GN - “Trải qua 5 năm hoạt động trong nhiệm kỳ VIII (2012-2017), Ban Trị sự (BTS) GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã vượt qua một chặng đường đầy thử thách để hoàn thành sứ mạng hoằng pháp lợi sinh, đó là nhờ vào sự cống hiến không mệt mỏi của chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử, cũng như sự hỗ trợ của chính quyền, ban ngành các cấp” - HT.Thích Huệ Minh, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh cho biết.
PG Tiền Giang ủng hộ từ thiện nhân Đại lễ Phật đản PL.2561
Thành tựu nổi bật ở nhiều Phật sự
Trong Phật sự nhiệm kỳ VIII, Phật giáo Tiền Giang luôn hướng đến mục đích “Phụng sự đạo pháp, phục vụ tổ quốc và nhân sinh, tiếp nối sự nghiệp người đi trước, dẫn bước người đi sau”. Nhờ đó, Thường trực BTS tỉnh đã vững vàng chèo lái con thuyền trên đường hoằng dương Chánh pháp, phục vụ nhân sinh và thực hiện thành công các lĩnh vực như Tăng sự, giáo dục Tăng Ni, hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, từ thiện xã hội… một cách thuận lợi.
Theo thống kê đầu năm 2012, toàn tỉnh có 395 tự viện với 1.081 Tăng Ni, sau 5 năm, số tự viện tăng lên 412 ngôi và 1.540 Tăng Ni trong cả 3 hệ phái là Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, BTS đã ký đơn xuất gia cho 470 Phật tử, bổ nhiệm trụ trì 14 chùa, giới thiệu thọ giới ngoài tỉnh 45 vị, xin cấp sổ chứng điệp An cư kiết hạ cho 30 vị, cho nhập danh bộ tự viện 17 chùa, chuyển danh bộ đi tỉnh khác 5 vị.
Đặc biệt, nhằm trang bị giới luật cho Tăng Ni thọ giới tu học, được sự cho phép của TƯGH, UBND tỉnh, BTS đã tổ chức Đại giới đàn Minh Đàn PL.2558 - DL.2014 tạo điều kiện cho 671 giới tử trong và ngoài tỉnh thọ giới tu học.
Về công tác đào tạo Tăng tài, Hòa thượng Trưởng BTS cho biết, hơn 25 năm hoạt động, Trường TCPH tỉnh Tiền Giang đã đào tạo được 5 khóa. Khóa thứ VI vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp với số lượng 165 Tăng Ni, trong số đó hơn 50 Tăng Ni đã tham gia kỳ thi tuyển sinh khóa XII của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM. Số Tăng Ni còn lại tham gia lớp cao đẳng cũng như các cấp học khác. Hiện tại trường vẫn đang tiếp tục đào tạo khóa thứ VII, sẽ khai giảng sau khi mãn khóa An cư kiết hạ PL.2561.
“Một điều không chỉ BTS tỉnh, Ban Giáo dục Tăng Ni, mà tất cả Tăng Ni trong tỉnh đều hết sức hoan hỷ, đó là tỉnh nhà vừa chính thức có lớp cao đẳng. Đây không phải là sự ngẫu nhiên, tình cờ, mà là cả một quá trình mơ ước, ưu tư, trăn trở và phấn đấu không ngừng của chư tôn đức Giáo hội tỉnh nhà, bên cạnh đó được sự quan tâm giúp đỡ của HĐTS, Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư, cũng như sự quan tâm yểm trợ của các cấp chính quyền”, HT.Thích Huệ Minh chia sẻ.
Nhiệm kỳ qua, công tác hoằng pháp thực hiện 9.213 thời thuyết giảng tại các đạo tràng trong và ngoài tỉnh như đạo tràng Bát quan trai, Niệm Phật, Pháp hoa, các lớp giáo lý… cho gần 800 ngàn Phật tử thính pháp. Song song đó, hàng năm, Ban Hoằng pháp đều tổ chức Hội thi giáo lý tìm hiểu Cuộc đời Đức Phật (cấp tỉnh). Mỗi năm số lượng và chất lượng được nâng dần lên. Các hội thi tổ chức đều thành công tốt đẹp, góp phần tạo không khí tưng bừng đón mừng Phật đản…
Ngoài ra, để bồi dưỡng nghiệp vụ hoằng pháp, Ban Hoằng pháp đã giới thiệu các vị giảng sư và Phật tử tham dự Hội thảo Hoằng pháp tại Đà Nẵng, Kiên Giang, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Qua đó, các giảng sư cũng như các hoằng pháp viên đã bổ sung thêm được một số kinh nghiệm, định hướng trong công tác hoạt động của mình.
Nhằm phát huy niềm tin trong sáng về đạo Phật cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của Phật giáo, Ban Văn hóa đã thường xuyên động viên, hướng dẫn Phật tử tích cực bài trừ, đẩy lùi các hình thức mê tín dị đoan như việc đốt vàng mã, xin xăm, bói toán... Ban Văn hóa đã tập hợp các hình ảnh hoạt động Phật sự của BTS tỉnh và các ban, ngành để triển lãm trong những ngày lễ lớn. Ban cũng tích cực trong việc phát hành, khuyến khích Tăng Ni Phật tử đọc tuần báo và nguyệt san Giác Ngộ, cũng như các tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, Nghiên Cứu Phật Học… để cập nhật thông tin Phật sự, học hỏi giáo lý thêm vững vàng.
Nói về công tác từ thiện xã hội, HT.Thích Huệ Minh đánh giá cao Phật sự này, vì đây là con đường đem đạo vào đời, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật. “Với các hoạt động như phụng dưỡng Mẹ VN Anh hùng, tặng xe lăn xe lắc cho người khuyết tật, mổ mắt miễn phí cho người đục thủy tinh thể, xây dựng nhà tình nghĩa - tình thương, tặng học bổng, đồng phục cho học sinh nghèo hiếu học, thành lập trường nuôi dạy trẻ em nghèo hoàn toàn miễn phí, các phòng trị liệu dân tộc và bốc thuốc cho bà con…, tổng kinh phí hoạt động từ thiện của Phật giáo trong tỉnh đã thực hiện trên 216 tỷ đồng”, Hòa thượng Trưởng BTS cho biết.
Nói về những khuyết điểm, tồn đọng, theo HT.Thích Huệ Minh: “Một số Tăng Ni thường xuyên không dự an cư kiết hạ. Một số chuyên ngành của Ban Trị sự hoạt động còn yếu làm trở ngại một phần công tác của BTS tỉnh. Một vài BTS huyện lãnh đạo chưa tốt để tín đồ thưa kiện làm giảm uy tín và hiệu quả hoạt động của Giáo hội. Nguồn kinh phí hoạt động của BTS còn hạn chế nên việc triển khai phương hướng hoạt động còn gặp nhiều khó khăn”…
Hướng đi mới cho Phật giáo tỉnh nhà
Để Phật giáo tỉnh Tiền Giang có những bước phát triển cao hơn và ổn định trong nhiệm kỳ mới, theo HT.Thích Huệ Minh, ngoài việc kế thừa những thành quả đã đạt được và rút kinh nghiệm từ những tồn đọng trong quá trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ 2012-2017, Thường trực BTS cần phải có những phương hướng hoạt động cụ thể cho nhiệm kỳ IX (2017-2022), phổ biến để Tăng Ni và Phật tử nắm rõ và cùng nhau thực hiện các Phật sự chu toàn, đồng nhất.
Đó là, theo Hòa thượng Trưởng BTS, phải chấp hành tốt mọi sự chỉ đạo của HĐTS. Tiếp tục củng cố và phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp từ lãnh đạo xuống địa phương, lấy trí tuệ tập thể để giải quyết trong mọi Phật sự, phân công các thành viên trong Thường trực BTS tham dự các kỳ họp mỗi tháng tại các huyện để lắng nghe ý kiến của địa phương và kịp thời giải quyết, bổ nhiệm các ban chuyên ngành trực thuộc BTS thể theo các ban ngành của TƯGH, mở Đại giới đàn cho Tăng Ni trong và ngoài tỉnh thọ giới tu học…
Để thực hiện được những phương hướng đề ra, các Ban chuyên ngành của BTS và BTS các huyện, thị xã, thành phố phải duy trì họp lệ theo định kỳ để kiểm tra mức độ thực hiện các công tác đã triển khai và rút kinh nghiệm cho các công tác sắp đến; kịp thời tiếp thu thông tin và giải quyết hợp lý… Đặc biệt, mọi công tác của Giáo hội đều được thực hiện trên tinh thần tập thể, đoàn kết, hòa hợp, thống nhất giữa các thành viên.