Nhớ thầy là nhớ Pháp

Kính dâng Giác linh Hòa thượng Thích Phước Đường

GN - HT.Thích Phước Đường, UV HĐTS GHPGVN, Chứng minh Hội Phật tử VN tại Pháp, Viện chủ chùa Trúc Lâm (Paris) vừa viên tịch hôm 12-7-2017. Hòa thượng, với hạnh từ ái của một vị thầy, đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong cộng đồng Phật tử VN ở hải ngoại. GN lược trích giới thiệu những lời tưởng niệm về Hòa thượng, của một trong những Phật tử gắn bó với các sinh hoạt tâm linh tại ngôi chùa VN trên đất Pháp.

.....................

Kính thưa Thầy,

Sự ra đi đột ngột và nhanh chóng của thầy, ngoài sức tưởng tượng của chúng con là một bài học về Vô thường mà thầy đã nhắc nhở chúng con.

Ngọn gió Vô thường luôn thổi đến một cách bất ngờ, không ai chờ, không ai đợi, không ai mong mà nó vẫn thản nhiên ùa đến và kéo ta đi. Tất cả đều phải bỏ lại, cái thân vật chất, hay tài sản đã gom góp, thừa hưởng và cả cái “thân” tinh thần, không vật chất như danh vọng, sự nghiệp. Tất cả những gì chúng ta yêu quý hay ghét bỏ, người hay vật, danh hay lợi đều cũng phải bỏ lại như  nhau.

IMG_5730.jpg


Giác linh đường - tôn trí di ảnh, bát hương tưởng niệm cố HT.Thích Phước Đường

Sự ra đi của thầy nhắc nhở chúng con đừng quên bài học về Vô thường này. Tuy Vô thường hiển hiện ngay trước mắt, kề sát bên mình nhưng chúng con vẫn thường quên nó để đắm say vào những lạc thú và danh vọng ở đời. Tuy nơi bài kinh “Chuyển pháp luân” mà thầy vẫn muốn chúng con thường xuyên đọc tụng, Đức Phật đã hỏi: “Này các Tỳ-kheo, Vô thường là khổ hay vui?”. Và các Tỳ-kheo đã trả lời : “Bạch Thế Tôn, là khổ”, vậy mà chúng con vẫn luôn tìm cách sống mà quên Vô thường, sống mà quên cái ngày rồi phải rũ áo ra đi, chỉ có bỏ lại mà không thể giữ lại gì được. Chúng con mải miết sống u mê như thế.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, chúng con đã có may mắn được gặp thầy, hầu cận thầy, được nghe thầy nói, nghe thầy giảng và cả nghe thầy hát. Vậy mà chúng con vẫn tối tăm, si mê dày đặc! 

Nay thầy đã rời xa chúng con, còn lại gì để chúng con nhớ đến thầy? Ôi! Thật là quá nhiều bài học mà chúng con cần phải ghi nhớ và ôn đi ôn lại trong tâm khảm.

Thầy đã dạy cho chúng con quá nhiều điều và đó cũng là tất cả Pháp mà Phật đã từng dạy. Thầy không cần đến văn chương bóng bẩy, chữ nghĩa dông dài, phức tạp, cao siêu. Ôi! Mà chính thầy mới thật là cao siêu vĩ đại khi thầy thản nhiên phát biểu trước đám đông: “Tôi thật chẳng biết gì mà nói, cũng chẳng văn hay chữ tốt, thuở xa kia tôi chỉ lo chuyện làm xì dầu!”.

Khi nghe đến lời thầy như thế thì chúng con như nghe tiếng sấm tiếng sét đang hét vào tai: “Đã nhận ra bậc thầy chân chính chưa? Hãy quỳ xuống và lạy thầy đi!”.

Chúng con xin muôn đời ghi nhớ bài học vĩ đại mà thầy đã nói tuy rằng chẳng nói một lời!

Bởi vì chính nơi cách sống của thầy mà chúng con nhận ra những bài học, những bài Pháp quý giá.

Nơi thầy, chúng con đã học được hạnh Bố thí. Không một ai đến chùa gặp thầy, là đứa bé hay người già cả, mà ra về tay không. Lúc nào cũng có một trái cây, một gói bánh, một cuốn kinh, hay bất cứ gì mà thầy có thể làm quà được.

Nơi chùa ai cũng biết thầy khiêm nhường, nhẫn nhịn mọi điều, ai thương, ai ghét, ai nói nặng, ai nói nhẹ, ai kính, ai bất kính, ai phê bình, ai chỉ trích, thầy đều im lặng nhận hết. Đây, thầy đã dạy cho chúng con bài học về hạnh Nhẫn nhục.

Đối với mọi người, thầy không có lòng bỉ thử. Ai có ghét thầy, thầy cũng không hề ghét lại. Ai đau khổ, thầy tận tình lắng nghe, an ủi, khuyên lơn, chỉ bảo. Đây, chúng con lại học được hạnh Từ bi của thầy. Đúng như lời Phật dạy trong kinh Từ bi :“Không bỏ sót một hữu tình nào, cầu cho tất cả đều an lạc”.

Trong một khóa tu mà thầy đã hướng dẫn chúng con, thầy nhắc nhở đừng quên nguyện cầu Bồ-tát Quán Âm, lúc nào đang gặp khổ, gặp nạn, cứ nhất tâm đặt lòng tin vào Ngài thì chắc chắn sẽ thoát khổ thoát nạn. Và thầy cũng khuyến tu theo hạnh Từ bi và Lắng nghe của vị Đại Bồ-tát này. Hạnh Lắng nghe này rất thâm sâu mà chúng con cần phải học hỏi nhiều hơn nữa để hiểu cho hết, cho thấu đáo tấm lòng bao dung, hiền lành, chân thật cùng với các hạnh nguyện ứng thân cứu độ và ban cho sự không sợ hãi của Ngài.

Thầy từ bi nhưng thầy cũng rất mực nghiêm khắc, làm việc với thầy không thể dể duôi, không thể làm cho có, cho xong, cẩu thả, không cẩn thận, không suy tính. Cho dù có mệt, có bệnh, thầy cũng không than không rên, cho dù trời nắng trời mưa, cho dù nóng nực hay giá rét, thầy vẫn không ngừng công việc, cho dù là chăm sóc vườn tược, hay những thời công phu, nghi lễ phải thực hành, thầy không hề ngừng nghỉ. Thầy đã làm gương cho chúng con như thế, điều này bắt buộc chúng con phải biết cố gắng và siêng năng. Đây, thầy đã dạy cho chúng con hạnh Tinh tấn.

Thầy ăn uống giản dị, đạm bạc, không tìm cầu món ngon của lạ. Nơi thầy yên giấc, một chiếc giường cỏn con, một chiếc nệm mỏng manh. Bàn ghế, tủ, kệ, vật dụng thầy dùng cũng rất đơn sơ, giản dị, bình thường không phải loại quý giá, đắt tiền, kiểu này kiểu nọ. Đây, thầy đã dạy cho chúng con bài học của sự trì giới. Điều phục các giác quan, xa lánh dục lạc ở đời.

unnamed (1).jpg


Lễ tưởng niệm HT.Thích Phước Đường tại chùa Trúc Lâm, Paris - Ảnh do BTC cung cấp

Thầy rất xem trọng việc quy y Tam bảo, không phải chỉ quy y một lần là xong, là quên, là bỏ đó. Thầy thường nhắc nhở chúng con nương tựa Phật, nương tựa Pháp, nương tựa Tăng, sự nương tựa nơi Tam bảo là từng giây từng phút, là từng giờ từng khắc. Dính chặt và in sâu vào tâm thức. Như vậy, đời đời kiếp kiếp không lo sợ sai đường lạc lối. Cũng thế, thầy vẫn thường nhắc nhở chúng con giữ gìn Năm giới, để không còn phải sợ đọa vào ba đường ác.

Thầy còn có một trí nhớ vượt bực. Thầy không hề quên ai, dù đã gặp rất lâu xa về trước và không có dịp gặp lại nhưng thầy vẫn nhớ mặt, không quên tên và cả những chi tiết, những câu chuyện thầy đều có thể nhắc lại không hề sai sót. Phải chăng định lực của thầy quả là thâm hậu ? Và trí tuệ của thầy chúng con cũng không thể nào lường được cho dù thầy luôn luôn khiêm tốn, không văn chương, không khoe khoang chữ nghĩa hay tài ăn nói, giỏi biện luận.

Pháp Phật đã hiển hiện và thể hiện nơi thầy. Qua bóng dáng hiền hòa của thầy. Nhớ đến bóng dáng thầy là chúng con dốc lòng nhớ đến Pháp mà thầy đã dùng thân giáo để giáo hóa chúng con.

Hôm nay, tuy rằng từ đây vắng bóng thầy nơi ngôi chùa thân yêu nhưng thầy đã để lại những bài học quí giá về Phật pháp mà chúng con nguyện từ đây tu học và noi theo. Đó chính là nhớ thầy là nhớ, là nghĩ đến Pháp. Nơi thầy đã có Pháp và nơi Pháp vẫn luôn có bóng dáng của thầy.

Nhật Duyệt - Lê Khắc Thanh Hoài

(Trúc Lâm thiền viện, Paris ngày 19-7-2017,
Lễ tưởng niệm Giác linh Hòa thượng Thích Phước Đường, Viện chủ chùa Trúc Lâm Paris)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày