Oán gia không muốn kẻ thù giàu sang

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1185 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1185 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Người có tâm oán thù thì không muốn kẻ thù của mình sang giàu. Tâm sân hận, thù oán không chỉ khiến cho mình nhỏ nhen mà còn mong muốn người khác tổn hại, khánh kiệt.

"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có bảy pháp oán gia để gây thành oán gia; tức là khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế. Những gì là bảy?

Lại nữa, oán gia thì không muốn oán gia quá giàu sang. Vì sao oán gia không muốn oán gia quá giàu sang? Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, người ấy tạo nghiệp thân, khẩu, ý như vậy khiến mất nhiều tài vật. Vì sao như vậy? Vì bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế. Đó là pháp oán gia thứ sáu để gây thành oán gia khi mà bọn nam nữ nổi lên sân nhuế".

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Oán gia, số 129 [trích])

Người có tâm oán thù thì không muốn kẻ thù của mình sang giàu. Tâm sân hận, thù oán không chỉ khiến cho mình nhỏ nhen mà còn mong muốn người khác tổn hại, khánh kiệt. Hả hê khi kẻ thù thất bại, cay cú khi họ ngày càng ăn nên làm ra, ác tâm này chưa biết đã hại được ai nhưng trước mắt là tổn hại mình.

Kinh tạng Pali tương đương với đoạn kinh này như sau: “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người thù địch mong muốn kẻ thù địch của mình như sau: Mong rằng kẻ này không có tài sản! Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, người thù địch không hoan hỷ kẻ thù địch của mình có được tài sản. Này các Tỷ-kheo, hạng người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, những tài sản nào của họ thâu hoạch do sự phấn chấn tinh cần, cất chứa do sức mạnh của cánh tay, chồng chất do những giọt mồ hôi, đúng pháp, thâu hoạch hợp pháp, các tài sản ấy được nhà vua cho chở về ngân khố nhà vua, vì bị phẫn nộ chinh phục”.

Rõ ràng, người mà luôn mong những người có thù oán mất sạch tài sản thì chính họ bị lâm vào cảnh khốn cùng trước tiên. Vì sao? Bởi “Người hay sân nhuế bị tác động bởi sân nhuế, bị chi phối bởi sân nhuế, tâm không bỏ sân nhuế, người ấy tạo nghiệp thân, khẩu, ý như vậy khiến mất nhiều tài vật”. Chính tâm sân hận, phẫn nộ rồi tạo ác nghiệp mà bao nhiêu thành quả có được đều bị thất thoát, hao tổn, tiêu tán.

Thế nên, cần xả bỏ oán thù, tập mong cho người được lợi dù đó là kẻ thù của mình. Tâm oán thù khiến người ta quyết chơi xấu nhau, tàn hại lẫn nhau để rồi cuối cùng không ai giữ được tài sản, thậm chí có thể mất thêm nhiều thứ khác. Mặt khác, tâm oán thù luôn thiêu đốt, đánh mất sự an yên, luôn ngồi trên đống lửa thì dù có giàu vẫn không sang, có phúc mà chẳng hưởng được, đó không phải là hành xử khôn ngoan.

Suy cho cùng, cuộc sống ngoài đủ đầy về vật chất thì rất cần sự an yên trong tâm hồn. Muốn an yên thì không có kẻ thù. Tha thứ cho kẻ thù, xả buông những oán hận chỉ nhằm bảo vệ mình, giữ vững hạnh phúc an vui cho mình. Oán thù chỉ mang đến thiệt hại, một niệm sân khởi lên sẽ mở ra vô vàn chướng ngại, mất mát.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày