Nơi kết nối mùa xuân

Nơi kết nối mùa xuân
Giữa lúc thị trường mang đầy hoài nghi về vấn đề vệ sinh của các loại bánh mứt thì ở một góc nhỏ tịnh xá Ngọc Phương, nghề truyền thống này được nâng niu và chiếm cảm tình của số đông. Bởi lẽ, góc nhỏ đó đã làm nên mâm cỗ truyền thống ngày xuân đậm đà hương vị, mộc mạc một niềm yêu nghề…

35 năm giữ nghề

Bên tách trà và đĩa mứt gừng nồng cay, chúng tôi như được cùng nếm trải những hương vị ngọt ngào của món mứt truyền thống và cùng chia sẻ những năm tháng thăng trầm để giữ nghề của những vị tu hành tại đây.

anhmuc_2.jpg

Gian hàng bánh mứt tại tịnh xá Ngọc Phương

Từ ngày mới giải phóng, cố Ni trưởng Huỳnh Liên đã có chủ trương tự làm kinh tế tự túc và cũng để lưu giữ nghề truyền thống mà Người đã kỳ công học được từ những năm tháng gắn bó bên mái chùa. Tâm nguyện đó đã được truyền lại cho chư Ni tại tịnh xá Ngọc Phương, Ni sư Tuấn Liên là người được thầy truyền nghề và lãnh trách nhiệm đảm đương mọi việc để giữ nghề.

35 năm nuôi “lửa” để giữ nghề, Ni sư TN Tuấn Liên luôn trăn trở với trọng trách quá lớn này giữa lúc nghề truyền thống ngày càng bị mai một. Thế nhưng không chỉ làm tròn trách nhiệm của một người thầy dạy nghề đầy tin cậy mà Ni sư còn đưa bánh mứt truyền thống tịnh xá Ngọc Phương có mặt khắp nơi. Cứ vào độ tháng 6 ÂL, tịnh xá bắt đầu xuất xưởng những mẻ bánh trung thu, bánh dẻo tinh khiết mang hương vị đậm đà riêng chẳng lẫn vào đâu được. Để góp mặt tại nhiều nơi, Ni sư đã lặn lội tìm chất liệu cho bánh từ nếp cái hoa vàng tại miền Bắc rồi tìm thị trường cho cái bánh có mặt tại Bắc Bộ và ở khắp vùng miền Nam . Chiếc bánh trung thu Ngọc Phương làm đẹp thêm những mùa trăng thu ý nghĩa cho trẻ em và những gia đình sum vầy bên mâm cỗ mùa trăng tròn tháng Tám.

Nhưng, nói đến tịnh xá Ngọc Phương phải kể đến những món mứt Tết đậm chất miền Nam , qua những món mứt Tết người ta lại thấy cả sự ấm cúng của những thời khắc linh thiêng trước bàn thờ Phật, rước ông bà trong giờ phút quan trọng nhất - giao thừa đón năm mới. Và, nó là nguồn mối dẫn dắt những câu chuyện của các thành viên trong gia đình, thắt chặt tình làng nghĩa xóm trong suốt cả một mùa xuân đoàn tụ bên mâm mứt thơm “mùi hạnh phúc”.

anhmuc_3.JPG

Gian nan học nghề

Đó là sự chắt chiu của bao tấm lòng của chư Ni ở đây, khó mà cầm lòng được trước cảnh tượng đặc biệt của những ngày giáp Tết tại tịnh xá Ngọc Phương, cả tịnh xá “xuống sân” gọt củ quả trong không khí an lạc, tràn ngập mùi thơm từ những món mứt truyền thống được làm bằng những đôi tay của chính mình. Sắc vàng của y phục được hòa trong màu nắng sớm với những đôi tay thoăn thoắt, khéo léo… tạo nên một bức tranh mùa xuân an bình nhưng rất sinh động. Những món mứt qua những bàn tay được trang hoàng rất đẹp, đậm đà hương vị cay, nồng, ngọt, bùi… cả những tấm lòng nhiệt tình được gửi gắm trong từng lát mứt tưởng chừng quê mùa mà thật sự tinh khiết này.

Mỗi mùa Tết, tịnh xá Ngọc Phương có trên 20 loại bánh mứt các loại mang đậm chất truyền thống Việt để cung cấp cho các tự viện và các gia đình Việt. Ni sư Tuấn Liên nói: “Bánh mứt Ngọc Phương được xuất khẩu đi nhiều nơi bởi lẽ nó luôn mang đậm đà một hương vị Việt, tâm hồn của gia đình Việt được chắt chiu và nâng niu qua từng món mứt Tết. Bánh mứt Ngọc Phương làm nên phong vị của sự ấm cúng cho dù là những người viễn xứ cũng sẽ cảm nhận được sợi dây tình thân ở tận quê nhà”.

anhmuc_4.JPG

Chuẩn bị đóng gói đưa sản phẩm đến cho
từng gia đình Việt

Gian nan truyền nghề

Khi gió bấc bắt đầu thổi sộc vào sân cũng là lúc tịnh xá chuẩn bị bước vào những ngày bận rộn với việc tìm nguyên liệu cho những món bánh mứt Tết. Từ miền xuôi Tiền Giang, Đồng Tháp… những anh “thợ vườn” mang dừa trái, đường thốt nốt, gừng… đến cung cấp cho Ngọc Phương, đồng thời làm thợ và học nghề. Không nhiều nhưng mỗi năm có dăm ba người, học được vài mùa Tết thì tay nghề cũng thạo. Ni sư Tuấn Liên cho biết, nghề này không khó nhưng cốt phải yêu nghề, chịu khó, chăm chỉ, tích lũy kinh nghiệm riêng và chút khéo tay để sản phẩm được hoàn thành có phong cách và hương vị riêng. Khi truyền nghề không chỉ đơn thuần là kỹ thuật chế biến mà còn cao hơn là đạo đức nghề nghiệp, cốt tủy là thực hiện bằng cái tâm chân thật mới mong trụ được với nghề lâu dài.

Tuy có người đến học nhưng chuyện giữ được nghề là quá khó, muốn một cơ sở nhỏ hoạt động thì phải mua sắm nhiều trang thiết bị rất tốn kém. Mà thị trường hiện nay đang cạnh tranh khốc liệt của vô số những sản phẩm sang trọng như các loại bánh hộp công nghiệp và bánh mứt làm bằng tay trở thành “đối thủ không cân xứng”. Vì vậy, nhiều người dưới quê muốn đổi đời bằng nghề này phải đối mặt với nhiều thử thách để duy trì bởi có quá nhiều rủi ro về các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, tìm đầu ra, sự trượt giá trên thị trường… Một số tự viện TP.HCM cử đại diện đến học và được Ni sư Tuấn Liên truyền nghề nhưng các chùa cũng chỉ hoạt động cầm chừng được vài mùa Tết. Ngay cả ở tịnh xá Ngọc Phương, Ni sư cũng chỉ dám truyền nghề cho những Sư cô thật sự có tâm huyết vì lẽ nếu không yêu nghề thì sẽ rất dễ nản lòng.

Cái tâm nghề nghiệp được tịnh xá Ngọc Phương tôn lên thành tôn chỉ áp dụng cho tất cả chư Ni làm nghề. Bởi lẽ trong thời buổi công nghiệp, mọi công đoạn chế biến đều có thể rút ngắn và sử dụng nhiều hóa chất có hại để làm tăng thêm tính hấp dẫn của sản phẩm, tăng lợi nhuận. Nhưng, Ngọc Phương tuyệt đối không sử dụng chiêu thức này mà mỗi công đoạn chế biến đều phải chăm chút, tuyệt đối bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các nguyên liệu đều có nguồn gốc từ thiên nhiên, không sử dụng hóa chất, phẩm màu. Đây cũng là nguyên tắc bắt buộc cho chư Ni làm nghề và học viên phải tuân thủ bởi lẽ nó mang tính sống còn của một cơ sở truyền thống.

Giữ một nghề truyền thống tại một cơ sở nhỏ lẻ đã khó, giữ cái tâm của người làm nghề càng khó hơn. Thế nhưng, Ngọc Phương là thương hiệu bánh mứt đã vững vàng với 35 năm trong nghề. Nơi đó đã nhóm bếp lửa yêu thương, mối thâm tình qua mâm bánh mứt đậm đà hương vị cho mỗi gia đình Việt.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày