LTS. Văn bia là một trong những cứ liệu quan trọng để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của một giai đoạn lịch sử. Trong tinh thần đó, để hướng tới một tài liệu tham khảo tốt, Giác Ngộ online giới thiệu cùng quý độc giả những trao đổi, góp ý của tác giả Phan Quốc Trung, về "Tuyển tập văn bia chùa Huế" của dịch giả Lê Nguyễn Lưu.
Bìa tạp chí Nghiên cứu và phát triển số 8 và 9-2017 - Ảnh: P.Q.T
GNO - Năm 2005, tạp chí Nghiên cứu & phát triển (tc. NC&PT, số 1-2) đăng “Tuyển dịch văn bia chùa Huế” của dịch giả Lê Nguyễn Lưu gồm 45 bài văn khắc trên bia, chuông, tháp… của 22 ngôi chùa ở Huế. Trong lần đăng đó có nhiều thiết sót đã được nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chỉ rõ một số lỗi trong bài “Quá nhiều sai sót trong cuốn tuyển dịch văn bia chùa Huế” do Giao Hưởng của báo Thanh Niên thực hiện, đăng tải vào ngày 4-10-2005. Năm 2017, tạp chí (số 8-9, 2017) đăng lại phần tuyển dịch của cùng dịch giả và đã được bổ sung (thành 48 bài văn bia của 24 ngôi chùa), trong lần in này đã chỉnh sửa vài điểm như ý kiến của Trần Đình Sơn từng nêu, tuy vậy, chúng tôi thấy rằng bản dịch này vẫn còn quá nhiều sai sót. Bài viết này chỉ lược nêu vài điểm sai sót cần trao đổi và góp ý, sau đó tiến hành phân loại, chỉ chính những bất cập trong bản dịch của dịch giả. Cố nhiên, chúng tôi không tự cho rằng mình hoàn toàn đúng, thế nên chỉ nêu những lỗi có thể khảo chứng bằng các cách truy nguồn trích dẫn trong thư tịch cổ, phân tích ngữ pháp, đối chiếu tư liệu thực địa, tính mạch lạc của ý nghĩa câu chữ đặt trong văn cảnh của nguyên văn để chứng minh các điểm lỗi ở bản dịch. Tuy nhiên không thể liệt kê tất cả các thiếu sót của bản dịch mà chỉ nêu ra những lỗi rõ rệt, bao gồm cả lỗi trong phần phụ lục nguyên văn chữ Hán của văn bản.
Để tiện cho việc tra cứu của độc giả, sau khi liệt kê các điểm thiếu sót trong bản dịch, chúng tôi phân loại lỗi dịch gồm: 1. Lỗi thuật ngữ, điển tích. 2. Lỗi chú thích. 3. Lỗi sai ngữ pháp, cú đậu.
1. Lỗi thuật ngữ, điển tích:
Thuật ngữ Phật học trong văn khắc Hán-Nôm ở chùa tháp Huế được dùng với tần suất cao, cũng là điều hiển nhiên vì văn khắc này mang tính đặc trưng của văn học Phật giáo. Ví dụ bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của Nguyễn Phúc Chu có đến 80 thuật ngữ Phật học, bia tiền đường chùa Tường Vân có 2 điển tích mà dịch giả chú thích là “chưa tìm ra”… từ đó dẫn đến tình trạng “vọng văn sinh nghĩa”, tức chỉ sắp nghĩa của những con chữ với nhau chứ giữa chúng không có mối quan hệ ngữ nghĩa nào, không biểu đạt được nét nghĩa gì. Ví dụ câu: “罽賓王插竹一枝量周沙界 – Kế Tân vương sáp trúc nhất chi lượng châu sa giới” được dịch “Kệ Tân Vương cắm trúc một cành, số tràn tựa cát”; theo đó chú: “Kệ Tân Vương: Chúng tôi chưa rõ điển tích này. Tra các từ điển Phật học đều không có. Duy TĐPHHV nói đến nước Kế Tân (Kasmina) ở Tây Vực thời Hán, miền Bắc Ấn Độ, nay phiên âm là Ca Thập Di La hay Cách Thập Mễ Nhĩ, nhưng không đề cập gì đến mối liên quan với Phật giáo”. Cũng trong bia này, tích về Liễu Thường xây tăng đường, Thừa Chất dựng tịnh thất, người dịch ghi “chưa tìm ra điển tích”… Điểm đáng trân trọng ở lần in này, người dịch đã đính chính những lỗi liên quan đến thuật ngữ, điển tích Phật giáo mà trong lần in năm 2005 đã dịch nhầm hoặc chưa chú thích đúng, ví dụ bài văn bia chùa Diệu Đế có đoạn “秘芻許氏法名了性 - sư họ Hứa, tên Bật sô, pháp danh Liễu Tánh… (tc. NC&PT, số 1-2, 2005, tr.19) đã sửa lại “sư họ Hứa, pháp danh Liễu Tánh… (tc. NC&PT, tập 1, 2017, tr. 23). Những lỗi thuộc nhóm này cụ thể như sau:
1.1. Nguyên văn: “罽賓王插竹一枝量周沙界” (tập 2, tr 25)
Phiên âm: “Kế Tân vương sáp trúc nhất chi lượng châu sa giới”. (tập 2, tr.26)
Dịch: “Kệ Tân Vương cắm trúc một cành, số tràn tựa cát” (tập 2, tr, 12)
Chú: “Kệ Tân Vương: Chúng tôi chưa rõ điển tích này. Tra các từ điển Phật học đều không có. Duy TĐPHHV nói đến nước Kế Tân (Kasmina) ở Tây Vực thời Hán, miền Bắc Ấn Độ, nay phiên âm là Ca Thập Di La hay Cách Thập Mễ Nhĩ, nhưng không đề cập gì đến mối liên quan với Phật giáo”. (tập 2, tr.20)
Khảo chính:
“Vua nước Kế Tân cắm một cành trúc, dung khắp các cõi như số cát sông Hằng”, tích được dẫn từ ví dụ về nhân quả được nói trong bài ký nói về pháp đường Vĩnh An, Phủ Châu “Phủ Châu Vĩnh An pháp đường ký撫州永安法堂記” do cư sĩ Vô Tận 無盡居士soạn (sách Thiền môn chư Tổ sư kệ tụng 禪門諸祖師偈頌, do Tử Thăng子升, Như Hựu 如祐thời Tống 宋sưu lục, no. 1298, Vạn tân toản Tục tạng kinh卍新纂续藏經, no. 1298) Nội dung tích này trong nguyên văn: “Lại nữa, vua nước Kế Tân nghe pháp dưới hội chúng trước đức Phật, vua thưa trước hội chúng rằng ‘bậc đại thánh ra đời, nghìn kiếp khó gặp. Nay con muốn phát tâm tạo lập tinh xá, mong đức Phật hứa khả’. Đức Phật nói ‘tùy ý con làm’. Vua nước Kế Tân cầm một cành trúc rồi cắm (xuống đất) ở trước đức Phật và thưa ‘con xây tinh xá đã xong’. Đức Phật dạy ‘đúng vậy, đúng vậy, với ngôi già-lam tinh xá kia sẽ bao hàm dung chứa cả pháp giới, bằng cách cúng dường kia, phúc nhiều hơn cả cát sông Hằng’ - 又罽賓國王在佛會聽法。出眾言曰:大聖出世,千劫難逢。今欲發心造立精舍,願佛聽許。佛云:“随汝所作”。罽賓國王持一枝竹,插於佛前,曰:“建精舍竟”。佛云:“如是如是,以是精蓝,含融法界。以是供养,福越河沙.” . “lượng 量” trong trường hợp này chỉ “sức chứa, khả năng chứa đựng”; “châu周” ở đây là phó từ chỉ mức độ đã đạt đến “trọn vẹn”; “sa giới 沙界” từ viết tắt của “Hằng hà sa số thế giới 恒河沙数世界”. Theo mạch văn nguyên văn kết hợp việc khảo điển tích vừa nêu, câu “罽賓王插竹一枝量周沙界” nên dịch “vua nước Kế Tân cắm một cành trúc, (mà thành tinh xá) dung chứa khắp các cõi như số cát sông Hằng”.
1.2. Nguyên văn: “何譬撫州陳臾為了常而建僧堂龍興法門緣承侄而置淨室”. (tập 2, tr. 25 )
Phiên âm: “Hà thí: Phủ chân trần tẩu, vị Liễu Thường nhi kiến tăng đường; long hưng pháp lâm, duyên Thừa Điệt nhi trí tịnh thất”. (tập 2, trg. 26 ).
Dịch nghĩa: “Há như: Lão Trần lo lắng, vì Liễu Thường mà dựng tăng đường; cửa Phật dồi dào, nương Thừa Điệt mà xây tịnh thất”. (tập 2, tr.12).
Chú thích: “Câu này, chúng tôi chưa tra khảo được điển tích, nên xin cứ tạm dịch, mong các bậc cao minh chỉ giáo.”. (tập 2, tr. 21)
Khảo chính:
Nguyên văn chữ Hán trong đoạn trích trên đã đánh nhầm, phần phiên âm là “Pháp Lâm” nhưng phần chữ Hán ghi Pháp Môn 法門; tên riêng Thừa Chất 承晊đọc nhầm thành Thừa Điệt 承侄, vị này tên đầy đủ Lý Thừa Chất 李承晊[1], giữ chức Thứ sử Phủ Châu, sau đó, Liễu Tông Nguyên đến kế vị thứ sử và viết bài ký cho Tịnh Độ viện ở vùng này. Ngoài ra, phần dịch đã lược mất chữ “Phủ Châu 撫州”. Sự kiện, tên riêng trong đoạn trích như sau: 1) Phủ Châu 撫州, tên một đơn vị hành chính thời Đường, nơi do Trần Tông Dũ cai quản. 2) Trần tẩu 陳臾: tức ông già quê mùa họ Trần, ở đây chỉ Trần Tông Dũ. 3) Liễu Thường, tức vị viện chủ của thiền viện Vĩnh An (Vĩnh An vốn là tên của vị trưởng lão viện chủ, nhân đó đặt tên viện thành Vĩnh An). Tích rằng, quan ở Phủ Châu tên Trần Tông Dũ nhân nghe pháp trong pháp hội của trưởng lão Vĩnh An mà thành tựu đại pháp bèn vui vẻ gom hết gia sản xây Trượng thất, dựng hành lang (pháp đường). Sau, Trần Tông Dũ chết, con trai ông bèn đến “tố” với Liễu Thường: “tiên tử (cha ông) của ta khi chưa thờ Phật thì yên lại khỏe, thờ Phật rồi thì bệnh mà chết, vậy thuyết nhân – quả của Phật có tin được không? Liễu Thường đáp, ngài vì thực hiện chí nguyện của cha mình mà xây dựng pháp đường hoàn thành cho tôi, tôi quê mùa già nua không đủ [trí tuệ] để ví dụ giải thích cho ngày, song vị thượng thủ đắc pháp của thầy tôi là ông Vô Tận cư sĩ, ông ấy sẽ quyết nghi cho ngài.”[2] Nhân đó, vị Vô Tận cư sĩ này đã nêu ví dụ giải thích nhằm quyết nghi cho con trai của Trần Tông Dũ, trong đó có ví dụ về việc bố thí của vua nước Kế Tân như lỗi số 1 ở trên đã nêu.
Long Hưng Pháp Lâm: tức sư Pháp Lâm chùa Long Hưng.
Cứ theo bài Vĩnh Châu Long Hưng tự tu tịnh độ viện ký 永州龍興寺修净土院記[3] do Liễu Tông Nguyên柳宗元[4] soạn thì chùa Long Hưng ở Vĩnh Châu, vị thứ sử tiền nhiệm tên Lý Thừa Chất 李承 晊 vì vị tăng tên Pháp Lâm mà xây dựng Viện để Tu Tịnh Độ - 修净土院 ở mé đông của chùa để tu tịnh độ. Bài ký nói Lý Thừa Chất xây viện để tu Tịnh Độ cho sư Long Hưng, nguyên văn: “Vị quan thứ sử tiền nhiềm Lý Thừa Chất xây Tịnh Độ đường ở mé đông của chùa [Long Hưng] cho sư Pháp Lâm, thường thường phụng thờ [trỏ việc tu tập pháp môn Tịnh Độ] việc này - 永州龍興寺前刺史李承晊及僧法林置净土堂於寺之東偏,常奉斯事[5]” nhưng ở văn bia thì ý ngược lại, tức “sư Pháp Lâm xây tịnh thất cho Thừa Chất” chứ không phải Thừa Chất xây tịnh viện cho Pháp Lâm. Từ việc khảo dẫn điển tích như trên, đoạn văn “何譬撫州陳臾為了常而建僧堂龍興法林緣承晊而置淨室” dịch lại “Lão quê mùa họ Trần ở Phủ Châu vì Liễu Thường mà xây tăng đường; Sư Pháp Lâm chùa Long Hưng vì Thừa Chất mà dựng thất tu tịnh độ.”.
1.3. Nguyên văn: “發跡浙西傳心天界 ” (tập 2, tr. 82)
Dịch nghĩa: “Ngài sinh ở Chiết Tây, được truyền tâm giới.” (tập 2, tr. 62)
Khảo chính:
Thiên Giới 天界, tên riêng, chỉ thiền sư Thiên Giới Giác Lãng 天界覺浪, vị thầy truyền tâm ấn cho Thạch Liêm, giờ Thạch Liêm truyền tâm ấn cho Thiên Túng đạo nhân. Theo Tào Khê thiền nhân vật chí của Dịch Hành Quảng[6], theo Quy phạm nhân danh tư liệu khố[7] đều nói rõ rằng thiền sư Thiên Giới là thầy của Thạch Liêm. Bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của quốc chúa Nguyễn Phúc Chu soạn, chúa tự hào mình là người được đích truyền tâm ấn thiền tông từ thầy Thạch Liêm, thầy Thạch Liêm được chân truyền từ thiền sư Giác Lãng rằng, soạn giả văn bia khẳng định điều ấy qua đoạn: “Tu hành có tông chỉ như cây (có) cội nước (có) nguồn. Ngài [Thạch Liêm] phát tích ở Chiết Tây, được truyền tâm từ Thiên Giới修行之有宗旨如水木之有本源。發跡浙西,傳心天界。”.[8]
1.4. Nguyên văn: 偶記法數之起也從一剎那至一洛剎從一洛剎至一俱祇從一俱祇至一僧祇從一僧祇至一高出從一高出至不可轉無邊無碍無鞅無極成住壞空空不相凌妙其不息豈不遠乎 (tập 2, tr.82)
Phiên âm: Ngẫu ký pháp số chi khởi dã, tùng nhất sát na chí nhất lạc sát, tùng nhất lạc sát chỉ nhất câu kì, tùng nhất câu kì chí nhất cao xuất, tùng nhất cao xuất chỉ bất khả chuyển. Vô biên vô ngại, vô khuyết vô cực. (tập 2, tr. 83)
Dịch nghĩa: Bỗng nghĩ tới pháp số nẩy ra, từ một sát na đến một lạc sát, từ một lạc sát đến một câu kỳ, từ một câu kỳ đến một tăng kỳ, từ một tăng kỳ đến một cao xuất, từ một cao xuất đến bất khả chuyển. Không ngăn không chặn, không thiếu không cùng. (tập 2,tr.63)
Chú thích: Pháp số: chỉ các đơn vị thời gian trong Phật giáo. Sát na (Ksana) là đơn vị cơ bản, “khi tráng sĩ đưa ngang cánh tay ra và xếp trở vào thì trải qua 60 sát na”, như vậy một sát na tương đương 1/60 giây đồng hồ hiện nay; đó là khoảnh khắc của một suy nghĩ. Các đơn vị khác tính xuống (trong bản in năm 2005, người dịch chú: không rõ tính xuống hay tính lên) theo thứ tự là lạ sát, câu kỳ, trăng kỳ, cao xuất, và cuối cùng bất khả chuyển là đứng yên. Chỉ sự vi tế của đạo pháp nhà Phật. (tập 2, tr.76)
Khảo chính:
Sát-na, chỉ đơn vị thời gian cực ngắn. Theo kinh Nhân Vương 仁王經, phẩm Không Quán 空觀品 (bản dịch của Cưu-ma-la-thập 鳩摩羅什): "[thời gian] chín mươi sát-na là một niệm; một sát-na trong một niệm đó trải qua chín trăm lần sinh diệt 九十刹那為一念,一念中一刹那經九百生滅". Theo đó, cứ 120 sát-na = 1 hằng sát-na; 60 hằng sát-na = lạc-sát. Tức 7200 sát-na = lạc-sát.
Từ cấp độ của lạc-sát, câu-kì, tăng-kì... nếu chiếu theo số học trong “phẩm A-tăng-kì” của kinh Hoa Nghiêm [9] sẽ là:
100 lạc-sát = câu-chi, tức 7.200×100 = 720.000 sát-na = 1 câu-chi;
1 câu chi × 1 câu chi = A-du-đa (阿庾多) = 518.400.000.000 sát-na
1 a-du-đa × = 1 a-du-đa = 1 na-do-tha (那由他) = (518.400.000.000 × 518.400.000.000)
1 na-do-tha × 1 na-do-tha = tần-bà-la (频波罗)
1 tần-bà-la lũy thừa 32 (频波罗 32) = 1 cao-xuất 高出.
1 cao-xuất lũy thừa 65 (高出 65) = bằng một tăng-kì 僧祇
Số "vô lượng 無量" được hiểu: một a-tăng-kì 阿僧祇 nhân một a-tăng-kì là một a-tăng-kì chuyển 阿僧祇轉, một a-tăng-kì chuyển nhân một a-tăng-kì chuyển là một vô lượng 無量. Số "vô biên 無邊" được hiểu: Một vô lượng nhân một vô lượng là một vô lượng chuyển 無量轉, một vô lượng chuyển nhân một vô lượng chuyển là một vô biên 無邊.
Tên các đơn vị số đếm Vô biên 無邊, Vô ngại 無碍, Vô ương 無鞅, Vô cực 無極 đã bị hiểu nhầm qua mặt chữ, do vậy được dịch thành “không ngăn không chặn, không thiếu không cùng”. Trong đó, “vô ương” được dùng rộng rãi, đều cùng có nghĩa là “không thể đếm được” song do tự dạng của ương 鞅 giống chữ khuyết 缺 nên bị đọc thành “khuyết” và dịch “vô khuyết” thành “không thiếu”.
1.5. Nguyên văn: 舉盤仐斧而開大好山. (tập 2, tr. 82)
Phiên âm: Cử bàn kim phủ nhi khai đại hảo sơn. (tập 2, trang 84)
Dịch nghĩa: Nâng chiếc búa mà mở mang núi đẹp. (tập 2, tr. 63)
Khảo chính:
Bàn Kim phủ 盤仐斧 tức chiếc búa vàng của Bàn Cổ. Điển tích lấy trong chuyện thần thoại Trung Hoa [10]. Theo truyện kể rằng, vào thời xa xưa khi trời đất chưa mở mang, cả vũ trụ là khối hỗn độn hồng hoang, bấy giờ có người tên là Bàn Cổ, người này đã dùng chiếc búa để bổ trời đất thành hai. Do đó, sau này người ta nói "búa Bàn Cổ" tức chỉ người đầu tiên khai mở sự việc hay vấn đề gì đó.[11]
1.6. Nguyên văn:“言生生之類皆因行業有三世識神不滅”(tập 2, tr.84)
Phiên âm: “ngôn sinh sinh chi loại giai nhân hành nghiệp, hữu tam thế thức thần bất diệt.”
Dịch nghĩa: “Mọi loài sinh ra đều do nhân mà tạo nghiệp, thần thức ba đời chẳng tiêu mòn”. (tập 2, tr.64).
Chú thích: “Nhân tạo nên nghiệp: “nhân hành nghiệp”, những thứ có tác động để tạo nên kết quả làm thay đổi số phận mà chủ thể phải chịu. Nghiệp (karma) có thể tốt (phúc nghiệp), có thể xấu (tội nghiệp); có loại thân nghiệp (do chân tay tạo ra), khẩu nghiệp (do lời nói tạo ra), ý nghiệp (do suy nghĩ tạo ra); nếu xảy ra trong quá khứ thì gọi là túc nghiệp, nếu xảy ra trong hiện tại thì gọi là hiện nghiệp. Nghiệp do chính mình tạo ra, nên Nguyễn Du mới nói: “đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa” (truyện Kiều). (tập 2, tr.77)
Khảo chính:
Hành nghiệp 行業, theo Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo, Phật Quang đại từ điển do Từ Di chủ biên: “những điều do thân, miệng, ý gây nên 身口意之所作”.
Chữ “nhân” ở đây không phải chỉ “cái nhân” tạo nên nghiệp, mà phải được hiểu là “do Hành nghiệp”, nếu đặt trọn vẹn trong câu và văn cảnh thì cần hiểu: “Mọi loài (chúng sinh) đều do hành nghiệp mà có thần thức trải qua ba đời không tiêu mất 生生之類皆因行業有三世識神不滅”. Câu này muốn nhắm đến là khẳng định cái “thức thần bất diệt trải qua ba đời không tiêu mất có sẵn trong mọi chúng sinh”. Vua Thiệu Trị đã trích lại một đoạn khá dài trong sách Ngụy thư, “Thích-Lão chí” 魏書 釋老志, nguyên văn: “魏釋老志曰凡說教大抵言生生之類皆因行業有三世識神不滅凡為善惡必有報論漸積勝業陶冶麤鄙經無數形澡煉神明乃致無生而得佛道也”[12]. Trong thời kỳ đầu Phật giáo du nhập vào Trung Hoa, nhiều nhà triết học ở Trung Quốc công kích giáo lí đạo Phật rằng thần thức con người nói riêng và chúng sinh nói chung là tan rã biết mất sau khi chết (Thần diệt luận 神滅論 của Phạm Chẩn 范缜), để khẳng định thuyết luân hồi, nhân quả, nghiệp báo (Thần bất diệt luận 神不滅論) của nhà Phật, nhiều luận sư đã nêu đại ý của Phật giáo rằng “mọi loài chúng sinh do hành nghiệp mà có thần thức lưu chuyển suốt ba đời chẳng mất”. Trong văn bia này, vua Thiệu Trị trưng dẫn khá nhiều đoạn của Ngụy thư, có đoạn dài đến hơn trăm chữ.
1.7. Nguyên văn: "起無緣之慈論有機之名” (tập 2, tr. 84)
Phiên âm: “khởi vô duyên chi từ ứng hữu cơ chi danh” (tập 2, tr. 85)
Dịch nghĩa: “Nổi lên lòng từ không nguyên do, đáp lại cái tên có then chốt”. (tập 2, tr. 65).
Khảo chính:
Vô duyên chi từ 無緣之慈, cách diễn đạt của thuật ngữ Vô duyên từ 無緣慈, Vô duyên từ bi 無緣慈悲 hay Đại từ đại bi 大慈大悲, trong đó, “từ 慈” với nghĩa “cho niềm an lạc đến mọi chúng sinh 大慈與一切眾生樂 ”, Luận Đại Trí Độ 大智度論, quyển 27, định nghĩa: “… đại từ, cho niềm an lạc đến mọi chúng sinh, đại bi, nhổ đau khổ cho tất cả chúng sinh; Đại từ tức cho chúng sinh nhân duyên hỷ lạc, đại bi tức cho chúng sinh nhân duyên lìa khổ 大慈與一切眾生樂,大悲拔一切眾生苦;大慈以喜樂因緣與眾生, 大悲以離苦因緣與眾生”[13]. Ý nói chư Phật, Bồ-tát với lòng từ bi rộng lớn nên có thể tương tác với cả những chúng sinh không có duyên với mình để cứu khổ cho họ. Do từ bi của các bậc ở quả vị thấp hơn cần có điều kiện (hữu duyên) nên bị hạn chế, chưa rộng rãi được; chỉ có chư Phật, đại Bồ Tát thì không cần điều kiện, không cần có duyên cũng có thể tiếp cận để hóa độ họ nên gọi là “vô duyên từ”.
Hữu cơ 有機, cũng như “hữu tình 有情” tức những loài có tình thức, đối lại với “vô tình 無情” tức chỉ vật chất vô tri; “cơ” chỉ căn cơ, mỗi loài chúng sinh tùy theo nghiệp lực của mình mà có khả năng tri nhận, giác ngộ khác nhau, ấy là căn cơ. Hữu cơ là cách gọi tắt của “hữu tình căn cơ” tức căn tính của mọi loài hữu tình.
Chữ “Danh 名” trong câu “ứng hữu cơ chi danh” có hai nghĩa: trường hợp danh từ, nó chỉ cho “tên”, “cái tên gọi”, động từ chỉ hành động “gọi tên”, “gọi”. Cả câu “Khởi vô duyên chi từ, ứng hữu cơ chi danh”, nghĩa là: “khởi lên lòng đại từ, để ứng cứu cho sự khấn niệm của chúng sinh.” Nguyên văn câu này được tìm thấy trong Biện chính luận 辨正論, do sa-môn Thích Pháp Lâm 釋法林 thời Đường 唐 soạn. Đoạn nói về hạnh nguyện từ bi, quá trình tu tập để giác ngộ của đức Phật Thích-ca rằng: “Sao lại như thế? Đức Thích-ca khởi lên lòng từ bi để ứng cứu cho cả những căn cơ chúng sinh không có duyên với mình. Nói về gốc tích [sự tu hành của đức Thích-ca thì] tu hành trọn vẹn cả ba a-tăng-kỳ, tu tập [để chiêu cảm] tướng hảo trọn vẹn trăm kiếp. Cưỡi voi ngọc mà giáng thần, lướt ánh sáng mà sinh mình vàng. Ba hai điềm lành, bày ra chốn địa phủ; Mười tám cõi Phạm, hiện tốt động đến thiên cung. Tướng Linh trùm khắp mười phương; ánh Thần rạng ngời tám hướng. Nói về gốc tích [đức Thích-ca] chứng ngộ trí tuệ viên mãn đã lâu, [số lượng nhiều như ] cát bụi chẳng thể ví bằng tuổi thọ [của ngài]; Sớm vào nơi tịch chiếu, cõi hư không đâu thể ví lường được thể [của ngài] . Chứ đâu chỉ vin vào cành cây mà xem đó là điềm lành lớn hay bày tướng tóc bạc để chứng tỏ điềm lành! - 何者釋迦起無缘之慈,應有機之召。語其迹也則行满三祇,相圓百劫。降神而乘玉象;掩曜而誕金姿。三十二祥,休徵開於地府。一十八梵,禎瑞駭於天宫。靈相周於十方;神光顯於八極。述其本也久證圓明,塵沙莫能算其寿;早登寂照,虚空無以量其体。豈唯就攀枝而偉瑞。徵白首而效祥.”[14]
Dù đoạn này được vua Thiệu Trị trích từ Biện chính luận, nhưng ở bia thực địa ghi là “ứng hữu cở chi danh 應有機之名”, chính văn của Biện chính luận tìm thấy trong Càn Long tạng, Đại Chính tạng, bản in rời của Hoằng Minh tập, Quảng Hoằng Minh tập đều ghi là “ứng hữu cơ chi chiêu 應有機之召” chứ không phải “ứng hữu cơ chi danh 應有機之名”. Có lẽ vì chữ “chiêu 召” gần giống chữ “danh 名” nên vua Thiệu Trị đã nhầm, cũng có thể vua cố ý đổi chữ, vì giữa “chiêu” và “danh” đều có một nét nghĩa chung đó là “gọi tên”, “vời lại”. Trong trường hợp này, hai chữ này có thể thay thế cho nhau mà không làm thay đổi ý của câu.
1.8. Nguyên văn: 三十二祥庥徵開於地府一十八梵禎瑞駭於天宮 (tập 2, tr. 84).
Phiên âm: Tam thập nhị tường hưu trưng, khai ư địa phủ; nhất thập bát phạm trinh thụy, hãi ư thiên cung. (tập 2, tr. 85)
Dịch nghĩa: Ba mươi hai điềm lành mở ra nơi địa phủ, trăm mười tám tướng tốt động đến chiến thiên cung. (tập 2, tr. 65)
Chú thích: Trước khi Phật sinh ra đã có 32 điềm lành báo trước, và khi ngài sinh ra, trên mình có 118 tướng tốt. Chúng tôi chưa gặp ở đâu kể đầy đủ những điềm và tướng ấy. (tập 2, tr.77)
Khảo chính:
Cứ theo kinh Phật thuyết thái tử thụy ứng bản khởi 佛说太子瑞應本起經, 32 điềm lành báo trước khi đức Phật đản sinh như mặt đất chấn động, gò đồi tự nhiên bằng phẳng lại, đường sá tự nhiên sạch sẽ, chỗ dơ bẩn tự nhiên càng thơm hơn, cây khô trong nước (mà đức Phật đản sinh) đều đơm hoa, đâm chồi, vườn tược tự nhiên sinh quả ngọt lạ thường, đất bằng đơm hoa sen lớn như bánh xe[15]…
“118 tướng tốt” được dịch từ “Nhất thập bát phạm”. Về số đếm trong Hán ngữ cổ thì nhiều khi không theo chuẩn thập phân, ví dụ nói về 32 tướng tốt của Phật, các bài tán thán thường ghi: “Tứ bát đoan nghiêm vi diệu tướng 四八端嚴微妙相”, “tứ bát”: 32 tướng. Trường hợp miêu tả cô gái ngồi thêu của thiền sư Thích Trung Nhân 釋中仁 thời Tống 宋 ở Trung Hoa rằng: “Nhị bát giai nhân thích tú trì 二八佳人刺繡遲《舉狗子無佛性話頌》, “nhị bát” là 16... Như vậy “Nhất thập bát” ở đây chỉ có nghĩa là 18 chứ không có nghĩa 118 nhưng Lê Nguyễn Lưu chú. Sách Thích-ca Như lai thành đạo ký 釋迦如來成道記注 của Vương Bột 王勃, ghi: 堪忍界王雾拥於一十八梵, bản chú do Đạo Thành 道成 thực hiện, đoạn nói về thái tử Tất-đạt-đa sắp giáng sinh, 18 vị vua các cõi trời vân tập tại cung điện của thái tử, sự kiện này được gọi là “nhất thập bát Phạm trịnh thụy hãi ư thiên cung”[16]
1.9. Nguyên văn: “動中能靜,定慧止觀。” (trang 26, tập 1)
Dịch nghĩa: “Trong động có thể tĩnh, ngừng lại để quán định và tuệ.” (tập 1, tr. 21)
Khảo chính:
“Định” trong cụm từ “định tuệ chỉ quán” chỉ thiền định, kinh Lăng Nghiêm ghi: “đấy gọi là nhiếp tâm là giới, nhân giới sinh định, nhân định phát tuệ, ấy gọi là ba phép học đưa đến Vô lậu 所谓摄心為戒,因戒生定,因定發慧,是則名為三無漏学 [17]。”. Như vậy, “tuệ 慧” ở đây là kết quả tất yếu của việc tu định.
Chỉ Quán 止觀: Phạn: Samatha; dịch âm: xa-ma-tha 奢摩他, xa-ma-đà 奢摩. Theo Phật Quang đại từ điển (tr. 2645, Thích Quảng Độ dịch, bản điện tử) định nghĩa Chỉ Quán: “… chỉ là dịch từ tiếng Phạm zamatha (xamatha), Quán là dịch từ tiếng Phạm vipazyana (Tì bà xá na). Ngưng bặt hết thảy ngoại cảnh và vọng niệm, chuyên chú vào một đối tượng duy nhất (Chỉ), đồng thời, sinh khởi trí tuệ chân chính, để quán xét đối tượng duy nhất ấy (Quán) gọi là Chỉ Quán, tức chỉ cho hai pháp Định và Tuệ.” Nếu tra ở trang baike.baidu.com sẽ giải thích rõ là: “Chỉ Quán là từ gọi chung cho Thiền Định và Trí Tuệ 即禪定(止)、智慧(觀)的合稱”. Vậy, “định tuệ chỉ quán” không không có nghĩa “dừng lại để quán định và tuệ”.
2. Lỗi chú thích:
Người kiến tạo văn bản hoặc người dịch văn bản cần đặt mình vào vị trí của người đọc để dự tính trước những đoạn văn nào, những điểm nào người đọc sẽ cảm thấy khó hiểu, thậm chí không thể hiểu được nếu thiếu chú thích nhằm đưa ra những chú thích cần thiết vào những điểm cần thiết. Trong khi chú thích cần tránh hai điểm là chú thích những điều không cần chú và ngược lại những điểm cần chú lại không chú thích. Chú thích học cương yếu 注释学纲要 của Hồ Diệu Nam 胡妙楠 nói: “Chú thích phải xuất phát từ góc độ đọc hiểu và lí giải văn bản của người đọc 作注釋,論是以讀者的閱讀和理解該作品的可能成都為其考慮的出發點.” (tr.8). Xét về bản thân của việc chú thích, theo Hồ Diệu Nam, có bốn loại gồm chú thích từ, ngữ; chú thích chương cú; chú thích nghĩa lý và chú thích mang tính tổng hợp.
2.1. Nguyên văn: 三十二祥庥徵開於地府一十八梵禎瑞駭於天宮 (tập 2, tr.84)
Dịch: Ba mươi hai điềm lành mở ra nơi địa phủ, trăm mười tám tướng tốt động đến chiến thiên cung. (tập 2, tr. 65)
Chú thích: (nguyên chú số 46): Trước khi Phật sinh ra đã có 32 điềm lành báo trước, và khi ngài sinh ra, trên mình có 118 tướng tốt. Chúng tôi chưa gặp ở đâu kể đầy đủ những điềm và tướng ấy. (trang 77, tập 2)
Khảo chính:
Phật thuyết Thụy ứng bản khởi kinh 佛說瑞應本起經 (Càn Long Tạng 乾龍藏, số sách 55, bộ số 661), ghi 32 điểm lành báo trước khi đức Thái tử đản sinh: “Ngay trong đêm ấy, trời giáng điềm lành, có 32 điềm như mặt đất chấn động, gò đồi tự nhiên bằng phẳng, đường sá tự nhiên sạch sẽ, chỗ nhơ bẩn hôi hám tự nhiên thơm tho [18]...
“118 tướng tốt” được dịch từ “Nhất thập bát phạm”. Về số đếm trong Hán ngữ cổ nhiều khi không theo chuẩn thập phân, ví dụ nói về 32 tướng tốt của Phật, các bài tán thán thường ghi: “Tứ bát đoan nghiêm vi diệu tướng”. Trường hợp miêu tả cô gái ngồi thêu của thiền sư Thích Trung Nhân thời Tống ở Trung Hoa rằng: nhị bát giai nhân thích tú trì宋.釋中仁《舉狗子無佛性話頌》二八佳人刺繡遲. Vậy Nhất thập bát ở đây chỉ có nghĩa là 18 chứ không có nghĩa 118 như Lê Nguyễn Lưu chú.
Thích-ca Như lai thành đạo ký của Vương Bột và bản chú do Đạo Thành thực hiện ghi: 堪忍界王雾拥於一十八梵。(nguyên văn do Vương Bột soạn) được Đạo Thành chú: “nói 18 trời Phạm gồm Sơ thiền có ba cõi: trời Phạm Chúng, trời Phạm Phụ, trời Đại Phạm. Nhị thiền có ba cõi: trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang, trời Quang Âm. Tam thiền có ba cõi: trời Thiểu Tịnh, trời Vô Lượng Tịnh, trời Biến Tịnh. Tứ thiền có chín cõi: trời Phúc Sinh, trời Phúc Ái, trời Quảng Quả, trời Vô Tưởng, trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Thiện Hiện, trời Thiện Kiến, trời Sắc Cứu Cánh. Tổng cộng có 18 trời [19].
2. 2. Nguyên văn: 夫吾教中為一大事何也生不出死關來死不入死關去. (trang 112, tập 2)
Phiên âm: Phù! Ngô giáo trung vi nhất đại sự, hà dã? Sinh bất xuất tử quyết lai, tử bất nhập tử quyết khứ. (tập 2, tr. 113)
Dịch nghĩa: Ôi! Trong đạo ta, điều gì lớn nhất? Sinh mà không phải ra từ cõi chết là đến, chết mà không vào cỗi chết là đi (trang 109 - 101, tập 2) .
Chú thích: (nguyên chú) Câu này không thể chú thích, với sự hiểu biết nông cạn, tôi xin tạm nêu ra một kiến giải sau đây, xin các bậc cao minh chỉ giáo. Thông thường, con người có sống có chết, câu hỏi con người từ đâu sinh ra và chết đi về đâu từng ám ảnh nhân loại hàng trăm, hàng nghìn năm. Nhà Phật cho đó là cái vòng luân hồi luẩn quẩn, và quan niệm con người có nhiều kiếp, do nhân quả tạo nên, tùy theo mức độ tội nghiệp nặng nhẹ của kiếp trước mà thác sinh làm người hay sức vật ở kiếp này. Như thế là con người sinh ra từ cõi chết, rồi lại trở về cõi chết, cho nên gọi là sinh tử. Tuy nhiên, chư Phật thì không thế, như Phật Thích Ca giáng sinh từ cõi trời Đâu Suất, Phật A Di Đà giáng sinh từ cõi trời Cực Lạc, và khi nhập diệt thì lại trở về đấy, cho nên gọi là lai khứ (đến và đi). Con người muốn thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử như thế thì phải tu hành để tạo nghiệp tốt. Còn nếu không tu hành, lại còn phạm tội nghiệp nặng nề thì khi về cõi chết, tức địa ngục, có thể bị đày làm quỷ đói (ngã quỷ) mãi mãi, chỉ có sức Phật mới giải thoát được cho họ. (tập 2, tr. 109 - 110)
Khảo chính:
Thuật ngữ “Nhất đại sự” 一大事 , kinh Pháp Hoa ghi: “Chư Phật Thế Tôn, chỉ vì một nhân duyên lớn mà xuất hiện trong đời 諸佛世尊,唯以一大事因缘故,出现於世。” (Phẩm phương tiện 方便品). Chính niệm quyết正念訣 lúc lâm chung của sư Thiện Đạo善導 nói: “Việc lớn trong đời, không gì lớn hơn sống-chết, một hơi không trở lại, đã thuộc về đời sau, nếu một niệm sai lệch, liền đọa vào luân hồi.” (Đinh Phúc Bảo, Phật học đại từ điển, tr.190)
“Sinh không thoát ra từ cửa tử; tử không đi vào cửa tử 生不出死關來死不入死關去” Dẫn ý trong bài kệ Từ thế 辭世偈 từ Cao Phong Nguyên Diệu thiền sư ngữ lục 高峰原妙禪師語錄 của thiền sư Cao Phong(1238-1295, nguyên văn: “Sinh không ra tử cửa tử, chết không vào cửa tử, rắn sắt chui vào biển, va ngã núi Tu Di 生不出死關,死不出死關,鐵蛇鑚入海,撞倒須彌山”. Đây là hình thức diễn dịch ý nghĩa của hành động duy tác 惟作 chỉ làm do bản nguyện và bi trí thôi thúc, đã thoát khỏi sự ràng buộc của luân hồi, ví dụ đức Phật sinh ra không phải do chìm nổi luân hồi, chết ở đây tái sinh cõi khác.
2. 3. Nguyên văn: 余親承棒喝一一水乳相資如嫡密付心印。更欲踵跡靈山但素慚不敏(tập 2, tr. 82)
Phiên âm: “Dư thân thừa bổng hát, nhất nhất thủy nhũ tương tư như trích mật phó tâm ấn” (tập 2, tr. 83)
Dịch nghĩa: “Ta từ vâng đánh hét, thảy như nước sữa hòa nhau như rót mật trao tâm ấn.” (tập 2, tr. 62)
Chú thích: (nguyên chú) Trao tâm ấn: Cũng gọi là ấn khả, chỉ sự truyền trao đạo pháp từ thầy sang trò của Thiền tông; trực tiếp chứ không qua ngôn ngữ, văn tự (giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự), như dấu ấn in thẳng vào tim. (tập 2, tr.75)
Khảo chính:
Bổng hát 棒喝 – đánh hét. Cách tiếp hóa đệ tử của Tổ sư Thiền tông. Bậc thầy giỏi trong nhà Thiền khi tiếp dẫn người học thường dùng tiếng hét hoặc dùng gậy đánh để dứt hẳn sự suy nghĩ hư vọng của họ. Việc dùng gậy (bổng) để đánh bắt đầu từ thiền sư Đức Sơn 德山, hét to (hát) bắt đầu từ thiền sư Lâm Tế 臨濟. Sư Lâm Tế hỏi Hoàng Nghiệt “đại ý của Phật pháp là gì?” Nghiệt liền đánh. Cứ thế ba lần hỏi ba lần bị đánh. Sau Lâm Tế tham vấn thiền sư Đại Ngu bèn tỏ ngộ tông chỉ của Hoàng Nghiệt, trở về với Hoàng Nghiệt, (hai vị đối đáp nhau) cơ phong nhanh bén, Hoàng Nghiệt đánh, Lâm Tế liền hét. Sau, (các thiền sư) tiếp độ học đồ, dùng kết hợp cả gậy đánh và hét to (bổng hát), từ đó nay gọi việc thức tỉnh kẻ mê mờ nhầm lối gọi là “bổng hát đương đầu – đánh vào đầu và hét (vào tai) để thức tỉnh”. [20]
Để chứng minh bản thân được truyền trao tâm ấn, là người kế vị đời thứ 30 của dòng thiền Tào Động, Thiên Túng đạo nhân sử dụng văn phong, từ ngữ thiền học, ông trích dẫn đoạn bia nói về sự truyền trao từ chính mạch thiền tông ở Trung Hoa của thiền sư Đại Chứng để miêu tả về tính chân truyền của mình rằng: "Bắt đầu từ Đạt Ma truyền cho Tuệ Khả; Tuệ Khả truyền Tăng Xán; Tăng Xán truyền Đạo Tín; Đạo Tín truyền Hoằng Nhẫn; Hoằng Nhẫn truyền Đại Thông; Đại Thông truyền Đại Chiếu; Đại Chiếu truyền Quảng Đức; Quảng Đức truyền Đại Sư. Mỗi lần truyền thừa đó đều trao hương (đốt hương trên đỉnh đầu khi thụ giới), mỗi lần truyền thừa đó đều xoa lên đỉnh đầu (để ấn chứng sự truyền thừa), cứ thế mà trao truyền mãi cho nhau như ( truyền ngôi báu cho) đích tử (tức con trai đầu của vợ cả), ngầm trao pháp ấn. "始自達摩傳付慧可,可傳僧璨,璨傳道信,信傳宏忍,忍傳大通,大通傳大照,大照傳廣德,廣德傳大師,一一授香,一一摩頂,相承如嫡,宻付法印.". Ở bia Ngự kiến Thiên Mụ tự, tác giả đã thay đổi tên nhân vật để phù hợp để ví với thực tế bản thân: (thiền sư Thạch Liêm nguyên quán) phát tích ở Chiết Tây, được truyền tâm ấn từ [thiền sư] Thiên Giới. Ta [Nguyễn Phúc Chu] đích thân tiếp gánh sự khải ngộ, mỗi một như nước sữa giao hòa, được ngầm trao tâm ấn hệt như trao truyền cho đích tử. "發跡浙西,傳心天界。余親承棒喝,一一水乳相資,如嫡密付心印。". Diễn tả quá trình truyền tâm ấn vừa huyền nhiệm, người ngoài không biết được vừa chỉ sự truyền thừa theo mạch chính, tức từ thầy sang đồ đệ cao túc hệt như việc truyền ngôi cho con trưởng ở thế gian, bia Đại Chứng nói: Truyền nối cho nhau như truyền cho con cả, ngầm trao tâm ấn" 相承如嫡,宻付法印". Bia Ngự kiến gộp ý này thành câu: (mỗi một như nước sữa giao hòa) truyền phó tâm ấn kín nhiệm và chân chính như truyền cho đích tử (一一水乳相資),如嫡密付心印". Lê Nguyễn Lưu dịch: "như rót mật trao tâm ấn". Có lẽ các dịch giả đã nhầm chữ "mật 密" nghĩa là "kín nhiệm, bí mật" trong nguyên văn sang "mật 蜜" chỉ sự ngọt ngào thân thiết hoặc mật ngọt; "đích 嫡" là "vợ cả" trong nguyên văn sang "đích 滴" nghĩa là "giọt nước". Điểm này không những Lê Nguyễn Lưu nhầm mà Phan Đăng cũng dịch: "uống từng giọt sữa khác nào giọt mật, ngài phó thác tâm ấn cho ta"[21] hay tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Hà (Thích Hoằng Trí) rằng: "tợ từng giọt mật trao gửi ấn tâm.[22]”
2. 4. Nguyên văn: 十一願怨親平等同赴蓮池 (tập 1, tr. 145)
Phiên âm: Thập nhất nguyện oan thân bình đẳng, đồng phó liên trì. (tập 1, tr. 146)
Dịch nghĩa: 11. Oan thân bình đẳng, về hội Liên Trì (tập 1, tr. 130)
Chú thích: (nguyên chú) Oan thân: cái thể xác do ngũ uẩn, lục trần, tứ đại hợp thành, phải chịu đựng tứ khổ (sinh, lão, bệnh, tử); cái thân này thì ai cũng như ai, từ vua tới dân, từ sang tới hèn, cho nên phải tu hành để giải thoát nó, trở thành pháp thân như đức Phật; Pháp thân (Dharmakaya) là thân đạo lý, có bốn đức (thường, lạc, ngã, tịnh), không vướng vào bốn khổ. Đức Phật còn có báo thân (hay sinh thân) là cái thân mang xuống thế, và hóa thân là thân hiện ra để độ chúng sinh. Trong trường hợp này, chữ “thân” phải viết là “thân – 身” (hình hài vật chất, mình mẩy của người và sự vật). Từ điển Phật học không có từ “oan thân” mà có từ “oán thân”, cụm từ “oán thân bình đẳng” và giải thích “oán” là kẻ thù, “thân” là người gần gũi, bà con, bạn bè; tín đồ Phật giáo tuân theo lòng đại từ bi tuyệt đối coi kẻ oán thù và người thân hữu như nhau, không phân biệt hậu bạc, nặng nhẹ (PHHVTĐ, tr.943). Chúng tôi cảm thấy chưa ổn. Kẻ thù là người lăm le hại ta, hại cha mẹ, anh em, bà con, dân tộc ta, sao ta lại phải xem họ như những người ta thương yêu được. Vả lại, Phật giáo không có khái niệm kẻ thù, mà cũng không có ai thù với Phật giáo cả. Chúng tôi vẫn chưa hiểu được ý nghĩa từ “oan thân”. Mong các bậc cao tăng thạc đức chỉ giáo!
Khảo chứng:
Về mặt từ ngữ “oán thân 怨親” với nghĩa “kẻ bị oán ghét và người thân thuộc” đọc nhầm thành “oan thân 冤親”, theo đó người dịch đã diễn dịch như phần chú thích ở trên và cho rằng “thân” phải là từ chỉ thân thể, được viết bằng chữ 身. Đối chiếu với văn bia và bản chép lại trong Hàm Long sơn chí 含龍山志 (quyển 2, phần văn bia chùa Từ Hiếu) đều ghi “oán thân bình đẳng 怨親平等”. Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo định nghĩa: (thuật ngữ) chỉ những người theo Phật thực hành tâm đại từ bi tuyệt đối, xem kẻ oán địch và người thân hữu như nhau. Tham chiếu thêm mục “Oán thân”(術語)謂奉絕對之大慈悲之佛徒,怨敵與親友同一視也。參照怨親項。Theo đó, tra tiếp từ “oán thân” được giải thích: (thuật ngữ) Oán tức kẻ hại ta, thân là kẻ yêu thương ta. Kinh Đại Tập cuốn 26 nói: ‘đối với kẻ oán, người thân đều bình đẳng như một’. Sách Diêm La vương cung hành pháp thứ đệ viết: ‘vận tưởng một niệm cung kính thầy, lìa khỏi sự khác biệt giữa tự thân và người khác, thế nên gọi là tâm không bị ngăn ngại, dứt tuyệt ý niệm kẻ oán người thân, gọi là bình đẳng’. Luận Đại trí độ, quyển 20 viết: ‘tâm từ bi dần lớn rộng, kẻ oán người thân đều bình đẳng như nhau’(術語)怨者害我者也,親者愛我者也。大集經二十六曰:「於怨親中平等無二。」焰羅王供行法次第曰:「供師運一念,離自他之異,故曰無遮心,絕怨親之念號平等。」智度論二十曰:「慈心轉廣,怨親同等。」. Chính phần chú thích của dịch giả đã mâu thuẫn khi câu trên nói “Kẻ thù là người lăm le hại ta, hại cha mẹ, anh em, bà con, dân tộc ta, sao ta lại phải xem họ như những người ta thương yêu được.” nhưng ngay câu dưới lại khẳng định thiếu căn cứ rằng “Vả lại, Phật giáo không có khái niệm kẻ thù, mà cũng không có ai thù với Phật giáo cả.”. Lời phát nguyện thứ 11 của hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ, căn cứ vào câu từ và ý nghĩa trong toàn văn đều có nghĩa là “Nguyện thứ 11: kẻ oán người thân bình đẳng, đều cùng nhau đến hội Liên Trì.”
3. Lỗi ngữ pháp, cú đậu
Những lỗi về cú đậu trong bài bao gồm các lỗi như đọc nhầm chữ, ngắt nhầm câu. Nhóm lỗi này được phân tích dựa theo phương pháp từ pháp học, ngữ pháp học và đặt chúng trong logic của toàn văn. Ví dụ đọc nhầm chữ “dục 鬻” thành “chúc 粥”[23] (bia tháp Vô Lượng, tập 2, tr. 112) trong câu “dục tân cung phụ 鬻薪供父”; liên từ “thứ cơ 庶幾” hiểu nhầm thành “dồi dào” trong câu “thứ cơ sinh thuận tử yên 庶幾生順死安”; “thiện tri thức” trong câu “khởi bất văn thiện tri thức năng hồi tam độc vi tam muội 豈不聞善知識能迴三毒為三昧” ngắt nhầm thành “khởi bất văn thiện? Tri thức năng hồi tam độc vi tam muội”…
3.1. Nguyên văn: 至辛未年薙染甫歲歸鄉鬻薪供父 (tập 2, tr. 112).
Phiên âm: “thế nhiễm phủ tuế, quy hương chúc tân cung phụ.” (trang 113, tập 2).
Dịch nghĩa: “Đến năm Tân Mùi (1691), sư vào tuổi trưởng thành xuống tóc, trở về quê lo nấu cháo gánh củi nuôi cha. (tr. 101)
Khảo chính:
Từ “nấu cháo” được dịch từ chữ “dục 鬻”. Do tự dạng của “Dục” nghĩa là “bán” gần giống với “chúc 粥” nghĩa là “cháo”, mặc dù bản nguyên văn chữ Hán người dịch đánh “dục 鬻” nhưng vẫn phiên “chúc”. Điểm này cho thấy dịch giả đã dịch sai do nhầm mặt chữ. Cụm từ “dục tân cung phụ” nên dịch là “bán củi [để lấy tiền] cung phụng cha” chứ không phải “nấu cháo gánh củi nuôi cha.”
3. 2. Nguyên văn: “一日因看傳燈至指物傳心人不會處忽然悟入因海隔山遙呈悟弗能” (tập 2, tr. 112)
Phiên âm; “Nhất nhật, nhân khán Truyền đăng lục, chỉ “chỉ vật truyền tâm nhân bất hội xứ”, hốt nhiên ngộ nhập; nhân hải cách sơn dao, trình ngộ phất năng.” (tập 2, tr. 113)
Dịch nghĩa: “Một hôm nhân đọc sách Truyền đăng lục, đến câu: “chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”, sư chợt tỉnh ngộ, nhưng vì biển núi xa cách, không thể trình ngộ được.” (tập 2, tr.101).
Khảo chính:
Đối chính lại với Truyền đăng 傳燈 cho thấy không có truyền bản nào của sách này có thêm chữ "xứ 處" để trở thành "chỉ vật truyền tâm nhân bất hội xứ 指物傳心人不會處". Đây vốn là một câu trong bài kệ thất ngôn, sách Truyền đăng, quyển 27, nguyên văn: "trời không thể che, đất không chở. Không đến không đi, không chướng ngại. Không dài, không ngắn, không xanh vàng. Không ở trung gian, không nội, ngoại. Siêu quần xuất chúng, huyền nhiệm như thái hư. Chỉ vật truyền tâm, người không hiểu - 天不能蓋地不載, 無去無來無障礙。 無長無短無青黃, 不在中閒及内外。 超羣出衆太虛玄, 指物傳心人不㑹”。
Các thiền sử khác như Sở bảo 楚寳, quyển 42; Chỉ nguyệt lục 指月録 quyển 2, Phật Tổ thống kỷ 佛祖統紀, quyển 6, Ngũ đăng hội nguyên 五燈會元, quyển 2 đều ghi lại bài kệ này và đều không có chữ "xứ 處" sau câu kệ cuối cùng. Nguyên văn (trong bia tháp Vô Lượng của sư Liễu Quán do Thiện Kế soạn): “一日因看《傳燈》至:“指物傳心人不會”處,忽然悟入" về mặt ngữ pháp, có thể giải thích rằng chữ "xứ" trong câu nghĩa là "đoạn hoặc đến đoạn, đến chỗ có câu" thì bất chợt tỏ ngộ. Chữ "xứ" trong mạch văn, trong tương quan ngữ pháp lẫn trong nguồn trích dẫn của văn bia đều cho thấy nó không có nghĩa là "cái chỗ mà người khác không thể hiểu" như Lê Nguyễn Lưu đã dịch.
3. 3. Nguyên văn: 懸崖撒手自肯承當絕後再甦欺君不得作麼生道看師撫掌呵呵大笑”. (tập 2, tr.112).
Phiên âm: “Huyền nhai tát thủ, tự khẳng thừa đương; tuyệt hậu tái tô, khi quân bất đắc. Tác ma sinh đạo? Trước sư phủ chưởng, ha ha đại tiếu” (tập 2, tr. 114).
Dịch nghĩa: “Buông tay hố thẳm, có thể không rơi; chết đi sống lại, sao được dối người. Ngươi nói sao?” Sư vỗ tay, ha hả cười lớn. (trg.102, tập 2).
Khảo chính:
Theo Đại Tuệ Phổ Giác thiền sư ngữ lục 大慧普覺禪師語录, quyển 16 (Gia Hưng tạng – A040-01), nguyên văn: “所以古人道。悬崖撒手自肯承当。绝后再苏欺君不得。到这里始契得竹篦子話。复说偈云.” Đây là câu trích dẫn từ thiền sử, ngữ lục Trung Hoa. “Huyền nhai tát thủ” 懸崖撒手 là quán ngữ Thiền học, được sử dụng với tần suất cao trong các thiền sử, ngữ lục như Truyền đăng lục 傳燈錄, Ngũ đăng hội nguyên 五燈會元, Chỉ nguyệt lục 指月録, Đại Minh cao tăng truyện 大明高僧傳 , Thung Dung am lục 從容菴録... Về sau, "huyền nhai tán thủ", "tuyệt hậu tái tô" đã trở thành thành ngữ thường dùng, trong đó thành ngữ "huyền nhai tát thủ" có hai nét nghĩa: 1) Chỉ con người rơi vào bước đường cùng, không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục thực hiện mục tiêu như đã định. 2) Chỉ sự buông bỏ tất cả trong thời khắc quan trọng nhất. (theo Trung Hoa thành ngữ đại từ điển) Song song với ý nghĩa phổ thông thường dùng, đây còn là thuật ngữ Thiền học, theo Thiền tông từ điển định nghĩa: “Trên bờ vực thẳm buông tay. Thiền tông dùng từ này để chỉ cho cảnh giới ngộ, hình dung việc vượt khỏi tâm ý thức giống như đã leo đến đỉnh núi, bốn bề là vực thẳm mà còn bước thêm một bước và hai tay chẳng vịn vào đâu. Tham thiền kệ trong Thiền Tịnh Hợp Yếu của Thiền sư Phương Tụ Thành ghi: 參 禪 第 一、 漆 桶 打 脫, 撒 手 懸 崖、 那 問 死 活?". Tất dũng đả thoát, Tát thủ huyền nhai, Na vấn tử hoạt? "Pháp tham thiền bậc nhất, Đập thùng sơn lủng đáy. Trên vực thẳm buông tay. Hỏi làm chi sống chết?". Tuyệt hậu tái tô được định nghĩa: 絕 後 再 甦 Chết đi sống lại. Người tham thiền đến chỗ sạch hết mọi phiền não chấp trước, tịch diệt không còn, luôn cả cái không còn cũng chẳng còn, ấy là chết đi (tuyệt hậu), rồi sử dụng một cách hoạt bát cái tâm chân thật sẵn có của mình (tái tô). Thiền Quan Sách Tiến (Đại 48, 1101 hạ) ghi: "若 要 超 凡 入 聖、 永 脫 塵 勞、 直 須 皮 換 骨、絕 後 再 甦、 如 寒 灰 發 燄、 枯 木 重 榮、 豈 可 作 容 易 想。 Nếu muốn siêu phàm nhập thánh, thoát khỏi trần lao,cần phải thay xương đổi thịt, chết đi sống lại, như trong tro lạnh phát lửa, cây khô nẩy chồi, đâu nên tưởng là việc dễ dàng!".
Lê Nguyễn Lưu dịch “tự khẳng thừa đương” thành “có thể không rơi” không những chưa đúng về mặt chữ mà còn sai về ý nghĩa muốn ngầm trỏ của cụm từ này.
“Tác ma sinh, đạo khan” Lê Nguyễn Lưu “cắt” chữ “khan 看” đọc nhầm thành “trước 着” để ghép vào câu tiếp theo là “Trước sư phủ chưởng, ha ha đại tiếu” có lẽ do hai chữ này giống nhau!
3. 4. Nguyên văn: “以清淨法眼涅般妙心開闡無遮度諸迷感” (tập 1, tr. 26)
Phiên âm: “… định tuệ chỉ quán dĩ thanh tịnh pháp nhãn, niết bàn, diệu tâm khai xiển vô già, độ chư mê cảm…” (tập 1, tr. 27)
Dịch nghĩa: “lấy thanh tịnh, pháp nhãn, niết bàn, diệu tâm mở ra không che lấp mà độ những cảm xúc mê lầm”. (tập 1, tr. 21)
Khảo chính:
Thanh tịnh pháp nhãn 清 淨 法 眼 chỉ một trong ngũ nhãn 五 眼 của bậc chứng ngộ. Ngũ nhãn: nhục nhãn 肉 眼, thiên nhãn 天 眼, tuệ nhãn 慧 眼, pháp nhãn 法 眼 và Phật nhãn 佛眼. Thanh tịnh pháp nhãn được định nghĩa “thanh tịnh pháp nhãn: (thuật ngữ) chỉ pháp nhãn thanh tịnh, là một trong ngũ nhãn 清 净 法 眼: (术 語)清 净 之 法 眼 也,法 眼 為 五 眼 之 一) [24]
Vô già 無 遮, (tạp danh) “dung chứa vật mà không bị ngăn che. Kinh Viên Giác ghi: ‘chỉ nguyện [đức Thế Tôn] không xả bỏ tâm từ bi không ngăn ngại vì chư Bồ-tát mà khai mở kho tàng bí mật.” Kinh Lăng Nghiêm ghi: ‘đức Như Lai khai mở [tâm lượng] không ngăn che mà cứu độ những kẻ nghi ngờ và phỉ báng chính pháp. Diêm La Vương cung hành pháp thứ đệ nói: ‘thiết [lễ hội] Vô Già cúng dường rộng lớn 無 遮 (杂 名)寬 容 物 而無 遮 也。圓 覺 經 曰:‘惟 願 不 舍 無 遮 大 悲,為 諸 菩 萨 開 秘 密 藏。’楞 严 經一 曰:‘如 来 開 阐 無 遮 度 諸 疑 谤 .焰 羅 王 供 行 法 次 第 曰:「設 無 遮 廣 大 供 養。」”[25]
Cứ theo nghĩa mạch văn và sự kiện ở văn bia, chữ “vô già 無 遮” ở đây trỏ cho Vô già đại hội, Vô già hội tức trai đàn Chẩn tế nhân lễ Vu Lan ở Diệu Đế. Phần thơ (ba bài thơ nhân dịp chèo thuyền trong tết Trung Nguyên 中元節泛月作三首) ghi: “Trăng sáng như ngày đúng đêm nay, Thiết lễ Vu Lan chốn nào mời 月明如晝正今宵, 何處盂蘭設席遨”. Sách Tu tập Du-già tập yếu thí thực đàn nghi 修 習 瑜 伽 集 要 施 食 壇 儀 ghi: chỉ nguyện nương sức Tam bảo, nhờ lời bí mật, giờ này đêm nay, đến thụ nhận pháp thực cam lộ vô già 惟願承三寶力,仗秘密言,此夜今時,來受無遮甘露法食”. Theo đó, ý nghĩa của từ Vô già hội được định nghĩa: “(hành sự) Vô già hội, tiếng Phạn là pañca-pariṣad/ pañcavarṣikā-pariṣad, dịch âm Bát-xà-vu-sắc, dịch nghĩa tương ứng là hội Vô-già. Chỉ cho pháp hội mà trong đó hiền, thánh, đạo, tục, quý, tiện, trên, dưới đều không bị ngăn che, thực hành công hạnh bố thí tài sản và chính pháp một cách bình đẳng(行事)pañca-pariṣad,pañcavarṣikā-pariṣad,梵語般闍於瑟。譯曰無遮會。賢聖道俗貴賤上下無遮,平等行財法二施之法會也[26]。Đọc nhầm “hoặc 惑” thành “cảm 感”, “Diệu tâm妙心” thuộc cụm từ “niết bàn diệu tâm – tâm vi diệu niết bàn” đã ngắt nhầm để ghép vào câu sau để thành “diệu tâm mở ra không che lấp – diệu tâm khai xiển vô già”.
3. 5. Nguyên văn: 豈不闡善知識能迴三毒為三昧…(tập 1, tr.26)
Phiên âm: Khởi bất xiển thiện, tri thức năng hồi tam độc vi tam muội
Dịch nghĩa: Độ những cảm xúc mê lầm, há chẳng phải phát triển điều thiện ư? Tri thức có thể hướng tam độc về tam muội. (tập 1, tr. 27)
Khảo chính:
Chữ “khởi 豈” trợ từ đặt đầu câu biểu thị “phản vấn”, thường dịch là “há”. Khởi bất văn tức “há chẳng nghe”, “thế chẳng nghe rằng”.
Thiện tri thức 善知識: thuật ngữ Phật học chỉ những vị có năng lực giúp người khác bỏ ác theo thiện, tu tập trí tuệ để chứng ngộ thành Phật (佛教用語。佛教稱能引發他人向上、增善去惡乃至證悟成佛的人。) .
Đoạn “khởi bất văn thiện tri thức năng hồi tam độc vi tam muội, tĩnh giới năng hồi lục tặc vi lục thần thông, phiền não tác bồ đề, hồi vô minh vi đại trí 豈不聞善知識能迴三毒為三昧,靜戒能迴六賊為六神通,煩惱作菩提,迴無明為大智” được trích dẫn từ sách Kiến Châu Hoằng Thích Lục 建州弘釋錄[27], vị khách tăng tinh thông tam tạng hỏi thiền sư Đại Chu Huệ Hải 大珠慧海về việc “chân như” có thay đổi hay không, Huệ Hải đáp rằng có, nếu “chân như không đổi, thì kẻ phàm phu mãi mãi là phàm phu”, tiếp theo Huệ Hải nói đến tính khả biến của chân như để chứng minh một người biết tu tập – thiện tri thức thì có thể chuyển tam độc thành tam muội, giữ giới giúp chuyển lục tặc thành lục thần thông, chuyển phiền não thành bồ đề, chuyển vô minh thành đại trí. Từ nguồn trích và mạch văn này có thể thấy Lê Nguyễn Lưu đọc “thiện” trong “thiện tri thức” nhầm thành “xiển 闡”, ngắt nhầm “khởi bất văn thiện tri thức” thành “khởi bất xiển thiện? Tri thức năng hồi…” và do vậy dịch sai, chú sai.
3.6. Nguyên văn: “全自頓拋憑念,庶幾生順死安,漸近化城境界。” (tập 1, tr. 99)
Dịch nghĩa: “…ai nấy dốc lòng tụng niệm, dồi dào sinh thuận chết yên, hầu như đạt đến cõi văn minh vậy”. (tập 1, trang 94)
Chú thích: (nguyên chú) “Cõi văn minh: dịch “hóa thành cảnh giới”. Có người cho Hóa thành là thành Thuận Hóa, nghĩa không thông. Chúng tôi theo nghĩa “hóa” trong “giáo hóa” nên dịch là “cõi văn minh”. Cũng có thể hiểu “hóa” là đạo Phật, “hóa thành cảnh giới” là cõi Phật, cõi đạo. Nhưng lẽ nào một ông chúa lại muốn biến nước mình cai trị thành “Phật quốc?”. (tập 1, tr. 98)
Khảo chính:
Lỗi từ và thuật ngữ: “đốn phao bằng niệm” có phải là “dốc lòng tụng niệm”? Đốn phao, nghĩa là “lập tức vứt bỏ”, “nhanh chóng dẹp bỏ”; “bằng niệm” tức “nương vào niệm lực” “nương vào ý niệm”. Thứ cơ 庶幾 thường dịch là “ngõ hầu”, “để mong rằng” . Theo Từ điển Hán-Việt Hán ngữ cổ đại và hiện đại của Trần Văn Chánh giải thích “thứ cơ” như “thứ cơ hồ”: (văn) tức văn ngôn, (lt) tức liên từ: gần như, hầu như, may ra mới được. (trg. 691). “Hóa thành 化城”, tòa thành huyễn hóa không thật, hình ảnh lấy trong phẩm “Hóa thành dụ”, kinh Pháp Hoa[28], vốn chỉ trạng thái niết bàn của Tiểu thừa. Trong nguyên văn chữ Hán, câu này có quan hệ nhân quả rõ ràng rằng “nhờ vào sự buông bỏ tất cả (đốn phao) để nương vào niệm lực (bằng niệm) được như thế “may ra mới được” sinh thuận, chết yên, dần dần gần đến cảnh giới Hóa thành.
3.7. Nguyên văn “府徇輿情建梵宮” (tập 1, tr.26)
Phiên âm: Phủ tuẫn dư tình kiến phạm cung (tập 1, tr. 28)
Dịch nghĩa: Vì bậc từ nhân(14) dựng phạm cung (tập 1, tr. 21)
Chú: (nguyên chú) Từ Nhân: nguyên văn “dư tình”, chỉ cha mẹ. Xưa cha mẹ già thường ngồi trên xe, người con hiếu thuận đẩy xe đưa cha mẹ đi dạo chơi.
Khảo chứng:
Dư tình 輿情, Từ điển Hán-Việt Hán ngữ cổ đại và hiện đại của Trần Văn Chánh: Tình hình dư luận, ý kiến thái độ công chúng. (trang.1964). Zdic.net giải thích: 輿情 yú qíng: Ý kiến, cách nhìn nhận của mọi người 群眾的看法、意见/ Ý hướng và ngôn luận của đại chúng 大眾言論與意向. Từ Hải, tr. 342, mục chữ Dư, nét nghĩa số 4, Dư nghĩa là “chúng = nhiều” như “dư luận” là luận bàn của số đông; “dư tình” là tình hình chung của mọi người. Từ nguyên: “Dư tình”: Dân chúng đích ý nguyện 民眾的意願 – Ý nguyện của dân chúng. Bài nghiên cứu về “Dư tình, dân ý hòa dư luận: từ đích định nghĩa dữ biến thiên 舆情、民意和舆論:词的定义与变迁” đăng trên tạp chí “Tân Thị Dã” 新视野, kỳ 12 năm 2014 của Vương Lai Hoa 王来华, Lâm Trúc林竹, Tất Hoằng Âm 毕宏音đều không nói đến ý nghĩa “dư tình” chỉ “cha mẹ,” như Lê Nguyễn Lưu đã chú trong bài.
Đối chiếu với mạch ý nghĩa và cách dùng từ ngay trong bài thơ này của tác giả, tức hai câu thơ ngay kế dưới câu này là: “ư ngã bản phi sùng tượng giáo; vị dân đản nguyện phúc mang hồng 於我本非崇闡教; 為民但願福龐洪 với ta vố không sùng mộ Tượng giáo (tức Phật giáo) nhưng vì dân nên chỉ nguyện phúc lớn vô biên”. Có thể tóm lược ý của ba câu thơ này rằng “ta vì cúi theo ý nguyện chung của dân chúng mà xây dựng Phạm cung (chùa Phật), chứ ta vốn không sùng mộ Tượng giáo (tức Phật giáo), mà chẳng qua vì dân nên chỉ mong sao được phúc lớn vô biên mà thôi”.
3. 8. Nguyên văn: 立三世之緣,觀感流俗 (tập 1, tr. 26)
Phiên âm: “… Lập tam thế chi duyên, quan cảm lưu tục; (tập 1, tr. 27)
Dịch nghĩa: “… lập cái duyên của ba đời, cảm nhìn thói tục” (tập 1, tr. 20)
Khảo chính:
Từ “Cảm nhìn” được dịch từ “quan cảm 觀感”. Theo Hán Việt từ điển cổ đại và hiện đại của Trần Văn Chánh thì “Quan cảm” 觀感: Cảm tưởng; Cách nhìn. Zdic.net định nghĩa “ấn tượng và cảm tưởng sinh ra sau khi quan sát sự vật (看到事物以后所产生的印象和感想)/ Cảm tưởng có được khi quan sát con người hoặc sự vật (觀察人或事物後所得感想)/ 觀看某事物后的感情体會. Sự thể hội tình cảm sau khi nhìn thấy sự việc nào đó. Uyên Giám Loại Hàm 淵鑒類函, quyển 360, phần “Thích Giáo bộ” 釋教部 ghi: “lấy giới luật làm văn để giáo hóa, lấy thiền định để giữ chân chính, cứu kẻ đắm chìm trong biển khổ, cứu người bị thiêu đốt trong nhà lửa, đã không tổn hại đến việc trị quốc, lại có thể giúp đỡ cho việc giáo hóa của vương đạo. Lập cái duyên ba đời, gây ấn tượng đẹp cho kẻ tục. Bày then chốt của trăm pháp, khuyến dụ giúp đỡ cuộc phù sinh 以戒律為教文,以禪定為真守,拯苦海之沈溺,救火宅之焚燒,既無傷於國經,且有補於王化。立三世之縁,觀感流俗;設百法之要,誘掖浮生。”. Bia Diệu Đế do vua Thiệu Trị soạn trích dẫn nhiều câu, nhiều đoạn rất dài trong các thư tịch cổ Phật giáo, việc truy nguồn trích dẫn sẽ giúp chúng ta hiểu được nguyên văn hơn, có cái nhìn bao quát hơn do đó dễ dịch hơn.
Tạm kết:
“Tuyển dịch văn bia chùa Huế” đăng nhiều lần trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển của dịch giả Lê Nguyễn Lưu cho thấy sự ưu ái của tạp chí đối với một vị dịch giả có nhiều tâm huyết với xứ Thiền kinh Thuận Hóa. Tuy nhiên, trong hai lần in cách nhau hơn 10 năm, dịch phẩm này vẫn còn phạm quá nhiều lỗi. Đọc lướt qua lời giới thiệu từng ngôi chùa, từng bài dịch, chú và phụ lục nguyên văn chữ Hán, phiên âm đều có sai sót, nhầm lẫn. Ví dụ bia chùa Ba La Mật nguyên văn ghi “和尚嘗重修天興寺為雲游辰卓錫之所” được dịch “Ngài thường trùng tu chùa Thiên Hưng (Tập 1, tr. 11) ”, thật ra chỉ trùng tu một lần, vì nhầm chữ “thường 嘗” nghĩa là “từng” thành “thường 常” trong “thường thường”, “thường hằng”. Chú thích số 14, trang 14 nói: Bồ-tát giới: “Bậc cao nhất mà một đệ tử được thụ giới với bổn sư…” (Giới Bồ-tát là giới mở, cho phép cả người xuất gia lẫn tại gia thụ giữ), đoạn nói về chùa Đông Thiền trang 31 ghi “Theo tục lệ của Phật giáo, tỳ kheo ni không được đứng khai sơn một ngôi chùa…” (không có quy định nào trong Thanh Quy rằng, nữ giới không được khai sơn!), đoạn trong bia Ngự kiến Thiên Mụ tự của Nguyễn Phúc Chu ghi “人有血脉地有湀闢” được dịch “người có mạch máu, đất có ao đồi” (tập 2, tr. 62), thực ra, “quỹ tịch” là “mạch ngầm”, “nước lưu thông trong lòng đất” chứ không phải “ao đồi”, “ăn mãi đồ sang, mới ước mùi cơm hẩm…” (tập 2. tr. 62) nguyên văn “久食珍者豈觀飯來香積” từ “cơm hẩm” được dịch từ “phạn lai Hương Tích”, kinh Duy Ma Cật, phẩm Hương Tích Phật ghi: “Giới phận phía trên, quá 42 quốc độ Phật, có nước tên Chúng Hương, danh hiệu Phật ở đó là Hương Tích, nay vẫn còn. Mùi hương nước đó, thơm vào bậc nhất so với mùi hương của loài trời, người trong mười phương chư Phật - 上方界分,過四十二恒河沙佛土,有國名眾香,佛號香積,今現在。其國香氣,比於十方諸佛世界人天之香,最為第一”. Đây là quốc độ mà ngài Duy Ma Cật đến mang cơm về cúng dường chư Phật, vậy tại sao lại có thể là “cơm hẩm”? Bia bảo tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ (tập 2, tr. 65) ghi “nói về dấu vết thì hạnh khắp ba kì, tướng tròn trăm kiếp” được dịch từ nguyên văn “語其跡也則行滿三祇相圓百劫” người dịch thiếu chú thích cần thiết để người đọc biết “hạnh khắp ba kì”, “tướng tròn trăm kiếp” là gì. Bài Ngự chế Thiên Mụ chung thanh ghi “Chùa Thiên Mụ: Mái đình rạng rỡ…” dịch từ “天姥寺亭毒儲精” đang miêu tả chùa lại nói “Mái đình”. Dịch giả đã dịch “mái đính” từ chữ Đình độc. Từ đó được giải thích: Từ Hải định nghĩa “đình độc亭毒” là hóa dục, dưỡng thành. Từ này xuất xứ từ sách Lão Tử, nghĩa là “làm lớn lên, nuôi nấng nó, tác thành nó, làm chín muồi nó 亭毒: 化育,養成. 語出老子“长之育之宇之,亭之毒之”…
Chúng tôi mong rằng sẽ có một công trình nghiên cứu kĩ lưỡng, chính xác hơn vừa nhằm giữ gìn kho văn khắc Hán-Nôm xứ Huế đang bị mưa nắng bào mòn vừa có thể giới thiệu cho độc giả những áng văn khắc Hán-Nôm Phật học của xứ Thiền kinh này.
Phan Quốc Trung
Tài liệu tham khảo chính:
1. Giới Hương, Văn bia chùa Huế [bản lưu hành nội bộ], 2004.
2. Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
3. Bản chép tay và bản ảnh của Nguyễn Thịnh, Văn bia thực địa.
4. Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế: di tích - lịch sử - thắng cảnh, Nxb. Đà Nẵng, 1994.
5. Phan Đăng, Văn Bia trên đất Huế [Bản đánh máy], lưu trữ tại thư viện (?) Huế.
6. Trịnh Khắc Mạnh, Một số vấn đề về văn bia Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, 2008.
7. Thích Đồng Bổn & Nguyễn Quốc Tuấn (đồng chủ biên), Phật giáo thời Nguyễn, Nxb. Tôn Giáo, 2015.
8. Hà Xuân Liêm, Chùa Thiên Mụ, Nxb Thuận Hóa, 1999.
9. Dương Văn An, Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải, Ô Châu cận lục, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, 2009.
10. Hà Xuân Dương, Kiến trúc chùa Thiên Mụ, Nxb. Đà Nẵng, 2000.
11. Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc Tộc thế phả: thủy tổ phả - vương phả - đế phả, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1995.
12. Lê Mạnh Thát (dịch), Thiền uyển tập anh, Phân viện nghiên cứu Phật học và Nxb. Văn học ấn hành, Hà Nội, 1990.
13. Nguyễn Văn Thoa, Tra Am và sư Viên Thành, môn đồ Ba-la và Tra-am ấn hành, 1973.
14. Nhiều tác giả, Tham luận hội thảo khoa học Bồ tát Nguyễn Phúc Chu và sự nghiệp mở mang bờ cõi, phát triển đất nước, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện nghiên cứu tôn giáo, 2011.
15. Nguyễn Khắc Thuần, Thế thứ các triều vua Việt Nam (bản điện tử).
16. Uông Diệu Nam 汪耀楠: 注釋學, Chú thích học, 外语教学与研究出版社 (Ngoại ngữ giáo học dữ nghiên cứu xuất bản xã), 2010.
17. Thích Đại Sán 釋大汕 , 海外紀事 (Hải ngoại kỉ sự), 中華書局 (Trung Hoa thư cục), 1987.
18. Tổ sư Trừng Quán 澄觀祖師: Đại Chính tạng, Kinh sớ bộ, No.1736 - (phần) Hoa Nghiêm kinh Tùy sớ diễn nghĩa sao 大方广佛華严經随疏演义钞 , 河北佛协出版社 (Hà Bắc Phật giáo xuất bản xã), 1983.
19. Thiên Giới Giác Lãng thiền sư 天界覺浪禪師: 嘉興藏-284部-天界覺浪盛禪師 (Gia Hưng tạng, Thiên Giới Giác Lãng thiền sư), 民族出版社 (Dân tộc xuất bản xã ), 2009.
20. Dương Quân Tùng 楊筠松, Vinh Tích Huân 荣錫勛, 批注交補 (Phê chú giảo bổ): 葬書 (Táng thư); 撼龍經 , 疑龍經 (Hám long kinh, Nghi long kinh), 上海錦章圖書局印行 (Thượng Hải Cẩm Chương đồ thư cục ấn hành), 民國三年 (Dân Quốc tam niên).
21. Bành Định Cầu 彭定求, Thẩm Tam Tằng 沈三曾, Dương Trung Nột 楊中讷... biên giảo, Toàn Đường thi 全唐詩, q. 79, 中華書局 (Trung Hoa Thư Cục), 1999.
22. Báo Quốc tự tàng bản (報國寺藏版), Hàm Long sơn chí 含龍山志
23. Lam Cát Phú 藍吉富 (chủ biên), Thiền tông toàn thư 禪宗全書, q. 59, 96, 97 , 文殊出版社 (Văn Thù xuất bản xã), 中華民國七十七年 (Trung Hoa Dân Quốc thất thập thất niên).
24. Ngô Khang吴康chủ biên: Trung Quốc thần bí văn hóa từ điển 中國神秘文化大辭典, 海南出版社 (Hải Nam xuất bản xã), 1993.
25. Hạ Trưng Nông 夏徵农/ Trần Chí Lập 陈至立 (chủ biên), Từ Hải 辭海, 上海辞書出版社 (Thượng Hải từ thư xuất bản xã), 2009.
26. Từ Di pháp sư 慈怡法師 (chủ biên), 佛光大辭典 (Phật Quang đại từ điển), 北京图書馆出版社 (Bắc Kinh đồ thư quán xuất bản xã), 2007.
27. Viên Kha 袁珂 (chủ biên), 中國神话传说词典 (Trung Quốc thần thoại truyền thuyết từ điển), 海南出版社 (Hải Nam xuất bản xã), 1993.
28. Mẫn Trí Đình 閔智亭, Lý Dưỡng Chính 李養正 (chủ biên), 道教大辞典 (Đạo giáo đại từ điển), 華夏出版社 (Hoa Hạ xuất bản xã), 1994.
29. Thích Hải Ấn, Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu ngự kiến Thiên Mụ tự, Liễu Quán, tập 2, 2014.
30. Bùi Quang Hùng, Mối liên hệ và sự ảnh hưởng của thiền sư Đại Sán với chúa Nguyễn Phúc Chu, tạp chí Hán Nôm, số 2, 2012.
31. Thích Hoằng Trí, Nghiên cứu Hàm Long sơn chí, tác giả và tác phẩm, Luận án tiến sĩ ngữ văn, 2014.
32. Phan Thanh Hải, Bia và văn bia cung đình thời Nguyễn tại Huế, Một di sản quý cần được chú ý bảo tồn (bản điện tử).
33. Phan Thanh Hải, Phong thủy trong quy hoạch đô thị Huế, Di sản văn hóa (bản điện tử).
34. Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2002.
[1] Theo Phật Tổ lịch đại thông tải 佛祖歷代通載, quyển 15, phần Vĩnh Châu tu tịnh độ viện ký 永州修淨土院记 (bài ký về viện tu Tịnh độ ở Vĩnh Châu) do Liễu Tông Nguyên soạn.
[2] Theo Vạn Tân Toản Tục Tạng Kinh卍新纂续藏经 , số 1298 (No. 1298 ) sách Thiền môn chư tổ sư kệ tụng 禅门诸祖师偈颂. Nguyên văn: “临川陈宗愈。于永安常老会中得大法喜。捐其家资为建丈室。作修廊方。且鸠财以新法堂。而宗愈死。其二子号诉于常曰。吾先子之未奉佛也。安且强。既奉佛也。病且亡。佛之因果可信耶。其不可信耶。常曰。吾野叟也。不足以譬。子子弟成父之志而毕吾堂。吾先师有得法上首无尽居士。深入不二。辨才无碍。随顺根性。善演音法。堂成当为子持书求诲。决子之疑。绍兴元年春。常遣明鉴至山阳以书来言。会予方以谏官召还。未暇明年鉴又至京。待报于智海禅刹。尔时居士默处一室。照了幻境。铁轮旋顶。身心泰定。明鉴雨泪悲泣。殷勤再三。请大悲居士。佛法外护。付与王臣。今此众生流浪苦海。贪怖死生迷惑因果。惟愿居士作大医王。施与法药。居士曰。善哉善哉。汝乃能不远千里为陈氏子咨请如来无上秘密甚深法要。谛听吾说。持以告之。善男子。大空寂间。妄生四相。积气为风。积形为地。积阳为火。积阴为水。建为三才。散为万品。一切有情。水火相摩。形气相结。以小四相。具四大界。因生须养。因养须财。因财须聚。因聚成贪。因贪成竞。因竞成嗔。因嗔成狠。因狠成愚。因愚成痴。此贪嗔痴。诸佛说为三大阿僧祇劫。人于百年劫中。或十岁。或二十岁。或三十四十岁。或五六十岁。或七八十岁。各于寿量。自为小劫。于此劫中。人欲起越不可数劫。譬如蚯蚓欲升烟云。无有是处。诸佛悲愍。开示檀波罗蜜大方便门。劝汝舍财。汝财能舍即能舍爱。汝爱能舍即能舍法。汝法能舍即能舍意。汝意能舍即能舍身。汝身能舍即能舍心。汝心能舍即能契道。昔迦叶尊者行化。有老媪以破器中潘汁施之。尊者饮讫。踊身虚空。现十八变。老媪瞻仰。心大欢喜。尊者谓曰。汝之所施。福德无量。若人若天。轮王帝释。四果圣人。及佛菩提。随汝所愿。无不获者。媪答曰。只求生天。尊者曰。如汝所欲。过七日命终。生忉利天。受胜妙乐。又罽宾国王在佛会听法。出众言曰。大圣出世。千劫难逢。今欲发心造立精舍。愿佛听许。佛云随汝所作。罽宾国王持一枝竹。插于佛前。曰建精舍竟。佛云如是如是。以是精蓝。含融法界。以是供养。福越河沙。鉴来为吾持此二说。归语檀越。善自择之。汝父所建堂室廊庑。比一器潘汁得福甚多。生天受乐决定无疑。若比罽宾国王插一枝竹。乃能含融无量法界。”
[3] Xem chú thích 1 ở trên.
[4] Liễu Tông Nguyên 柳宗元, người đời cũng gọi là Liễu Liễu Châu 柳柳州, Liễu Hà Đông 柳河東, Hà Đông Giải Nhân 河東解人, Liễu Tử Hậu 柳子厚, là một trong Đường Tống Bát Đại Gia. Đỗ Tiến Sỹ năm thứ 9 niên hiệu Trinh Nguyên貞元, nhậm chức Giám Sát Ngự Sử, sau, nhân vướng lụy Vương Thúc Văn 王叔文 mà bị biếm làm thứ sử Thiều Châu 邵州刺史rồi sang làm Tư Mã Vĩnh Châu永州司馬, thứ sử Liễu Châu 柳州刺史. Ông soạn bài ký này khi đang làm Tư Mã ở Vĩnh Châu.
[5] Theo Đại Chinh tạng大正藏第, sách 47, no. 1969 . Lạc Bang Văn Loại 乐邦文类, quyển 3, phần bài ký Long Hưng tự tu Tịnh Độ viện ký của Liễu Tử Hậu.
[6] Dịch Hành Quảng 易行广 –Tào Khê thiền nhân vật chí 曹溪禅人物志, Quảng Đông Nhân Dân xuất bản xã广东人民出版社, 1994.
[7] Trang web điện tử: http://authority.dila.edu.tw/person/
[8] Bia Ngự kiến Thiên Mụ tự của quốc chúa Nguyễn Phúc Chu.
[9] Phẩm Tăng-kỳ, Bản Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh 大方廣佛華嚴經 (80 quyển) do Thật Xoa Nan Đà 實叉難陀 dịch vào thời Đường ghi mối quan hệ giữa các con số được nói ở văn bia Ngự kiến như sau: 佛言:“善男子!一百洛叉为一俱胝,俱胝俱胝为一阿庾多,阿庾多阿庾多为一那由他,那由他那由他为一频婆罗,频婆罗频婆罗为一矜羯罗,矜羯罗矜羯罗为一阿伽罗,阿伽罗阿伽罗为一最胜,最胜最胜为一摩婆(上声呼)罗,摩婆罗摩婆罗为一阿婆(上)罗,阿婆罗阿婆罗为一多婆(上)罗,多婆罗多婆罗为一界分,界分界分为一普摩,普摩普摩为一祢摩,祢摩祢摩为一阿婆(上)钤,阿婆钤阿婆钤为一弥伽(上)婆,弥伽婆弥伽婆为一毗攞伽,毗攞伽毗攞伽为一毗伽(上)婆,毗伽婆毗伽婆为一僧羯逻摩,僧羯逻摩僧羯逻摩为一毗萨罗,毗萨罗毗萨罗为一毗赡婆,毗赡婆毗赡婆为一毗盛(上)伽,毗盛伽毗盛伽为一毗素陀,毗素陀毗素陀为一毗婆诃,毗婆诃毗婆诃为一毗薄底,毗薄底毗薄底为一毗佉担,毗佉担毗佉担为一称量,称量称量为一一持,一持一持为一异路,异路异路为一颠倒,颠倒颠倒为一三末耶,三末耶三末耶为一毗睹罗,毗睹罗毗睹罗为一奚婆(上)罗,奚婆罗奚婆罗为一伺察,伺察伺察为一周广,周广周广为一高出,高出高出为一最妙,最妙最妙为一泥罗婆,泥罗婆泥罗婆为一诃理婆,诃理婆诃理婆为一一动,一动一动为一诃理蒲,诃理蒲诃理蒲为一诃理三,诃理三诃理三为一奚鲁伽,奚鲁伽奚鲁伽为一达攞步陀,达攞步陀达攞步陀为一诃鲁那,诃鲁那诃鲁那为一摩鲁陀,摩鲁陀摩鲁陀为一忏慕陀,忏慕陀忏慕陀为一瑿攞陀,瑿攞陀瑿攞陀为一摩鲁摩,摩鲁摩摩鲁摩为一调伏,调伏调伏为一离憍慢,离憍慢离憍慢为一不动,不动不动为一极量,极量极量为一阿么怛罗,阿么怛罗阿么怛罗为一勃么怛罗,勃么怛罗勃么怛罗为一伽么怛罗,伽么怛罗伽么怛罗为一那么怛罗,那么怛罗那么怛罗为一奚么怛罗,奚么怛罗奚么怛罗为一鞞么怛罗,鞞么怛罗鞞么怛罗为一钵罗么怛罗,钵罗么怛罗钵罗么怛罗为一尸婆么怛罗,尸婆么怛罗尸婆么怛罗为一翳罗,翳罗翳罗为一薜罗,薜罗薜罗为一谛罗,谛罗谛罗为一偈罗,偈罗偈罗为一窣步罗,窣步罗窣步罗为一泥罗,泥罗泥罗为一计罗,计罗计罗为一细罗,细罗细罗为一睥罗,睥罗睥罗为一谜罗,谜罗谜罗为一娑攞荼,娑攞荼娑攞荼为一谜鲁陀,谜鲁陀谜鲁陀为一契鲁陀,契鲁陀契鲁陀为一摩睹罗,摩睹罗摩睹罗为一娑母罗,娑母罗娑母罗为一阿野娑,阿野娑阿野娑为一迦么罗,迦么罗迦么罗为一摩伽婆,摩伽婆摩伽婆为一阿怛罗,阿怛罗阿怛罗为一醯鲁耶,醯鲁耶醯鲁耶为一薜鲁婆,薜鲁婆薜鲁婆为一羯罗波,羯罗波羯罗波为一诃婆婆,诃婆婆诃婆婆为一毗婆(上)罗,毗婆罗毗婆罗为一那婆(上)罗,那婆罗那婆罗为一摩攞罗,摩攞罗摩攞罗为一娑婆(上)罗,娑婆罗娑婆罗为一迷攞普,迷攞普迷攞普为一者么罗,者么罗者么罗为一驮么罗,驮么罗驮么罗为一钵攞么陀,钵攞么陀钵攞么陀为一毗伽摩,毗伽摩毗伽摩为一乌波跋多,乌波跋多乌波跋多为一演说,演说演说为一无尽,无尽无尽为一出生,出生出生为一无我,无我无我为一阿畔多,阿畔多阿畔多为一青莲华,青莲华青莲华为一钵头摩,钵头摩钵头摩为一僧祇,僧祇僧祇为一趣,趣趣为一至,至至为一阿僧祇,阿僧祇阿僧祇为一阿僧祇转,阿僧祇转阿僧祇转为一无量,无量无量为一无量转,无量转无量转为一无边,无边无边为一无边转,无边转无边转为一无等,无等无等为一无等转,无等转无等转为一不可数,不可数不可数为一不可数转,不可数转不可数转为一不可称,不可称不可称为一不可称转,不可称转不可称转为一不可思,不可思不可思为一不可思转,不可思转不可思转为一不可量,不可量不可量为一不可量转,不可量转不可量转为一不可说,不可说不可说为一不可说转,不可说转不可说转为一不可说不可说,此又不可说不可说为一不可说不可说转。”
[10] Trung Quốc dân gian tín ngưỡng phong tục từ điển, trang 294,
[11] . Theo Kinh Dịch đại trí tuệ 易經大智慧 của Ân Côn 殷琨 và Từ điển nhân vật thần thoại Trung Quốc.
[12] Thiên quy chính, sách Quảng Hoằng Minh tập ghi “或言佛陀。声相转也。译云净觉。言灭秽成明道为圣悟也。凡其经旨。大抵言生生之类皆因行业而起。有过去当今未来。历三世识神常不灭也。凡为善恶必有报应。渐积胜业陶冶粗鄙。经无数劫藻练神明。乃致无生而得佛道也”:, Uyên Giám Loại Hàm 淵鑒類函 cũng ghi như vậy.
[13] Bản dịch của Cưu Ma La Thập, Đại Chính Tân Tu Đại Tạng, sách 25, số 1509 - 大正新脩大藏經, 第 25 冊 No. 1509.
[14] Trích từ quyển 6, sách Biện Chính Luận 辨正論của Thích Pháp Lâm釋法林, thời Đường唐. Nhập tạng Càn Long乾龙藏, bộ số 1517, sách số 123.
[15] Xem mục Lỗi chú thích trong bài này.
[16] Xem mục Lỗi chú thích trong bài này.
[17] Trích quyển 6, kinh Đại Phật đảnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ Tát vạn hạnh thủ lăng nghiêm ( Bộ 442, sách 47, Càn Long đại tạng kinh 大佛顶如来密因修证了义诸菩萨万行首楞严经卷第六)
[18] Theo Phật thuyết Thụy ứng bản khởi kinh 佛說瑞應本起經 (Càn Long Tạng 乾龍藏, số sách 55, bộ số 661) 当此日夜。天降瑞应。有三十二种。一者地为大动丘墟皆平。二者道巷自净臭处更香。三者国界枯树皆生华叶。四者苑园自然生奇甘果。五者陆地生莲华大如车轮。六者地中伏藏悉自发出。七者中藏宝物开现精明。八者箧笥衣被披在椸架。九者众川万流停住澄清。十者风霁云除空中清明。十一天为四面细雨泽香。十二明月神珠悬于殿堂。十三宫中火烛为不复用。十四日月星辰皆住不行。十五沸星下现侍太子生。十六释梵宝盖弥覆宫上。十七八方之神捧宝来献。十八天百味食自然在前。十九宝瓮万口悬盛甘露。二十天神牵七宝交露车至。二十一五百白象子自然罗住殿前。二十二五百白师子子从雪山出罗住城门。二十三天诸婇女现妓女肩上。二十四诸龙王女绕宫而住。二十五天万玉女把孔雀尾拂现宫墙上。二十六天诸婇女持金瓶盛香汁列住空中侍。二十七天乐皆下同时俱作。二十八地狱皆休毒痛不行。二十九毒虫隐伏吉鸟翔鸣。三十渔猎怨恶一时慈心。三十一境内孕妇产者悉男聋盲喑哑癃残百疾皆悉除愈。三十二树神人现低首礼侍。当此之时。疆场左右。莫不雅奇。叹未曾有”
[19] Thích Ca Như Lai thành đạo ký chú do Vương Bột soạn, Đạo Thành viết chú ghi: “梵语娑婆。或云索诃萨诃。华言堪忍。即大千界之都名也。自誓三昧经云。谓此土人刚强难忍。故云堪忍也。界王即大梵天王。是娑婆世主也。言一十八梵者。谓初禅有三天。谓梵众.梵补.大梵。二禅有三天。谓少光.无量光.光音。三禅有三天。谓少净.无量净.遍净。四禅有九天。谓福生.福爱.广果.无想.无烦.无热.善现.善见.色究竟。共有一十八天也。禅之与梵皆清净义。云驱雾拥者。来见佛时众多如是也。”
[20] Theo Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo (bản Hán): “(術語)禪家宗匠接人之作略,或用棒,或用大喝。棒始於德山,喝來自臨濟,臨濟問黃檗,如何是佛法的大意?檗便打。如是三問,三度被打。後參大愚,得悟黃檗宗旨。卻回黃檗,機鋒敏捷。檗便打,師便喝。以後接人,棒喝交馳。故今謂警醒人之迷誤者,曰當頭棒喝” và Thiền Tông từ điển của Thông Thiền, Hân Mẫn (Nxb Tp Hồ Chí Minh, tr.77)
[21] Phan Đăng - Văn bia trên đất Huế - Bản đánh máy, lưu trữ tại thư viện Huế.
[22] Thích Hoằng Trí: Nghiên Cứu Hàm Long Sơn Chí - Tác giả và tác phẩm - Luận án tiến sỹ ngữ văn - 2014.
[23] Phần phụ lục nguyên văn chữ Hán viết Dục 鬻 nhưng đọc Chúc -粥, theo đó người dịch hiểu nghĩa là “cháo” nên mới dịch thành “trở về quê lo nấu cháo gánh củi nuôi cha”. Trang 101, tập 2.
[24] Theo Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo.
[25] Theo Đinh Phúc Bảo -Phật học đại từ điển.
[26] Như chú ngay trên.
[27] Vạn Tục tạng kinh 卍續藏 , ý hiệu (X) sách 86 , No.1606. Nguyên văn: “Sư viết: nhược vô biến dịch, quyết định thị phàm tăng dã. Khởi bất văn thiện tri thức năng hồi tam độc vi tam tụ tịnh giới, hồi lục tặc vi lục thần thông, hồi phiền não tác Bồ đề, hồi vô minh vi đại trí -師曰若無變易決定是凡僧也。豈不聞善知識者能回三毒為三聚淨戒,回六識為六神通,回煩惱作菩提,回無明為大智。”.
[28] Theo Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo, Hóa Thành được định nghĩa: “化城者,一時化作之城郭也。其喻意以一切眾生成佛之所為寶所,到此寶所,道途悠遠險惡,故恐行人疲倦退卻,於途中變作一城郭,使之止息,於此處養精力,遂到寶所,佛欲使一切眾生到大乘之至極佛果,然以眾生怯弱之力,不能堪之,故先說小乘涅槃,使一旦得此涅槃,姑為止息,由此更使發心進趣真實之寶所也”。