“Phật giáo Ninh Thuận đi lên trong sự nghèo khó…”

GN - TT.Thích Hạnh Thể đã bộc bạch: “Tỉnh Ninh Thuận là một tỉnh nghèo nơi dải đất duyên hải miền Trung nên người dân đa phần khó khăn, Phật giáo vì thế cũng gặp khó khăn trong hoằng truyền giáo pháp... Nhưng, không vì thế mà Tăng Ni lại chùn bước, chúng tôi kiên quyết đi lên từ sự nghèo khó, làm sao để Phật pháp được xương minh thì con người dẫu có nghèo, thiếu ăn thì họ vẫn có hạnh phúc trong đời sống tinh thần...”.

Kính bạch Thượng tọa, thầy có nhận định như thế nào về các hoạt động Phật sự của Phật giáo tỉnh nhà trong nhiệm kỳ vừa qua?

Ảnh TT.Thích Hạnh Thể.JPG

TT.Thích Hạnh Thể 

- TT.Thích Hạnh Thể: Nhiệm kỳ qua, chư Tăng Ni, Phật tử toàn tỉnh đồng lòng ủng hộ và tham gia các công tác Phật sự trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp; đồng thời chính quyền địa phương cũng hết lòng ủng hộ nên các hoạt động của Phật giáo tỉnh nhà đều thuận lợi, cơ bản đạt được kế hoạch đề ra. 

Tuy nhiên, nội bộ BTS có những hạn chế nhất định như Hòa thượng Trưởng ban cao tuổi nên điều hành công tác không linh hoạt; TT.Thích Thiện Tiến, Phó thường trực thì ở xa văn phòng BTS nên cũng khó điều hành các công việc liên quan.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận là tỉnh nghèo, kinh tế không phát triển như các địa phương khác nên cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động Phật sự. Có những chương trình mà BTS muốn làm nhưng tài chánh không có dẫn tới khó thực hiện hoặc thực hiện không đạt kết quả mong muốn!

Thưa Thượng tọa, được biết Ninh Thuận là một trong hai địa phương (bên cạnh Khánh Hòa) tổ chức GĐPT chưa tham gia sinh hoạt trong lòng Giáo hội?

- Đúng là tổ chức GĐPT tại tỉnh nhà vẫn chưa thực sự nằm trong lòng Giáo hội, nhưng anh em lãnh đạo tổ chức (200 huynh trưởng) và 2.000 đoàn sinh GĐPT vẫn thường liên lạc, tương hỗ hoạt động với BTS Phật giáo tỉnh. Tất nhiên, phải nhìn nhận rằng đến nay vẫn chưa hoàn thiện về khâu tổ chức của Ban Hướng dẫn Phật tử thuộc BTS là một sự tồn tại mà Ban Trị sự nhiệm kỳ mới quyết tâm giải quyết rốt ráo. 

Tinh thần hòa hợp, đoàn kết không phải chỉ nói chung chung mà phải đoàn kết, hòa hợp thực sự, hoạt động theo Hiến chương Giáo hội cũng như theo pháp luật Nhà nước. Cùng phụng sự Đạo pháp, Dân tộc phải cùng trong tổ chức thì sự đoàn kết, hòa hợp ấy mới tạo nên nội lực bền bỉ, làm lớn mạnh các Phật sự được…

Ngoài ra, còn điểm nào mà Thượng tọa cảm thấy còn lo lắng, băn khoăn?

- Tại tỉnh Ninh Thuận, vẫn còn hai huyện (Thuận Nam và Thuận Bắc) chưa có Ban Đại diện Phật giáo. Do vậy, trong nhiệm kỳ này, mà cụ thể là sau đại hội chắc chắn lãnh đạo Phật giáo tỉnh Ninh Thuận sẽ xúc tiến các công tác liên quan trong việc thành lập Ban Đại diện Phật giáo hai huyện nói trên. 

Bên cạnh đó, huyện Bác Ái là một huyện vùng xa, chủ yếu là đồng bào R’Gley sinh sống, ở đây chưa có chùa nên ánh sáng Phật pháp vẫn chưa được truyền tới đây. Cơ bản do có quá ít quý thầy, quý sư cô dấn thân truyền đạo, đồng thời do điều kiện khách quan: người dân nghèo, kinh tế còn khó khăn, đời sống dân trí chưa cao nên sự hiểu biết, hướng tới tôn giáo vẫn chưa được bà con chú ý!

Vậy công tác đào tạo Tăng tài phục vụ Giáo hội có được BTS chú ý, thưa Thượng tọa?

- Thực sự, BTS rất coi trọng công tác này, nhưng có một thực tế chung, không phải chỉ của Ninh Thuận là có một số Tăng Ni trẻ sau khi đi học thì không trở về địa phương phục vụ, nhất là với một địa phương còn nghèo, nhiều nơi khó khăn như Ninh Thuận thì điều đó càng nan giải hơn.

Cũng phải trách cả BTS nữa, vì thực tế BTS ít quan tâm gắn kết Tăng Ni khi đi học ở các nơi, các bậc học cao hơn. Ở đây tôi muốn nhắc tới lý do chủ quan của BTS là đã xem nhẹ vấn đề kết nối và cả khách quan là muốn quan tâm hỗ trợ nhưng kinh phí không có. Sắp tới, BTS sẽ xem xét, cố gắng thành lập một quỹ học bổng để hỗ trợ Tăng Ni đi học xa, tạo gắn kết với Phật giáo tỉnh nhà để các vị sau khi học xong sẽ về phụng sự Giáo hội, giúp ích cho người dân ở địa phương mình…

Mong rằng chư vị Tăng Ni cũng ghi nhớ rằng, hạnh nguyện của người tu, của Phật giáo thời kỳ nào cũng vậy, luôn luôn là “hộ pháp-an dân”. Nên đừng vì những khó khăn trước mắt, vì điều kiện khách quan mà thối thất, né tránh…

Tất cả chư tôn túc cũng như Phật tử đều đánh giá đây là đại hội mang tính đột phá, bước ngoặt của Phật giáo Ninh Thuận?

- Có lẽ vậy. Vì nhiệm kỳ này, cơ cấu nhân sự qua các lần hiệp thương đại hội đã có thay đổi rất đáng kể. Chư tôn đức lớn tuổi sẽ được cung thỉnh vào Ban Chứng minh, chư tôn đức không còn tha thiết với hoạt động Phật sự hoặc năng lực hạn chế sẽ được thay thế bởi những vị khác trẻ hơn, có nhiệt huyết trong hoạt động, chịu khó dấn thân. Tất cả vì một mục tiêu: phụng sự Đạo pháp, Dân tộc như đã nói. 

Nhìn chung thì qua những lần hiệp thương chuẩn bị đại hội đã được sự hoan hỷ, tán thán của tất cả chư tôn đức; trên tinh thần hòa hợp cao. Hy vọng từ đây, bộ máy BTS nhiệm kỳ 2012-2017 sẽ vận hành tốt hơn, kiên quyết đưa Phật giáo tỉnh nhà phát triển, gắn bó cùng dân tộc…

Xin trân trọng cảm ơn Thượng tọa!

Đọc thêm: >> Chư Tổ khai truyền đạo mạch, hậu học kế thế tuyên lưu...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày