GN - Trước thềm Đại hội PG Thanh Hóa, Đại đức Trưởng BTS đã dành cho Giác Ngộ một cuộc trao đổi ngắn xoay quanh những vấn đề Phật sự của PG tỉnh nhà...
Kính bạch Đại đức, xin Đại đức cho biết sơ lược quá trình hình thành, phát triển của Phật giáo tỉnh nhà, đặc biệt là những thành tựu cũng như khó khăn trong nhiệm kỳ vừa qua?
- ĐĐ.Thích Tâm Đức (ảnh): Sau năm 1954, khi thành lập Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam ở miền Bắc thì Thanh Hóa cũng thành lập Ban Đại diện (BĐD) Phật giáo tỉnh Thanh Hóa do HT.Thích Thanh Trình làm Trưởng ban. Năm 1972, Hòa thượng viên tịch, đất nước cũng ở giai đoạn diễn ra chiến tranh khốc liệt trên cả hai miền Nam Bắc, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì miền Nam thân yêu”, cả nước đang dồn sức người, sức của để giải phóng miền Nam.
Hưởng ứng lời kêu gọi “Cởi cà-sa khoác chiến bào” của Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam phát động, một số sư trẻ đã tòng quân ra tiền tuyến. Các chùa trong tỉnh chỉ còn lại mươi vị sư già, nên các hoạt động của BĐD cũng vắng dần, các chùa hoạt động tự phát, sinh hoạt theo sơn môn pháp phái.
Năm 1981, GHPGVN được thành lập. Trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội đại biểu thống nhất GHPGVN, với sự trăn trở suy tư, không quản ngại khó khăn, gian khổ của chư tôn túc tiền bối, được sự chỉ đạo của T.Ư Giáo hội, sự giúp đỡ và tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền đoàn thể tỉnh Thanh Hóa, BĐD lâm thời Phật giáo Thanh Hóa được thành lập ngày 1-11-1984, tại chùa Thanh Hà, phường Nam Ngạn (nay là phường Trường Thi), thị xã Thanh Hóa (nay là TP.Thanh Hóa). Kể từ đó, GHPGVN tỉnh Thanh Hóa là tổ chức hợp pháp, đại diện cho Tăng Ni, Phật tử tỉnh Thanh Hóa và thực hiện mọi hoạt động theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - CNXH”.
Đến nay, GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã tròn 27 năm tuổi, trải qua 5 nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ đầu kéo dài 8 năm (1984-1992) là thời kỳ xây dựng và củng cố cơ sở.
Nhiệm kỳ kế tiếp (1992-1997) là giai đoạn phát triển các mặt hoạt động và nâng vị thế từ BĐD lên Ban Trị sự (BTS) do HT.Thích Thanh Cầm làm Trưởng BTS. Ngày 1-6-1994, Hòa thượng Trưởng ban viên tịch, cả tỉnh lúc này không còn chư Tăng, chỉ còn duy nhất 1 Sa-di. BTS đã họp hội nghị mở rộng đề cử Ni sư Thích nữ Đàm Nhung làm quyền Trưởng BTS đến hết nhiệm kỳ. Trong lúc khó khăn này, Phật giáo Thanh Hóa được sự đỡ đầu của HT.Thích Thanh Tứ, lúc bấy giờ là Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng I T.Ư GHPGVN và sự ưu ái tận tình giúp đỡ của chư tôn thiền đức trong Văn phòng I, cũng như BTS THPG Hà Nội.
Nhiệm kỳ III (1997-2002) do Ni trưởng Thích nữ Đàm Nhung làm Trưởng BTS, là giai đoạn tiếp tục phát triển và nâng cao các mặt hoạt động của Tỉnh hội. BTS đã thành lập quỹ Bảo trợ học đường năm 1998 để hỗ trợ tài chính cho Tăng Ni đi theo học tại các trường.
Nhiệm kỳ IV (2002-2007) là nhiệm kỳ xây dựng, thành lập BĐD Phật giáo cấp huyện, các hoạt động Phật sự đã dần rõ nét, đi vào ổn định, có hiệu quả và bước đầu đạt được kết quả khả quan.
Nhiệm kỳ V (2007-2012) là nhiệm kỳ đổi mới lãnh đạo trẻ, tôi được suy cử làm Trưởng BTS, các BĐD được kiện toàn và thành lập mới... Lần đầu tiên sau 22 năm thành lập GHPGVN, các ban ngành chuyên môn của Tỉnh hội PG Thanh Hóa mới được thành lập; lớp Sơ cấp Phật học tỉnh Thanh Hóa cũng được thành lập và đi vào hoạt động...
Vậy, trong nhiệm kỳ tới, Phật giáo tỉnh nhà có những định hướng phát triển như thế nào?
- Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được và những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ Đại hội V, mục tiêu, phương hướng hoạt động của THPG nhiệm kỳ 2012-2017 là: Tích cực phát huy truyền thống đoàn kết hòa hợp trong Phật giáo, tăng cường thống nhất về ý chí và hành động, thống nhất về tổ chức và lãnh đạo, thống nhất hành động theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Ngoài ra, BTS sẽ xây dựng mối quan hệ thống nhất về lãnh đạo từ BTS Tỉnh hội đến các BĐD, các chùa, tự viện, trên cơ sở dân chủ, đoàn kết chặt chẽ để làm nền tảng cho việc phát triển các hoạt động Phật sự vì Đạo pháp và Dân tộc, xây dựng THPG Thanh Hóa ngày càng vững mạnh, xứng đáng hơn nữa với lòng tin của Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà.
Với cương vị là người lãnh đạo Phật giáo tại tỉnh nhà, Đại đức có nhận định như thế nào về tình hình Phật giáo của địa phương?
- Có thể nói Phật giáo Thanh Hóa đang trong thời kỳ sung sức với đầy đủ điều kiện để phát triển “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đây là cơ hội để Phật giáo Thanh Hóa phát triển và vững bước tiến vào tương lai.
Xin cảm ơn Đại đức. Kính chúc Đại hội Phật giáo Thanh Hóa thành công tốt đẹp!
Chính Tâm thực hiện
“Ban Trị sự THPG Thanh Hóa với tinh thần lục hòa, đoàn kết nội bộ được thể hiện rõ việc rút ra một số kinh nghiệm nhằm khắc phục, tháo gỡ những điểm hạn chế, tồn đọng, cùng nhau thảo luận xây dựng quy chế hoạt động, phân công, phân nhiệm đúng người đúng việc theo hệ thống tổ chức chuyên ngành của Trung ương Giáo hội. Thường trực Ban Trị sự sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Trong tinh thần trách nhiệm, Ban Trị sự cũng đã thẳng thắn phê bình và mạnh dạn thay đổi những vị trưởng ban các ngành vì lý do không đảm bảo sức khỏe và hoạt động kém hiệu quả để thay thế bằng những vị có tâm huyết với đạo pháp.” ĐĐ.Thích Tâm Đức (Xuân Loan ghi) |
Cùng sự kiện: PG Thanh Hóa: Hòa nhịp cùng cuộc sống ll Phiên trù bị Đại hội ll Tường thuật phiên chính thức Đại hội ll Chùm ảnh Đại hội PG Thanh Hóa kỳ VI ll |