Những “cuộc chơi” đáng phục

GN Xuân - Một vị thiền sư từng nói: “Chẳng biết rong chơi miền Tịnh độ/ Làm người một kiếp cũng như không”. Cuộc đời như một cuộc chơi, người ưa phiêu lưu mạo hiểm, người thích thận trọng, kẻ luôn tuân thủ “luật”, kẻ lại theo chủ nghĩa “bất cần”, mỗi đối tượng lại có một cách vận hành cuộc chơi với những thể cách khác nhau…

trang 3.jpg

Với đặc tính vô thường, mọi tình huống đều có thể xảy ra mà chẳng ai chắc chắn biết trước được. Bởi vậy, mỗi người lại có một cách ứng phó rất riêng theo chất liệu sống mà mình đã huân tập. Nhân ngày xuân, xin lược kể 3 câu chuyện từ cuộc sống rất thực và đời thường…

 “Biết đủ là vui”

Ông Nguyễn Hoàng Tùng.jpg

Ông Nguyễn Hoàng Tùng

Và đó là cách vận hành cuộc đời của một trong những người sở hữu bộ tem lãng mạn nhất Sài Gòn, người chỉ lấy “đối thoại im lặng” cùng những con tem làm niềm vui đủ, ông Nguyễn Hoàng Tùng (1946?).

Sinh trưởng trong một gia đình thuộc hàng khá giả thời ấy, nên từ hồi còn học trung học cho đến năm 18-19 tuổi, ở Sài Gòn, ông đã từng có một dạo sống khá phóng túng, theo đúng phong trào hippy (một trong những trào lưu nổi cộm được du nhập từ Mỹ lúc bấy giờ). Tuy nhiên, trước nhiều sự can ngăn của bạn bè và cũng không hiểu cơ duyên nào, “mình nhận ra mặt xấu của việc mình đang làm, rồi quyết tâm bỏ” - ông chia sẻ. Song, quyết định dừng lại trước những cám dỗ, dường như còn chưa đủ thời gian để ông kịp sắp xếp lại cuộc sống của mình, thì biến cố lúc này mới thật sự ập đến với ngôi nhà tưởng chừng sắp được yên bình.

Cả gia đình ông, ba bốn anh em cùng mẹ, đều nương tựa vào nguồn thu nhập chính từ người cha. Bởi vì vậy, đến chừng khi cha ông mất đi, căn nhà vốn đầy đủ điều kiện, bỗng chốc suy sụp tinh thần và lao dốc nhanh chóng. Tiền dành dụm được, không bao lâu cũng cạn hết, ông nói: “Từ chỗ sống an ổn, đến chỗ phải lo lắng miếng ăn hàng ngày, mình thật choáng váng muốn buông thả tất cả. Rồi tự nhiên duyên may đến với mình, giúp mình biết rằng, mọi sự ở đời đều xảy ra trong vòng nhân quả và vô thường, có đó rồi mất đó”. Từ chỗ này, cạnh người bạn thân tên Chúc của ông, ở sân chùa Xá Lợi, tìm thấy cho mình lối thoát, lối thoát khỏi định nghĩa “cái đủ” của thế gian để nhìn thấy “cái đủ” của chính mình: “Những gì cao siêu thì mình không hiểu thấu, chỉ áp dụng bốn chữ: vui vẻ tùy duyên, mà ở với đời cho đến nay, thấy nó nhẹ nhàng hẳn”.

Và quả thực, ít ai ngờ, con người có dáng hình nhỏ bé, đã bỏ xa cái tuổi lục tuần, ngày ngày trên chiếc xe đạp cũ kỹ ra phố, lại là Tùng của cái thời hippy. Ông của bây giờ, là “bác Tùng” (cách bạn bè gọi thân mật) của chỉ riêng thế giới tem, với sự ngắm nhìn, những ước mơ rất lãng mạn mà ông đặc biệt chắp cánh cho từng con tem của mình. Và lý do ông đến với tem được người bạn thân kể lại, chỉ đơn giản là ông muốn có cái gì đó để gắn bó, một cái gì mà theo ông không làm mình phải áy náy lương tâm và đặc biệt là không đụng chạm đến miếng ăn của người khác.

Rồi vui khi lấy tem làm bạn, ông trải suốt hơn 40 năm cuộc đời ở cái sạp nhỏ, khiêm tốn, tựa mấy sạp bán báo lề đường, nằm nhích tới nhích lui góc trường Collete, có khi thì khoảng đường Hồ Xuân Hương - Nguyễn Thông - Bà Huyện Thanh Quan. Sạp này do một người sưu tầm tem có tiếng mở ra, để bán thì chừng chút ít thôi, chủ yếu là để giao lưu, trao đổi tem bưu chính. Ông như vậy, được thuê làm ở đây với cái giá ba trăm ngàn đồng mỗi tháng, tức chỉ mười ngàn đồng một ngày, “mà thực ra là chủ sạp, ổng hỗ trợ thêm cho bác Tùng, tại thấy bác làm có tâm quá, bất kể mưa nắng gì cũng vẫn tới đúng giờ, đúng hẹn đều đều” - người bạn thân của ông tường thuật.

Cho đến nay, thời thế đã có nhiều dời đổi, sinh hoạt phí với giá cả leo thang từng ngày, và dù món tiền ấy vẫn “đứng yên” bất di bất dịch, được hỏi, thì ông cười nhẹ rồi trả lời: “Trên đời này biết đủ là vui thôi. Có mười ngàn cũng tiêu được, mười vạn xài cũng xong, miễn chi trong lòng không lo phiền là sướng nhất”. Mang tâm niệm ấy, bạn bè ai nhớ đến ông, thì vài ba trăm nghìn gọi là thăm hỏi, ông đều dành hết cho niềm vui của mình, niềm vui ngắm nhìn bộ sưu tập tem (đã từng đoạt giải đồng tại triển lãm Vietstampex, tổ chức tại Hà Nội năm 2000), niềm vui trong cuộc độc hành nghệ thuật tìm kiếm những con tem quý trên đường phố Sài Gòn.

 “Làm chủ bản thân”

IMG_9137.JPG

Stylist Thịnh Chocolate

Một người trẻ thôi, mà “cái tiếng” trong làng thời trang hiện đại, về cả “tai tiếng” lẫn “danh tiếng”, dường như đã chẳng ít lần kinh qua. Nhưng một điều khá đặc biệt mà bạn trẻ này mang lại cho người khác là những tràng cười, dù ở nghĩa bóng hay nghĩa đen, mỗi khi nhắc đến cái tên Thịnh Chocolate Nguyễn.

Thịnh là một trong những người hoạt động ở lĩnh vực thiết kế thời trang, với thương hiệu gắn liền với khăn rằn, biểu tượng nhắc nhớ một thời Việt Nam. Và ngay cả quá trình gầy dựng thương hiệu này cho mình, Thịnh cũng đã có hàng nghìn câu chuyện dở khóc dở cười, mà thấm thía cuộc đời. Với niềm đam mê thiết kế từ nhỏ, sinh trưởng tại vùng quê sông nước, Thịnh lên Sài Gòn  học tập cũng như bao người bạn đồng trang lứa, duy chỉ khác biệt ở chỗ, người ta chạy theo đời nhiều vô số, riêng bạn, từ suy tư đến hành động, dường như chỉ có một con đường duy nhất dẫn đến thế giới riêng của mình: thiết kế khăn rằn.

Stylist Thịnh Chocolate chia sẻ: “Nhà thì không đủ điều kiện để mình theo đuổi đam mê đâu, nên hồi đó người ta hay châm chọc là lẽ thường. Rồi đến khi mình vào đại học, đỉnh điểm là khi mình phải tự bươn chải làm này làm nọ đủ thứ để không phụ thuộc vào gia đình. Khoảng thời gian đó, có lúc cũng định dừng việc học, áp lực là khó tránh, nhưng đó cũng là khoảnh khắc mình tự hào vì chính mình nhất. Bởi, mình nghĩ đến ước mơ, nghĩ đến khăn rằn mà ráng sống chết vượt lên đến cùng”.

Kể về không ít lần bị giễu cợt bởi chất “khùng” trong thiết kế của mình, vẫn nụ cười đầy tự hào, Thịnh tiếp lời: “Mình cũng có tham gia các cuộc thi để giao lưu, người ta cũng “soi” cái điệu quê mùa của mình để chế giễu. Cho đến lúc mình mở cái shop nhỏ, thiên hạ cũng dè bỉu đủ kiểu. Nếu hỏi có tủi thân hông, thì mình nghĩ như vầy, mỗi người có cái quyền của riêng mình, họ có quyền cười nhạo chứ, cảm xúc của cá nhân họ mà, nhưng có tiếp nhận cảm xúc đó không lại là quyền của mình. Quyền của mình thì mình sử dụng, không sử dụng thì đó là bạn tự làm mình chịu thiệt, chẳng ai làm khổ bạn ngoài bạn cả”.

Bạn bè cũng từ suy nghĩ này của Thịnh mà ngẫm phục, cho sự lạc quan và tự tin vào chính mình của bạn. Ngay đến cả những người dù chỉ từng tiếp xúc qua với Thịnh vài lần thôi, trong công việc hay chính cả đời sống thường nhật, đều dường như cảm thấy có nguồn sinh khí lớn lao từ đâu thổi đến: “Thịnh ổng khùng lắm, mới nhìn qua chắc nghĩ là người trời ơi, quái đản, nhưng mà tiếp xúc đi, rồi cười, rồi hát ca, rồi khùng theo cả ngày. Niềm vui và năng lượng sẽ chẳng thiếu đâu”, một nhóm bạn trong giới showbiz đã nhận xét như vậy.

Công việc thiết kế thời trang đồng nghĩa với việc đặt chân vào “thế giới showbiz hào nhoáng” mà người ta vẫn hay kháo nhau. Nhưng với Thịnh, việc tạo ra những “đứa con tinh thần” từ chất liệu khăn rằn mới là “thế giới hào nhoáng” thật sự. Cũng vẫn đạp trên con xe thuở chúng tôi còn nhìn thấy bạn ở giảng đường đại học, vẫn cái chất tưng tửng và nụ cười toe toét trước vô số lời dèm pha, cười cợt, “có khi khinh thường vì mình chẳng có đôi giày hàng hiệu để đi cho“đúng nghĩa showbiz”, hay lấy lồng gà làm thiết kế độc lạ…” (Thịnh chia sẻ), nhưng với Thịnh, gian phòng nhỏ vừa làm nhà trọ cho hai anh em, vừa là shop thời trang mang thương hiệu Khanran, là cách Thịnh vui với đời.

“Vấn đề không nằm ở đôi giày hiệu showbiz, lồng gà hay lồng kim cương, nó nằm ở chỗ mình có “cái chất” của riêng mình, không sai trái, không làm phiền cũng không ảnh hưởng đến ai, vậy mình nên vui và tự hào vì điều đó thay vì chạy theo quan niệm số đông” - Thịnh chia sẻ.

Bạn cũng có một bộ sưu tập ảnh nói lên chính con người đó của bạn: “Người ta nói Sài Gòn thế này thế kia, mà Sài Gòn có nói gì đâu”.

“Có sanh ắt có diệt”

Ông Nguyễn Xuân Thống lúc thọ giới trước khi mất.JPG

Ông Nguyễn Xuân Thống

Cái khó nhất ở đời là đối diện với căn bệnh nghiệt ngã, nhưng vẫn bình tĩnh, có đau nhưng không bị cái khổ bủa vây, xem bệnh, cái chết là một phần của sự sống. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Xuân Thống, một trong những nhân vật có tiếng ở giới văn nghệ sĩ lão thành, mà đến nay, khi nhắc về ông, ai cũng dường như còn vương nét cảm phục lạ thường.

Vào giữa năm ngoái, khi phát hiện cơ thể có những biến chuyển bất thường, kéo dài nhiều ngày liền, ông quyết định đi khám tại bệnh viện. Các bác sĩ lúc ấy chẩn đoán với kết luận ông bị ung thư gan giai đoạn cuối. Vị bác sĩ chỗ thân tình với ông, lúc ấy cũng nghẹn ngào úp mở: “Chú ơi, chú bệnh khó nói quá, chú chuẩn bị nhé”. Không lộ vẻ ngạc nhiên lắm, cũng không buồn rầu quá, ông quay sang bảo với vợ con: “Tôi chuẩn bị cho ‘cái chết’ lâu rồi, đừng có lo buồn”.

Rồi cứ vậy, bên những giọt nước mắt của người thân, vẫn giữ nguyên vẻ bình tĩnh, ông quyết định quay về nhà mà không qua xạ trị, hóa trị, dùng thuốc Nam để cầm cự và thuốc Tây khi nào cơn đau lên cao. Mỗi sớm, ông dậy lễ Phật, tụng kinh, uống trà và một điều ông chưa từng quên làm, đó là gọi những cuộc điện thoại về Đà Nẵng cho bạn bè để thông báo về việc  “chuẩn bị đi trước” và không quên “hẹn gặp đời sau”!

Bạn bè ông trong giới nghệ sĩ rất đông, những người hay tin như nhà văn Thái Bá Lợi, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Trần Phương Kỳ, cả những người từ nước ngoài về như thi sĩ Hoàng Lộc… đều tìm đến tận nhà để thay lời an ủi, động viên ông những ngày cuối đời. Tuy nhiên, mọi người, nếu không bất ngờ cũng cảm thấy khó tin về một người bệnh nặng đặc biệt như ông. Trong ngôi nhà phảng phất nỗi nặng nề của người thân, là tiếng nói chuyện vui vẻ, rộn ràng của ông vọng ra từ “chánh điện” (nơi ông dành hầu hết không gian để bài trí và thờ tự chư Phật). Ra là ông đang giao tiếp với nhiều vị tu sĩ khu vực Đại Tòng Lâm và Vạn Hạnh (Bà Rịa-Vũng Tàu), các vị ấy vẫn thường lui tới để nói chuyện Phật pháp với ông.

Khác với dáng vẻ “sầu thảm” pha chút “rệu rã” của những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, ông sẵn lòng mời những người bạn văn nghệ ghé thăm mình mấy chén rượu thâm tình, dĩ nhiên, ông chỉ uống trà thôi vì rượu sẽ làm ông đau về thể xác trong những ngày này. Tại một bữa như thế, có lẽ chẳng ai quên được “tinh thần bất khuất” của ông, khi ông nói: “Các ông cứ uống đi, không sao cả, đừng có nghĩ gì về cái bệnh, cái chết của tôi. Ai chẳng chết. Dại gì mà phải buồn rầu, bi lụy về một điều không thể thay đổi hay trốn tránh được, phải không?”. Cứ như vậy, gian nhà ông chẳng kém đi chút niềm vui nào mà ngược lại, mọi người như được tiếp sức để vững vàng chuẩn bị cho “sự ra đi” của ông và của chính mình nữa.

Những ngày cuối đời, như cảm nhận được những hơi thở gấp cuối cùng của mình, ông từ giã vợ con để vào tịnh viện Bát Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu) để xin được… xuống tóc thọ giới gieo duyên. Và ông đi sâu vào giấc ngủ vào giữa khuya hôm ấy (ngày rằm tháng 4 năm Bính Thân), bình tâm “bước qua cái chết đến đời sau, như đến với một ngày mai chuyển nghiệp”…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày