Phật dạy cách nhiếp thọ tài sản

GN - Đức Phật ngoài việc giáo huấn về đạo đức, tu tập chứng đắc các Thánh quả giải thoát cho hàng đệ tử tại gia, Ngài còn luôn khuyên dạy họ cần mẫn lao động hợp pháp để trở nên sung túc, giàu có. Với thành quả lao động có được nhờ bàn tay và khối óc, người Phật tử cần phát huy tuệ giác để quản lý và chi tiêu sao cho lợi mình và lợi người, có ích cho hiện đời và cả đời sau.

Theo Thế Tôn, phải có trí mới nhiếp thọ được tài sản, chẳng những không bị thất thoát mà còn sinh lợi. Nhiếp tức là thâu nhiếp, quản lý và giữ gìn tài sản do mình làm ra. Thọ chính là thọ dụng, hưởng thụ, chi tiêu tài sản của mình để cuộc sống được an vui, hạnh phúc. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là phải quản lý tài sản và chi tiêu tiền bạc đúng đắn, khoa học.

DucPhat2.jpg

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Người tạo tác thế nào/ Trí tuệ để cầu tài/ Cùng nhiếp thọ tài sản/ Hoặc hơn, hoặc lại kém?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Mới học nghề nghiệp khéo/ Tìm cách gom tài vật/ Được tài vật kia rồi/ Phải nên phân làm bốn/. Một phần tự nuôi thân/ Hai phần cho doanh nghiệp/ Phần còn lại để dành/ Nghĩ đến người thiếu thốn/. Người kinh doanh sự nghiệp/ Làm ruộng hay buôn bán/ Chăn trâu, dê phồn thnh/ Nhà cửa dùng cầu lợi/ Tạo phòng ốc giường nằm/ Sáu thứ đồ nuôi sống/ Phương tiện tạo mọi thứ/ An lạc sống suốt đời/. Khéo tu nghiệp như vậy/ Trí tuệ dùng cầu tài/ Của báu theo đó sanh/ Như các dòng về biển/. Tài sản nhiều như vậy/ Như ong gom vị ngọt/ Ngày đêm của tăng dần/ Như kiến dồn đống mồi/. Không giao của người già/ Không gởi người bên cạnh/ Không tin người gian xảo/ Cùng những người keo lẫn/. Gần gũi người thành công/ Xa lìa người thất bại/ Người thường thành công việc/ Giống như lửa cháy bùng/. Người quý trọng bạn lành/ Thân mật theo người tốt/ Đồng cảm như anh em/ Khéo đùm bọc lẫn nhau/. Ở trong vòng quyến thuộc/ Biểu hiện như trâu chúa/ Tùy chỗ cần mọi người/ Phân của cho ăn uống/ Khi tuổi hết mạng chung/ Sanh về trời hưởng lạc.

Lúc ấy, Thiên tử kia lại nói kệ: Lâu thấy Bà-la-môn/ Mau đạt Bát-niết-bàn/ Qua rồi mọi sợ hãi/ Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe Phật nói xong, hoan hỷ, tùy hỷ cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi biến mất”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1283)

Theo Đức Phật, tài sản do mình làm ra cần được chia thành bốn phần. Một phần tư tài sản để chi tiêu cho cuộc sống. Làm ăn có tiền của thì phải tiêu xài, chăm sóc sức khỏe, lo ăn uống, mua sắm các tiện nghi để phục vụ cho đời sống. Tiện tặn, keo kiệt với bản thân và gia đình là điều không nên. Hai phần tư của khối tài sản cần để đầu tư sản xuất hoặc kinh doanh. Nếu không dành dụm để đầu tư sản xuất hoặc kinh doanh thì sẽ khó có cơ hội phát triển. Một phần tư tài sản còn lại được để dành phòng khi ốm đau hoặc bất trắc; một phần của khoản để dành này có thể đem cúng dường, bố thí, giúp người cùng với các chi phí giao tế khác.

Sử dụng tài sản do công sức và trí tuệ của mình làm ra theo cách phân chia làm bốn phần như trên thì tài sản của mình ngày càng tăng thêm, kinh tế gia đình vững mạnh và ổn định. Ngày nay, người đệ tử Phật sống trong xã hội hiện đại thì quản lý và chi tiêu tài sản tuy có phần khác hơn nhưng căn bản thì vẫn dựa trên nền tảng lời Phật đã dạy. Do đó, khéo nhiếp thọ tài sản cũng là một trong những hạnh tu để ổn định và phát triển kinh tế gia đình, khiến cho cuộc sống an ổn và hạnh phúc, tạo nền tảng cho sự tu tập thăng hoa tâm linh, thành tựu giải thoát.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày