Nhiều thành tựu Phật sự vượt bậc so với nhiệm kỳ trước trên đất Trà Vinh

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, chúc Tết 2022 đến Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Trà Vinh
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, chúc Tết 2022 đến Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Trà Vinh
0:00 / 0:00
0:00
GN - Hướng đến Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027, chư Tăng Ni, Phật tử tỉnh Trà Vinh tiếp tục nỗ lực giữ vững sự ổn định, đoàn kết đã có, đặt ra những mục tiêu phát triển, sáng tạo để phát triển các Phật sự, lợi đạo ích đời trong nhiệm kỳ mới.

Đoàn kết, ổn định tổ chức

Chia sẻ với báo Giác Ngộ, Hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Trà Vinh cho biết, điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ 2017-2022 của Phật giáo Trà Vinh đó là tiếp tục giữ vững sự ổn định nhân sự, đoàn kết Tăng Ni, Phật tử các hệ phái trong mọi hoạt động.

Thành phần nhân sự được kiện toàn với đầy đủ đại diện các tổ chức hệ phái: Bắc tông, Khất sĩ, Phật giáo Nam tông Kinh, Phật giáo Nam tông Khmer. Điều này đảm bảo sự cân đối và phát huy thế mạnh tổng thể của Phật giáo Trà Vinh trong nhiệm kỳ vừa qua. Từ đó, các hoạt động Phật sự được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Hòa thượng Thạch Sok Xane

Hòa thượng Thạch Sok Xane

“Trên tinh thần nghiêm túc thực hiện theo Thông tư 60/TT-HĐTS, ngày 26-3-2021 và gần nhất là Thông tư 004/TT-HĐTS, ngày 10-1-2022 về việc hướng dẫn tổ chức đại hội cấp tỉnh, thành, chúng tôi đã cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc, thống nhất ý kiến trong việc lựa chọn nhân sự cho nhiệm kỳ mới.

Trình độ, đạo đức, năng nổ trong các công tác Phật sự là tiêu chuẩn mà chúng tôi luôn ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, việc lựa chọn nhân sự luôn đảm bảo sự cân đối giữa các hệ phái và tuyệt đối không bỏ lỡ nhân tài.

Chúng tôi cũng đã trình lên Giáo hội xem xét và phê chuẩn thành phần nhân sự nhiệm kỳ mới với tổng số 63 vị, trong đó giới thiệu mới 24 vị, Phật giáo Nam tông Khmer có 27 vị, Phật giáo Bắc tông có 36 vị (có 6 vị Ni, 1 Khất sĩ và 1 Nam tông Kinh). Mặc dù có một số thay đổi về nhân sự vì lý do khách quan cận kề ngày tổ chức Đại hội nhưng về cơ bản đã được giải quyết”.

Hòa thượng Thạch Sok Xane,

Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Trà Vinh

Công tác chuẩn bị nhân sự kế thừa cũng được chú trọng với việc Ban Trị sự luôn giới thiệu Tăng Ni trẻ theo học các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước. Nhờ vậy trong nhiệm kỳ này, trình độ, năng lực điều hành của các thành viên trong Ban Trị sự được đánh giá rất cao so với trước đây.

“Chính sự chỉ đạo kịp thời của Ban Thường trực và sự đồng lòng của các thành viên Ban Trị sự mà các vấn đề còn tồn đọng trong nhiệm kỳ cũ đã được giải quyết một cách triệt để. Vấn đề liên quan đến một số ngôi tự viện trên địa bàn đã được xử lý ổn thỏa. Từ đó giữ vững tinh thần đoàn kết giữa các hệ phái, tự viện trong tỉnh”, Hòa thượng Thích Trí Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Trà Vinh cho biết.

Hòa thượng Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh cũng bày tỏ sự vui mừng vì trong nhiệm kỳ vừa qua, Phật giáo Trà Vinh đã xây dựng mới 13 tự viện (Bắc tông), nâng tổng số tự viện trên địa bàn lên đến 263 ngôi, bổ nhiệm 22 trụ trì và củng cố lại các cơ sở trước đây. Đây có thể xem là thành tựu chưa từng có đối với Phật giáo tỉnh Trà Vinh so với các nhiệm kỳ trước.

Cũng trong nhiệm kỳ vừa qua, các ngôi chùa như chùa Tà Ốt (huyện Cầu Kè); chùa Bà Giam, chùa Sala Pang (huyện Duyên Hải); chùa Char (huyện Trà Cú) được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Các lễ Chol Chnam Thmây, Sene ĐônTa, Ok Om Bok theo truyền thống dân tộc Khmer cũng được tổ chức thành công, góp phần giải quyết nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân nơi đây.

Thành công này đến từ việc chư tôn đức Ban Trị sự luôn lắng nghe, cùng nhau trao đổi, thống nhất ý kiến trong các hoạt động Phật sự. Sự đoàn kết, hòa hợp của các Hệ phái cũng như sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương sở tại cũng là yếu tố then chốt mang lại các thành tích nêu trên.

An sinh xã hội, giáo dục đột phá

Chính nhờ sự ổn định, đoàn kết đó mà công tác an sinh xã hội do Ban Trị sự điều hành đạt được thành tựu vượt chỉ tiêu đề ra. Nhiệm kỳ vừa qua, Phật giáo tỉnh Trà Vinh đóng góp kinh phí hơn 300 tỷ đồng cho công tác từ thiện, vượt mức so với 181 tỷ đồng của nhiệm kỳ trước đó. Hàng năm, Phật giáo Trà Vinh luôn phối hợp và ký kết với Ủy ban MTTQVN tỉnh trao tặng hơn 50 tỷ đồng đến quỹ an sinh xã hội của tỉnh.

Đặc biệt là trong năm 2021, Tăng Ni, Phật tử toàn tỉnh, dưới sự vận động của Ban Trị sự đã đóng góp hơn 60 tỷ đồng hỗ trợ phòng, chống đại dịch Covid-19. Đại hội tới đây, Ban Trị sự cũng sẽ trao tặng 20 tỷ đồng đến quỹ an sinh xã hội của tỉnh, góp phần đồng hành cùng với chính quyền tỉnh nhà trong công tác chăm lo đời sống của người dân.

Trong lĩnh vực giáo dục, Phật giáo tỉnh Trà Vinh cũng đánh dấu bước chuyển mình trong nhiệm kỳ vừa qua. Trường Trung cấp Phật học Trà Vinh đã có 2 khóa tốt nghiệp với số lượng 84 học viên. Các học viên tốt nghiệp, sau đó tiếp tục theo học tại các trường Cao đẳng Phật học Cần Thơ, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM hoặc theo học các văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, sau đó trở về trụ trì hay phục vụ trong Ban Trị sự tỉnh.

Năm 2021, Ban Trị sự cũng đã phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh mở mã ngành Tôn giáo học và hiện tại đang chiêu sinh Tăng Ni, các học viên trong và ngoài tỉnh theo học. Việc này góp phần giúp mọi người có cơ hội tiếp cận với đạo Phật nhiều hơn nữa.

Hòa thượng Thích Trí Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Trà Vinh

Hòa thượng Thích Trí Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Trà Vinh

Bên cạnh đổi mới cách thức đào tạo theo hướng hiện đại, chất lượng, theo Hòa thượng Thích Trí Minh, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo tỉnh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Trà Vinh cho biết, hiện nay, trường đang có phương hướng mở rộng quy mô đào tạo như ngoại ngữ, tin học, hành chánh văn phòng, nghi lễ… Điều đó không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản về Phật giáo mà còn để góp phần giúp học viên có thêm nhiều kiến thức thực tế để phục vụ các hoạt động xã hội sau này.

Riêng về giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh quản lý đều tổ chức các Ngữ văn, lớp sơ cấp, trung cấp Pali tại 143 ngôi chùa Nam tông Khmer trên địa bàn. Khung chương trình giáo dục được xây dựng phù hợp với từng cấp độ và tổ chức thi lấy bằng tốt nghiệp hàng năm.

Từ năm 2017 - 2022, trên toàn tỉnh đã có 2.276 lớp Ngữ văn Khmer với 50.831 học viên; 695 lớp sơ cấp Pali với 13.372 học viên và 85 lớp trung cấp Pali với 2.398 học viên. Riêng tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước lên đến 34 vị.

Trong thời gian đại dịch Covid-19, Hội cũng kịp thời chỉ đạo không thi tập trung như mọi năm mà theo từng điểm. Chính quyền chung tay lo chi phí cho các học viên, giáo viên cũng như chi phí tổ chức thi cử. Nhờ vậy mà vẫn đảm bảo các lớp học duy trì xuyên suốt, không bị gián đoạn.

Trên tinh thần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, phương hướng đề ra trong nhiệm kỳ VI (2017-2022), Tăng Ni Phật giáo Trà Vinh đã sẵn sàng mọi công tác để hướng đến Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh kỳ VII (2022-2027) diễn ra trong các ngày 8 và 9-4-2022 tới đây tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (25 Võ Nguyên Giáp, khóm 6, phường 7, TP.Trà Vinh).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cần phải thấy rõ, các duyên bên ngoài (có vật chất, ngũ dục) chỉ là những điều kiện cần, bình an trong tâm mới là điều kiện đủ cho hạnh phúc, cho chất lượng cuộc sống...

Hiểu đúng về “xả bỏ ham muốn”

GNO - Theo tôi được biết, đạo Phật dạy con người xả bỏ ham muốn, nhưng thực tiễn cuộc sống thì vẫn phải có ham muốn. Như vậy đạo Phật cho phép ta muốn gì và không muốn gì? Thế nào là muốn ít và biết đủ?

Thông tin hàng ngày