các bộ phận chuyên trách đã tương đối ổn định, các vị cư sĩ đã quen công việc nên quý thầy có nhiều thời gian để tu học.
Về hiệu quả công việc, nhờ công nghệ, việc phổ biến Phật pháp cho nhiều tầng lớp được thuận tiện và dễ dàng hơn. Một bài pháp thuyết tại chùa có vài chục đến vài ngàn người nghe. Trong khi đó, nếu bài pháp này được đăng tải trên YouTube thì có đến hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt xem và chia sẻ, không chỉ trong nước mà còn đi ra thế giới.
Trang nghiêm tự thân - Ảnh minh họa của Bảo Toàn
* Phật giáo trong thời hiện đại, theo Thượng tọa, cần có cách thức hoằng pháp như thế nào?
- Ngày xưa, Phật tử muốn tìm hiểu Phật pháp phải đến chùa nghe giảng, tìm các thầy để học hỏi giáo lý. Chùa muốn tổ chức thuyết pháp cũng phải nhằm vào ngày lễ lớn mới quy tụ được nhiều người đến nghe pháp. Còn ngày nay, người ta ngồi ở nhà vẫn có thể học đạo, thậm chí những người bận rộn vừa làm việc vừa mở kênh YouTube nghe pháp. Do đó, chúng ta phải khéo léo tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông để đưa Phật pháp đến với mọi người. Đừng để mình rơi vào tình trạng “lỗi thời” khi không biết cập nhật.
Ngày nay, hầu như ai cũng có một chiếc smartphone để theo dõi tin tức trên các trang web và xem video trên kênh YouTube, vì vậy mà chùa lập một website, đăng tải tin tức Phật sự và bài viết thường xuyên để các Phật tử truy cập nghe pháp thay vì in ra đĩa giảng. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu tu học cho Phật tử trong khóa tu và những buổi lễ lớn, nhiều màn hình led kích thước lớn được trang bị trong các giảng đường, ngoài sân chùa để mọi người có thể theo dõi trực tiếp một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, phải khéo léo vận dụng phương tiện vì cái gì cũng có mặt lợi và hại. Một người xuất gia chú trọng quá nhiều vào công nghệ, sử dụng phương tiện không vì mục đích truyền đạo mà để đánh bóng cái “tôi” là một điều vô cùng nguy hiểm, dễ đánh mất lý tưởng giải thoát. Chưa kể trường hợp một số ít người xuất gia quá dính mắc vào công nghệ, “nghiện” Facebook, “nghiện” game, khoe hình ảnh sinh hoạt cá nhân lên các trang Blog, Zalo, Instagram rồi bị nhiều người vào bình luận, “ném đá”, đó là mình phá đạo chứ không phải làm đạo.
* Nhưng cuối cùng phương tiện chỉ là phương tiện, cốt lõi vẫn là chất tu học ở người thầy, nếu không có thực tu, không có hạnh phúc bình an, có nền tảng Phật học vững chãi, sự hiểu biết về thế giới hiện tại thì sự truyền trao sẽ không bền?
- Đây là điều rất rõ ràng, bởi vì người xuất gia là một bậc xuất trần thượng sĩ, từ bỏ đời sống thế tục để tầm cầu lý tưởng giải thoát. Người xuất gia phải có chất liệu bình an, thật tu thật học, nội hàm vững chắc, mới có được giá trị thật sự. Vì “Cái gì là cốt lõi, cái đó tồn tại lâu dài”. Chư Tăng đại diện cho đạo đức, giới luật, sự nề nếp, gương mẫu. Do vậy, lời nói cần phải đi đôi với việc làm.
Trong đạo Phật, ngoài khẩu giáo cần có thân giáo. Thân giáo còn quan trọng hơn khẩu giáo. Mình khuyên người ta không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, thì bản thân phải là người nghiêm túc trong tất cả vấn đề đó, như vậy lời nói của mình mới có giá trị, tạo được sức ảnh hưởng đến với mọi người.
Nền tảng của người xuất gia vẫn là giới, định, tuệ. Mục tiêu sau cùng vẫn là giác ngộ giải thoát. Phương tiện kỹ thuật hay trình độ Phật học và thế học đối với việc hoằng pháp là rất cần thiết, nhưng nó chỉ có giá trị khi được xây dựng trên nền tảng đạo đức vững chắc. Nếu mình không có nền tảng đạo đức, thiếu định thiếu tuệ, không có sự hàm dưỡng, chỉ cần ra hoằng pháp một thời gian là buông lung, phóng túng, sa đọa, thối tâm Bồ-đề, đánh mất đường tu và sai đi chí nguyện ban đầu khi phát tâm xuất gia học đạo.
* Chân thành cảm ơn Thượng tọa về những chia sẻ thực tế này.
Như Danh thực hiện