Một góc Địa Tạng Phi Lai - Ảnh: Vũ Thái
Bí mật trong lòng Phi Lai
Thôn Ninh Trung xưa có tên gọi là thôn Đùng - lấy theo tên gọi của chùa Đùng - ngôi chùa to và rộng tới cả hơn 100 gian. Tuy nhiên theo thời gian kiến trúc cảnh quan bị bào mòn, không được tu tạo, cây cối mọc hoang vây kín nên chùa Đùng dường như bị bỏ quên, xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 12-2015, ĐĐ.Thích Minh Quang về tiếp nhận, tu tạo, xây dựng và đổi tên chùa thành Địa Tạng Phi Lai.
ĐĐ.Thích Minh Quang cho biết: “Theo lời kể của dân làng và qua tìm hiểu, chùa Đùng được xây dựng khoảng thế kỷ X với 120 gian chùa cổ. Rất nhiều đời vua chúa đã về đây. Đến thời nhà Nguyễn, vua Tự Đức có về đây cầu con, và khi xuống đến chân núi, nhà vua có nói: Phi lai. Nghĩa của từ này khá rộng, có thể hiểu là sẽ quay trở lại, cũng có thể sẽ không bao giờ quay trở lại nữa. Chùa được đặt tên mới là Địa Tạng Phi Lai tự - có nghĩa là Đức Địa Tạng Vương Bồ-tát luôn luôn đến nơi này, cũng có thể Đức Địa Tạng không bao giờ đến nơi này. Mà, nơi nào Đức Địa Tạng không về thì nơi đó thành Phật rồi”.
Dãy Phi Lai uốn lượn hình vòng cung, thế ngai vàng, ôm trọn không gian chùa Địa Tạng - Ảnh: Hải Nam
Cũng theo Đại đức, trên đỉnh Phi Lai có tháp Phổ Đồng - là nơi yên nghỉ của hơn 40 đời Tổ sư được xây dựng vào thời Lý - Trần. Dưới chân tháp, phía tiếp nối sau làng Đùng là làng Tháp. Người dân vẫn truyền nhau về tên gọi của làng Tháp xuất phát từ việc tháp Phổ Đồng được đặt trên đỉnh núi cao, khi nắng chiều chiếu vào đỉnh tháp thì bóng tháp đổ xa vút tầm mắt, ra khỏi làng Đùng chạm sang làng bên cạnh, nên làng bên cạnh đó được đổi tên là làng Tháp.
Sau chiến thắng quân Chiêm Thành, các tù binh được đưa về chùa Đùng xây dựng tháp, nên gạch ngói nơi này mang kiến trúc Chăm-pa rõ rệt. Nhiều mẫu gạch cổ sau mưa gió phát lộ, thi thoảng vẫn được sư thầy và các chú tiểu ở chùa tìm thấy và lưu giữ cẩn thận. Đến nay, số lượng cổ vật phát lộ và tìm thấy trong quá trình xây dựng chùa tương đối nhiều, cảm được ý các bậc tiền nhân đi trước muốn nói với các thế hệ hậu sinh về lịch sử ngôi chùa, lịch sử mảnh đất Thanh Liêm để không bị mai một, sư thầy trụ trì mới trưng bày những cổ vật này trong gian trà thất nhỏ ở chùa, cho ai có duyên về chùa thưởng trà cùng chiêm ngưỡng.
Chân tháp Phổ Đồng - nơi lưu nhục thân của 42 đời sư tổ - Ảnh: Đình Khoa
Những cổ vật triều đại Lý - Trần lên tiếng
Câu chuyện về các cổ vật tìm thấy ở chùa Đùng với nhiều tín hiệu lịch sử thú vị đã khiến nhà sử học Lê Văn Lan tìm về để khám phá vào một ngày mùa thu 2018. Với những vết tích là bia đá và các cổ vật tìm được, ông Lan tin tưởng đây là ngôi chùa cổ có đến cả nghìn năm tuổi và hé lộ thêm nhiều điều đặc biệt về mảnh đất Thanh Liêm.
Theo nhà sử học, mảnh đất này được nhắc đến trong cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi với tên gọi Đọi, Điệp (tức Điệp Sơn, Đọi Sơn), và được đánh giá là phên giậu phía Nam của kinh đô Thăng Long nhờ địa thế giữa đồng bằng mà đột khởi lên trùng điệp cả dãy núi. “Chỉ với con mắt quân sự bình thường thôi cũng thấy đây là đất dụng võ, là nơi hội tụ tinh anh của đất trời. Đặc biệt là nơi rất thuận lợi để xây dựng các công trình tôn giáo tín ngưỡng…”, ông Lan nói.
Tượng Garuda, ngói mũi hài, chân tảng hoa sen... được tìm thấy tại chùa - Ảnh: Đình Khoa
Các mẫu gạch ngói tìm thấy được ở Địa Tạng Phi Lai tự gồm: Gạch in hình hoa sen, ngói mũi hài, các viên gạch hình rồng, hình thần chim Garuda, bia đá viền khắc hình công phượng và người Việt xưa, cùng nhiều đồ gốm sứ khác.
Sau khi thẩm định, nhà sử học kết luận: “Ở đây chúng ta đang có 2 bộ phận của linh vật, cổ vật. Đó là những vật thực tế đã sống, đã làm những việc trong lịch sử, trong văn hóa - và những vật là mô hình thu nhỏ từ thời Lý - Trần”.
Với những viên ngói hình mũi hài, ông Lan nhận định đây là vật thật, có chiều dài từ 45-50cm như thế này sẽ là bộ phận của hệ thống các kiến trúc đồ sộ. Cột, móng của những kiến trúc này phải to, chắc chắn thì mới đỡ được hàng nghìn viên ngói to và nặng vậy. Những viên ngói này có thể giúp các nhà nghiên cứu phục dựng lại những công trình 7 gian, 9 gian với những bước gian mà theo kinh nghiệm ông Lan đào được trong Hoàng thành Thăng Long thì nó phải từ 3m - 3,2m.
“Thực tế một hoặc là một hệ thống những công trình kiến trúc chắc chắn thuộc văn hóa cung đình với khoa học kỹ thuật đặc trưng ở mức cao nhất trong bước phát triển của dân tộc đã làm được ra nó. Vừa rồi chúng tôi đã tìm thấy dấu vết của những tháp 5 tầng, 7 tầng như thế ở Côn Sơn, chỗ ở của cụ Nguyễn Trãi và của tể tướng Trần Nguyên Đán - thế kỷ XIV. Những tháp đó có mô hình của tầng cấp, bệ đỡ và những chân tảng như thế này. Những tảng đá chúng tôi đào được thường có kích thước đến 1m, nên đường kính của những cột chồng lên nó phải chừng 80 phân. Dựa vào chân tảng đào được ở chùa Đùng thì có thể tính ra đây là mô hình của tháp với những cột dựng đứng bên trên có độ cao 7-8 phân, tức là mô hình của nó rất trung thành với nguyên mẫu.
Ở chân tảng này có hình các cánh sen, chứa đựng tín hiệu để nhận diện niên đại rất rõ ràng: cánh sen có cái mũi nhọn mà hất lên là cánh sen của thời Lý-Trần. Nếu mũi cánh sen ngang ra, hoặc hơi chúc cúi xuống thì là của thời Lê thế kỷ XV. Còn ở chùa Địa Tạng Phi Lai, chúng ta thấy mũi cánh sen hất lên, có thể khẳng định chắc chắn đây là dấu vết từ thời Lý - Trần, rơi vào từ thế kỷ XI-XIV của dân tộc”, nhà sử học Lê Văn Lan phân tích.
GS.Lê Văn Lan khảo sát các di chỉ cổ được phát hiện - Ảnh: Đình Khoa
Bên cạnh mẫu hoa sen, những hình rồng và hình thần chim Garuda tìm thấy trên đỉnh núi sau chùa được nhà sử học đặc biệt quan tâm. Ông cho biết những viên mang hình thần chim Garuda là bộ phận của các tòa tháp, tượng trưng cho vũ trụ, xuất hiện những con vật thiêng đội lên mặt đất, và trên mặt đất một tầng, hai tầng ấy là cuộc sống con người.
“Đây là mô hình của tháp mà theo vũ trụ luận, vũ trụ quan của Phật giáo thì gốc của nó là Chiêm Thành. Gốc Chiêm Thành lại từ Chân Lạp (tức Khmer). Chân Lạp lại lấy gốc từ Ấn Độ. Như vậy gốc của những vật chúng ta đang thấy ở đây nó là mô hình thu nhỏ của một cuộc phiêu lưu cả trên không gian và qua thời gian lịch sử: Ấn Độ - Chân Lạp - Chiêm Thành - Đại Việt”, nhà sử học cho biết.
Vùng đất thiêng nhiều công năng
ĐĐ.Thích Minh Quang cho biết nằm trong khu vực khuôn viên chùa còn tìm thấy một bãi đất mà theo người dân, Lê Hoàn (tức vua Lê Đại Hành) từng tập trận tại đây. Nhà sử học Lê Văn Lan nói điều đó là có thể, vì bố của Lê Hoàn là cụ Lê Đột quê cũng ở Hà Nam, và trong lịch sử Việt Nam, vua Lê Đại Hành là ông vua đầu tiên đi cày tịch điền ở Đọi Sơn vào năm 974. Từ khu vực Đọi Sơn dẫn sang khu vực huyện Thanh Liêm không quá xa và cùng liền một dải núi tạo thế vững chãi nên việc nhà vua chọn đây làm khu vực tập trận là điều có thể lý giải được.
Theo ông Lan, Thanh Liêm là vùng đất thiêng, là đất dụng võ, có nhiều công năng, chức năng như: lánh giặc, đánh giặc, chôn giấu của cải. Đặc biệt là nơi xây cất các công trình tôn giáo, tín ngưỡng - và đây mới là việc chính được các nhà vua đặt ra mục tiêu trong lịch sử. Các công trình tôn giáo tín ngưỡng như thế này tập trung vào Đại hùng bảo điện, nhà Tổ và các tháp.
Một góc bình yên nhìn từ trà thất tại chùa - Ảnh: Đình Khoa
“Từ các cổ vật, linh vật tìm thấy ở chùa Đùng, có thể kết luận ở đây đã xuất hiện các công trình chùa tháp từ thời Tiền Lê (thế kỷ X), thời Lý (thế kỷ XI-XII), thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), và những miếng gốm sứ có men, có nền màu trắng, hoa văn màu xanh là đặc trưng màu men thời Lê (thế kỷ XV)”, ông Lan nhận định.
Nhà sử học đặc biệt đề cao thông điệp từ những hình tượng lá đề, bên trong là hình rồng, được đặt ở trước cửa gian thờ Đức Thánh Hiền và ốp trên tường đá ở chùa. Theo ông, lịch sử dân tộc từ xưa đến nay đều đã chứng minh: Đạo Phật luôn đồng hành và góp phần vào việc gìn giữ, bảo vệ cho sự phát triển, thăng hoa của Tổ quốc và dân tộc.
Chùa hiện nay là điểm tu dưỡng tinh thần của nhiều bạn trẻ - Ảnh: Vũ Thái
Nhà sử học quan tâm và quyết tâm của người làm khoa học: “Với một buổi tìm hiểu và nghiên cứu này, tôi không thể tìm ra hết những giá trị lịch sử của vùng đất Thanh Liêm và lịch sử liên quan đến Địa Tạng Phi Lai tự. Chắc chắn tôi và các cộng sự, các học trò xin phép sư thầy được lấy đây làm chỗ đi về nhiều lần nữa, khi đó mới nói được, hiểu được thấu đáo, cặn kẽ về giá trị của những dấu tích còn sót lại từ thời Trần, thời Lý cùng nhiều tín hiệu lịch sử khác”.