Phật giáo và nhân sinh quan của vua Trần Thái Tông

DẪN NHẬP Chắc rằng khá nhiều người Việt Nam biết đến vua Trần Thái Tông là một vị vua đã chiến thắng quân Mông Cổ, vua sáng khởi triều Trần; còn qua thư tịch và trao đổi, phần lớn cuộc đời nhà vua được phác hoạ trong bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư và một vài tác phẩm Phật học còn lại đến nay như Khoá hư lục, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Thánh đăng lục... và một vài bài thơ được coi là của nhà vua.  

Qua đó, Thái tông Trần Cảnh được coi như con người chất chứa một khối mâu thuẫn lớn. Là con người của xã hội phong kiến nhưng chịu phần tai tiếng về đổi vợ, anh em bất hoà; là nhà vua nhưng trị vì phần lớn thời gian đầu dưới cái bóng rợp của Trần Thủ Độ; tham chính sống đời nhưng tâm trí lại hướng về cửa Phật...

Và có lẽ, chính giáo lý nhà Phật đã làm cân bằng những khối mâu thuẫn lớn trong cuộc đời thi nhân triết gia Trần Cảnh, nhà vua Thiên Ứng Chính Bình, Nguyên Phong. Với vị thế cư sĩ Phật tử, Phật giáo có vai trò rất lớn trong việc hình thành tư tưởng và nhân sinh quan của Thái tông Trần Cảnh. Với ông, Phật Giáo không chỉ là một bộ giáo lý tín ngưỡng, có thể nó còn là một công cụ trị nước, hành dạo mà không xuất thế lánh đời.

Những nghiên cứu về Trần Thái Tông đã có khá nhiều, đề cập đến cuộc đời, sự nghiệp thi ca, triết gia và tư tưởng Thiền học của nhà vua. Ở đây, trong phạm vi một bài báo, tác giả chỉ có ý thông qua một vài sự kiện trong sử liệu, làm rõ nguyên tắc ứng xử của vua Trần Thái Tông như một nhân vật lịch sử, trong đó tư tưởng Phật giáo đã góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân sinh quan của nhà vua.

1. CUỘC ĐỜI TRẦN CẢNH - MỘT KHỐI MÂU THUẪN LỚN ĐƯỢC ĐIỀU HOÀ BẰNG CHÍNH TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO

Trần Cảnh sinh năm 1218, giữa lúc nhà Lý suy vi, nhà Trần đang củng cố thế lực đang lên nhờ một đôi trai tài gái sắc của dòng họ là Thủ Độ và Thị Dung. Một người làm Điện tiền chỉ huy sứ cai quản ngự lâm quân, một người là hoàng hậu nhà Lý mẫu nghi thiên ha.

Trần Cảnh được đưa lên làm vua năm 1226, tức khi đó ông mới 9 tuổi. Năm đó, anh trai Trần Cảnh là Trần Liễu (1211 - 1251) đã 16 tuổi, câu hỏi thông thường khi đọc sử liệu là tai sao Trần Thủ Độ lại không chọn Trần Liễu để nhằm vào ngôi vua? Kể cả khi Trần Liễu đã lấy công chúa Chiêu Thánh, thì Thủ Độ vẫn có lý để vua Lý nhường ngôi cho Chiêu Thánh? Câu trả lời thường là: Nhường ngôi cho con nhỏ thì Thủ Độ dễ điều khiển triều chính hơn.

Tuy nhiên, khi xem xét cuộc đời Thái Tông và An Sinh vương sau này, mới thấy quyết định của Trần Thủ Độ có phần sáng suốt, công tâm chứ không phải việc chọn Trần Cảnh làm vua chỉ là muốn dễ “nhiếp chính”.

Câu trả lời là ở chính tư chất của hai người và có lẽ Thủ Độ đã nhìn thấy rất rõ phần thiên tư ở mỗi người cháu mình. So với Trần Liễu, Trần Cảnh hiền hoà hơn, nhân hậu hơn và đó chính là đức tính cần thiết cho bậc đế vương thành một minh quân.

So với Trần Cảnh, Trần Liễu nhuốm màu đời phàm tục nhiều hơn. Điều này dễ lý giải khi Trần Liễu nắm quyền binh sớm, có điều kiên hưởng lạc sớm, cả đến sau khi triều đại nhà Trần lập ra rồi, anh chàng tay chơi Trần Liễu vẫn không giấu được khi ông Hiển hoàng vào chầu qua cung Lê Thiên năm 1236, cưỡng hiếp cả cung nữ cũ của triều Lý, không còn coi quốc thể vào đâu cả.

Một khi đã có tư chất thiên bẩm hiền hoà, thông tuệ thì con đường đến với giáo lý Phật pháp, đi đến từ bi giác ngộ, hướng đến trí tuệ Bát Nhã chắc chắn là một nghiệp. Trần Cảnh được chọn ở ngôi cao chắc hẳn là vì vậy, và đây cũng là một thiên nhãn của Trần Thủ Độ, một đức tính cần thiết của người làm “công tác tổ chức - cán bộ” như cách nói của ngôn ngữ ngày nay.

Cuộc đời Trần Cảnh vào năm 1236 - 1237 có nhiều cú sốc lớn. Khi đó, do xếp đặt của Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung mà Trần Liễu bị ép nhường vợ là công chúa Chiêu Thánh cho Trần Cảnh để lập hoàng hậu; còn người vợ 10 năm của Trần Cảnh, hoàng hậu Chiêu Hoàng, thì bị giáng làm công chúa.

Lợi ích của dòng họ đã được đặt lên trên hết, trong đó anh em Trần Liễu, Trần Cảnh phải hứng chịu những oan nghiệt và hy sinh cái cá nhân nhỏ bé. Trong bối cảnh ấy, cách ứng xử của Trần Cảnh đã cứu cho nhà Trần khỏi một cuộc đổ máu, nói không ngoa, cứu cả quốc gia xã tắc khỏi một phen binh đao mà hậu họa nếu có sẽ khôn lường.

Lịch sử cũng có nhiều hoàn cảnh tương tự, khi anh và em tranh nhau ngôi vua, và tất yếu phải có một bên thắng và một bên phải chết. Các hoàng tử nhà Đường đã tranh nhau ngôi vua, Lý Thế Dân đã giết các em để chiếm ngôi. Lý tự nhiên phải vậy. Trần Thủ Độ một người quyền biến càng hiểu phải như vậy.

Nhưng khi đó, vua Trần Thái Tông lại ứng xử không theo nguyên tắc ngôi thứ, mà cách tha cho Trần Liễu làm loạn lại là cách ứng xử của con người Trần Cảnh đến nỗi Trần Thủ Độ đã phải ném gươm mà than: “Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em nhà người thuận nghịch thế nào”.

Câu than ấy chứa đựng cả thái độ vừa giận vừa phục của Thủ Độ. Với cách ứng xử đậm tình người của Trần Cảnh, thì những gươm đao của nhà chính trị Trần Thủ Độ “chỉ là con chó săn thôi”.

Sau này, Trần Dụ Tông có thơ ca ngợi Trần Thái Tông, so ông với vua Đường Lý Thế Dân, nhưng thực ra, đó là hai loại ứng xử không thể so sánh được. Khi giết em, Lý Thế Dân giống như Trần Thủ Độ, đứng trên vị thế một ông hoàng, nhà chính khách.

Còn khi tha cho Trần Liễu, Trần Cảnh là một người em đối với anh người em có cái lỗi cũng... tày trời chứ. Nhưng nếu không phải là một cư sĩ, thì Trần Cảnh có hành động như vậy được không?

Lòng nhân ấy do đâu mà có? Nếu không có giáo lý nhà Phật soi đường, Trần Cảnh cũng không thể làm thế được.

Con người mang tiếng cướp chị dâu làm vợ ấy, lạ thay, lại có bài văn “răn giới sắc”. Do sắc đẹp nữ nhi mà kẻ mê say đoạn nghĩa thày bạn; người tham đắm đức mất đạo tan. Trên mà phong giáo chẳng còn, dư tất khuê môn rối loạn”. Nếu đó chính là bài văn của vua Trần Thái Tông, thì hẳn không chỉ là “răn dạy” mà còn là chiêm nghiệm.

Nhưng dù có là chiêm nghiệm cuộc đời thì nếu không biết “chỉ giương mắt nhìn ngoại cảnh, chẳng quay đầu chiếu nội tâm” như nhà vua cư sĩ, thể kẻ tầm thường cũng không thể nhận thức được.

Với Trần Cảnh, quan niệm về giới sắc của ông đủ thực tế, nhưng không đến nỗi ham hố như các đấng quân vương khác. Ông viết: “Cởi bỏ lụa là quanh mình, vẫn lộ da bì bọc thịt”.

Coi khinh sắc đến thế, mà vẫn phải phạm vào luân thường để giữ ngôi vua, nỗi cô đơn và thống khổ của cá nhân con người Trần Cảnh thật không gì tả nổi. Và ông chỉ có thể dốc nỗi lòng trong một văn phẩm Phật học.

Tư tưởng Phật học hắn đã làm thăng bằng lại những mâu thuẫn cá nhân trong ông. Ông lý giải ở thiên “bàn về Giới, Định, Tuệ” trong Khoá hư lục: “Tuệ làm thiện cuối. Bởi biết thấy như thật, nên sinh lo chán. Bởi lo chán nên lìa dục. Bởi lìa dục nên giải thoát”.

Năm 1237 cũng là năm Trần Thái Tông có một quyết định lạ lùng: Bỏ ngôi vua trốn lên Yên Tử để xuất gia tu Phật. Trong mối mâu thuẫn giằng xé (đổi vợ, lấy chị dâu), giữa lúc nguy cơ loạn ly (Trần Liễu nổi loạn), vương triều Trần có nguy cơ sụp đổ trong gang tấc, thì nhà vua lại trốn đời vào núi đi tu?

Thoạt tiên, có thể hiểu đơn giản là Thái Tông chán ngôi vua nên bỏ vào núi muốn làm sư. Ngôi vua mà sinh ra những chuyện tranh đoạt, sinh ra phá bỏ cả luân thường đạo lý, ngôi vua mà sinh ra nhiều chuyên đau khổ thì đi tu chứ còn làm gì nữa? Nếu hiểu như vậy, thì lẽ nào đạo Phật lại có thể có vai trò quan trọng đến thế trong sự hưng phát của vương triều Trần?

2. CUỘC ĐỜI NHÀ CHÍNH TRỊ - DÙNG ĐẠO PHẬT GIÁO HOÁ DÂN CHÚNG, XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ

Gần bảy trăm năm nay, hành động bỏ triều chính vào núi định đi tu của vua Trần Thái Tông được người đời ca tụng. Đó tương tự như việc vua Trần Nhân Tông sau này vào núi tu Phật, là “bỏ ngôi cao như trút đôi dép rách vậy”.

Nhưng có thực Trần Thái Tông bỏ ngôi vua là không muốn làm vua, chỉ muốn đi tu hay không?

Vua Nhân Tông sau một khoảng thời gian trị vì đất nước, đạt được thành tựu rất huy hoàng, văn trị lừng lẫy, võ công hiển hách, thái tử đã lớn khôn và khi đó nhà vua ung dung ra đi học đạo, “lập thuyết”, không còn phải quá vướng bận việc đời nữa.

Trong khi đó, hoàn cảnh của vua Trần Thái Tông khi bỏ kinh đô ra đi lại khác hẳn. Triều chính đang rất lục đục, quyền hành do một tay Trần Thủ Độ phân xử cả, làm vua như vua Thái Tông 10 năm đầu chắc chỉ tập trung vào học hành là chính, suy ngẫm là chính, chứ ông chưa thể thi thố được gì nhiều.

Thủ Độ thi hành nhiều chính sách đúng đắn củng cố triều chính, cải tổ chế độ để an dân, nhưng cũng có những việc chắc chắn vua muốn can thiệp cũng phải “lực bất tòng tâm”.

Xem lại hành động ép hai đứa cháu đổi vợ, mới thấy Trần Thủ Độ là một nhà chính trị lão luyện, cáo già và mới hình dung thế lực của Thái sư to lớn thế nào.

Hẳn Trần Thủ Độ biết, nếu chỉ vì có con trai, thì trong dân, thừa sức kén chọn một cung phi để sinh cho vua hoàng tử, vì khi đó nhà vua mới có 16 tuổi, còn thời gian dài sinh trưởng ở phía trước, cớ gì phải khăng khăng ép vua lấy chị dâu?

Hoặc nếu thật lòng muốn lấy một người con của Trần Liễu làm vua, thì cần gì phải ép đổi hôn phối. Thủ Độ cũng thừa biết nếu ép buộc như vậy, hẳn Trần Liễu không thể bằng lòng ngay, tất là mối nguy sinh loạn.

Do đó, hẳn bước đi này là một nước cờ chính trị, đi một nước mà được hai mục tiêu, vừa được hoàng hậu cho vua, hoàng hậu Chiêu Thánh vốn đã sinh nhiều con trai, sẽ có thể có nhiều con trai nữa. Mục tiêu này đã đạt được, vì sau đó hoàng hậu Chiêu Thánh đã sinh các con trai, trong đó có Quốc Khang, Thái tử Hoảng và Quang Khải.

Mục tiêu thứ hai chính là đi một nước “tạo cái cớ” để cho Trần Liễu nổi loạn, nhân đó mà trừ hậu hoạ. Trần Liễu quả nhiên đã nổi dậy, nhưng nhanh chóng bị dẹp tan, vì đó giống như một hành động tự sát, Trần Liễu quá non kém về nhãn quan và bản lĩnh chính trị, lọt vào ổ phục kích giăng sẵn của Trần Thủ Độ.

Song, mục tiêu thứ hai diệt Trần Liễu lại không đạt được, vì hành động tha Trần Liễu là một việc có tính “nổi loạn” của Trần Cảnh, mà chắc chắn rằng không được Trần Thủ Độ tính đến.

Sau 10 năm trị vì dưới bóng Trần Thủ Độ, Trần Thái Tông chắc cũng hiểu thủ pháp chính trị như việc gặp Trần Liễu để Liễu quy hàng không diễn ra ở cung cấm, lại diễn ra ở nơi sông nước có ba quân giăng bủa, cũng là một kế sách.

Giết một kẻ phản bội không giết nơi trận tiền, không xử nơi pháp đình thì không thoả đáng vì “lúc đó vua trong thuyền, anh em nhìn nhau khóc”. Việc bố trí gặp Trần Liễu có thể là một hành động “nổi loạn từ bi” của nhà vua đối với cách trị vì “bàn tay sắt” của Trần Thủ Độ.

Phan Phu Tiên, một sử gia thấm giáo lý Nho học, đã bình luận trong Đại Việt sử ký toàn thư về Trần Thái Tông một cách khá nghiêm khắc, cho rằng vua “khai sáng cơ nghiệp, đáng lẽ phải dựng phép tắc... lại nghe mưu gian của Thủ Độ, cướp vợ cua anh làm hoàng hậu, chăng phải là bỏ cả luân thường, mở mối dâm loạn đó ư…”, còn Trần Cảnh không giết anh là do “lẽ trời chưa mất mát mà thôi”.

Nói như Phan Phu Tiên, thực là chấp cái “luân thường” mà bỏ qua “lòng nhân”, chỉ chấp việc giết kẻ phản loạn, mà không thấy tha cho tội phạm cũng là một hành vì chính trị của vua Trần.

Ý nghĩa chính trị qua hành động ấy là gì? Là “lẽ trời chưa mất mát” được vua Trần Thái Tông “hành đạo” theo cách của nhà vua, chứ không phải cách “hành đạo” của Trần Thủ Độ. Sự hành đạo của Trần Thái Tông khi tha cho Trần Liễu thấm nhuần quan điểm “không chấp” của Phật giáo.

Cuộc đời là vô thường, biến đổi không ngừng, con người cũng là sản phẩm của dòng đời vô thường, nên không có lý gì một tội phạm đã từng làm phản lại không biến đổi. Chỉ có một vị vua thấm nhuần giáo lý nhà Phật mới hành động như vậy.

Nếu như việc bài binh bố trận khiến Trần Liễu mắc tội là một phép thử chính trị của Trần Thủ Độ, thì việc tha Trần Liễu cũng là một phép thử của vua Trần Thái Tông. Phép thử của vua tỏ ra cao minh hơn, nhờ lấy lòng từ bi để khuất phục võ công. Đây cũng là một hành động “phản kháng” của Trần Thái Tông sau nhiều năm nắm quyền danh nghĩa dưới sư dìu dắt của Trần Thủ Độ.

Rồi sau đó, nhà vua đẩy tới một hành động “nổi loạn” thứ hai quyết liệt hơn nữa, cũng là một phép thử chính trị, đó là bỏ ngôi để vào núi. Nếu như chuyện tha anh chỉ là hành động có tính cá nhân, lấy lòng nhân từ để thuyết, thì việc vào núi lần này chính là lấy Phật thuyết làm cơ sở lý luận, lấy Phật tính làm nền tảng hành vi.

Vì sao lại như vậy?

Cần phải hình dung các thế lực chính trị lúc ấy ở triều đình. Trần Thủ Độ có ảnh hưởng lớn nhất, quyền sinh quyền sát trong triều. Sau 10 năm đầu tiên, Thủ Độ quả đã dùng binh quyền biến dẹp tan các thế lực cát cứ, trong đó có các tướng cũ nhà Lý như Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng, vỗ yên các bộ tộc sơn cước, dần dần củng cố vị thế dòng họ Trần.

Vua là Trần Cảnh, nhưng thực quyền lại là Trần Thủ Độ, sau cuộc binh biến của Trần Liễu, coi như không còn thế lực chính trị nào đối trọng được với Trần Thủ Độ nữa.

Cho nên, Trần Cảnh tuy làm vua, nhưng có sự “bất đắc chí” ngấm ngầm chứ. Sau khi lên ngôi là đứa bé 9 tuổi, qua 10 năm làm vua thực chất là “học lễ” trong cung vua, và chắc chắc được học tập tử tế, đến nơi đến chốn, thì khi đã là một nam nhi 19 tuổi, không thể yên tâm mà làm một vị vua chỉ trên danh nghĩa. Bỏ triều đình, nói rằng bỏ ngôi vua để xuất gia, thực chất cũng chỉ là lấy bóng Phật để “rung” Trần Thủ Độ mà thôi.

Nếu Trần Cảnh không làm vua, với tình thế lúc đó, thì ai là người có thể thay thế Trần Cảnh? Thái tử chưa có, Trần Liễu thì như chim trong lồng, nếu không phai là Trần Thủ Độ chính thức hoá ngôi vua thì là ai?

Khi Lưu Bị sắp lâm chung, nói với Gia Cát Lượng rằng con côi bất tài, nước Thục chỉ có Thừa tướng là xứng đáng kế vị trẫm, thì thực chất Lưu Bị cũng không bao giờ muốn vậy. Đó là một phép thử chính tri để Gia Cát Lượng phải hứa lòng trung thành, nhắc nhở vị thế trung quân của Gia Cát với họ Lưu.

Trong chuyện bỏ kinh thành, Trần Cảnh không nói với Trần Thủ Độ là Thái sư hãy lên ngôi vua, chỉ nói muốn học Phật pháp mà không làm vua nữa, buộc Trần Thủ Độ phải khẳng định lại một lần nữa vị thế của vua.

Trần Thái Tông kể trong “Khoá hư lục”, rằng “Trẫm thấy Thái sư và các cố lão quần thần, không có ý định bỏ Trẫm. Trẫm bèn đem lời nói đó thưa với Quốc sư…”.

Như thế, việc Thái Tông đi vào núi cũng có ý là sợ “Thái sư và các cố lão quần thần” biết đâu “có ý định bỏ Trẫm”. Không những thế, khi trở về kinh đô, nhà vua còn đạt được một “thoả thuận” xa hơn là Trần Thủ Độ phải thừa nhận việc tham cứu nội điển, xin Bệ hạ luôn luôn để tâm, chớ quên”.

Cho nên, vua Trần Thái Tông sau đó trong khoảng hơn mười năm trị vì đã “phàm gặp cơ hội việc nước nhàn rỗi, Trẫm thường tụ tập các bậc kỳ đức để tham thiền hỏi đạo và nghiên cứu các kinh điển đại giáo”

Như vậy, Phật pháp với vua Trần Thái Tông, không chỉ là mục tiêu giáo lý khô cứng, Phật Pháp vừa là học thuyết hoàn thiện con người, xây dựng nhân sinh quan, vừa là bộ giáo lý nhập thế.

Trong thiên Tựa Kinh Kim Cương Tam Muội trong Khoá hư lục, vua viết: “Trẫm lo việc chăn dân, mỗi lúc gian nan thường lăn lóc trong công việc, quên cả sớm chiều; công việc thì có hàng vạn thứ mà thì giờ nhàn rỗi không có được bao lăm. Siêng công việc, tiếc ngày giờ, trẫm cố học hành thêm chữ nghĩa thì chưa biết được bao năm cho nên ban đêm đến giờ khuya vẫn còn phải thức để đọc sách; học sách Nho rồi học kinh Phật”.

Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo Sử luận, Trần Thái Tông là vị vua đầu tiên thực hiện nhuần nhuyễn kết hợp 2 hệ tư tưởng Phật và Nho. Với Trần Thái Tông, đến với Phật giáo từ chỗ chỉ là nhu cầu tâm linh, tìm nơi “trở về” của một tâm hồn nặng tình đầu nơi bến đậu của một triết gia có tư tưởng lớn khám phá quy luật cõi người; thì trong cuộc đời trị vì, nhà vua đã biến những giáo lý có tính “như” của Phật học bổ xung cho nguyên tắc ứng xử khá cứng nhắc về ngôi vị, tôn ty trật tự xã hội của Nho giáo.

Trong câu Quốc sư Trúc Lâm nói với nhà vua ở Yên Tử, “Trong núi vốn không có Phật, chỉ có trong lòng. Lòng lặng mà biết, đó chính là Phật. Nay nếu bệ hạ tâm giác ngộ, thì lập tức thành Phật, không phải nhọc cầu ở ngoài”, Thái Tông dẫn dắt đến một khái niệm “Tâm Phật”, liên hệ với khái niệm “lòng” của người Việt.

Như vậy, tất yếu dẫn đến một tinh thần nhập thế, mà câu nói của Quốc sư như một sự khai ngộ, “Phàm đã là bác nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình...”.

Như vậy, cái tâm bản thể cung là tâm Phật. Vua Trần Thái Tông đã đưa việc hành đạo trở thành một sự quan hệ hữu cơ với việc nhập thế. Đề cao chữ Tâm, coi trọng “Phật tại tâm” kết hợp với những lễ nghi, lề lối triều chính trong việc trị nước, an dân một cách thực dụng, khởi đầu chính là từ vua Trần Thái Tông vậy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích

Sức cảm hóa của sự chân thật và giản dị

GNO - Dẫu ở ngôi vị nào, vai trò nào, ngài vẫn vậy: khiêm cung, tự tại, chung thủy với nếp đạo phát nguyện thuở ban đầu. Vẫn góc phương trượng đơn sơ, chiếc áo nâu sờn nếp, tận tình chỉ dạy cho hàng hậu học, từ ái với mọi người bất phân thượng hạ…

Thông tin hàng ngày