Những mùa thi qua...

GNO - Đó là những ký ức được gọi tên là "một thời để nhớ", để mỗi mùa thi về ta nhớ, để mình không quên những ân tình quê hương, nơi nuôi dưỡng mình từ thuở ấu thơ, nơi có má - chốn về bình yên...

Ngày... tháng... năm...


Của tháng 6, mùa thi 10 năm trước, có cậu học trò ốm nhom ốm nhách, sáng dậy thiệt sớm, nghe mùi thơm lừng của đậu phộng rang, cơm nóng má nấu, giã muối cho mình ăn sáng, đi thi. Má nói ăn cơm muối đậu phộng để thi... cho đậu, đó như lời chúc của má, mình đã ăn ngon lành dẫu lo cũng dữ lắm.

Mùa thi tốt nghiệp là mùa lo, lo hơn cả thi đại học, vì đó là điều kiện cần để đi tiếp một hành trình, nhất là khi nghe ông bà mình nói "học tài thi phận".

muathi.jpg
Ký ức học trò - Ảnh minh họa


Ngày... tháng... năm...

Những ngày thi trôi qua, mình tính điểm từng môn, và chờ ngày biết điểm. Ba ngày thi xong là như trút một gánh nặng trong lòng. Mười ngày chờ mong điểm số là mười ngày hồi họp với biết bao nỗi niềm, không chỉ cho mình mà còn cho cả bạn bè.

Thở phào, đó là cảm giác khi rà từng con số, xếp loại và lại lăng xăng cho những ngày đi thi xa - tuyển sinh đại học. Lần đầu xa nhà, xa lắc lơ với dòng địa chỉ trên giấy báo thi ghi ở Quy Nhơn (Bình Định), mình quê trớt, đâu biết "mô tê" chi chuyện đi xa, nhưng rồi cũng "tự túc" mà đi. Đó là những ngày đầu tháng 7...

Ngày... tháng... năm...

Phố biển Quy Nhơn đón mình sau "chuyến xe bão táp". Gọi là xe bão táp bởi đường xa, lại bị nhét nhồi vì học sinh đi thi đông. Riêng mình đúng nghĩa tự túc đi thi, vì chỉ một mình tự đi, trên người hành trang là mớ sách vở, số tiền ít ỏi, vài bộ đồ cùng giấy báo thi với dòng địa chỉ xa lạ. Ở đó, mình gặp màu áo xanh của anh chị sinh viên tình nguyện nhiệt tình nhờ bác xe ôm chở tới nhà trọ. Ở đó, sau khi biết mình trọ, một người bà con của bạn mình đã tới tận nơi đón về nhà cho ăn ở miễn phí, lại gần trường thi nên giúp mình yên tâm bội phần.

Quy Nhơn xa lạ bỗng bình yên và gần gụi nhờ những ân-tình, tiếp sức như thế mà có lẽ mãi mãi mình mang ơn, dẫu cũng mười năm chưa gặp lại những người đã giúp mình trong những ngày thi của mười năm trước đó...

Ngày... tháng... năm...

Ở quê mình, ngày đó, làng trên xóm dưới chỉ có một nhà có điện thoại. Những ngày sắp biết điểm, mình đã chạy lên, chạy xuống nhà đó mấy lần, gọi điện thoại nhờ (mỗi lần gọi hết 2.000 đồng, hồi đó 2.000 lớn lắm). Số điểm được báo và được cô điện thoại viên tổng đài 1080 cho biết là "đủ đậu", mình đã mừng run, nhảy chân sáo về ôm má, cà tưng cà tưng, "con đậu rồi, con đậu rồi", và ôm má rưng rưng. Vô thắp nhang lên bàn thờ Phật và bàn thờ ngoại, nói "con đậu đại học rồi nghe ngoại", hai má con mừng mừng tủi tủi...

Ngày... tháng... năm...

Chợt nhớ... nhà mình không có tiền. Má bảo mình yên tâm, để má tính. Cách má tính chính là chạy mượn từ đầu làng tới đuôi làng, vay tiền lúa trước của nhà buôn để mình đi học, tới đâu hay đó, má nói rứa mà lòng chắc cũng băn khoăn, lo dữ.

Thầy cô, hàng xóm người góp một ít, động viên mình, gọi là tiền uống nước đi đường. Ông, bà, cô, bác tới tiễn mình đông lắm, dẫu chỉ là... người dưng, hàng xóm, và ai cũng nhắc: "mi vô trong nớ (Sài Gòn - NV) ráng học thành tài cho má mi nhờ". Mình đã mang gửi gắm ấy suốt những tháng năm giảng đường và cho tới bây giờ vẫn nhớ, để học và hành... vì nghĩa tình của những người bà con, xóm giềng đó.

Ngày... tháng... năm...

Mùa thi, ai từng là học trò hổng nhớ những kỷ niệm thi cử, học hành của riêng mình. Nhưng, chắc ai có những kỷ niệm gian nan (như mình) sẽ nhớ nhiều hơn? Riêng mình, nhớ để biết ơn và để rung rinh trước những mẩu tin báo đăng, rằng, ở đâu đó, nơi quê nghèo nào đó, có cô (hoặc cậu) học trò nào đó đã nhịn đói đi thi, đã bán mấy giạ lúa... làm lộ phí.

Thời nào không có người nghèo, không có học trò nghèo, nên mình thương cũng là để mình đồng cảm và gửi gắm niềm tin nơi những học trò nghèo đâu đó sẽ "chân cứng đá mềm" mà "vượt vũ môn" không chỉ của kỳ thi mà còn là của dặm đường chinh phục những mục tiêu, những ước mơ bay xa, vào giảng đường đại học!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày