“Nơi nào cần thì mình đến…”

GN - Đó là chia sẻ của SC.Thích nữ Huệ Phương, người vừa được bổ nhiệm làm trụ trì chùa Viên Minh (Củ Chi, TP.HCM) vào ngày 22-12-2013.


Tâm niệm dấn thân ấy của người con Phật chọn đường xuất thế đã đưa cô về vùng ven thành phố, phát triển thất nhỏ thành chùa, thu hút đông đảo Phật tử về tấn tu theo Phật…

>> Bổ nhiệm trụ trì chùa Viên Minh

1 vien minh 4.jpg
SC.Thích nữ Huệ Phương (giữa) phát nguyện nhận trụ trì - Ảnh: Như Danh

1 Một buổi sáng trời se lạnh của Sài Gòn, chúng tôi vượt hơn 50km bằng xe máy để đến được chùa Viên Minh nơi sẽ diễn ra lễ bổ nhiệm trụ trì cho SC.Thích nữ Huệ Phương. Ngôi chùa ở ấp An Bình, xã An Phú vẫn còn hoang sơ lắm, nhưng thật sự ấm áp bởi tình đạo và niềm yêu mến Phật pháp của bà con nơi đây.

Với dáng thanh gầy, Phật tử quây quanh Sư cô chào hỏi và vui mừng. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Sư cô. Lần thứ hai quay lại để gặp Sư cô với cuộc hẹn được trò chuyện cùng cô, bắt đầu bằng “cô có làm được gì đâu” rồi cô cười với giọng hòa ái, vui vẻ.

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, có duyên với Ni trưởng Từ Nhẫn, cô xuất gia tại chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) từ năm 1992. Sau nhiều tháng năm miệt mài học tập, tu đạo, giờ Sư cô đã tốt nghiệp ngành Xã hội học tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), Triết học Phật giáo tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, hiện đang học lên cao học Phật giáo.

Học ở trường Phật học cũng như học ở ngoài, có những nguyên tắc hay kiến thức hàn lâm cho mình biết vậy, nhưng mình phải truyền đạt như thế nào đó cho phù hợp, uyển chuyển với căn cơ của từng người. Ví dụ, hoằng pháp ở vùng sâu, vùng xa, bà con Phật tử ở đây bình dân, mới biết Phật thì mình phải nói chuyện rất bình dân, đừng đem cái hiểu, cái biết của mình áp xuống một cách máy móc. Ngoài ra, tôi nghĩ còn phải học cả tiếng địa phương của họ để mình nói chuyện cho phù hợp, bà con dễ chịu nghe, lời mình nói dễ đi vào lòng người hơn. SC.Thích nữ Huệ Phương

2 Nói về nhân duyên với mảnh đất “thành đồng” này, cô cho biết, năm 2009 đánh dấu việc Sư cô về chùa Viên Minh để hướng dẫn bà con tu học, theo sự thỉnh nguyện của Phật tử Nguyệt Hồng. “Khi ra trường thì tôi muốn đi hành đạo, nơi nào cần thì mình đến”, cô nhấn mạnh.

Minh chứng cho tâm nguyện ấy chính là ở nơi đây hiện vẫn chưa có ngôi chùa nào chính thức và Phật tử thật sự cần có người hướng dẫn nên cô về.

Từ ngày Sư cô về đây, buổi tối nào Phật tử về tụng kinh cũng đông, đặc biệt vào những ngày sám hối thì lên đến 100 Phật tử, đó là một điều thật sự đáng quý ở những ngôi chùa quê. 

Sư cô còn tổ chức mỗi tháng một lần khóa tu “Một ngày an lạc”, rồi chính Sư cô đứng ra giảng pháp vào tối mùng một cho Phật tử. “Nói chuyện Phật pháp cho bà con họ hiểu là điều cần thiết, vì nếu chỉ đi chùa tụng kinh thì họ không hiểu gì hết hoặc hiểu không tới những diệu nghĩa của lời Phật dạy. Phật tử ở đây họ còn “mới mẻ” lắm, có người chưa biết gì hết, nên mình hướng cho họ những giáo lý căn bản ngay từ đầu”, Sư cô chia sẻ về phương pháp dẫn dắt Phật tử sơ cơ.

Đồng thời, cô áp dụng cái hay từ những điều đã học như tổ chức thi vấn đáp Phật pháp bằng cách bốc thăm câu hỏi, Phật tử trả lời đúng sẽ có những phần quà tặng, với những câu hỏi áp dụng vào thực tế của cuộc sống (như điều đó nên làm hay không nên, đúng hay sai…). Lúc đầu nhiều Phật tử ngại, nhưng sau đó thì Phật tử rất thích thú tham gia, sư cô chia sẻ thêm.

3 Rồi hễ chính quyền xã, ấp, Ban Trị sự Phật giáo huyện phát động các phong trào, ít nhiều gì Sư cô cũng có đóng góp. Tặng quà cho bà con nghèo nhân dịp Vu lan, trao nhà tình thương, tham gia các phong trào do xã tổ chức, ngày hội đoàn kết, an ninh quốc phòng, đại hội mặt trận, tham gia thi thuyết trình kỷ niệm 80 năm thành lập Mặt trận, chương trình xây dựng nông thôn mới... Đó là những chương trình mà cô tham gia tích cực, với tâm nguyện “lợi đạo, ích đời”, rằng, Phật giáo bao giờ cũng hòa cùng dân tộc, đem lại lợi ích cho tha nhân từ việc tu và phụng sự xã hội.

Bà Bùi Thị Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú sở tại nói về cô: “Sư cô chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tham gia nhiều hoạt động từ thiện của xã, ấp, chăm lo người nghèo, chăm lo cho các em học sinh, đi thăm nom tặng quà cho người bệnh tật… Tuy tuổi đạo còn trẻ nhưng phẩm hạnh và đạo đức rất tốt, đó không chỉ nhận xét riêng của chính quyền mà cả nhân dân ở ấp, ở xã đều công nhận như vậy. Nên cô được bà con nhân dân, Phật tử, chính quyền, Ban Trị sự, đều rất đồng tình ủng hộ và giúp đỡ trong công tác Phật sự”.

Còn HT.Thích Huệ Nghi, Trưởng BTS GHPGVN huyện Củ Chi thì nhận xét rằng: “Sư cô là một tu sĩ có đạo hạnh tốt, có tâm với Phật pháp và dân tộc nên từ khi về đây được Phật tử rất quý mến. Sư cô còn làm nhiều công tác Phật sự “lợi đạo ích đời”, luôn chấp hành các chủ trương chính sách Nhà nước, sinh hoạt tích cực với Giáo hội tại địa phương”.

Vì thế mà khi Sư cô về đây được chư tôn đức và chính quyền tạo mọi thuận duyên hành đạo. Không chỉ như vậy, đã có gần 700 Phật tử ký tên thỉnh nguyện xin chính quyền và Giáo hội chấp nhận cho cô về giữ chức trụ trì chùa Viên Minh.

Chia sẻ về ước nguyện của mình, Sư cô Huệ Phương nói: “Là một Ni trẻ, tôi nguyện sẽ luôn cố gắng, đem sự tu và sự học của mình đóng góp được chút gì đó cho huyện nhà, cho bà con Phật tử thì không từ nan…”.

Như Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày