Những tương đồng giữa Atharva-Veda & Mật giáo trong vấn đề sản nạn của người phụ nữ

nsgn.jpg

NSGN - Chớ có dùng bùa chú,

 A-thar-va Vệ-đà.

 Chớ tổ chức đoán mộng,

 Coi tướng và xem sao1.

Một trong những trăn trở liên quan đến sức khỏe, hoặc thậm chí là sinh mạng của người phụ nữ ở thời kỳ cổ đại, là được sinh nở an toàn. Vì lẽ, với nhân loại nói chung và người Ấn Độ nói riêng, mặc dù ngành y học ở thời kỳ cổ đại đã có những thành tựu đáng chú ý, thế nhưng đứng trước yêu cầu an toàn trong sanh nở, là một thử thách không giản đơn.

Đối diện với thực trạng này, ngoài nỗ lực mang tính chủ đạo của ngành y học thời kỳ đầu, thì các tôn giáo ở Ấn Độ, cụ thể là Ấn giáo và Phật giáo, đã có những quan tâm nhất định thông qua những lời cầu nguyện hay các bài kinh, chú.

Chuyên khảo sau đây cố gắng làm sáng tỏ nguồn gốc, và sự liên hệ qua những bài kinh, chú liên quan đến vấn đề phụ nữ sản nạn, của Ấn giáo và của Mật giáo, cũng như quan điểm chính thống của Phật giáo đối với vấn đề này.

Thần chú Chuyển dạ bình an trong Atharva-Veda

Atharva-Veda là một trong bốn bộ cổ thư của Ấn Độ cổ đại, hiện còn 20 tập (Kaṇḍa). Bài thần chú liên quan đến vấn đề sanh nở dễ dàng của người phụ nữ nằm ở tập thứ nhất, tụng ca (Hymn) thứ 11. Để độc giả tiện việc đối chiếu, chúng tôi xin trích dịch bài thần chú này từ nguyên bản tiếng Anh của học giả F. Max Muller2. Trong những trường hợp cần thiết, chúng tôi tham chiếu bài thần chú này qua nguyên bản Phạn ngữ, mẫu tự Devanagari của tác giả Devi Chand3.

1- Thần chú Chuyển dạ bình an (Charm for easy parturition)4

1. Hỡi thần mặt trời (Aryaman: अर्यमन्)5, như một đạo sĩ thờ lửa, luôn tinh cần trong việc hiến tế đối với Ngài, khi lời cầu nguyện vừa dứt thì mặt trăng (Soma: सोम)6 sẽ lặn đi. Hỡi thần Pūan (पूषन)7 chủ trì việc dưỡng dục, cầu mong Ngài gia hộ cho người phụ nữ này, được sinh con đúng pháp và chu toàn. Mong các khớp xương của cô ta được buông lỏng, vì cô ấy sắp sửa sinh con.

2. Các vị thánh thần đã tạo ra phôi thai, từ bốn phương dưới đất và cả bốn phương trên trời. Cầu mong các Ngài quan tâm gia hộ, vì cô ấy sắp sửa sinh con.

3. Cầu mong dạ con của người thai phụ đang chuyển sinh được thuận duyên khai mở. Hỡi, người thai phụ, hãy mở rộng lòng. Hỡi người chuyển dạ (Bishkala: बिष्कल)8, hãy sinh con ra (sarja:स्र्ज)9.

4. Không bám dính vào thịt, không bám dính vào mỡ, cũng không bám dính vào tủy xương, cầu mong vật dơ bẩn, mủ máu, cái nhau thai này hãy rơi xuống để cho chó (śune: सुने)10 ăn. Cầu mong bánh nhau thai rơi xuống.

5. Tôi sẽ lần lượt khai mở từ dạ con, cửa mình cho đến các dây cuống rốn. Tôi sẽ chia tách người mẹ và đứa con. Một đứa trẻ trai (Kumāra: कुमार)11 cùng với nhau thai, cầu mong bánh nhau thai rơi xuống.

6. Như ngọn gió lung lay, như linh hồn dao động, như đôi cánh chim bay; ngươi hãy làm như vậy, này hỡi bào thai, đã mười tháng dài (Daśamāsya: दशमास्य12 hãy thuận xuôi ra cùng với bánh nhau thai. Cầu mong bánh nhau thai rơi xuống.

Trong phần chú giải Atharva-Veda, tác giả Maurice Bloomfield13 đã chỉ ra một vài khác biệt nhỏ trong các bản dịch về bài thần chú này. Tuy nhiên, phần lớn các học giả phương Tây đều thống nhất với nhau về những nội dung căn bản.

Như vậy, bản thần chú Chuyển dạ bình an trong Atharva-Veda chứa đựng những nội dung gần gũi với thực tế, và ít mang màu sắc thần bí nếu như được giải nghĩa ra. Đó cũng là điều tương tự như bài thần chú: Phật thuyết phụ nhân sản nạn Đà-la-ni.

2- Thần chú Phật thuyết phụ nhân sản nạn Đà-la-ni (佛說婦人產難陀羅尼) trong Mật giáo.

Thần chú Phật thuyết phụ nhân sản nạn có nguồn gốc trong một số tác phẩm sau:

Đà-la-ni tạp tập, quyển thứ 514.

Pháp uyển châu lâm, quyển 60, thiên Chú thuật15.

* Về nguồn gốc tư liệu:

 Đà-la-ni tạp tập là một tác phẩm thuộc Mật giáo, tập thành nhiều thể loại thần chú, gồm 5 tập, mang số 1.336, nằm trong tập 21 thuộc Đại tạng kinh Đại chính tân tu. Đây là một tác phẩm Mật giáo khá đồ sộ. Tuy nhiên, như sự ghi nhận ở dòng đầu tiên trong tác phẩm cho thấy, đây là một tác phẩm không rõ ai là tác giả, và được tập thành vào thời nhà Lương (502-557).

Trong khi đó, tác phẩm Pháp uyển châu lâm, gồm 100 quyển do ngài Đạo Thế (?-683) một cao tăng sống ở thời nhà Đường, từng tham gia dịch trường của ngài Huyền Tráng, đã tổ chức biên soạn tác phẩm này tại chùa Tây Minh. Tác phẩm Pháp uyển châu lâm được xem như một bách khoa toàn thư của Phật giáo trong thời kỳ nhà Đường.

Như vậy, sau khi đối soát về niên đại giữa hai nguồn tư liệu nêu trên, đã cho thấy rằng, bài thần chú Phật thuyết phụ nhân sản nạn Đà-la-ni có nguồn gốc đầu tiên nằm trong tác phẩm Đà-la-ni tạp tập. Trong khi đó, tác phẩm Đà-la-ni tạp tập là một tác phẩm không rõ do ai đã biên soạn, và do vậy, bài thần chú này có một nguồn gốc không rõ ràng.

* Sơ lược nội dung và những dấu vết tương tự như Atharva-Veda trong bài thần chú Phật thuyết phụ nhân sản nạn Đà-la-ni

Nguyên văn bài thần chú theo phiên âm Hán-Việt như sau:

Mục đa tu lợi dạ xá, thi già la, tất xỉ, la hầu thất chiên đà la, ba la mục chí dã đâu mục đa tát bà bà bà bà, phật đồ na lợi già la, ba bà la mục già dã đâu, đa điệt tha, a trá sa ha, bà trá tì, sa ha, a trá bà, bà trá tì, sa ha, mộ già nhân địa lợi dạ, già đa nễ, tỳ xá lệ dạ, bà bà đâu, già tỳ ni sa ha, di giá đà, lộ ma dạ xá lợi dạ, di già xá, a dư ma dạ, y mị già ma nộ sa, xá lô dạ, tát tì xá lô, ba la mục già đâu, sa ha.

Trong quá trình phiên dịch kinh điển, có hai trường hợp mà các nhà phiên dịch thường sử dụng, đó là dịch ý và dịch âm. Đối với các loại thần chú, phần lớn là dịch âm, và một đôi chỗ thì dịch ý.

Với vấn đề dịch âm thần chú, Tiến sĩ Vương Văn Nhan, người Đài Loan, cho rằng: Phàm là dịch âm, chỉ có thể đạt đến mức độ tương đối gần với nguyên âm, chứ tuyệt đối không thể nào hoàn toàn giống như nguyên âm. Tại vì phương pháp biểu âm của hai loại ngữ hệ khác nhau, do đó, các âm tiết, âm điệu, âm chất và phương pháp phát âm hiển nhiên cũng sai khác. Chẳng hạn chữ book trong tiếng Anh, nếu dùng chữ Hán “bố-khắc” chú âm, âm tuy gần giống nhưng chung cục không có cách nào giống hệt nguyên âm. Về tình hình dịch âm thần chú rất giống như thế, nghĩa là chỉ tương đối giống với nguyên âm16.

Khảo về tư liệu hướng dẫn phiên dịch Phạn-Hán, qua các tác phẩm hiện còn trong Đại tạng kinh Đại chính tân tu như: Phiên dịch danh nghĩa tập17, Phạn ngữ tạp danh18, Nhất thiết kinh âm nghĩa19, Phiên Phạn ngữ20, Phạn ngữ thiên tự văn21…đã cho thấy có nhiều điểm bất đồng trong cách phiên âm từ Phạn sang Hán.

Do tính chất đặc thù trong khi phiên dịch và phiên âm Phạn-Hán, thế nên, đối với bài thần chú Phật thuyết phụ nhân sản nạn Đà-la-ni, chúng tôi chỉ có thể chỉ ra vài từ ngữ giống với thần chú Chuyển dạ bình an trong tác phẩm Atharva-Veda. Đó là các trường hợp sau:

- Tu-lợi (修利).

Theo Phiên dịch danh nghĩa tập, quyển 222, Phiên Phạn ngữ, quyển 823, cho rằng, đó là tên của thần mặt trời (此云日神)24. Trường hợp này rất giống với chữ Aryaman (अर्यमन्) trong Atharva-Veda.

- Chiên-đà-la (栴陀羅)

Theo Phiên Phạn ngữ, quyển 2, quyển 5, quyển 8 cho rằng, đó là tên của mặt trăng (譯曰月也)25. Trong tín niệm Ấn giáo, thần mặt trăng được gọi là Chandra (चन्द्र hoặc là So-ma (सोम. Chandra thường được phiên âm thành Chiên-đà-la (栴陀羅).Trong bài thần chú của Atharva-Veda ghi rằng đó là vị thần So-ma (सोम).

- Lợi-dạ (利夜)

Theo Nhất thiết kinh âm nghĩa, quyển 21, đó là tên vị thần Phổ Hiện Cát Tường (普現吉祥)26, gọi đầy đủ là Thi-lợi-dạ (尸利夜). Thần Phổ Hiện Cát Tường rất gần với tên gọi thần Phổ Thiện (普善神), tức là thần Pūṣan (पूषन)27 trong Atharva-Veda. Tên của vị thần này cũng xuất hiện trong Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh quyển 1, quyển 328.

- Ma-nộ-sa (摩怒沙).

Ma-nộ-sa (摩怒沙), Phạn ngữ ghi là Manuṣya (मनुष्य29, tức chỉ cho con người. Ở đây, nghĩa của từ Ma-nộ-sa rất gần với nghĩa Kumāra (कुमार trong Atharva-Veda. Trong kinh tạng Mật giáo, có đề cập đến một pháp của Đại oai đức minh vương gọi là Ma-nỗ-sa-lỗ-địa-la (摩努沙嚕地囉)30. Phạn ngữ: Manuṣyarudhira (मनुष्यरुधिर). Theo từ điển Phật học của Đinh Phúc Bảo, Ma-nỗ-sa chỉ cho người. Còn Lỗ-địa-la là máu31.

- Già-đa (伽多)

Theo Phiên Phạn ngữ, quyển 3, Già-đa (伽多) được dịch là khứ (去), mang nghĩa vứt bỏ32. Ở nghĩa này, Già-đa (伽多) có nghĩa tương tự như Jarāyu जरायु)33 mang nghĩa chết đi, lột bỏ đi, vứt bỏ nhau thai nhu trong thần chú của Atharva-Veda

- A-trá-bà (阿吒婆);

Theo kinh Nguyệt đăng tam muội, quyển 2, thì A-trá-bà (阿吒婆) là một loại quỷ Dạ-xoa hôi hám với lông đầy gai nhọn34.

- A-trá-tỳ (婆吒毘)

Theo kinh Chánh pháp niệm xứ quyển thứ 16, A-trá-tỳ (婆吒毘) là một loại quỷ Khoáng dã, đứng vị trí thứ 32 trong 36 loại quỷ35.

- Ba-la (波羅).

Theo Phiên Phạn ngữ, quyển 2, quyển 8, Ba-la (波羅) có nghĩa là phòng hộ, che chở36.

- Tỳ-xá (毘舍).

Gọi đầy đủ là Tỳ-xá-xà (毘舍闍). Theo Nhất thiết kinh âm nghĩa, quyển 23, đó là một loại quỷ chuyên ăn tinh khí của người37.

- Na-lê-già-la (那梨伽羅).

Theo Phiên Phạn ngữ, quyển thứ 9, Na-lê-già-la (那梨伽羅) có nghĩa là nhà dột trước sau38.

Bài thần chú Phật thuyết phụ nhân sản nạn Đà-la-ni chỉ có 120 chữ, tuy nhiên do khả năng giới hạn của chúng tôi, do sự bất đồng trong cách phiên âm Phạn-Hán của các nhà dịch kinh ở thời kỳ đầu, thế nên chúng tôi chỉ có thể chỉ ra 10 trường hợp bao gồm 26 chữ có nghĩa. Trong số đó, có những từ khóa quan trọng liên hệ với thần chú Chuyển dạ bình an trong tác phẩm Atharva-Veda như thần mặt trời, thần mặt trăng, thần chủ sự sinh sản… Có một điểm tuy khác biệt nhưng thực chất giống nhau về tính chất, đó là các loại quỷ được ghi nhận trong Phật thuyết phụ nhân sản nạn Đà-la-ni; nhưng trong thần chú Chuyển dạ bình an thì cho rằng, đó là một loại chó. Trong thần thoại Ấn độ, chó là một linh vật liên quan đến thần chết Yama39.

Như vậy, từ 2 điểm quan trọng mà chúng tôi đã chứng minh liên quan đến thần chú Phật thuyết phụ nhân sản nạn Đà-la-ni.

Thứ nhất, bài thần chú này có nguồn gốc không rõ ràng. Thứ 2, nội dung bài chú chứa đựng nhiều dữ kiện liên quan đến thần chú Chuyển dạ bình an trong Atharva-Veda, đã đủ cơ sở đi đến kết luận:

 Phật thuyết phụ nhân sản nạn Đà-la-ni là một bài chú không thuần túy của Phật giáo, nếu không nói là có nhiều dấu hiệu mang tính tiếp biến từ mật chú Chuyển dạ bình an của Atharva-Veda.

Cần lưu ý rằng, trong kinh Tập, Đức Phật đã từng chỉ dạy đệ tử của Ngài không nên sử dụng thần chú của Atharva-Veda:

Chớ có dùng bùa chú/ A-thar-va Vệ-đà/ Chớ tổ chức đoán mộng/ Coi tướng và xem sao/ Mong rằng đệ tử Ta/ Không đoán tiếng thú kêu/ Không chữa bệnh không sanh/ Không hành nghề lang băm40.

Thế nhưng, từ nhu cầu của hiện thực đời sống, vấn đề an toàn trong sanh nở của người phụ nữ cũng là một vấn đề cần được đặt ra và đòi hỏi cần có một giải pháp thích đáng. Khảo về lịch sử kinh điển đã cho thấy rằng, vấn đề này đã được Đức Phật quan tâm và đã có những giải pháp mang tính gợi mở, nhân văn.

Giải pháp của Phật giáo về vấn đề sản nạn của người phụ nữ

Kinh điển của hai truyền thống (Bắc truyền và Nam truyền) đều ghi nhận về câu chuyện sinh động liên quan đến Tôn giả Aŋgulimāla. Theo kinh Trung bộ41Trưởng lão Tăng kệ, do sự hướng dẫn của thầy tà, Tôn giả Aŋgulimāla đã trở thành một kẻ sát nhân, gieo rắc cái chết cho nhiều người, chỉ nhằm lấy ngón tay kết thành tràng hoa. Kể từ khi theo Phật xuất gia, Tôn giả Aŋgulimāla tinh tấn tu tập và đã được vua Pasenadi nước Kosala trọng thị, tán thán. Về phương diện hành trì, do bản thân từng là một kẻ sát nhân, nên Tôn giả lấy pháp quán từ bi làm tâm điểm trong tu tập. Điều này, trong Trưởng lão Tăng kệ Tôn giả đã tự thuật rằng:

Ai trước làm nghiệp ác,

Nay lấy thiện chận lại.

Chói sáng thế giới này,

Như trăng thoát mây che.

Một lần nọ vào thành khất thực, có một sản phụ đang chuyển dạ cầu mong Tôn giả chỉ cho một pháp bình an. Thực tế này Tôn giả Aŋgulimāla chưa từng gặp bao giờ nên phải trở về tham vấn Đức Thế Tôn. Sau khi nghe Đức Phật chỉ dạy, Tôn giả quay trở lại chỗ người sản phụ và dạy rằng:

Thưa bà chị, vì rằng tôi từ khi được Thánh sanh đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn, và sanh đẻ được an toàn42.

Sau lời chú nguyện của Tôn giả, người phụ nữ đã vượt cạn an toàn. Câu chuyện giúp người sản phụ của Tôn giả Aŋgulimāla đã cho thấy, Phật giáo nói chung đã có những quan tâm rất sớm đến những vấn đề cụ thể trong cuộc sống. Không những vậy, toàn văn câu chú nguyện của Tôn giả, đã được một số truyền thống Phật giáo sử dụng như một bài chú Hộ sản. Nguyên văn Pāli của câu chú nguyện ấy như sau:

Yato ahaṃ bhagini|| āriyāya jātiyā jāto|| nābhijānāmi sañcicca pāṇaṃ jīvitā voropetā|| tena saccena sotthi te hotu sotthi gabbhassā’ ti43.

Ở đây, tại sao chỉ với một câu nói ngắn ấy nhưng đã tạo ra một kết quả thù thắng như vậy?

Theo chúng tôi, từ lời chú nguyện của Tôn giả Aŋgulimāla đã chuyên chở một pháp tu quan trọng trong Phật giáo. Đó chính là pháp tu rải tâm từ.

Rải tâm từ là một pháp tu được Đức Phật khuyến khích khi có một Tỳ-kheo bị rắn cắn chết. Sau sự kiện đó, Đức Phật đã giảng bài kinh Vua các loài rắn trong kinh Tăng chi44.

Trở lại câu chuyện cầu nguyện của Tôn giả Aŋgulimāla. Điều đầu tiên cần phải thấy, muốn chia sẻ sự bình an, thì cá nhân đó phải có sự bình an thực sự. Tôn giả là người hoàn toàn bình an kể từ khi xuất gia, thì sự chia sẻ bình an của Tôn giả là sự kiện có cơ sở.

Cho nên đối với chúng ta, mặc dù mới tập sự tu tập và chưa chứng Thánh quả như trường hợp của Tôn giả Aŋgulimāla, nhưng nếu biết trưởng dưỡng lòng từ và chia sẻ lòng từ, thì vẫn tạo nên những hiệu ứng tích cực. Về phương diện ngược lại, đây cũng là điều lý giải tại sao mặc dù đã đọc chú Hộ sản (Agulimāla Paritta) hàng triệu lần nhưng kết quả chuyển biến rất ít, do vì năng lực tâm từ hạn chế của chúng ta.

Như vậy, giải pháp thiết thực của Phật giáo trong vấn đề sản nạn của người phụ nữ là dựa trên nền tảng căn bản của pháp tu rải tâm từ. Pháp tu rải tâm từ được các truyền thống Phật giáo triển khai với một vài đặc thù, sai khác; tuy nhiên, về cơ bản vẫn dựa trên nền tảng kinh kinh Từ bi (Mettā Sutta) mà Đức Phật đã dạy trong kinh Tập45.

Kết luận

Đối với một người được xem là trưởng thành về tri thức, theo quan điểm của triết học Ấn Độ cổ đại, là phải nắm vững các bộ Veda nói chung, hay tác phẩm Atharva-Veda nói riêng. Nội dung các cuộc thảo luận giữa Đức Phật và các vị Bà-la-môn trong kinh Phạm võng thuộc Trường bộ, là một trong những minh chứng khẳng định rõ điều này.

Với khảo sát bước đầu cho thấy, Atharva-Veda là một trong những thành tựu của nền văn minh Ấn Độ cổ đại, chứa đựng nhiều thể loại mật chú nhằm đáp ứng các vấn đề khác nhau, từ sinh sản, bệnh tật, chăn nuôi, cưới gả… thậm chí là cả việc ăn chơi, cờ bạc hay chiến thắng trong chiến tranh. Có thể tìm thấy ở đây nhiều bài cầu nguyện, các thể loại phù chú, nhằm đáp ứng các yêu cầu phức tạp, khác nhau của con người.

Ngay từ thời Phật tại thế, Ngài đã nhận thấy điều này và đã không cho phép đệ tử xuất gia vận dụng các chú pháp của Atharva-Veda vì bất kỳ mục đích gì.

Từ những phân tích và đối khảo ở trên, đã cho thấy, bài thần chú Phật thuyết phụ nhân sản nạn của Mật giáo, có nguồn gốc hình thành không rõ ràng, và đặc biệt là có rất nhiều dấu hiệu giống với bài chú Chuyển dạ bình an của Atharva-Veda. Do đó, đã là một người Phật tử, dù xuất gia hay tại gia, thì không nên hành trì bài thần chú này.

Cần phải thấy, bản chất của đời sống là khổ, và không có cái khổ nào giống với cái khổ nào. Vấn đề là, tùy theo hiện trạng của từng nỗi khổ, mà lựa chọn một giải pháp tương ưng nhằm chấm dứt khổ đau.

 Chúc Phú

______________________

(1) Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Tuvataka, (Con đường mau chóng- Sn, 179).

(2) The Sacred Books of the East, F. Max Muller Ed. Vol. XLII. Oxford: The Clarendon Press, 1897. p.99.

(3) The Atharva-Veda (Sanskrit text), Devi Chand M.A Trans. New Delhy: Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd, Reprinted 2014, p.9-10.

(4) The Sacred Books of the East, F. Max Muller Ed. Vol. XLII. Oxford: The Clarendon Press, 1897. p.99. Cf, Charm for easy parturition.

Aryaman as active hotar-priest shall utter for thee the vashat-call at this (soma-) pressing, O Pûshan! May (this) woman, (herself) begotten in the proper way, be delivered, may her joints relax, that she shall bring forth!

 Four directions has the heaven, and also four the earth: (from these) the gods created the embryo. May they open her, that she shall bring forth!

May Sûshan open: her womb do we cause to gape. Do thou, O Sûshana, loosen the womb, do thou, O Bishkalâ, let go (the ernbryo)!

 Attached not at all to the flesh, nor to the fat, not at all to the marrow, may the splotched, moist, placenta come down to be eaten by a dog! May the placenta fall down!

 I split open thy vagina, thy womb, thy canals; I separate the mother and the son, the child along with the placenta. May the placenta fall down!

As flies the wind, as flies the mind, as fly the winged birds, so do thou, O embryo,. ten months old, fall along with the placenta! May the placenta fall down!

(5) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.93.

(6) Ibid, p. 1249.

(7) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p. 645. Thần Pūṣan, Hán dịch là thần Phổ Thiện (普善神). Theo Phật Quang Đại từ điển, thần Phổ Thiện là vị thần chuyên lo việc dưỡng dục.

(8) Ibid, p.732.

(9) Ibid, p.1184.

(10) Ibib, p.1082.

(11) Ibid, p.292.

(12) Ibid. p.472.

(13) The Sacred Books of the East, F. Max Muller Ed. Vol. XLII. Oxford: The Clarendon Press, 1897. p. 242-245.

(14) 大正藏第 21 冊 No. 1336 陀羅尼雜集.

(15)大正藏第 53 冊 No. 2122 法苑珠林.

(16) Vương Văn Nhan, Lịch sử phiên dịch Hán tạng, Thích Phước Sơn dịch, NXB.Phương Đông 2008, tr.290-291.

(17) 大正藏第 54 冊 No. 2131 翻譯名義集.

(18)大正藏第 54 冊 No. 2135 梵語雜名.

(19)大正藏第 54 冊 No. 2128 一切經音義.

(20)大正藏第 54 冊 No. 2130 翻梵語.

(21) 大正藏第 54 冊 No. 2133A 梵語千字文.

(22)大正藏第 54 冊 No. 2131 翻譯名義集, 第二.

(23)大正藏第 54 冊 No. 2130 翻梵語.

(24)大正藏第 54 冊 No. 2131 翻譯名義集, 第二.

(25)大正藏第 54 冊 No. 2130 翻梵語.

(26)大正藏第 54 冊 No. 2128 一切經音義.

(27) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.645. Thần Pūṣan, Hán dịch là thần Phổ Thiện (普善神).

(28)大正藏第 10 冊 No. 0279 大方廣佛華嚴經.

(29) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.784.

(30)大正藏第 21 冊 No. 1214 聖閻曼德迦威怒王立成大神驗念誦法.

(31) Theo, Đinh Phúc Bảo, Phật học Đại từ điển, quyển hạ, Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội ấn hành, 2012, tr.2566.

(32)大正藏第 54 冊 No. 2130 翻梵語.

(33) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.414.

(34)大正藏第 15 冊 No. 0639 月燈三昧經. Nguyên văn: 灰毛針夜叉, 阿吒婆可畏.

(35)大正藏第 17 冊 No. 0721 正法念處經. Nguyên văn: 三十二者阿吒毘, 曠野餓鬼.

(36)大正藏第 54 冊 No. 2130 翻梵語. Nguyên văn: 波羅者護.

(37)大正藏第 54 冊 No. 2128 一切經音義. Nguyên văn: 此云噉人精氣鬼也.

(38)大正藏第 54 冊 No. 2130 翻梵語. Nguyên văn: 譯曰漏列屋也.

(39) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p. 846. See also: Indian Myth and Legend: Chapter III. Yama, the First Man, and King of the Dead”. Sacred-texts.com. Retrieved 4 July2013. Cf, http://www.sacred-texts.com/hin/iml/iml08.htm.

(40) Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Tuvataka, (Con đường mau chóng- Sn, 179).

(41) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Angulimala, NXB. Tôn giáo, 2012, tr. 125-132.

(42) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Angulimala, NXB. Tôn giáo, 2012, tr. 130.

(43) Aŋgulimāla Suttaṃ. Adapted from the digital version of the Sri Lanka Buddha Jayanti Tripitaka Series.

(44) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Vua các loài rắn. Xem thêm, Cullavagga 2, chương Các tiểu sự, tụng phẩm thứ nhất và thứ nhì, tụng phẩm 26-27.

(45) Kinh Tập, chương 1, phẩm Rắn, kinh Từ bi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày