Nhớ những bờ giậu quê nhà

GN - Ở quê, để làm ranh giới phân chia giữa nhà nọ với nhà kia, người ta thường dùng những bờ giậu. Bờ giậu thường được đan bằng phên tre, cắm cọc tre hay cọc gỗ có giăng dây chão hoặc dây thép nhỏ. Thế nhưng, bờ giậu là các loại cây bụi, cây nhỏ được trồng là phổ biến hơn cả, và vì vậy, các hàng bờ giậu mộc mạc quê nhà đã trở nên rất đỗi thân quen với hết thảy mọi người đã từng sinh ra và lớn lên dưới mái tranh quê nghèo.

Khoảng mươi, mười lăm năm trở lại đây, khi đời sống kinh tế trở nên khá giả hơn, người dân quê ở hầu khắp mọi nơi đều “khai tử” chiếc bờ giậu bằng cách phá đi để thay thế vào đó những bức tường gạch cao. Quê tôi cũng không ngoại lệ, bờ giậu hầu như chẳng còn nữa; nếu muốn ngắm chúng, chỉ có cách duy nhất là tìm trong hoài niệm, hay qua các bức ảnh chụp khi xưa mà thôi.

TUONG VI.jpg

Ảnh minh họa

Nhớ lại thời ấu thơ nơi quê nhà, bọn trẻ chúng tôi có biết bao kỷ niệm nơi các bờ giậu thân thương. Nhà tôi có khoảng đất rộng tới gần 2 sào, bao bọc xung quanh là một bờ giậu rất dài. Các cây được trồng để làm hàng rào ngăn cách với các nhà hàng xóm là thèn đen, duối, thanh táo, ô rô…

Đoạn phía tiếp nối với hai bên cổng là khoảng phên đan tre được bố trồng thêm các dây leo bám vào khiến cho không gian sát khoảng sân thêm mát mẻ, thơ mộng. Bờ giậu được ken cây nên các lỗ hổng vẫn có và không ít lần tôi vượt rào sang nhà hàng xóm chơi mà không phải đi lối cổng chính. Bọn trẻ hàng xóm cũng vậy, chúng sang nhà chơi cột, chơi kèo với tôi cũng toàn đi tắt như vậy.

Cũng vì rào thưa như thế mà đàn gà vẫn “giao lưu” giữa vườn này với vườn kia thường xuyên. Thi thoảng mẹ mua hạt cải, hạt rau thơm về gieo trong vườn, tôi luôn là người vất vả nhất, bởi bao giờ mẹ cũng sai dùng các bó rơm, hay các thân cây ngô khô ken chặt các lỗ hổng của bờ rào để gà hàng xóm không sang phá rau. Thế nhưng, dù có ken chặt, có lấp hết lỗ hổng của bờ giậu thì bọn gà ma mãnh vẫn “vượt” sang như thường, bởi chúng không ngại bay qua các đoạn bờ giậu chỉ cao chưa đầy 1 mét.

Mùa hè, những cây bụi ở bờ giậu thường ra hoa kết trái và bọn trẻ chúng tôi vẫn hay la cà ra đó để hái quả ăn. Quả duối chín vàng, quả thèn đen chín màu tím ngắt đều có vị ngọt ngào đến khó quên. Chúng tôi thường ngồi dưới tán duối để ăn đến ngán mới thôi. Các đoạn bờ giậu có hoa thanh táo tim tím pha trắng cũng là nơi bọn trẻ hay lui tới, bởi loài hoa này có vị ngọt thơm nơi phần cuối đài hoa, nên đứa nào đứa nấy tranh nhau bứt hoa để mút phần nước ngọt ngào ấy.

Rồi nữa, những cây duối ở bờ giậu là nơi chúng tôi vẫn hay đến chặt nhựa hứng vào mảnh vỏ trai và chưng lên làm keo đi chấm ve. Vườn cây xum xuê, bờ giậu cây cối xanh mướt như vậy nên các loài chim muông về tụ hội rất đông, những trưa hè oi ả mắc võng nằm dưới khu vườn nghe chim hót mới tuyệt làm sao. Tuổi thơ tôi đã trải qua biết bao nhiêu những trưa hè như thế, nó đẹp đẽ, êm đềm mà đến tận bây giờ tôi vẫn như cảm thấy nó mới ở ngày hôm qua.

Bờ giậu quê không chỉ có tác dụng làm hàng rào ranh giới giữa nhà nọ với nhà kia, ngăn gia cầm, gia súc phá cây cối, rau màu…, mà nó còn là nơi các bà, các mẹ, các chị dùng để phơi chăn, phơi chiếu những hôm trời nắng. Nhà tôi còn tận dụng bờ giậu để phơi cả rơm lên phía trên khi mùa gặt bộn bề và khoảng vườn sân không đủ chỗ phơi. Mùa thu hoạch ngô, mẹ tôi cũng hay tận dụng bờ giậu để dựa thân cây ngô cho khô, dùng làm chất đốt đun dần trong mùa đông giá rét.

Trở lại quê nhà bây giờ, nhà nào cũng kín cổng cao tường, tôi thấy lòng bùi ngùi khi hình bóng của những bờ giậu mộc mạc, thân thương đã không còn nữa. Có thể trẻ con bây giờ đều không biết bờ giậu là thế nào, bởi trước mắt chúng là những bờ tường gạch cứng, khô khốc vô hồn, nhưng với những người đã từng có những năm tháng gắn liền với những chiếc bờ giậu như vậy chắc hẳn đều thấy nao lòng, thấy nhớ nhung, thấy yêu và hoài niệm như tôi…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày