Phật nói

GN Xuân - Tôi tin sau biến cố gia đình chúng tôi sẽ hiểu và thương yêu nhau hơn. Bây giờ tôi phải tìm phương tiện về Hà Nội gấp, chồng và các con đang chờ tôi về nhà sum họp cuối năm. Ngạc nhiên quá, tôi buột miệng, hỏi: sao chị biết? Nhìn tôi với ánh mắt thể hiện thân đã an, tâm đã tỉnh, chị nói, giọng chị tự tin: Phật nói!

Chị trạc tuổi trên 40. Tóc chị dài được búi bởi cái kẹp khá đắt tiền. Quần áo chị mặc thuộc loại sang nhưng dơ và nhàu nát. Tai, cổ, ngón tay, cổ tay, đều đeo vàng. Chân chị mang đôi giày cao gót màu kem, có móc gài bằng kim loại. Túi xách chị đeo là hàng hiệu dành cho giới trung lưu. Gương mặt của chị sẽ khiến người đối diện ưa nhìn nếu quầng mắt không thâm và ánh mắt không ngây dại.

Phat noi.JPG

Ảnh minh họa của Bảo Toàn

Chị xộc thẳng vào bếp chùa, quát: đem cái quả ra cho tôi. Tôi vội tìm cái mâm đem ra cho chị. Chị to tiếng: nhỏ quá! Tôi chạy tìm cái lớn hơn. Chị cao giọng: lớn quá! Cuối cùng chị chọn cái khay mà chùa hay bưng nước cho thầy trụ trì. Chị ngồi xổm xuống đất, cẩn thận lấy bông trái từ túi nhựa nhăn nhàu, đặt vào khay một cách trang trọng.

Nhìn mâm bông trái chị chuẩn bị cúng Phật, tự nhiên tôi khởi lòng thương chị: một trái thanh long, một trái dứa, vài trái quýt vàng và một cành bông cúc. Trái chị bày không còn tươi tốt. Bông chị cúng Phật hoa cũng khô mà rễ cũng khô. Thế nhưng, chị tỏ vẻ vừa lòng với lễ vật của mình. Bất ngờ chị ngước nhìn tôi rồi ra lệnh: bưng khay hoa quả cho tôi! Đúng lúc này tôi phát hiện ánh mắt chị thất thần. Chị trước, tôi sau, cùng bước lên chánh điện.

Tới cửa chánh điện thấy chị không dừng lại, tôi nhắc khẽ: chị vui lòng bỏ giày bên ngoài. Nghe vậy, chị nhờ tôi tháo giày giúp. Tôi ngồi xuống loay hoay mãi với cái khóa kim loại của đôi giày. Không đủ kiên nhẫn vì sự chậm chạp của tôi, chị đẩy tôi ra, rồi mang giày cao gót bước thẳng lên những tấm thảm trải trên chánh điện. Tôi lẳng lặng đi theo để giúp chị, nếu chị cần.

Lụp chụp trong việc đốt nhang, chị đã làm bể bóng đèn trên bàn Phật. Ra vẻ người sòng phẳng, chị thọc tay vào túi xách rút tờ năm mươi ngàn để dưới chân cây đèn. Sẵn cái dùi bên cạnh, tiện tay chị cầm gõ mạnh vào chuông. Những tiếng chuông chị gõ vang lên không đều, lúc lớn, lúc nhỏ, lúc nhanh lúc chậm; thể hiện sự hoảng loạn của thân và tâm. Gõ xong, chị lại rút tờ năm mươi ngàn bỏ vào chuông.

Cái mâm bông trái của chị, sau khi thành kính thắp nhang cúng Phật, chị gọi tôi bưng theo chị xuống nhà thờ Tổ phía sau chánh điện. Tại đây, chị lại gõ chuông, lại nghiêm trang thắp nhang, lại rút năm mươi ngàn bỏ vào chuông. Chưa xong, cũng mâm bông trái đó, chị lại kêu tôi chuyển đến nhà thờ sư phụ của thầy trụ trì. Chị lại cũng thắp nhang, nhưng vì tại đây chùa không đặt chuông cho nên chị đành bỏ quy trình gõ chuông và bỏ tiền vào chuông.

Tôi nghĩ, chùa có bao nhiêu bàn thờ chị đã lạy hết rồi, bây giờ đã đến lúc tôi tiễn chị về. Nhưng không, chị lớn giọng giải thích: tôi chỉ mới thắp nhang, chưa khấn vái; đi chùa là phải đủ lễ chứ? Rồi, một lần nữa tiếng guốc cao gót của chị vang trong chánh điện. Thấy chị đứng nghiêm chắp tay, đôi mắt dại chiếu thẳng vào mắt Phật; tôi lẳng lặng đến đứng bên cạnh, chắp tay.

Tự nhiên chị bật khóc, mới đầu còn nhỏ, sau vỡ òa nức nở. Những giọt nước mắt như bị kiềm nén lâu ngày bây giờ mới được dịp tuôn tràn; chị khóc như trẻ con lạc má giữa chợ vậy. Lẫn trong tiếng khóc, là lời nói nghẹn ngào, rằng: Phật ơi, chồng con yêu việc hơn yêu con. Hai đứa con của con yêu bản thân mình hơn yêu mẹ. Đã nhiều ngày con ăn cơm một mình. Đã nhiều đêm con âm thầm chiếc bóng. Con cô đơn bên cạnh người thân. Con cô độc trong ngôi nhà tiện nghi của mình. Con đã sa ngã Phật ơi…

Bây giờ chị không còn đứng nổi mà quỳ, mặt chị áp sát đất, hai tay luồn vào mái tóc rối bời, chị lại nói trong tiếng nấc: Phật ơi, con thất tiết nhưng con vẫn yêu chồng. Con sa ngã nhưng vẫn tròn bổn phận làm mẹ. Con hối lỗi, con đã xin chồng tha thứ, con đã xin các con tha thứ; nhưng cả nhà im lặng. Bây giờ con không nhà, không chồng, không con, con chỉ còn có Phật. Con đã biết lỗi của mình, xin Phật tha thứ cho con. Phật ơi, con khổ lắm, con không sống nổi, con chết mất. Rồi, chắc đã kiệt sức, đầu chị gục xuống thảm, hai tay chị buông thõng trải dài về phía Phật, hai mắt chị nhắm lại…; thật lâu.

Bỗng nhiên chị ngồi dậy, hai tay lần tìm móc gài kim loại để tháo đôi giày ra khỏi chân, rồi cũng đôi bàn tay ấy chị thoăn thoắt bới gọn mái tóc dài và giữ chặt nó bằng cái kẹp đắt tiền của mình. Tiếp theo chị đứng lên, tay cầm túi xách, chân bước rón rén ra cửa bằng nửa bàn chân trước. Lo sợ chị tìm ra cầu Tràng Tiền, nơi có dòng sông Hương hiền hòa vào mùa khô, dữ dội vào mùa bão. Hoặc tìm đến sông An Cựu, hai bờ hẹp, nhưng nước rất sâu, cách chùa mươi bước chân.

Đắn đo mãi, cuối cùng tôi lên tiếng hỏi khẽ: Thưa chị, bây giờ chị đi đâu? Chị trả lời, giọng không còn cáu gắt: về Hà Nội, chồng con của tôi đã tha thứ cho tôi, tôi cũng đã tha thứ cho chồng con. Tôi tin sau biến cố gia đình chúng tôi sẽ hiểu và thương yêu nhau hơn. Bây giờ tôi phải tìm phương tiện về Hà Nội gấp, chồng và các con đang chờ tôi về nhà sum họp cuối năm. Ngạc nhiên quá, tôi buột miệng, hỏi: sao chị biết? Nhìn tôi với ánh mắt thể hiện thân đã an, tâm đã tỉnh, chị nói, giọng chị tự tin: Phật nói!

Ai nói thì tôi còn lo cho chị, nhưng từ “Phật nói” thoát ra từ đôi môi của chị thì tôi tin, sự an lành và hạnh phúc đã quay về với chị.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày