Lá thư đầu tiên là mấy trăm sợi tóc bạc. Phải “xử” nguyên chai thuốc nhuộm mới đen trở lại. Còn đi làm việc, không lẽ để tóc trắng phau, đành cầu viện tới ngành công nghệ mỹ phẩm. Tóc bạc dần mỗi tháng, mỗi năm, vì biết bao lo toan, nghĩ ngợi, não phiền. Nói “tu” mà dễ hay sao! Bước chân ra đường là đối diện với tham sân si. Trở về nhà cũng tham sân si đối diện. Mình tưởng mình tốt là vì… mình dốt. Dốt nên không thấy cái tâm ma của mình lừng lẫy, cứ cười hi hi bịt mắt che tai cho nó lù lù quậy phá. Ai dám tự hào là tôi tu ngon lành? Thử nhắm mắt lại theo dõi cái tâm coi nó đã quậy tới đâu. Cho nên, mình “lão” không phải tại thời gian, mà tại bao nhiêu phiền não nó nhuộm bạc tâm hồn, xơ xác từng tế bào trí tuệ. Chai thuốc nhuộm nếu có công thức từ, bi, hỷ, xả, ái ngữ, lợi hành, an nhiên và thanh tịnh thì mới mong phục hồi màu xanh huyền diệu của mái tóc anh nhi. Còn cái màu đen nhân tạo này… giữ được bao lâu!
Ảnh minh họa
Lá thư thứ hai là những cơn đau trong đầu gối, dai dẳng, bất ngờ. Dai dẳng là âm âm suốt ngày như chọc ghẹo chơi chơi. Bất ngờ là đột nhiên nhói lên một cái như thọc lét người ta. Ối dào, đau khớp chứ gì. Ai lớn tuổi chẳng đau. 50 tuổi rồi, nó đến thăm là phải. Hỏi thăm cả lũ bạn “già”, đứa nào cũng “khoe” mấy toa thuốc khớp. Bệnh thì có thuốc, dễ ợt. Nhưng chắc là hết đau hay không? Hay năm bữa nửa tháng lại tái phát, đổi toa. Mà cái đau đời nó còn dễ sợ hơn nhiều. Cả một đời hình như thấy lúc nào cũng đau. Khi thất tình, khi mẹ mắng, khi cha chết, khi con lì, khi hết lương, khi bị phạt, lúc xe quẹt, lúc sập nhà, lúc đọc báo thấy chém đâm, tham nhũng, lúc vàng tăng đô xuống, giá cả thất thường, nghe bão lụt động đất thiên tai, nghe chiến tranh bom đạn, chuyện cô giáo bạo hành, chuyện quan xén đất của dân, rồi gian tặc rải đinh, rồi lừa lọc nhân công, sở khanh, ma túy… Trái tim nhỏ xíu mà ngày nào cũng bị ngắt nhéo, nhồi đập cho thiệt đau, thiệt mệt. Nhìn vô cũng đau, nhìn ra cũng đau, gom đủ thứ đau vô người như bộ sưu tập nhân tình thế thái. Chống cằm ra dáng suy tư, hoặc tụm cùng lũ bạn thở than, xong lại nằm mơ khóc tràn ra gối. Đau kiểu đó thuốc tiên cũng không chữa khỏi. Ừ thì tận tụy, thương yêu, ừ thì trách nhiệm, đáng khen… Nhưng ôm hết vô người thành ì ạch khó đi, thành Ngũ Hành Sơn đè lên con khỉ đá, khỏi đi thỉnh kinh giải thoát gì được. Thử hất ngọn núi xem sao. Hình như thế gian không vì vắng ta mà… chết hết.
Lá thư thứ ba là một giấc mộng. Thấy có người bị bể đầu tắt thở, mình đứng nhìn thản nhiên. Mai mốt mình cũng vậy chứ gì. Chỉ mong được chết dưới chân tượng Phật đúng lúc đang tụng kinh hoặc trì niệm danh hiệu của Ngài. Mong ước lớn nhất. Chỉ cần Phật bên cạnh, khỏi con khỏi cháu cũng được. Đi ngang trại hòm, ngắm nghía thử một cái rẻ rẻ tiền, dặn tụi nhỏ mua cỡ vậy thôi, để đem thiêu đừng tiếc. Tiền dành làm từ thiện, in kinh nghen con. E hèm, bữa nào viết di chúc, dặn tụi nhỏ hộ niệm lúc lâm chung ra sao, làm cỗ chay chứ đừng làm mặn, mở máy niệm Phật chứ đừng kèn trống ì xèo, thiêu xong tán nhỏ cả xương cốt rải xuống sông xuống biển, và tiếp tục con đường hoằng pháp của mẹ bằng cách in sách, mở lớp, nấu cơm chay từ thiện, cúng hoa lên Phật quanh năm…Bao nhiêu “tài sản” đó chia ra mà làm (chứ không phải xài, hi hi). Làm hoài không xong nữa là!
Mấy lá thư xuân đó, đã nói là đọc không vui cũng không buồn. Vui làm sao được, vì đời là bể khổ, sanh lão bệnh tử nối đuôi suốt một kiếp người. Hết kiếp này lại tới kiếp khác, tưởng tượng mà ngán vô cùng! Nhưng cũng chả có gì buồn, bởi Đức Phật nói lâu rồi, đâu phải tin gì giựt gân, mới mẻ. Ráng chuẩn bị làm chuyện này chuyện kia tử tế thì chắc “về bên kia” sung sướng. Bữa nào ra tưới cây cũng thấy có hoa rụng, nhánh khô, gật gù phục lời Phật dạy kia mà. Giờ tới mình khô, mình rụng, lại thảng thốt là sao!
Đọc thư xong rồi đó. Cũng hồi âm xong rồi đó. Gởi cho gió nè. Gởi cho mây nè. Nếu biết trước ngày ra đi thì chắc gởi thêm thiệp mời mọi người tới dự. Còn không được thì mai mốt con cháu đọc giùm lá thư hồi âm này. Nhớ đọc diễn cảm một chút nghen con!