Phật giáo Kiên Giang: Tầm nhìn chiến lược, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Chùa Sắc tứ Tam Bảo - Trụ sở Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang
Chùa Sắc tứ Tam Bảo - Trụ sở Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang
0:00 / 0:00
0:00
GN - Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang, là gương mặt hoạt động năng nổ trên nhiều lĩnh vực của Giáo hội.

Trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Kiên Giang lần thứ X, phóng viên Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện với Thượng tọa về Phật giáo tỉnh nhà.

Tóm tắt lại dấu ấn quan trọng nhất trong nhiều hoạt động và thành tựu Phật sự trên địa bàn tỉnh Kiên Giang của nhiệm kỳ 2017-2022, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn cho biết:

- Trong nhiệm kỳ IX (2017-2022), GHPGVN tỉnh Kiên Giang đã từng bước củng cố, ổn định và nâng cao uy tín trong Tăng Ni, Phật tử các giới. Mặt khác, nhờ sự kết nối, quan tâm của các cấp lãnh đạo chính quyền, đã tạo tiền đề cho sự thành công 10 điều nghị quyết của Đại hội IX. Quan trọng nhất là Phật giáo tỉnh Kiên Giang đã phát huy được tinh thần đoàn kết nội bộ các hệ phái và tạo được sự đồng thuận cao trong lòng Tăng Ni tỉnh nhà.

Nhiệm kỳ vừa qua, thực hiện theo tinh thần thông tư của Giáo hội, chư tôn đức lớn tuổi là Trưởng ban, Phó ban Thường trực và nhiều chư tôn đức Phó ban đã nghỉ theo chế độ tuổi quy định; nhân lực trẻ được cơ cấu tham gia Thường trực Ban Trị sự kế thừa và phát huy được những thành tựu Phật sự đã đạt được trong 8 nhiệm kỳ trước của chư vị tiền bối tiền nhiệm đã xây dựng và từng bước ổn định, xây dựng đoàn thể ngày càng vững mạnh. Điều đó được minh chứng cụ thể qua các kỳ hội họp, tụng giới, sinh hoạt định kỳ... đặc biệt là khóa tu “Tuần lễ Thất nhựt giáo giới” vào mùa đông đã tạo nên những thành quả lợi ích, thiết thực tốt đẹp.

* Song song với những thành tựu đã đạt được trong hoạt động Phật sự, còn có những những tồn đọng, trở ngại nào với Phật giáo tỉnh nhà không, thưa Thượng toạ?

Toàn tỉnh Kiên Giang hiện nay có 216 ngôi tự viện, tăng hơn nhiệm kỳ trước. Trong đó, Phật giáo Nam tông có 76 ngôi chùa (1 ngôi chùa Nam tông người Kinh và 1 ngôi tháp 4 Sư liệt sĩ), 7 chùa được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, 3 chùa được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Trong 5 năm qua, bằng những việc làm thiết thực, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang đã vận động từ thiện tổng giá trị là: 370.207.000.000đ (Ba trăm bảy mươi tỷ, hai trăm lẻ bảy triệu đồng).

Mỗi ngày đều tổ chức giảng pháp trực tuyến trên kênh truyền hình trực tuyến: YouTube, Facebook: Phatsuonline, Hoằng pháp online nhằm nâng cao trình độ nhận thức về giáo lý Phật-đà, sách tấn sự tu học của tín đồ Phật tử trong toàn tỉnh.

- Những tồn đọng cũng như mặt hạn chế trong nhiệm kỳ qua đó là vẫn còn một, hai trường hợp khiếu kiện kéo dài, giải quyết chưa dứt điểm đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội. Nguyên nhân chính có thể nói là do các vị Thường trực và Ban Thư ký hoàn toàn là những vị mới đảm nhiệm chức vụ mới trong nhiệm kỳ này, suốt 2 năm đầu vì ngại va chạm và tai tiếng khi mới đảm nhiệm chức vụ mới nên nội bộ thiếu đoàn kết và có 2 trường hợp khiếu kiện kéo dài. Giáo hội đã có những nhận định và kịp thời hướng dẫn Tăng Ni chuyển hóa, cố gắng giữ vững tinh thần đoàn kết nội bộ; đưa ra những biện pháp xử lý dứt điểm. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang luôn nêu cao tinh thần uốn nắn Tăng Ni kịp thời; tuyên truyền cho Tăng Ni thông suốt Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự và pháp luật Nhà nước hiện hành.

* Nhân sự được đánh giá là căn bản cho mọi sự phát triển. Thượng tọa có nhận định gì về cơ cấu nhân sự hiện tại và hướng suy cử cho nhiệm kỳ tới?

- Nhân sự là vấn đề được Giáo hội tỉnh rất quan tâm, đây là điều then chốt để tạo nên sự thành công trong mọi công tác Phật sự. Có thể nói, từ 15 năm trước, Giáo hội đã nhận thức, định hướng quy hoạch, đào tạo nhân sự kế thừa. Trong nhiệm kỳ qua, Giáo hội đã quy hoạch nhân sự dự kiến vào các vị trí quan trọng chủ chốt, tổ chức nhiều khóa tập huấn, quy hoạch đào tạo, để Tăng Ni nâng cao trình độ học thức; nỗ lực học tập có bằng đại học, cao học, tiến sĩ...

GHPGVN tỉnh Kiên Giang nhất quán cơ cấu số lượng nhân sự tham gia Ban Trị sự với 3 hệ phái chính theo nguyên tắc Bắc tông 50%, Nam tông Khmer 30% và hệ phái Khất sĩ chiếm 20%. Từ nguyên tắc đó, chư tôn đức tham gia Ban Trị sự nhiệm kỳ mới gồm đủ cả 3 thế hệ là chư tôn đức giáo phẩm có kinh nghiệm làm cột trụ, Tăng Ni những vị mang tính kế thừa trong hiện tại và các vị được quy hoạch trong tương lai đều bao gồm thành phần tham gia của cả 3 hệ phái. Đồng thời, Phật giáo tỉnh đã có tầm nhìn định hướng, cơ cấu luân chuyển những vị từng đảm nhiệm Trưởng, Phó ban Trị sự huyện, thị có nhiều thành tích hoàn thành xuất sắc về năng lực điều hành các công tác Phật sự cấp huyện đều được mời tham gia vào Thường trực và các ban ngành chuyên môn trực thuộc Giáo hội tỉnh.

Trong nhiệm kỳ X, đề án nhân sự không có nhiều sự thay đổi, chủ yếu bổ sung thêm một số vị đã được quy hoạch, định hướng vào Ủy viên Thường trực, tham gia lãnh đạo các ban, ngành trực thuộc Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà. Các vị trí chủ chốt như Trưởng ban, Phó ban Thường trực, Ban Thư ký... vẫn được giữ nguyên, vì nguồn lực khóa IX đa số chỉ mới tham gia lần đầu, tiếp nối sang khóa X, tin chắc rằng các vị sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, tiếp cận và thuần thục được các công việc tốt hơn, góp phần hỗ trợ phát triển toàn diện công tác Phật sự của Giáo hội tỉnh nhà.

* Kiên Giang với đặc thù là một tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó, Phật tử đồng bào Khmer với tỷ lệ khá cao, Thượng tọa có thể cho biết Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã có những việc làm cụ thể như thế nào để hỗ trợ cho sinh hoạt Phật giáo Nam tông Khmer?

Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang

Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang

- Kiên Giang là một trong những tỉnh có đông đảo chư Tăng và đồng bào dân tộc Khmer. Quán triệt quan điểm xuyên suốt của GHPGVN từ những ngày đầu mới thành lập, Phật giáo tỉnh Kiên Giang luôn nêu cao tinh thần đoàn kết các hệ phái với những nội dung, việc làm cụ thể hết sức quan trọng đã góp phần cho thành công chung các công tác Phật sự trong nhiều nhiệm kỳ.

Trong nhiệm kỳ IX, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang đã tổ chức liên kết cùng với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội mở khóa đào tạo cử nhân Tôn giáo học, trong đó Ban Trị sự rất quan tâm đến chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer bằng cách hỗ trợ học bổng, hỗ trợ kinh phí ăn nghỉ, học tập... tổ chức các chương trình sự kiện về Phật giáo Nam tông, tạo nên những công tác hoạt động thống nhất, đoàn kết, hài hòa hỗ tương cho nhau, luôn tạo cơ hội ưu tiên về kinh phí hoạt động và kịp thời phối hợp cùng các cơ quan hữu quan tháo gỡ những khó khăn và đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời và đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch đào tạo nhân sự kế thừa.

* Là một vị giáo phẩm trẻ, được cho là năng động và có mối quan hệ khá rộng, kết nối với chư vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, Thượng tọa có chia sẻ gì về kinh nghiệm hành đạo mà mình đã trải qua, và dự hướng tương lai sắp tới?

- Đối với bản thân trong công tác hoạt động của Giáo hội thì đến nay tôi đã tham gia trên 20 năm. Trong thời gian hoạt động, bài học kinh nghiệm được đúc kết đó là sự nỗ lực dấn thân và lòng nhiệt huyết hoàn thành các công tác Phật sự được chư tôn đức lãnh đạo giao phó. Bên cạnh đó, phải có đức kiên nhẫn, bởi trong tất cả mọi việc sẽ có những thắng duyên và nghịch duyên, chỉ có sự an nhẫn thì mới đủ nội lực để vượt qua và hoàn thành mọi công tác. Phương châm của bản thân tôi đó là “không gì là không thể”, cho nên dù gian khó cách mấy, một khi đã cố gắng tận tâm, tận lực làm tới cùng thì chắc chắn sẽ được thành tựu.

Qua những lần như vậy, tôi đã xây dựng được niềm tin và sự an tâm nơi chư tôn đức mỗi khi có việc giao phó. Tôi luôn chia sẻ cùng với quý Thầy trong tỉnh về việc này, mỗi người cần phải đề cao trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngoài lòng nhiệt huyết còn phải kiên nhẫn, có lập trường thì mới có thể phụng sự, hoàn thành tốt các công tác Phật sự và bổn phận, trách nhiệm được phó thác.

* Nếu phải nêu một phương châm cho Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang thì đó là gì? Với cá nhân Thượng tọa, có phương châm hành động nào không, nếu có xin Thượng tọa chia sẻ?

- Các công tác Phật sự của Phật giáo tỉnh Kiên Giang được thành tựu đó chính là nhờ vào tinh thần đoàn kết và tập hợp được sức mạnh của toàn thể Tăng Ni ở trong tỉnh. Đây là yếu tố tiên quyết trên tinh thần dân chủ thảo luận và công khai minh bạch trong tất cả các phiên hội họp định kỳ. Từ đó, đã tạo nên tiếng nói chung, sự đồng thuận của một đoàn thể; là tiền đề, sức mạnh hoàn thành tốt mọi công tác Phật sự. Đây là phương châm thứ nhất.

Phương châm hành động thứ hai của Phật giáo tỉnh đó là lấy lợi ích của Tăng Ni lên hàng đầu. Dù bất cứ nơi đâu, mỗi khi Tăng Ni gặp khó khăn, Ban Trị sự đều kịp thời có mặt và hỗ trợ xử lý các vướng mắc. Từ đó, Ban Trị sự tạo nên một sự uy tín lớn đối với Tăng Ni và Phật tử.

Giáo hội là ngôi nhà chung mà nơi đó có các bậc tôn túc trưởng thượng, là bậc Thầy, là người cha, người anh lớn luôn che chở, bảo bọc cho Tăng Ni. Nương nhờ uy đức của các ngài mà việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang đã luôn quan tâm, tuyên truyền, vận động chuyển hóa với những chia sẻ nhẹ nhàng, thiết thực; ngoài ra chỉ khi bất khả kháng thì mới dùng đến biện pháp cứng rắn để giải quyết triệt để mọi vấn đề gây trở ngại cho con đường hành đạo của Tăng Ni nói riêng và Tăng đoàn Giáo hội nói chung. Đây là phương châm thứ ba.

Với phương châm hành động riêng tôi, tôi cho rằng mỗi cá nhân là cá thể tiêu biểu của Tăng đoàn, cần phải luôn luôn nêu cao tinh thần, xây dựng tổ chức Giáo hội lên hàng đầu. Điều đó, đòi hỏi ở mỗi người phải có tinh thần cống hiến, hy sinh và nhiệt huyết vì các hoạt động chung của đoàn thể.

Bằng các phương châm hành động như thế, tôi tin chắc rằng những điều đó sẽ tạo nền niềm tin vững chắc đối với Tăng Ni trong tỉnh và sẽ là những yếu tố quan trọng để Phật giáo tỉnh nhà đạt được những thắng lợi tốt đẹp trong mọi công tác Phật sự.

Xin cảm ơn Thượng tọa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày