Phật giáo hướng về nạn nhân vụ tấn công tại Paris

GN - Cộng đồng Phật giáo trên khắp thế giới đã có những hành động thiết thực hướng về các nạn nhân vụ tấn công vừa diễn ra tại Paris (Pháp) vào cuối tuần qua khiến ít nhất 128 người thiệt mạng và 200 người khác bị thương. Trong không khí tang thương và đầy nước mắt ấy, động thái này phần nào cho thấy tình người luôn được đề cao mỗi khi có biến cố hay mất mát ập đến.
caunguyen (1).JPG
Chư Tăng trẻ tại Trường Trung học Sera Jey (Tây Tạng) cầu nguyện cho nạn nhân ở Paris

Thông điệp qua mạng xã hội

Ngay sau vụ tấn công vừa xảy ra gây nên những cái chết đau thương cho người dân Paris, nhiều học giả và cộng đồng Phật giáo đã viết trên các trang web và mạng xã hội những lời chia buồn sâu sắc.

Đi tiên phong bằng động thái này, tổ chức Phật giáo quốc tế Soka Gakkai, một tổ chức truyền bá Phật học cho người mới bắt đầu, là đơn vị đầu tiên ra tuyên bố về vụ tấn công này. Qua đó, tổ chức này khẳng định từ ngữ không thể diễn tả hết cú sốc và nỗi đau mà các thành viên Soka Gakkai cảm nhận về những mất mát tại Paris.

“Chúng tôi xin chuyển lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình những người có thân nhân bị giết. Tất cả những suy nghĩ và cầu nguyện lúc này của chúng tôi đều dành cho nỗi đau, sự tổn thương cho những người và những gì đang diễn ra tại Paris”, những thành viên mới bắt đầu học Phật thuộc Soka Gakkai viết.

Trong khi đó, nhà văn kiêm đạo diễn người Mỹ gốc Nhật George Hosato Takei, một Phật tử thuần thành, đã nhanh chóng cập nhật trên trang Facebook cá nhân của mình những lời tha thiết và chân thành:

 “Trái tim tôi nặng trĩu khi nghe những thông tin đau buồn từ Paris. Thật sự rất thương tâm cho những nạn nhân cùng gia đình và người thân của họ. Đêm nay tôi nguyện sẽ ôm chặt những người còn lại với ước vọng hòa bình, đẩy lùi bom đạn và chiến tranh, thảm sát gây bao mất mát đau thương cho nhân loại”.

Nhà hoạt động nghệ thuật thâm niên này cũng đề nghị cần tìm hiểu kỹ thông tin về  các đối tượng đã gây ra vụ thảm sát, tránh thái độ nghi ngại dẫn đến các kết quả sai lầm đáng tiếc trong việc làm cần thiết này.

Còn Nhà xuất bản Wisdom (Mỹ) thì đề nghị trên trang mạng Twitter rằng mọi người cần chuyển những vần thơ về bình an đến mọi ngóc ngách của Paris bằng trái tim nồng nhiệt và đầy yêu thương.

“Mong cho tất cả được an yên, mong cho tâm hồn được rộng mở, mong cho sự tỉnh thức sẽ chiếu rọi ngọn nguồn mọi kiếp nhân sinh, mong cho đau thương được chữa lành”, đoạn thơ viết trên trang Twitter của nhà xuất bản các tác phẩm Phật học.

Trích dẫn lời dạy của Đức Phật trong kinh Pháp cú cũng như đăng tải tấm hình tháp Eiffel với tông màu trắng đen trên trang nhà của mình để nói về những gì vừa xảy ra ở Paris là cách làm của Trung tâm thiền Tỉnh Thức (Madison, Mỹ). Nội dung bài Pháp cú “Hận thù diệt hận thù, đời này không có được. Từ bi diệt hận thù, là định luật ngàn thu” được trích dẫn kèm theo, vừa xuất hiện đã nhận hàng ngàn like và chia sẻ của cộng đồng mạng xã hội khắp nơi.

“Tôi cảm thấy vô cùng đau buồn cho những người bạn ở Paris, cho những sợ hãi mà họ đang dần trải qua bởi cuộc tấn công khủng khiếp này. Đây là thời gian dành cho lòng khoan dung trên thế giới và hướng đến những người bạn ở nước Pháp”, một đoạn viết vừa mới được đăng trên trang cá nhân của nhà nghiên cứu Phật học Jack Kornfield, người từng thực tập hạnh xuất gia ngắn ngày tại Thái Lan, Miến Điện và là tác giả của hơn 20 đầu sách Phật học nổi tiếng.

Cầu nguyện xuyên biên giới

Bên cạnh lời chia sẻ trên Facebook và mạng xã hội, việc tổ chức các buổi lễ cầu nguyện theo nghi lễ tâm linh Phật giáo hướng về những nạn nhân xấu số để cầu cho họ ra đi nhẹ nhàng được xem là cách hành trì phổ biến trong cộng đồng Phật giáo.

Chỉ vài giờ sau khi vụ tấn công ở Paris được loan tải trên các phương tiện truyền thông, Trường Sera Jey (Tây Tạng) đã tổ chức cho hàng trăm chư Tăng trẻ thực hiện các nghi thức cầu nguyện và dành phút tưởng niệm đến các nạn nhân vừa qua đời.

Trên trang Facebook của nhà trường, hình ảnh lễ cầu nguyện được đăng tải với lời chia buồn sâu sắc: “Xin thành thật cầu nguyện và chia sẻ những mất mát đến các nạn nhân và gia đình sau vụ tấn công này”.

Trong khi đó, Phật tử và là nhà văn nổi tiếng Susan Piver (Mỹ) thì vận động tổ chức một buổi thiền tập và cầu nguyện để chuyển hóa các năng lượng bình an cho những người đã mất sau vụ tấn công. “Nếu thực tập được điều này, các thành viên tham gia sẽ có thể gởi đến tình yêu thương không biên giới cho các nạn nhân”, bà Susan Piver khẳng định.

Được biết, vào khuya ngày 13-11 (giờ Paris, khoảng 6g sáng giờ Việt Nam), một loạt vụ xả súng và gây nổ xảy ra ở thủ đô Paris của Pháp, khiến ít nhất 128 người thiệt mạng, cả nước Pháp bị đặt trong tình trạng báo động, biên giới đóng cửa.

Theo thông tin chính thức được báo chí cập nhật, có 6 vụ xả súng, ba vụ nổ diễn ra gần như đồng thời ở Paris, khiến Tổng thống Pháp Francois Hollande phải gọi đây là một cuộc tấn công “chưa từng có tiền lệ” vào nước Pháp. Đến nay, sau gần một tuần trôi qua, các cơ quan điều tra vẫn chưa xác định chính xác thủ phạm gây ra vụ tang tóc thảm khốc này.

Bảo Thiên (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày