Những câu chuyện về hổ quả là có một không hai...
"Quê hương" của loài Hổ từ phương Bắc, sau hàng ngàn năm di cư xuống phía Nam theo 2 đường chính qua cao nguyên Tây Tạng và qua Miến Điện tới Indonesia, ngày nay hổ có mặt ở hầu khắp các nước thuộc châu Á như Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ, Singapore, Việt Nam... Hổ là loài mãnh thú ăn thịt và rất bẵm ăn, kể cả trâu rừng, bò tót, gấu, hươu, nai cho tới rùa, ếch, nhái, cào cào... hổ đều xơi tất. Một con hổ trưởng thành có chiều dài cơ thể từ 1,8m đến 2,8m và nặng tới 300kg, hổ sống khoảng 30 năm và có lẽ vì thế loài mãng thú này còn có tên "Ông Ba mươi"(?). Hổ có thể kêu được nhiều giọng: Khi động đực, hổ gầm vang xa gọi bạn đến giao phối. Khi kêu tiếng đơn "poc, poc" như tiếng nai để dụ con mồi. Khi giận dữ kêu hừ hừ hoặc há miệng nhe nanh khạc gió...
Mùa ghép đôi thường là vào cuối đông và đầu mùa xuân, hổ mẹ có chửa khoảng 100 ngày, mỗi lứa đẻ không nhiều, chỉ 2 đến 4 con, giống hổ ít con cũng bởi chúng sinh sản thưa, khoảng 3 đến 4 năm mới đẻ một lứa, hổ con sống với hổ mẹ khoảng 2 đến 3 năm là có thể tự kiếm sống một mình. Loài hổ có khả năng bơi lội tốt, có khi bơi xa cả chục km, leo trèo kém và bản tính hay hồ nghi sợ hãi tiếng động lạ. Chính vì vậy nên khi đi rừng, thợ săn thường dùng hai vỏ cật nứa già cọ sát vào nhau gây tiếng động, hoặc dùng 2 miếng đá đập vào nhau để đuổi hổ. Có nhiều câu chuyện về tính đa nghi của hổ, kể rằng những người thợ địa chất ngủ lại giữa đèo Pha Đin những năm 1960, đêm ngủ mắc màn mà hổ không dám làm gì, chỉ ngồi chầu bên ngoài cho tới sáng rồi bỏ đi, dãi hổ chảy thành vũng trước cửa màn.
Hổ cũng như mèo nhà, khi săn mồi thường vồ chụp từ trên cao bổ xuống, nên người đi rằng khi ngủ chỉ cần cắm 4 cây tre nứa vát nhọn đầu ở 4 góc thì yên tâm nằm hoặc ngồi giứa 4 cọc đó là an toàn. Hổ sợ lưới và sợ nhất là lửa, vì thế đi rừng chỉ cần căng lưới xung quanh, hổ không dám vồ vì sợ móng vuốt mắc phải không gỡ ra được, lửa đốt thành vòng tròn và người ngồi vào giữa là an toàn. Ông Phạm Ngọc L. là người từng bị bắt làm mồi bẫy hổ ở Hà Giang những năm 1940 kể lại: Khi đó ông mới hơn 10 tuổi, quê ở Thái Bình, do nhà nghèo nên cha mẹ đem ông cho làm con nuôi người dân tộc Thổ ở vùng cao Lạng Sơn, cuộc đời đưa đẩy ông, rồi không ngờ ông trở thành thứ mồi bẫy hổ hạng nhất. "Mồi L" đã được đem ra nhử và những thổ dân bản địa bắt được ít nhất 3 con hổ nặng hàng tạ. Tuy nhiên đã nhiều phen ông suýt mất mạng trong gang tấc. Ông kể: Có lần, cái cũi gỗ rừng bên miệng hố mà ông ngồi bên trong khi bị con hổ đực nặng hơn 3 tạ chồm tới, đè sập cả ông và cũi, khi ông vừa kịp thoát ra khỏi cũi thì con hổ đã quay laị như lằn chớp, khi đó trong đầu ông chỉ kịp lóe lên câu nói của phường săn từng cảnh báo rằng: Loài hổ khi vồ mồi thường đập đuôi trước khi vọt tới, nếu đuôi đập bên phải thì sẽ vỗ bên trái hoặc ngược lại, cứ thế ông L đã tránh được cái chết dưới móng vuốt con hổ dữ, ông vạch cho chúng tôi xem cả một mảng da đùi bị vuốt hổ lột gần đến xương, để lại vết sẹo sâu hoắm rộng 10cm và dài từ gần sau mông xuống tận khủyu chân trái.
Cánh thợ săn kể: Đánh bẫy hay bắn được hổ, người ta thường kiểm tra ngay đôi tai con hổ đó, trên vành tai hổ có bao nhiêu lỗ bấm thì số người mà con hổ đó đã vồ sẽ tương đương. Bởi con hổ trước khi vồ người (chỉ vồ người nó mới làm như vậy) nó thường đưa vuốt lên bấm vành tai. Ở rừng Đông dương giáp Lào những năm 1960 của thế kỷ trước, một tốp thợ săn bắt được con hổ cụt cả 2 tai, con hổ được các tay săn hổ cự phách khẳng định là nó đã bắt rất nhiều người, nhưng khi đã cụt đến 2 tai, hổ sẽ không bắt người nữa vì khi sờ tai không có chỗ bấm nó sẽ bỏ đi.
Đặc biệt khi bắt được hổ sống hay bắn được hổ đã chết, người ta thường cắt phăng bộ râu "Ông ba mươi" bởi râu hổ rất độc. Những tay săn hổ thuộc hàng "cao thủ" ở Bolikhamxai của nước Lào kể rằng: Râu hổ sau khi đốt thành than, ngâm tẩm vào đầu mũi tên, bắn chết ngay lập tức những con vật to như gấu, hươu, nai, trâu, bò. Râu hổ vừa cắt nếu đem châm chích vào thân cây nho sẽ sinh ra loài sâu độc, chỉ một con sâu độc này ngâm rượu sẽ là thứ "rượu quý" được vua chúa ban cho tội thần, chạm đầu lưỡi là người to khỏe mấy cũng quay lơ tắt thở ngay. Với những người bị tổn thương ở bề mặt da, dù ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể mà bị râu hổ tươi chọc phải sẽ sinh ra sâu quảng, đau đớn cả đời với vết loét ngày một rộng và sâu hơn. Bệnh sâu quảng do râu hổ gây ra rất khó chữa khỏi, y học hiện đại bó tay, trong dân gian đã từng truyền tụng nhiều bài thuốc nhưng cũng chỉ làm chậm lại tiến trình thối da thối thịt mà thôi, có thể nói còn nan y hơn cả bệnh cùi hủi.
Nanh hổ cũng là thứ rất linh nghiệm, cả với người và các loài vật khác. Nếu bạn đeo nanh hổ trong người, đến nhà lạ cho không bao giờ dám sủa mà chỉ ư ử rồi quay đầu chạy "mất dép". Nanh hổ treo trong nhà, dù nhà ấy có nuôi cả đàn chó dữ hàng chục con thì cũng không con nào dám lai vãng vào nhà, chỉ chầu đến cửa là cụp tai quay lui. Có những con người thật, việc thật như anh Hoàng Sú D. ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Từ khi mới lọt lòng mẹ, cha anh vốn là thợ săn có tiếng của vùng đất Tuyên Quang, ông đẫ đeo vào cổ anh chiếc nanh con hổ do chính tay ông bắt được những năm chưa lấy vợ, anh D. lớn nhanh, hay ăn và đặc biệt không bao giờ ốm đau. Năm anh 10 tuổi, do bị ngã từ trên lưng trâu xuống bờ đá dốc nên anh phải nằm viện và phẫu thuật xương quai sanh bị gãy, người nhà anh tạm cất chiếc nanh hổ trên cổ anh, lạ thay anh ốm lử khử mãi không khỏi nhưng cũng không mấy ai để ý vì nguyên nhân nào. Sau khi anh xuất viện, chiếc nanh hổ được trả lại cho chủ cũ và anh khỏi ốm tức thì, từ đó không bao giờ anh D. rời chiếc nanh hổ - "Thần hộ mệnh" của anh nữa. Người ta cho rằng, hổ là chúa tể của muôn loài muông thú, thậm chí uy lực của hổ còn trấn ngự được cả những linh hồn người đã chết do nó ăn thịt, vì thế thần uy từ chiếc nanh hổ có thể hợp với người này nhưng lại không tốt đối với người khác, may mắn với người này nhưng lại là tai họa với người khác, rất khó biện chứng về tâm linh. Xương hổ nếu được dùng để gối đầu thì ngủ yên không chiêm bao thấy những sự ghê sợ, hoặc treo lên giữa cửa nhà sẽ trừ được ma quỷ.
Tuy nhiên, toàn thân con hổ được đánh giá rất cao về y dược, thậm chí được tôn sung là thần dược có thể chữa bách bệnh đối với con người. Đời Tống, theo sách "Bản thảo Nhật Hoa" cho rằng "Hổ tình" (tròng mắt hổ) chữa các chứng bệnh trẻ con như cam, giật mình khóc vì khách lạ, khóc dạ đề, an thần, định chí. Bị hóc xương, dùng xương hổ tán bột uống với nước lã (theo Ngoại Đài Bí Yếu), hoặc trị kiết lỵ ra máu, ăn không được đã lâu ngày, dùng xương hổ nướng vừa xém, tán bột uống (theo Trương Đại Trọng Phương). Trị trĩ, sa trực tràng, dùng xương bánh chè hổ tẩm mật ong nướng đỏ, tán bột (theo Thắng Kim Phương)... chữa trị các loại bệnh nan y sẽ rất hiệu nghiệm.
Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000-7.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 con hiện còn có mặt ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ... Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.