Nửa ngày qua đất Phật

Hành hương vào bảo tháp. Ảnh: D.T.Q
Hành hương vào bảo tháp. Ảnh: D.T.Q
Thầy Huyền Diệu, người đã sống, tu tập và dựng chùa Việt Nam trên đất Phật bốn chục năm nay đã gọi chuyến qua Bồ Đề Đạo Tràng của Đoàn Phật giáo Việt Nam hành hương đến Ấn Độ rước xá lợi  Đức Phật Tổ về chùa Bái Đính là một chuyến đi lịch sử.

Bởi lẽ, sử dụng một chuyên cơ để đưa hơn một trăm rưởi Phật tử từ Việt Nam bay thẳng đến sân bay “Gaya” rồi từ đó đi tới nơi đức Phật Tổ đã tu thành chính quả, nay được coi là đất Tổ của Phật giáo thế giới, làm lễ rước xá lợi của Đức Phật, thụ lộc tại Việt Nam Quốc tự rồi trở về nước, là điều chưa từng có.

Máy bay cất cánh từ sân bay Nội Bài lúc 4 giờ sáng thì chỉ 12 tiếng sau, lúc 4 giờ chiều, đã hạ cánh xuống nơi xuất phát. Thầy Huyền Diệu còn bình vui rằng, xưa, thầy trò Huyền Trang phải mất 17 năm (629-645) mới từ Tràng An (kinh đô đời Đường bên Trung Hoa) đến Tây Trúc thỉnh kinh rồi trở về Tràng An.
 
Nay, còn hơn cả Tôn Ngộ Không “đằng vân” đưa cả trăm con người đến tận chân cây bồ đề linh thiêng, nghiêm trang làm lễ tiếp nhận xá lị của Phật Tổ từ vị Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Thế giới cũng là vị trụ trì ngôi chùa Myanmar ở Bồ Đề Đạo Tràng tặng bà Phó Chủ tịch nước ta để làm quà cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tất cả chỉ gọn trong... nửa ngày.

Và thêm một ngẫu nhiên thú vị nữa là cuộc hành hương này cũng bắt đầu từ cố đô Hoa Lư, cũng còn gọi là Trường Yên (tức Trường An) của Đại Việt để rồi ngọc xá lị Đức Phật cũng sẽ được cung nghinh về chùa Bái Đính tại vị trong quần thể của không gian du lịch sinh thái Tràng An hiện tại.

Đọc sách đã nhiều, xem phim ảnh hay nghe kể cũng đã nhiều, nhưng phải một lần đến đất Phật mới cảm nhận được những gì mà chưa đến thì chưa thể cảm nhận được. Trong kinh “Đại Bát Niết Bàn”, Đức Phật Thích Ca đã khuyên các đệ tử, trong cuộc đời nên đến chiêm bái 1 trong 4 Phật tích.

Đó là Lâm Tì Ni (Lumbini nay thuộc đất Nepal) là nơi Đức Phật giáng thế; Bồ Đề Đạo Tràng (Bouddha Gaya) là nơi Phật đắc Đạo; Lộc Uyển (Sarnath) là nơi Ngài thuyết giảng lần đầu và Câu Thi Na (Kushiganar) là nơi Phật nhập Niết Bàn, cả ba địa điểm sau nay đều thuộc Ấn Độ.

Giờ đây, Bouddha Gaya chỉ là một thị trấn nhỏ thuộc bang Bihar ở miền Đông Bắc Ấn Độ, cách thủ đô New Delhi chừng một ngàn cây số. Cảnh quan là một vùng đất cằn cỗi và khí hậu khắc nghiệt, mùa hè có khi lên tới ngót nghét nửa trăm độ, dân cư thưa thớt và cái nghèo lộ rõ trên dọc con đường đi từ sân bay tới Bồ Đề Đạo Tràng.

Nhưng có đến khuôn viên của Bồ Đề Đạo Tràng, người ta mới có thể cảm nhận được vì sao cái tôn giáo có tới hai ngàn năm trăm năm tuổi này đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử mà vẫn tràn đầy sức sống mà không lỗi thời trước những đổi thay to lớn của xã hội loài người.

Cái tôn giáo do vị thái tử của một triều vua đã sẵn sàng rời bỏ ngôi báu và cuộc sống gia đình ấm êm vương giả để dấn thân vào đời sống nặng nhọc khổ đau của những người cùng khổ nhất (Paria), tìm đến sự khổ hạnh như một sự sẻ chia với lòng mong muốn sự diệt dục quên thân xác sẽ diệt được khổ đau của tinh thần, để rồi giác ngộ ra rằng chỉ có “trung đạo”, lấy sự vừa phải, cân bằng, không cực đoan và hướng sự tu tập vào chính tâm địa của mỗi con người hướng đến cái thiện... mới thực sự làm cho con người hạnh phúc.

Phật tích kể có nhắc đến một chi tiết rằng sau khi Thái tử Tất Đạt Đa (tên phiên âm từ tiếng Phạn của Đức Phật Tổ) đã nghiệm thấy cách tu khổ hạnh, ép xác trong sự chịu đựng cùng với 5 đệ tử của mình chỉ làm cho con người trở nên yếu đuối về thể xác và cũng chẳng thể làm cho tinh thần trở nên mạnh mẽ và minh mẫn.

Và chính vào cái thời điểm mà thể xác đã trở nên suy kiệt, trong lúc đang tham thiền dưới ánh trăng, Ngài đã mơ hồ nghe thấy từ dưới chân núi có người đang so dây đàn, khi dây bị chùng quá thì âm thanh không phát ra được, còn lúc căng quá thì bị âm thanh cũng bị đứt cùng dây đàn.

Và một điều quan trọng đã được khám phá: mọi cách thức cực đoan đều không tìm ra chân lý, xác thân cùng dục vọng tuy là nguyên nhân của mọi đau khổ, những nếu diệt nó đi thì lấy gì để đi tìm chân lý? Ngài đã từ bỏ con đường khổ hạnh cực đoan xác quyết rằng trung đạo là chân lý thực sự đưa đến sự giác ngộ, và nhập định kiết già dưới bóng bồ đề suốt 7 ngày đêm để cảm nhận thấu đáo những nguyên lý của Đạo khi Ngài đã thành Phật...

Dưới bóng bồ đề. Ảnh: D.T.Q

Dưới bóng bồ đề.  Ảnh: D.T.Q

Bồ Đề Đạo Tràng là nơi diễn ra khúc quanh ấy trong cuộc đời của Đức Phật. Một bảo tháp đã được dựng lên, bên trong có bức tượng Đức Phật Tổ hầu và như không có bất kỳ đồ tế tự gì. Trên vùng đất ấy còn có nhiều ngôi tháp nhỏ khác và cảnh quan không phô bày sự sung túc của đời sống vật chất. Dường như tất cả sự linh thiêng lại đuợc thể hiện trong những sinh thể mà trung tâm là cây bồ đề cứ theo truyền thuyết thì nó phải có tuổi cao hơn cả Đạo Phật, vì chính dưới bóng cây này Ngài đã nhập định kiết già trước khi đắc đạo.

Cổ thụ trùm lên cả một khoảng không rộng và dưới đó ban thờ rất nhỏ với những bức tượng rất nhỏ và những ngọn đèn và nến cũng rất nhỏ mà ánh sáng của nó chỉ đủ làm lung linh bên những chiếc đĩa đựng những bông hoa cũng rất nhỏ. Và dưới bóng cây đó các Phật tử từ mọi miền trên đất nước Ấn Độ và trên thế giới đến nơi đây để ngồi dưới bóng cây hướng về bảo tháp và im lặng.

Buổi lễ cung nghinh xá lị cũng diễn ra tại đó. Đông người và có phần ồn ào bởi những nghi thức được tăng âm để mọi người cùng nghe rõ. Một vài bầu đoàn Phật tử hành hương cũng đến chia sẻ cùng đọc kinh và thể hiện theo lễ thức riêng của mình, ví như những Phật tử đến từ Tây Tạng với những nhạc khí tấu lên những khúc nhạc lễ huyền bí vòi vọi của miền núi cao...

Vừa ở Việt Nam giữa mùa lễ hội đầu Xuân sang đây càng dễ nhận ra cái khác biệt. Ở đây cũng có nhiều người nghèo làm đủ thứ dịch vụ, cũng có cảnh chèo kéo khách mua quà lưu niệm và có cả người đi ăn xin... nhưng dường như ứng xử của họ cũng thấy vừa phải, không “sát ván” như ở bên mình, chỉ cần khéo léo chối từ là họ buông bám một cách vui vẻ.

Nhưng cái dễ nhận thấy hơn là tuy cũng có dịch vụ đổi tiền với những tập tiền có mệnh giá nhỏ nhưng in hình Thánh Cam Địa (Mahatma Gandhi), nhưng hầu như khắp nơi không thấy ai đem tiền rải lung tung trong nơi thờ tự hay những bức tượng thờ như ở bên ta. Có lẽ khách hành hương đổi tiền để cho người ăn xin hay bỏ vào những hòm công đức, có nhưng không nhiều như ở bên ta...

Thời gian ngắn ngủi chỉ đủ cho đoàn hành hương sang đất Phật cung nghinh ngọc xá lị ghé vào thắp hương và thụ lộc tại Việt Nam Phật Quốc Tự trên đất Bodh Gaya của Thầy Huyền Diệu. Đây là một trong 2 ngôi chùa Việt Nam được dựng trên đất Phật. Một ở Lâm Tì Ni bên Nepal, và một ở đây, trên đất Ấn.
 
Phật giáo ở Ấn Độ từng có hơn thiên niên kỷ thịnh trị, như từ thế kỷ XIII, có lẽ cái tính cách “trung đạo” của Phật giáo không chịu đựng nổi áp lực cực đoan của các đạo giáo khác tràn vào đất nước này khiến cho tất cả các trung tâm Phật giáo đều bị lụi tàn và Phật giáo trên đất nước này bị suy kiệt trong khi tôn giáo này lại được lan toả sang nhiều quốc gia khác trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đến nay, dân số Ấn Độ theo đạo Phật chỉ còn là một thiểu số bên cạnh đạo Hinđu hay đạo Hồi... Nhưng các Phật tích thì lại được hồi sinh nhờ một phần sự góp sức của cộng đồng Phật giáo thế giới.

Ở Lâm Tì Ni hay Bồ Đề ĐạoTràng quanh các Phật tích, nhiều ngôi chùa của các quốc gia được dựng lên. Ở Boddha Gaya có tớ 25 ngôi chùa như vậy được dựng lên. Thầy Huyền Diệu nói rằng, mình không giàu, tuy chùa không nhỏ so với các chùa bạn nhưng nhờ ngọn bảo tháp 9 tầng vươn lên nền trời nên lại là ngôi chùa dễ nhận thấy nhất.

Trên khuôn viên khá rộng, từ năm này qua năm khác với tất cả lòng thành của mình và quy tụ lòng thành của các đồng bào, đồng đạo, ngôi chùa của Thầy Huyền Diệu đã trở thành nơi hội tụ người Việt đến hành hương đất Phật, thành nơi chia sẻ lòng từ bi với các đạo hữu quốc tế và người dân Ấn Độ.

Thật cảm động, ngay tại cửa Bồ Đề Đạo Tràng, tôi gặp một chàng trai Ấn Độ gầy nhỏ đang sử dụng một chiếc xíchlô làm phương tiện kiếm sống của mình, trên đó mang dòng “lạc khoản”. “Quà từ thiện từ Việt Nam” kèm theo danh tính một người họ Phạm. Anh bạn trẻ Ấn biết có đoàn Việt Nam tới, tươi cười chỉ vào cái lạc khoản ấy nở một nụ cười rất... thánh thiện.

Một thoáng qua Đất Phật, đã trở về với quê nhà. Ở sân bay Nội Bài, từ trên máy bay đã thấy, bà con đến rất đông, một đoàn xe rất dài đã đợi sẵn đi đầu là những chiếc Hummer, Limousine sang trọng và tiếp đó cũng sẽ là những nghi thức rất trọng thể tại một ngôi chùa cũng rất hoành tráng mà lòng lại thấy bâng khuâng...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày