Phật giáo Việt Nam và Tâm niệm ích đời lợi đạo

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thế Anh/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Thế Anh/TTXVN)

Tồn tại và phát triển 2000 năm lịch sử trên đất nước Việt Nam, Phật giáo Việt Nam đã sớm hài hòa, gắn bó với dân tộc xuyên suốt dòng lịch sử truyền bá tư tưởng giáo lý của đạo Phật. Trong từng thời kỳ lịch sử dân tộc, danh xưng của Giáo hội dù có khác nhau, nhưng sự nghiệp chủ yếu của Phật giáo Việt Nam vẫn là hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh.

Đặc biệt, trong những giai đoạn thăng trầm của dân tộc, Phật giáo Việt Nam đều tích cực đóng góp công sức, góp phần cùng với nhân dân chống lại các thế lực của ngoại bang xây dựng đất nước an lạc, hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất quốc gia, xây dựng, phát triển ổn định và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Sự ra đời của Phật giáo Việt Nam 30 năm trước (năm 1981) đã đáp lại nguyện vọng chính đáng của tăng ni, Phật tử của 9 tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội nhìn nhận: Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập là kết quả của quá trình vận động thống nhất Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1980, được trải nghiệm qua các cuộc vận động thống nhất Phật giáo 1951, 1960, 1964 và 1980.

30 năm xây dựng và phát triển của Phật giáo Việt Nam luôn dựa trên nền tảng của giáo lý đức Phật và truyền thống của dân tộc, của Phật giáo.

Với tư tưởng quan điểm nhất quán được tôn trọng và bảo đảm trong suốt quá trình vận động thống nhất Phật giáo và đến nay là: “Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc: thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp”. Đây chính là cơ sở để cho phép khẳng định sự đoàn kết, hoà hợp trong Tăng ni, Phật tử các hệ phái Phật giáo hiện tại Việt Nam. Đó cũng là sự đa dạng, phong phú, đặc trưng của nhiều mầu sắc Phật giáo Việt Nam mà nhiều nước không có được sự đặc trưng này. Đó là thành tựu lớn nhất để dẫn đến những kết quả Phật sự khác của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong suốt 30 năm qua.

Là thành viên tích cực của khối đại đoàn kết toàn dân, Phật giáo đang đi chung trên con đường của cả dân tộc. Tăng ni, Phật tử cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động Phật sự ích đời lợi đạo trên nhiều lĩch vực của đời sống chính trị xã hội. Đặc biệt là các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, xây dựng chùa tinh tiến, nối vòng tay lớn, cả nước chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho người nghèo, tổ chức các trung tâm nuôi dạy trẻ em mồ côi, nạn nhân di chứng chiến tranh, tổ chức giúp đỡ các hoạt nhân đạo từ thiện xã hội giúp đỡ nhân dân vùng bị thiên tai…

Từ thiện xã hội là một trong những hoạt động nổi bật nhất của toàn Giáo hội. Những buổi khám và cấp phát thuốc miễn phí, phục vụ những bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo, chăm lo những mảnh đời côi cút, dị tật nương nhờ nơi cửa Phật là những việc làm quen thuộc hàng ngày của bao nhà sư. Hiện Giáo hội có 65 Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị Y học Dân tộc, 1 phòng khám Đa khoa đang hoạt động hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân, chi phí mỗi năm trên 5 tỷ đồng.

Các phòng tư vấn HIV/AIDS tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh đều hoạt động có hiệu quả, tham gia nhiều chương trình đặc biệt trong nước và nước ngoài do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Các trường mầm non, trường nuôi dạy trẻ em, trường nuôi dạy trẻ em bất hạnh, khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam cũng được nhân rộng và phát triển đúng hướng, góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho gia đình các em và cho xã hội.

Trung ương Giáo hội cũng tổ chức nhiều hoạt động cứu trợ quốc tế như cứu trợ nhân dân các nước Đông Nam Á bị sóng thần năm 2005, cứu trợ đồng bào vùng Đông Bắc Nhật Bản bị thiệt hại tài sản và nhân mạng do động đất và sóng thần gây ra năm 2011. Ngoài những công tác từ thiện trên, những công tác phúc lợi xã hội khác như xây cầu bêtông, đắp đường giao thông nông thôn, đóng giếng nước sạch, hiến máu nhân đạo, đóng góp các quỹ từ thiện vì người nghèo, tặng xe đạp cho học sinh, xe lăn, xe lắc cho bệnh nhân nghèo, tặng xuồng ghe, hỗ trợ áo quan, hỗ trợ mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể, nồi cháo tình thương, bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa… đều được các tăng ni, Phật tử tích cực tham gia.

Ngoài ra, tại tỉnh Đồng Tháp còn tổ chức lò hỏa táng miễn phí cho đồng bào Phật tử. Số tiền dành cho công tác từ thiện xã hội trong toàn Giáo hội 30 năm qua ước lên tới 2.020 tỷ đồng.

30 năm xây dựng, phát triển và đồng hành với dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng. Giáo hội hiện có 14.778 cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường, gần 46.500 tăng ni; 4 học viện Phật giáo, 30 trường trung cấp Phật học. Hệ thống tổ chức của Giáo hội được thành lập từ Trung ương đến địa phương trong cả nước.

Quan hệ đối ngoại của Giáo hội ngày càng được mở rộng. Nhiều vị Tăng ni, Phật tử được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, Ủy viên Ủy ban Mặt trận các cấp…

Những hoạt động Phật sự đó đã góp phần to lớn trong việc phát huy truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam, thông qua đó củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao./.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày