GNO - Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là căn bệnh gây ảnh hưởng đến cơ chế sản xuất và sử dụng insulin của cơ thể. Tiểu đường ngày càng trở thành mối lo ngại lớn và cộng đồng cần nhận thức tốt hơn về căn bệnh này, đặc biệt là vì tiểu đường tuýp 2 hoàn toàn có thể ngăn ngừa được.
Dưới đây là những thông tin cần biết về bệnh tiểu đường, theo nguồn từ CIPPS Việt Nam.
Biến chứng của bệnh tiểu đường
1 - Có bao nhiêu loại tiểu đường?
Tiểu đường được chia làm ba loại: tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường trong thai kỳ.
Tiểu đường tuýp 1 - Đối tượng mắc bệnh này là trẻ em và người trẻ tuổi. Nguyên nhân của bệnh có thể do di truyền hay do các yếu tố môi trường bên ngoài. Đây là chứng bệnh không thể ngăn ngừa và được điều trị bằng insulin. Tỉ lệ người mắc bệnh này chiếm khoảng 5% trong tổng số các ca tiểu đường.
Tiểu đường tuýp 2 - Đối tượng bệnh là người trưởng thành béo phì, người cao tuổi, gia đình hoặc bệnh nhân có tiền sử tiểu đường. Bệnh được điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn, vận động thể chất, kèm thuốc uống hoặc insulin khi cần. Đây là loại bệnh có thể ngăn ngừa được, chiếm đến 90-95% tổng số ca tiểu đường.
Tiểu đường trong thai kỳ - Phụ nữ mang thai bị béo phì hoặc gia đình có tiền sử bệnh có nguy cơ mắc tiểu đường. Bệnh được điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn, vận động thể chất hoặc sử dụng insulin. Theo các nghiên cứu khoa học gần đây, một số trường hợp mắc bệnh có thể ngăn ngừa được. Cũng như tiểu đường tuýp 1, bệnh này chiếm 5% trong tổng số ca tiểu đường.
2 - Thông tin về bệnh tiểu đường ở Việt Nam
Tại Việt Nam, theo thống kê từ các cơ sở y tế địa phương, toàn quốc hiện có khoảng 5 triệu bệnh nhân tiểu đường.
Trong đó, 60% các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường được chẩn đoán là có biến chứng cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn tới mù lòa, tàn phế, thậm chí là tử vong. Mỗi ngày có khoảng 150 người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến bệnh tiểu đường (tương đương với 54.943 trường hợp tử vong mỗi năm).
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới; đặc biệt ở các thành phố lớn, với tỉ lệ ở mức báo động: 211%, gấp đôi trong vòng 10 năm qua.
Hiện tại, ước tính cứ 20 người Việt Nam trưởng thành thì có một người mắc bệnh đái tháo đường.
3 - Một số bệnh lý có liên quan đến tiểu đường
Mù lòa - Trong giai đoạn từ 2005-2008, 28,5% bệnh nhân tiểu đường tuổi từ 40 trở lên mắc bệnh võng mạc do tiểu đường, và có thể dẫn đến mất thị lực.
Đột quỵ - Tỉ lệ nhập viện vì đột quỵ ở người trưởng thành đã được chẩn đoán tiểu đường cao gấp 1,5 lần.
Nhồi máu cơ tim - Tỉ lệ nhập viện vì đột quỵ ở người trưởng thành đã được chẩn đoán tiểu đường cao gấp 1,8 lần.
Cao huyết áp - Trong giai đoạn 2009-2012, có 71% người trưởng thành mắc tiểu đường có chỉ số huyết áp ở mức 140/90 hoặc cao hơn, hoặc phải dùng thuốc huyết áp.
Bệnh thận - Năm 2011, 44% số ca suy thận có nguyên nhân do tiểu đường.
4 - Ngăn ngừa và điều trị tiểu đường như thế nào?
Tiểu đường tuýp 2 có thể ngăn ngừa được. Bệnh nhân tiểu đường có thể giảm được nguy cơ phát triển thành bệnh đến 58% bằng vận động và thay đổi trong chế độ ăn.
Dành 150 phút mỗi tuần để vận động thể chất vừa phải. Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị nên tập thể dục hay vận động thể chất ít nhất 150 phút mỗi tuần dù tình trạng sức khỏe thế nào.
Có thể ngăn ngừa tiểu đường tuýp 2 bằng những điều chỉnh trong chế độ ăn: Nên ăn các loại ngũ cốc nguyên cám, khoai lang, bí đỏ, bông cải, yến mạch thô, rau xanh hoặc đậu hạt thay vì các loại thực phẩm nhiều tinh bột, khoai tây, yến mạch ăn liền và ngô.
Đức Hòa (tổng hợp)