Và tôi cho rằng, khi va chạm với hiện thực cuộc sống, niềm tin được tô bồi thêm hay rơi vỡ đi sẽ tạo nên sự khác biệt giữa một người thành công và một kẻ thất bại!
"Tôi mất hết cả rồi!"
Có bao giờ bạn thốt lên như thế? - Tôi mất hết cả rồi! Không còn niềm tin vào những người thân yêu, không còn niềm tin vào cuộc sống, và ngay cả Phật hay Chúa bạn cũng không còn tin nữa? - Trên môi bạn chỉ còn nghêu ngao lời hát: "Chúa đã bỏ loài người / Phật đã bỏ loài người / Này em xin cứ phụ người / Này em xin cứ phụ tôi…" (Này em có nhớ - Trịnh Công Sơn).
Trong một lần giao lưu chia sẻ với các bạn trẻ, tôi đã nhận được mảnh giấy nhỏ ghi những lời cay đắng như thế này: "Sự phản bội của người thân khiến cho tôi không còn niềm tin vào con người nữa! Lòng tin vô bờ bến cùng với sự vị tha rất lớn đã bị lợi dụng, liệu tôi có nên vị tha nữa hay không?" (Tâm sự của T. - tuyen.vkim@...). Và đây là lời của một bạn trẻ khác trên một diễn đàn: "Giờ mình đang mất hết niềm tin vào cuộc sống, mình thấy tuyệt vọng. Cuộc sống không mang đến cho mình hạnh phúc. Mình luôn thấy cô đơn, luôn sợ tương lai trước mắt. Mình phải làm gì bây giờ? Mình cần niềm tin biết bao nhiêu…" (Bạn H. - judynguyen1987@...)
Bạn tôi, giờ đây đã là một giảng viên đại học, kể lại câu chuyện của anh hơn mười năm về trước, khi anh mới ra trường: Lúc đó, tôi là một người đầy niềm tin vào bản thân và cuộc sống. Với tấm bằng đại học, tôi nghĩ mình sẽ dễ dàng tìm được việc làm như ý. Nhưng không. Sau vài tháng xin việc, tôi đã phải về nhà làm công việc của một người chở mướn. Trong một lần chở hàng đi giao cho khách, tôi bị va quẹt. Xe máy tôi đụng phải xe một người chở huyết. Tôi té xuống đường, và thùng huyết heo đổ ập lên người. Mình tôi toàn máu me; máu chảy tràn ra đất. Tôi đau, dù không nặng, nhưng nằm đó chán chường đến độ không muốn gượng dậy. Rất nhiều người đi qua và nhìn tôi với cặp mắt ái ngại, nhưng không hiểu sao chẳng có bàn tay nào chìa ra đỡ tôi đứng dậy. Tôi nằm đó, cảm thấy nỗi cô đơn tuyệt vọng dâng tràn, cảm thấy gớm ghiếc cuộc sống này còn hơn gớm ghiếc thứ huyết heo tanh tưởi nữa! (Chuyện của anh T.T, giảng viên Trường Đại học H.V).
Trước khi trở thành một kẻ tuyệt vọng, bạn từng là một người có rất nhiều niềm tin. Bạn thậm chí còn đặt niềm tin rất lớn vào bản thân, gia đình và xã hội. Nhưng rồi, vì một hay nhiều biến cố nào đó, bạn đã để niềm tin của mình rơi vỡ, và bạn trở nên hoang mang, hụt hẫng, chới với, vô định; gặp ai bạn cũng dè dặt, làm gì bạn cũng đắn đo, ngập ngừng; bạn còn sợ hãi cả con đường phía trước. Liệu bạn có thể tồn tại giữa cuộc đời này với một tâm thái như thế? Bạn có biết rằng: "Nếu lót dưới bước chân mình một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống thì nỗi sợ hãi sẽ không là gì cả"? (Phan Thụy Uyên Hân - http://ngoisao.net/News/Choi-blog/2009/06/3B9CA5FA/).
Sức mạnh của niềm tin
"Niềm tin nào trở thành chân lý cho tôi... là niềm tin cho phép tôi sử dụng hết sức lực của mình, dồn hết năng lực của mình vào hành động" - André Gide.
Hẳn bạn từng nghe câu chuyện về một vị tướng, khi ông phải quyết tấn công quân địch mạnh hơn gấp nhiều lần. Trên đường tiến quân, ông dừng chân ở một đền thờ và cầu nguyện, xin giúp đỡ. Sau đó, ông rút ra một đồng xu và nói lớn với quân sĩ: - Bây giờ, ta sẽ lấy đồng xu để xin keo. Nếu là sấp, quân ta sẽ thắng, còn ngửa thì quân ta sẽ bại. Chúng ta phó mặc mạng sống cho định mệnh! Đồng xu bay lên, xoay mấy vòng và rơi xuống đất - Sấp rồi! Chúng ta sẽ thắng! Hãy xông lên! Ba quân reo hò phấn khởi. Sau trận chiến, toàn bộ quân địch hùng hậu đông đảo bị đánh bại hoàn toàn. Vị phó tướng vui vẻ nói với tướng quân: - Không ai có thể thay đổi được bàn tay định mệnh. Tướng quân chỉ mỉm cười không đáp. Ông xòe tay đưa đồng xu ra. Cả hai mặt đồng xu đều là mặt sấp!
Như vậy, không phải thần linh, mà chính là niềm tin đã giúp cho quân ông thắng trận.
Gần đây, bạn đã nghe về câu chuyện của một tay đua xe đạp huyền thoại: Lance Armstrong. Năm 1996, khi đang ở đỉnh cao phong độ, anh phát hiện mình bị bệnh ung thư. Không buông xuôi bởi căn bệnh quái ác, anh vẫn cố gắng sống, kiên trì luyện tập và đoạt giải vô địch Tour de France đầu tiên trong đời. Bằng niềm tin và ý chí mãnh liệt, anh đã vượt lên trên những người khỏe mạnh. Bất chấp bệnh ung thư di căn vào phổi và não, anh đã lập kỷ lục 7 lần liên tiếp vô địch Tour de France cho đến khi tuyên bố giải nghệ vào tháng 8-2005.
Bạn sẽ không yêu thương ai được nếu không có niềm tin
Nếu không "lót dưới chân mình một niềm tin mãnh liệt", hẳn Lance Armstrong đã buông xuôi tất cả. Chính niềm tin đã cho anh sức mạnh. Nói như bạn Uyên Hân thì: "Niềm tin sẽ giúp ta đứng vững trước vòng xoáy cuộc đời và khi bạn có niềm tin bạn sẽ làm được những điều tưởng chừng không thể", và "sống với niềm tin giúp ta cảm thấy mọi thứ trở nên tốt hơn".
Tuy nhiên, không phải tất cả những gì mình tin thì mình sẽ làm được, nếu niềm tin đó không được đặt trên cơ sở hiện thực. Do đó, niềm tin cần phải có trí tuệ. Nếu không có trí tuệ, niềm tin của bạn sẽ rất dễ trở thành ảo tưởng, một kiểu "mê tín" bản thân hay một đấng thần linh, một người nổi tiếng nào đó… Và khi hiện thực cuộc sống phô bày khác với những gì mong đợi, bạn sẽ trở nên mất niềm tin, thậm chí tuyệt vọng và vô cùng đau khổ.
Trong bài viết chia sẻ với một bạn trẻ, thầy Pháp Tân (Tăng thân Làng Mai) nói rằng: "Thầy nghĩ không ai mà không có niềm tin, nếu ai không có niềm tin thì người đó có rất nhiều đau khổ. Niềm tin nơi ba mẹ, niềm tin nơi một người mình yêu, niềm tin nơi một giáo lý gọi là Nhân quả - tức là làm điều gì thì phải có trách nhiệm với những việc mình đã làm. Có những người tin vào sự cầu nguyện v.v… Nếu những niềm tin đó đưa tới sự an vui, hiểu biết và thương yêu, thì niềm tin đó mới đáng được học hỏi và nuôi dưỡng".
Trong đạo Phật, niềm tin có trí tuệ được gọi là chánh tín. Có chánh tín, bạn sẽ có sức mạnh (để biến thành hành động), hay càng có niềm tin chân chính bao nhiêu thì bạn sẽ thành công bấy nhiêu; bạn sẽ không để cho niềm tin của mình bị rơi vỡ khi phải đối mặt với những mặt trái của con người và xã hội.
Nếu không có niềm tin chân chính, Bồ tát (Tất Đạt Đa) đã không thể trải qua bao kiếp hy sinh để đến được quả vị toàn giác. Cũng vậy, nếu không tin vào bản giác của mỗi người, Thường Bất Khinh sẽ không thể lễ lạy những người luôn khinh báng ngài.
Những giá trị sống
Có một điều bạn dễ dàng nhận thấy là bạn sẽ "không yêu thương ai được nếu không có niềm tin". Một khi có niềm tin, có thương yêu, người ta mới có thể phụng sự và tận tụy hy sinh cho những việc làm mang lại lợi ích cộng đồng. Nếu niềm tin và lòng thương yêu ấy còn có thêm tuệ giác, thì bạn sẽ không hận thù giữa những người hận thù, không tham lam giữa những người tham lam, không mù quáng giữa những người mù quáng. Bạn sẽ vượt lên trên tất cả những thứ tầm thường của xã hội và đạt được những giá trị sống đích thực.
Lòng yêu thương đích thực là một trong những giá trị sống của con người, nhất là khi sự thương yêu đó biến thành lý tưởng phụng sự. Chuyện kể rằng, tại đất nước Thụy Sỹ, trên chiếc cầu Lausanne, vào mỗi mùa đông lạnh lẽo, có một cụ già tên Dupont đến cắm chiếc lều nhỏ cạnh đầu cầu để ở. Vào dịp này, nhiều người cô đơn không nhà, bịnh hoạn và tuyệt vọng thường tìm đến gieo mình tự vẫn. Mỗi khi thấy có người một mình vơ vẩn đến bên cầu, ông lão Dupont liền đến bắt chuyện, mời một ly rượu nóng và nếu có thể thì cho họ một ít tiền. Nhờ vậy, tại "điểm hẹn cuối cùng của những người tuyệt vọng" này, số người tự tử giảm hẳn. Dupont tin vào giá trị sống của mỗi người, và chính tình thương yêu vô điều kiện đã thúc đẩy ông phụng sự mà không mong cầu sự nổi tiếng, tôn trọng hay biết ơn. Ông đã làm việc đó suốt 20 năm và luôn từ chối cánh báo chí đến phỏng vấn. Số người ông cứu sống quả thực không biết bao nhiêu. Con số không quan trọng, mà vấn đề là "ông đã hy sinh, dâng hiến, đeo đuổi tâm nguyện cứu người". Ông qua đời cách đây không lâu. Và trong di chúc, ông để lại tất cả số tài sản khiêm nhượng của mình "cho những ai sẽ tiếp tục làm công việc của ông" (Câu chuyện do Trần Trung Đạo kể trong buổi chia sẻ với các bạn trẻ tại Hội nghị Toàn quốc của Cơ quan Liên kết các Cơ quan Hoạt động Xã hội người Mỹ gốc Việt (NAVASA) tại Houston 10-1-2004).
Giới trẻ Việt Nam hiện nay rất tiến bộ, giỏi giang, năng động
Phụng sự là tâm nguyện chung của những người có lòng thương yêu, không giới hạn không gian và thời gian, không hạn định trong sự giàu nghèo, giai cấp hay lứa tuổi. Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, có rất nhiều bạn trẻ, mà chủ xướng là bạn Đỗ Thị Thu Trang - 23 tuổi, đã phát động Chiến dịch Ăn chay vì môi trường. Bận rộn với nhiều dự án và chương trình học tập, nhưng Trang đã vận động và kết nối với hàng chục ngàn bạn trẻ trên khắp cả nước tham gia chiến dịch. Ở lứa tuổi này, nhiều người dành thời gian cho việc học tập, tìm việc, thăng tiến hay làm giàu, nhưng Thu Trang đã chọn con đường khác - con đường phụng sự: "Mỗi người có một quan điểm sống và cảm thấy hạnh phúc với những việc mình làm. Hạnh phúc của tôi là chia sẻ, kết nối nhiều bạn trẻ vì mục đích làm cho cuộc sống, môi trường lành mạnh và tốt đẹp hơn. Càng làm được nhiều điều ích lợi, tôi càng thấy vui", Thu Trang chia sẻ. Và theo bạn, giới trẻ Việt Nam hiện nay "rất tiến bộ, giỏi giang và năng động; những công việc lợi ích cộng đồng nếu đặt trên cơ sở khoa học phù hợp thì các bạn nhiệt tình tham gia". Trang cho biết thêm: "Bộ phận các bạn trẻ ăn chơi, sa ngã chỉ là một bộ phận nhỏ. Số các bạn trẻ mong muốn và đang tham gia vào những công việc mang tính phụng sự rất nhiều. Niềm đam mê của các bạn rất lớn, và tôi luôn đặt niềm tin vào các bạn".
Quả thực, "lý tưởng chỉ hướng cho thuyền đời và nở hoa cho cuộc sống". Mang lý tưởng phụng sự vào đời, các bạn trẻ đã làm cho cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa hơn. Bởi, nói theo Trần Trung Đạo thì lý tưởng phụng sự "là một mục đích sống cao đẹp của một đời người" và nó "mang ý nghĩa trả một món nợ mà mỗi chúng ta đã và đang thọ ơn từ xã hội".
Anh Nguyễn Thiên Thuận - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Vạn Thành Phú, TP.HCM): "Với tôi, niềm tin tôn giáo, nhất là Phật giáo, là cực kỳ quan trọng trong đời sống của mỗi con người. Giữa con người với con người nhiều khi không có được sự cảm thông, người ta có thể tìm sự cảm thông trong tôn giáo. Những khi khủng hoảng và bế tắc, không thể tâm sự được với bạn bè và ngay cả cha mẹ, tôi cầu nguyện Đức Phật, suy ngẫm về Ngài để tìm ra định hướng cho cuộc đời mình. Niềm tin vào Đức Phật tạo nên sức mạnh nội lực giúp tôi vượt lên những khốn khó trong đời sống tinh thần. Đạo Phật là đạo từ bi và cảm thông - lòng từ bi lại được xây dựng trên nền tảng trí tuệ, không chỉ thương yêu mình mà còn thương yêu người khác - do đó, Phật giáo đã mang lại những giải pháp tối ưu để giải tỏa sự khủng hoảng trong đời sống tâm linh của con người thời đại". Anh Ngô Đắc Thuần - Hiệu phó Trường Đại học FPT; Giảng viên khoa ĐT-VT, Trường ĐH KHTN, TP.HCM; Chủ nhiệm CLB Lãnh đạo FPT: "Cuộc sống của tôi từng có lúc rơi vào cảnh ba chìm bảy nổi. Thuở sinh viên, tôi đã làm rất nhiều nghề để học được hai trường đại học. Đến lúc làm luận văn tốt nghiệp thì phải nhập viện mổ tim. Vì vậy mà rất nhiều cơ hội tốt, gồm cả việc được giữ lại trường, đã vuột mất. Thậm chí bác sĩ còn khuyên tôi không nên lập gia đình. Trong lúc tuyệt vọng và gần như mất hẳn niềm tin đó, tôi đã đến với Phật giáo. Tôi đọc kinh sách, tập hành thiền. Từ tin vào Đức Phật, tôi trở lại tin bản thân mình. Tôi quyết phải sống, phải giúp đỡ gia đình và làm những việc có ích. Tôi biết cho đi để được nhận lại. Và tôi hạnh phúc vì con đường của mình. Tôi luôn nhắc nhở các sinh viên của mình rằng: Bạn đang nghèo (niềm tin, tri thức, và cả vật chất), nhưng bạn hãy biết rằng chúng ta nghèo đến bao giờ!". |
***
Này bạn trẻ, cho dù bạn đã từng bị hiện thực cuộc sống phản bội, thì tôi vẫn tin bạn là người có niềm tin mãnh liệt, có tình thương yêu sâu sắc (vì nếu không, bạn sẽ không thể tồn tại được!). Nhờ nội lực vững vàng và một cái nhìn chân xác, bạn vượt qua bao thử thách để sống một cuộc sống ý nghĩa nhất bằng con đường phụng sự. Bạn không ngại hy sinh thời gian, công sức, thậm chí của cải để làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Bạn tham gia nhiều phong trào xã hội; bạn đến với những người cơ nhỡ, khó khăn; bạn đem cái chữ đến cho những người không có điều kiện học tập… Bạn làm tất cả những điều đó là vì cộng đồng, và điều bạn nhận được chính là niềm vui, hạnh phúc. Giá trị sống của bạn, vì thế, là niềm tin - lòng thương yêu sâu sắc vào bản thân, vào con người. Cuộc sống của bạn có ý nghĩa biết bao. Bạn đã chuyển hóa được bản thân và chuyển hóa được xã hội. Trong thâm tâm, tôi luôn kính lễ bạn - những vị Bồ tát thị hiện giữa đời trong hình thức những người trẻ tràn đầy niềm tin và lý tưởng phụng sự. Cầu chúc bạn luôn tô bồi niềm tin chân chính vững vàng, bất chấp hiện thực cuộc sống có phơi bày những gì đi nữa !