Phật giáo ở Buryatia: Thánh địa Datsan Rinpoche Bagsha

Một trong hai tòa bảo tháp mang tên Hòa Hợp trong khuôn viên thánh địa
Một trong hai tòa bảo tháp mang tên Hòa Hợp trong khuôn viên thánh địa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Tọa lạc trung tâm của nước Cộng hòa Buryatia là một thánh địa Phật giáo với cảnh quan vô cùng ngoạn mục. Đây được xem là biểu tượng của lòng tin vững chãi đối với Phật giáo, mối liên kết chặt chẽ giữa thầy và trò.

Tên của thánh địa này - Datsan Rinpoche Bagsha, thể hiện một phạm trù quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng: lòng tôn kính đối với vị đạo sư. Datsan là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ cho các tu viện ở Mông Cổ và Buryatia. Rinpoche có nghĩa đen là “người đáng quý”, được dùng để bày tỏ lòng kính trọng đối với các vị Lạt-ma và các Pháp sư tái sinh, có học thức và có nhiều thành tựu trên con đường thực hành tâm linh. Bagsha là một từ trong tiếng Buryat để chỉ cho người thầy.

Datsan Rinpoche Bagsha được khai kiến bởi vị cao tăng phái Mũ vàng, ngài Yelo Rinpoche (còn được gọi là Yeshe Lodoy Rinpoche) - hiện là trụ trì của tu viện, với sự phụ tá của đệ tử thân cận là Lạt-ma Tenzin Legden (Tenzin Lama) quá cố. Cả hai vị thầy này đã làm việc và cống hiến hết lòng cho sự phát triển của Phật giáo ở Buryatia và Nga.

Tu viện trung tâm Datsan Rinpoche Bagsha

Tu viện trung tâm Datsan Rinpoche Bagsha

Datsan Rinpoche Bagsha được thành lập với sự gia trì của Đức Dalai Lama vào năm 2000. Tu viện tọa lạc trên sườn núi Lysaya gần thủ đô Ulan-Ude của Buryatia. Mục đích chính của tu viện là bảo tồn và truyền bá giáo lý của trường phái Gelug (phái Mũ vàng) của Phật giáo Tây Tạng. Datsan mở cửa cho công chúng vào năm 2004 sau khi tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng cao 6 mét được an vị trong chánh điện. Một năm sau, 8 bảo tháp đã được dựng lên trong khuôn viên của tu viện, tượng trưng cho tâm giác ngộ của chư Phật. Năm 2009, đại hồng chung mang tên Tứ pháp ấn cũng đã được thỉnh về tu viện.

Vào năm 2013, Datsan Rinpoche Bagsha tổ chức hội nghị chuyên đề “Nghệ thuật Phật giáo đương đại: Truyền thống và Đổi mới” ở Ulan-Ude. Diễn đàn do khoa Lịch sử nghệ thuật và Nghiên cứu văn hóa của Đại học Liên bang Ural (Ekaterinburg, Nga) và Datsan Rinpoche Bagsha phối hợp tổ chức. Sự kiện này diễn ra tại một trong hai bảo tháp mang tên Hòa hợp tại tu viện, dưới sự bảo trợ của ngài Yelo Rinpoche.

Ngài Yelo Rinpoche và vị đệ tử Tenzin Lama (đứng)

Ngài Yelo Rinpoche và vị đệ tử Tenzin Lama (đứng)

Cả hai vị Lạt-ma sáng lập thánh địa này đều sinh ra ở Tây Tạng và có tiểu sử nổi bật.

Yelo Rinpoche sinh năm 1943. Lúc lên 3 tuổi, ngài được công nhận là hậu thân đời thứ tư của Yelo Rinpoche và bốn năm sau ngài phát nguyện xuất gia. Năm 13 tuổi, ngài đã xin vào tu viện Drepung Gomang, một chi nhánh của trường phái Gelug. Năm 1959, ngài rời quê hương và đến Ấn Độ và vào năm 1963, thọ Cụ túc giới (gelong) với Đức Dalai Lama.

Năm 1972, ngài gia nhập Viện Nghiên cứu Trung ương về Tây Tạng ở Varanasi, nơi đây, ngài đã nhận được tôn hiệu A-xà-lê (lopon). Sau đó, ngài làm việc trong thư viện Tibetan Works and Archives ở Dharamsala và tiếp tục học tập tại tu viện Drepung Gomang ở miền Nam Ấn Độ. Năm 1979, sau quá trình nghiên cứu nghiêm cẩn về triết học Phật giáo, Yelo Rinpoche đã đạt được trình độ học vấn cao nhất trong truyền thống Gelug, được gọi là geshe lharampa, tương đương với bằng tiến sĩ và cần thêm 15 năm nghiên cứu chuyên ngành sau đó. Năm 1993, ngài chuyển đến Buryatia, cùng với vị trợ lý Tenzin Lama thành lập và phát triển Datsan Rinpoche Bagsha.

Ngài Tenzin Lama sinh năm 1962 tại làng Manasara, gần núi thiêng Kailash. Ngài đã gặp vị bổn sư của mình là Yelo Rinpoche vào năm 7 tuổi và kể từ đó gắn bó với thầy mình. Ngài tập sự và xuất gia tại tu viện Drepung Gomang, vượt qua các kỳ thi của geshe lharampa vào năm 1998. Ngài đã viết cuốn sách Datsan Rinpoche Bagsha, xuất bản năm 2017, trong đó ngài kể về lịch sử của tu viện và những công việc đáng quý mà vị bổn sư của ngài đã thực hiện. Ngài viên tịch vào ngày 26-3-2021 ở tuổi 59.

Ngày 14-5-2021, Yelo Rinpoche cử hành một buổi lễ tưởng niệm vào ngày thứ 49 sau khi Tenzin Lama viên tịch (shegu). Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, giai đoạn từ khi chết đến tái sinh kéo dài 49 ngày và liên quan đến ba giai đoạn của thân trung ấm (bardo).

Buổi lễ cầu nguyện được chủ trì bởi ngài Rinpoche, bao gồm một nghi thức gọi là Lama Chopa Tsok với việc cúng dường chư Phật và Bồ-tát. Việc này hướng đến sự tích lũy phước đức cần thiết và năng lượng tích cực để tiến bộ trên con đường tâm linh. Đây là một nghi lễ cầu nguyện truyền thống được thực hiện vào ngày thứ 49, nhưng rất hiếm khi được dẫn dắt bởi vị thầy của người mất.

Trên thực tế, các vị đệ tử trong Phật giáo Tây Tạng mong muốn được chết trước thầy mình để nhận được sự hướng dẫn và gia trì của quý ngài trong trạng thái thân trung ấm. Dĩ nhiên, trong Phật giáo, sự sống và cái chết được xem như là phần nhỏ của cả một quá trình, trong đó cái chết là sự khởi đầu của một cuộc đời mới. Người đệ tử khó có thể biết được điều gì sẽ xảy ra trong đời sống tiếp theo nhưng họ luôn hy vọng về một sự tái sinh tốt đẹp hơn và mong muốn được gặp lại người thầy đáng kính của mình, như trong lời cầu nguyện hàng ngày của chính họ:

“Trong tất cả các kiếp sống, cầu mong tôi không bao giờ bị tách rời khỏi vị đạo sư hoàn toàn thanh tịnh,

Nỗ lực thực hành tối đa Giáo pháp tối thượng,

Hoàn thiện mọi đức tính thanh tịnh trong mọi giai đoạntrên cả hành trình”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày