Lãnh tụ tinh thần Tây Tạng nói các quốc gia như: Hàn Quốc và Trung Quốc đều là quốc gia có truyền thống theo Phật giáo. Đức Dalai Lama đã bày tỏ sự cảm kích của ngài đối với cách thức người Hàn Quốc nghiêm túc tham gia nghiên cứu nhiều về Phật giáo.
Ngài nói, cũng như các tín đồ Phật giáo nói chung, ngài luôn muốn gặp gỡ các bạn Phật tử không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Myanmar và Sri Lanka, là những quốc gia mà ngài chưa từng đến trước đây. “Chuyến thăm Thái Lan cuối cùng của tôi đến Thái Lan, quốc gia Phật giáo khác, là những năm 1960, nhưng sau đó, tôi không thể đến đó nữa,” ngài cười nhẹ nói.
Đức Dalai Lama tặng một bức trướng của ngài Nagarjuna
cho Hòa thượng trưởng đoàn Tăng Ni, Phật tử Hàn Quốc
Hàng trăm Tăng Ni, Phật tử Hàn Quốc đã đến nghe Đức Dalai Lama thuyết pháp
Trong buổi pháp thoại ngắn này, ngài khuyên người Hàn Quốc nên là những Phật tử của thế kỷ 21 bằng việc tinh thông nền giáo dục khoa học hiện đại cũng như Phật giáo. “Như các đại sư của Đại học Nalanda ngày xưa, quý vị phải học hỏi và nghiên cứu kinh điển Phật giáo và thực hành những lời dạy ấy trong cuộc sống hàng ngày”, Đức Dalai Lama khuyến khích.
Đề cập đến các sớ giải do các đại sư của Đại học Nalanda Ấn Độ trước tác, Đức Dalai Lama nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu sớ giải của luận sư Nagarjuna về khái niệm tính Không và chú giải của luận sư Chandakirti về các trước tác của ngài Nagarjuna, là những bộ sớ giải mà các hành giả Phật giáo Tây Tạng sử dụng như là kinh điển chính nghiên cứu về tính không. Ngài nói trước tác của hậu thế sẽ là sự hỗ trợ vô biên trong việc hiểu biết về Biện chứng pháp Phật giáo v.v. Ngài cũng giải thích vắn tắt khái niệm của Phật giáo về Minh tâm (Clear Mind) trong việc làm phát sinh tâm từ bi và thực hành thiền phân tích.
Trong lúc tặng một bức trướng của ngài Nagarjuna cho Hòa thượng trưởng đoàn Tăng Ni, Phật tử Hàn Quốc, Đức Dalai Lama nói đại chúng sẽ trở thành học trò của các đại sư Đại học Nalanda. Các đại sư ấy đã chứng minh rằng, hành giả Phật giáo có thể kết hợp phương thức tiếp cận của khoa học trong việc nghiên cứu giáo lý Đức Phật. “Tôi 75 tuổi rồi nhưng tôi vẫn nghiên cứu kinh sách của các đạo sư Phật giáo vĩ đại”, ngài nói thêm.