Phát huy đức hạnh, trí tuệ, làm phúc lạc cho nhân sinh

Chánh điện Việt Nam Quốc Tự trong Đại lễ Phật đản PL.2564 (2020) - Ảnh: Anh Quốc
Chánh điện Việt Nam Quốc Tự trong Đại lễ Phật đản PL.2564 (2020) - Ảnh: Anh Quốc
0:00 / 0:00
0:00
GN - Hôm nay trong không khí trang nghiêm thanh tịnh của ngày kỷ niệm Đản sanh Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, chúng ta cũng như các Phật tử khắp năm châu đều tưởng niệm ân đức cao dày của đấng Từ phụ.

Ngài là bậc toàn thiện, toàn giác, hiện hữu trên cuộc đời chỉ nhằm mục đích cứu khổ, mang vui cho muôn loài. Sự hiện hữu của Đức Phật Thích Ca hơn 2.500 năm trước đã ghi đậm dấu ấn khởi điểm cho văn minh nhân loại. Ngài đã khai sáng tinh thần từ bi vô giới hạn, mở ra ánh sáng trí tuệ cao tột và lòng dũng cảm vô song.

Ba đức tính Bi, Trí, Dũng được un đúc trong con người của Thái tử Sĩ Đạt Ta và trải qua nhiều năm tu học, Ngài đã đạt quả vị Phật. Từ đó, loài người có Phật và cũng từ đó, chúng ta tiếp nhận được bức thông điệp xây dựng con người do Ngài truyền trao.

Đức Phật khai thị cho chúng ta thấy sức mạnh và tiềm năng vô tận của con người qua câu nói: “Trong chính cái thân có ý thức dài một tầm này, Ta tuyên bố thế giới, sự sanh khởi của thế giới và con đường đưa đến sự chấm dứt của thế giới” (Anguttara Nikaya). Nghĩa là Đức Phật khẳng định không có năng lực nào bên ngoài có thể tạo nên sự phát sanh và chấm dứt khổ đau. Chỉ có con người có khả năng nắm vận mệnh của mình, tốt hay xấu đều do chúng ta quyết định.

Với lời dạy sáng suốt phát xuất từ thành quả đạt được bằng sự thiết thân thể nghiệm, Đức Phật đã giúp con người thoát khỏi niềm sợ hãi Thượng đế, thần linh, hay sự ràng buộc của chế độ đẳng cấp hà khắc. Ngài khẳng định cho mọi người niềm tin mãnh liệt ở khả năng trí tuệ của mình có thể nhận thức đúng đắn quy luật khách quan. Tin ở ý chí mình có thể vượt qua mọi khó khăn trên con đường đi đến giác ngộ. Tin ở tình cảm mình có thể trong sáng đến độ thuần thiện và cuối cùng dẫn chúng ta đến quả vị sáng suốt, tự tại, giải thoát hoàn toàn ngay trên thế gian này. Vì vậy, 84.000 pháp môn tu của Đức Phật đều dạy chúng ta cách làm người theo lộ trình tiến lên để làm Phật. Tuy nhiên, Ngài vẫn lấy con người làm trung tâm để xây dựng hạnh phúc an vui cho chính mình, cho gia đình mình, cho xã hội và cho cả nhân loại.

Từ căn bản tin ở khả năng của con người có thể tự giải thoát, chúng ta quan sát xem con người do đâu mà có và căn cứ vào đâu mà Đức Phật lại xác định tánh sáng suốt hay khả năng thành Phật tiềm ẩn trong mỗi con người.

Theo lý nhân duyên sanh, Đức Phật cho chúng ta biết con người hiện hữu do nhân duyên kết hợp của ngũ uẩn gồm có sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Sắc uẩn là thân con người, hay cái ta sinh lý, thuộc yếu tố vật chất. Bốn uẩn còn lại là thọ, tưởng, hành và thức, nghĩa là cảm giác, tưởng tượng, hành vi, ý thức, thuộc về tâm là yếu tố tinh thần, hay cái ta tâm lý. Tâm và thân thống nhất làm một, mới hình thành nên con người. Không thể có con người nếu chỉ có tâm, mà không có thân. Và ngược lại, cũng không thể thành con người, nếu chỉ có thân, không có tâm. Khi thân con người bị hủy diệt, tâm cũng phải hủy diệt theo. Tâm không thể tồn tại ngoài sắc thân được.

Ngũ uẩn thường ngăn che trí tuệ sẵn có trong con người, ví như mây đen che lấp ánh sáng mặt trời, những dục vọng đã nảy sanh trong tăm tối khiến cho con người mê mờ, không nhận thấy được cái ta chân thật, hay Phật tính tiềm ẩn trong mỗi con người. Sau đó, càng theo đuổi dục vọng, con người lại càng bị trói chặt trong cuộc sống tội lỗi, khổ đau.

Từ góc độ quan sát thân ngũ uẩn là gánh nặng đeo đẳng làm chúng ta khổ, một số người chủ trương thoát ly thân ngũ uẩn, đoạn diệt ý tưởng, xa lìa cảm thọ, để tìm được Niết-bàn an vui. Đây là nhận thức sai lầm lớn. Tuy thân tứ đại mong manh, vô thường và ngũ uẩn tác động, chi phối mãnh liệt con người; nhưng đánh mất thân ngũ uẩn là cả vấn đề nguy hiểm, khi hành giả chưa đắc đạo.

Đức Phật dạy rằng thân con người rất quý và rất khó tạo được trong kiếp luân hồi. Nó là phương tiện tốt nhất giúp chúng ta tu hành, đạt quả vị Toàn giác. Trong khi các loài khác không thành Phật được, vì chúng không có đủ thân ngũ uẩn như loài người. Vì thế, Đức Phật khuyên chúng ta đối diện mọi sự vật và hiện tượng trong vũ trụ, nên quán nhân duyên.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lễ Phật tại chánh điện Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Anh Quốc

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lễ Phật tại chánh điện Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Anh Quốc

Theo lý nhân duyên, chúng sanh là sự hợp thành tạm thời của nhiều nhân duyên, không phải là cái gì đơn nhất, vì chúng không có thực thể (vô ngã). Nhân duyên tạm hòa hợp gọi là sanh, nhân duyên ly tán gọi là diệt. Sanh hay diệt đều là những sự kiện giả tạm của vạn vật. Sự hiện hữu của con người cũng vậy. Nó là cái có giả tạm, do nhân duyên giả hợp của ngũ uẩn mà thành. Theo định luật vô thường, hay lý nhân duyên sanh, mọi sự vật, mọi hiện tượng luôn luôn sanh rồi lại diệt. Chúng biến chuyển không ngừng. Trong từng sát-na, sanh và diệt, sống và chết, đã liên tục diễn ra. Con người cũng chịu sự chi phối của quy luật này. Trong từng phút giây, trên một cơ thể, có biết bao tế bào cũ bị tiêu hủy và bao nhiêu tế bào mới sanh ra. Trong sự sống có sự chết và trong sự chết có sự sống. Từ đó, dưới mắt của những vị Tổ sư đắc đạo, thân ngũ uẩn giống như mây bay, nó thoạt có thoạt mất: “Ngũ uẩn phù vân không khứ lai”.

Vì vậy, sự thay đổi, biến chuyển liên tục của thế giới và thân ngũ uẩn là điều giác ngộ trước nhất của hành giả, mà Đức Phật dạy trong kinh Bát đại nhân giác rằng: “Thứ nhất là lòng thành giác ngộ, cảnh thế gian quốc độ vô thường. Sắc tâm sanh diệt khôn lường, tứ đại ngũ uẩn là đường khổ không”.

Đối với sắc thân con người, hay cái ta sinh lý, chúng ta trải qua những giai đoạn từ mới sanh, đến lớn lên thành thiếu niên, thanh niên, rồi già lão. Về cái ta tâm lý cũng vậy. Tâm niệm chúng ta luôn luôn chuyển đổi không ngừng như thác nước. Trong sát-na trước, tâm ta khởi lên niệm thiện và ngay sát-na sau đã dấy lên niệm ác. Vừa ưa thích hay ghét vật này, người này, liền sau đó lại ghét hay ưa thích vật khác, người khác.

Khi ý thức các pháp đều là duyên sanh, vô ngã, không có cái ta thực thể, hành giả không tham lam, đuổi theo nắm bắt cái vô thường, thỏa mãn cái vô ngã nữa. Như vậy, lần cởi bỏ tâm chấp có ta và vật sở hữu của ta, hành giả được tự tại giải thoát. Tâm không còn bị cảnh vật bên ngoài tác động đè nặng và cũng không còn lo âu, vướng mắc trong tính toán buồn phiền. Bấy giờ, hành giả vẫn mang thân ngũ uẩn, nhưng đã xả bỏ được gánh nặng là tâm chấp trước ngũ uẩn.

Trên bước đường tu, ghi nhớ lời Phật dạy rằng “Nguồn tội ác bởi lòng gợn sóng”, hành giả mỗi ngày chế ngự làn sóng phiền não, ngăn chặn vọng tâm. Cứ một phần vọng tâm bị loại trừ là một phần chân tâm lưu lộ. Tuy nhiên, vấn đề phân biệt thế nào là vọng tâm để loại trừ nó thì không đơn giản.

Ngài Thế Thân Bồ-tát đã giúp chúng ta giải quyết vấn đề khó khăn này. Ngài phân chia thân tứ đại ngũ uẩn thành 75 pháp trong luận Câu xá và 100 pháp trong luận Đại thừa bách pháp minh môn. Dưới nhãn quan của ngài, một con người phải được quan sát ở dạng bách pháp (100 pháp). Con người là một tổ hợp ít nhất có 100 loại khác nhau, tác động lẫn nhau, tạo ra vô số sự kiện, hay vô số pháp và kết thành tội lỗi hay phước đức của con người. 100 pháp mà ngài đưa ra là mô hình cụ thể hóa tâm, giúp chúng ta nhận thấy được trong thân ngũ uẩn phần nào sai lầm cần phải sửa đổi và phần nào đúng cần phát triển. Theo đó, chúng ta tiến tu, dẹp sạch vọng tâm, hiển lộ chơn tâm.

100 pháp này gồm năm tụ chính yếu là: 1-Tâm pháp hay tâm vương, 2-Tâm sở hữu pháp hay tâm sở, 3-Sắc pháp, 4-Tâm bất tương ưng hành pháp, 5-Vô vi pháp.

Trong năm tụ này, tâm vương đóng vai trò chủ yếu. Nó gồm có tám pháp là năm cái biết của năm giác quan bên ngoài: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ba cái biết ẩn sâu bên trong là ý thức, mạt-na thức và a-lại-da thức.

Tuy tám thức tâm vương là chủ, nhưng nó thường chịu sự chi phối của bộ tham mưu là 51 tâm sở. Thí dụ, đối trước một vật, có người nhìn thấy bằng lòng, người khác lại không thích. Vật thì giống nhau, vô thưởng vô phạt; nhưng năng lực tác động bên trong tạo nên tình cảm ưa thích hay ghét bỏ thuộc phần tâm sở rất quan trọng.

Vì vậy, dưới mắt người thế tục đầy đủ tham sân, phiền não, họ xem ngôi vua là món lợi lớn, khởi tâm tham đắm. Trái lại, ngài An Thế Cao là hoàng tử của nước An Tức chẳng những không quan tâm đến ngôi vị đế vương, ngài còn thấy đó là điều bất hạnh, đáng chán. Ngài nhờ người chú thay thế làm vua, để ngài dấn thân vào con đường xuất gia, hành đạo. Cái thấy của ngài không giống người thế tục, vì tâm tham bên trong bị loại trừ và đệ lục ý thức đã được chuyển đổi thành Diệu quán sát trí. Vì thế, đối với ngài, giàu sang quyền quý của ngôi vị đế vương tạm bợ chẳng khác gì bọt nước. Nó chỉ dẫn đến quả khổ, rồi cuối cùng cũng hoàn không.

Trên bước đường tu, điều quan trọng là phải phát hiện được vọng tâm, khống chế nó, đừng cho bộc phát. Hành giả bắt đầu kiểm tra xem tâm nào phiền não cần sửa đổi và tâm nào thiện cần phát huy. Quán sát trong 51 tâm sở thường hoành hành, chi phối tâm vương, hành giả thấy rõ có hai nhóm đối lập là phiền não và thiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tắm Phật trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 - Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tắm Phật trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 - Ảnh: Quang Hiếu

Nhóm tâm phiền não có sáu căn bản phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến và 20 tùy phiền não là giận hờn, che giấu, buồn, ganh, ghét, bỏn sẻn, dối trá, nịnh hót, tổn hại, buông lung, mất chánh niệm, rối loạn, biết không chân chánh.

Nhóm tâm thiện có 11 pháp là tin chân thật, siêng năng đoạn trừ việc ác, làm việc thiện, tự xấu hổ, thẹn với người, không tham, không sân, không si, nhẹ nhàng, không buông lung, không chấp trước, không làm tổn hại.

Ngoài ra, bên cạnh tâm phiền não và tâm thiện, có nhóm thứ ba không thiện, không ác. Đó là 5 tâm sở biệt cảnh, 5 tâm sở biến hành và 4 tâm bất định. 5 tâm sở biệt cảnh gồm có mong muốn, hiểu biết, nhớ, chuyên chú, sáng tỏ. 5 tâm sở biến hành là tiếp xúc, mong khởi ý, lãnh thọ, nhớ tưởng, lo nghĩ và 4 tâm bất định là ăn năn, nghĩ ngợi, tìm cầu, chín chắn suy xét. Các loại tâm này không nhất định thiện hay ác. Khi gặp ác thì chúng kết hợp với ác, gặp thiện thì chúng kết hợp với thiện.

Biết rõ như vậy, hành giả khéo hướng dẫn những tâm này về với nhóm thiện, để tích tụ cho lực lượng thánh thiện của hành giả mỗi ngày thêm lớn mạnh. Thí dụ tâm ham muốn là dục, nếu nó bị tâm tham thuộc sáu căn bản phiền não lôi kéo, thì chắc chắn sẽ đưa đến kết quả ngục tù. Ngược lại, tâm ham muốn được tâm tinh tấn làm điều thiện chỉ đạo, thì sẽ ham muốn phát triển khả năng đạo hạnh, ham muốn làm lợi ích cho người, ham muốn trở thành Hiền Thánh. Đó là những điều tốt tất yếu phải có.

Khi ý thức các pháp đều là duyên sanh, vô ngã, không có cái ta thực thể, hành giả không tham lam, đuổi theo nắm bắt cái vô thường, thỏa mãn cái vô ngã nữa. Như vậy, lần cởi bỏ tâm chấp có ta và vật sở hữu của ta, hành giả được tự tại giải thoát. Tâm không còn bị cảnh vật bên ngoài tác động đè nặng và cũng không còn lo âu, vướng mắc trong tính toán buồn phiền.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng

Sau khi phân rõ các loại tâm tốt xấu, hành giả luôn kiểm tra, dứt khoát tận diệt sáu căn bản phiền não và 20 tùy phiền não. Vì nhận thức được chúng là những tên giặc sẵn sàng cướp lấy viên minh châu và nhận chìm hành giả đời đời ở trong biển sanh tử. Hành giả luôn cảnh giác sự tác hại vô cùng của tâm phiền não nối tiếp liên tục không dừng. Vì thế, thường siêng năng phát huy tánh thiện, làm việc thiện, loại trừ những hành động, tư duy xấu ác. Nhờ huân tập liên tục các pháp thiện vào tâm đến thuần thục, tâm hành giả trở thành thanh tịnh. Hành giả sẽ ảnh hưởng cho người thanh tịnh theo.

Trở lại vấn đề thân ngũ uẩn, Đức Phật tuy cũng mang thân ngũ uẩn như mọi người; nhưng Ngài thành bậc Toàn giác, vì Ngài đã biết sử dụng sự thay đổi biến dịch không ngừng của ngũ uẩn để tu tập. Và trải qua quá trình chuyển đổi thân tâm, Đức Phật điều động, phối hợp được những năng lực vật lý của sắc uẩn với năng lực tâm linh của thân ngũ uẩn, để tạo thành một thân vật chất có đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Về tinh thần thì Ngài hội đủ Thập lực, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng pháp.

Đức Phật khởi đầu nương vào sanh thân ngũ uẩn tu tập, Ngài gia công tu bồi, phát triển những hành vi đạo đức và trí tuệ. Nhờ đó, kết thành Báo thân, ảnh hưởng đến nhiều người làm theo sự chỉ đạo của Ngài, xây dựng giáo đoàn và xã hội cùng thăng hoa trên con đường thánh thiện. Đức Phật xác định rằng Ngài tu hành đạo Bồ-tát, cảm thành Báo thân có thọ mạng dài lâu, chẳng những không chấm dứt mà mỗi ngày cứ phát triển thêm. Với Báo thân viên mãn, đầy đủ phước đức và trí tuệ, Đức Phật dùng vốn quý giá này làm cái nhân để tạo một thân thứ ba gọi là Pháp thân.

Với sự hiện hữu của ba thân là Sanh thân, Báo thân, Pháp thân và bốn trí là Sở tác trí, Diệu quán sát trí, Bình đẳng tánh trí và Đại viên cảnh trí, Đức Phật chi phối toàn bộ các pháp, điều động và chuyển vật hoàn toàn theo ý của Ngài. Như vậy, từ thân ngũ uẩn, Đức Phật đã sửa đổi, phát triển thành Báo thân, Pháp thân và bốn trí của đấng Toàn giác. Trong khi chúng sanh chỉ sử dụng, phát triển nghiệp và phiền não của ngũ uẩn, nên muôn đời làm phàm phu mê muội.

Tóm lại, ngày nay bước theo dấu chân Phật, cũng khởi tu từ thân ngũ uẩn, chúng ta từng bước quán sát xem Phật nghĩ gì, làm gì, để noi theo đó mà điều chỉnh thân tâm mình. Chúng ta nỗ lực trừ phiền não, sai lầm, chấp trước, bằng cách phát huy Tam vô lậu học, lấy trí tuệ làm nền tảng chính yếu để phát triển nhận thức, hiểu biết đúng đắn, chính xác cho phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Với đức hạnh và trí tuệ sáng suốt, chúng ta dấn thân vào những hoạt động lợi ích chung; xây dựng cho chính mình, cho đồng bào, cho nhân loại cùng an lạc, hạnh phúc. Đó là thành quả của chúng ta dâng lên cúng dường Đức Từ Tôn trong ngày Phật đản Phật lịch 2565, Dương lịch 2021.

Hòa thượng Thích Trí Quảng / Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày