Có bóng lá xanh của rặng tre quê nhà đung đưa trong tiếng chuông hiền thoảng hơi gió dịu, đôi khi hiện ra như bàn tay mát nhẹ ân cần vỗ về trên những giằng xé của vọng tưởng đa đoan. Những ngôi chùa một huyện trung du nghèo, của một tỉnh nghèo miền Trung trong một ngày nắng oi bức ngột ngạt, đã cho ký ức "sống lại" mấy mươi năm trước.
Chùa quê. Những mái chùa quê...
Đoàn hành hương đến thăm các chùa ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam) Ấy là hôm mùng sáu tháng Bảy âm lịch mới đây, khi được đi theo đoàn hành hương cứu trợ của chùa Tường Quang (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) đến thăm mười ngôi chùa thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Với bản thân người viết, đây là lần đầu tiên, nhưng với những Phật tử trong đạo tràng của Thượng tọa Thích Minh Cơ, đây là việc đã thành nề nếp: từ nhiều năm nay, bà con đều chung lòng chung tay, mỗi năm hai lần vào dịp tháng Tư, tháng Bảy âm lịch, về thăm các chùa vùng xa vùng sâu trong tỉnh. Quà tặng là những món lương thực, thực phẩm thiết yếu và một số tiền không lớn, được góp từ những Phật tử mà đa số cũng không phải thuộc tầng lớp nhiều tiền. Thực xúc động khi chứng kiến những lời nói, những cử chỉ giản dị của hai bên người trao - người nhận. Tất nhiên là không dài dòng, vì chính bản thân của sự việc và cũng vì thời gian không cho phép: đoàn phải đi đến mười ngôi chùa trong vòng sáu - bảy giờ đồng hồ mà lối đến những nơi ấy hầu hết nằm sâu trong những con đường quê nhỏ hẹp. Sau khi ghé điểm đầu tiên là chùa Hương Xuân, đoàn đến thôn 5 xã Quế Cường. Nơi đây, Xuân Lư là một ngôi chùa mới xây, chánh điện tạm thời giống như một nhà dân bình thường nhỏ bé. Dưới ánh nắng bắt đầu gay gắt, bức tượng Quán Thế Âm sáng ngời giữa khoảng cát trắng như biểu hiện cho niềm tin của những người dân quê nghèo trên một vùng đất trơ trụi. Lại một nơi khác, chùa Hương Quế với diện tích ngôi chánh điện khoảng 20m2, khiến cho việc đảnh lễ của đoàn Phật tử (khoảng 100 người) kéo dài khá lâu. Xuân Phước, An Xuân và một vài nơi khác, chùa không có tu sĩ. Chợt nhớ, trong bản báo cáo của Ban Trị sự tỉnh Giáo hội Phật giáo năm 2002, cả tỉnh chỉ có 84/252 ngôi chùa là có tu sĩ. Năm năm sau, có thêm sáu nơi có Tăng - Ni (?). Chùa thất tịnh viện ở vùng quê Quảng Nam - một địa phương phải gánh chịu nặng nề sự khốc liệt của chiến tranh - phần lớn bị hủy hoại. Mấy mươi năm sau khi im tiếng súng bom, việc trùng tu - xây mới cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng cũng chính từ thực tế ấy, mới thấy nhu cầu tinh thần và tín tâm của người dân trên vùng đất này đáng trân trọng biết bao. Những tín đồ này không có nhiều hiểu biết về phần giáo lý cơ bản trong điều kiện thiếu người hướng dẫn và thiếu kinh sách nhưng lòng tin của họ là có thực. Đấy là gì, nếu không là sức sống của chân lý mà Đức Thế Tôn đã truyền trao, trong quá trình phát triển - tồn tại của đạo Phật, hòa quyện cùng dòng chảy văn hóa dân tộc. Thực tế ấy, chẳng lẽ lại không đặt ra những câu hỏi và câu trả lời đối với Giáo hội? * Trước cổng một ngôi chùa quê Một ngày mệt mỏi vì di chuyển liên tục dưới cái nắng nóng nung người rồi cũng qua đi. Trong niềm vui chia sẻ. Lẽ nào, niềm vui không phải là sự cảm thông. Và buổi trưa, khi nghỉ chân dưới bóng mát của tán lá xanh im trước sân chùa Phú Phong, ngôi chùa lớn nhất trong chuyến đi này (thực ra, cũng chỉ là một ngôi chùa nhỏ với ngôi chánh điện khoảng 50m2 và khoảng sân phía trước cùng dãy nhà mới xây bên cạnh), lòng không khỏi có ít nhiều liên tưởng. Về những khái niệm nhỏ - lớn, thành - hoại và những chân - giả, còn - không... của đời. Cũng là của Đạo. Nhưng, nét mặt và ánh mắt những cháu Phật tử chân phác ở chùa Thạch Khê, vệt mồ hôi trên lưng áo những Phật tử chắp tay đảnh lễ trước tượng Quán Thế Âm giữa trời nắng gắt và cả đôi chú gà thơ thẩn bên mấy vồng khoai sắn cằn cỗi... bỗng dưng chợt dẫn dòng liên tưởng chạy về ngôi chùa của buổi ấu thời nơi chốn quê làng mấy mươi năm trước... Để chợt hiểu ra rằng, tất cả những gì đã qua và đang tồn tại - mất đi bỗng hóa thành một thực hữu trong chính lòng mình: ngôi - chùa - bên - trong của mỗi người mới là lâu bền mà nơi ấy, tiếng-chuông-không-lời vẫn không ngừng gửi vào hư không có thực...