HỎI: Tôi được nghe, một hành giả niệm Phật khi lâm chung tâm không điên đảo thì được Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng đến tiếp dẫn (Kinh A Di Đà). Còn những người hàng ngày niệm Phật cầu vãng sanh nhưng đến lúc lâm chung tâm tán loạn thì vẫn được vãng sanh theo nguyện lực của Phật A Di Đà (gọi là Đới nghiệp vãng sanh). Điều này có đúng không? (NGUYỄN ĐÌNH ĐỒNG, ngdong68@yahoo.com) ĐÁP: Bạn Nguyễn Đình Đồng thân mến! Một hành giả đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh, thực hành công phu niệm Phật đến nhất tâm, lâm chung giữ vững chánh niệm hồng danh Phật A Di Đà, chắc chắn được vãng sanh là quan điểm chính thống của Tịnh Độ tông (Kinh A Di Đà), mọi người học Phật đều tin nhận. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển Tịnh Độ tông, một số chư vị Tổ sư của tông này về sau đã quá thiên hướng đến yếu tố tha lực (bản nguyện Phật A Di Đà), thậm chí xem nhẹ yếu tố tự lực, cốt tủy của các pháp hành Phật giáo. Đơn cử như: "Niệm Phật là chuyện mình làm, vãng sanh là chuyện Phật làm. Vãng sanh là do Phật lực. Nếu bình thường xưng danh tích lũy công đức thì cho dù lúc lâm chung không xưng được danh hiệu Phật vẫn quyết định vãng sanh" (quan điểm của ngài Pháp Nhiên, 1133-1212, Nhật Bản) hay "Điều quan trọng nhất để thành tựu vãng sanh là lòng tin chân thật" (quan điểm của ngài Thân Loan, 1173-1262, Nhật Bản). Dựa vào lời nguyện thứ 18 (một trong 48 lời nguyện của Phật A Di Đà), chỉ cần niệm được 10 niệm sẽ thành tựu vãng sanh. Nên dù cho nghiệp lực của hành giả vẫn còn nhưng với lòng tin, sự thực hành niệm Phật và nhất là nhờ bản nguyện của Phật A Di Đà cũng thành tựu Đới nghiệp vãng sanh, đạt bất thối chuyển. Tất nhiên quan niệm này không được sự nhất trí, đồng thuận cao trong giới học Phật thời bấy giờ (tại Nhật) và cả hiện nay. Theo chúng tôi, bản nguyện cứu độ của Phật A Di Đà là chắc thật nhưng các hành giả Tịnh độ không nên ỷ lại, dựa dẫm hay chủ quan nghĩ lầm rằng vãng sanh là chuyện rất dễ dàng… mà cần nêu cao tinh thần "trung đạo" kết hợp hài hòa giữa tự lực và tha lực mới hội đủ nhân hạnh thành tựu vãng sanh. Chúc các bạn tinh tấn!