Phong tục đón Tết ở các nước phương Tây

Hơi thở của mùa xuân đã tràn về. Năm nào cũng vậy, tùy theo múi giờ và phong tục, các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cùng nhau tổ chức các lễ hội đón chào năm mới mang đậm nét văn hóa đặc sắc, độc đáo riêng của dân tộc mình.

Ảnh Reuters

Ảnh Reuters

Tết năm mới ở các nước phương Tây diễn ra vào ngày 1.1, theo hệ thống lịch do Giáo hoàng Gregory XIII (1502 - 1585) đưa ra và cũng là hệ thống lịch mà thế giới ngày nay vẫn đang dùng. Lễ hội mừng năm mới luôn là dịp của vô số những cuộc vui tưng bừng thú vị.

Ở Anh quốc, ngày đầu năm mới ở Anh chính thức bắt đầu từ năm 1752. Người Anh rất coi trọng “tục xông nhà” đầu năm mới. Họ quan niệm rằng nếu người đầu tiên bước vào nhà là người có tóc vàng hoe hay màu đỏ, hoặc một phụ nữ, sẽ mang đến những điều xui xẻo trong năm cho cả nhà, nên họ chọn một thanh niên có mái tóc đen, chưa vợ mang theo tiền, một mẩu than hoặc bánh mì. Họ cho rằng những vật này tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn và hạnh phúc, đây cũng được xem như món quà khởi đầu một năm đầy hứa hẹn.

Có một phong tục khác lạ nữa ở quốc gia này là “đốt bụi cây” để xóa bỏ tất cả những sự kiện trong quá khứ, để bắt đầu một năm mới trọn vẹn niềm vui, không còn chút vướng bận nào.

Lễ hội năm mới ở Anh lúc nào cũng tràn ngập sắc màu. Lễ hội đón chào năm mới được xem như lễ hội quan trọng nhất của họ. Nào là các cuộc diễu hành dọc các con đường đi qua Whitehall và trung tâm mua sắm Pall, và cuối cùng dừng chân ở quảng trường Berkley, mọi người tập hợp lại cùng hát vang các bài hát truyền thống đón chào năm mới. Rồi đến những bữa tiệc linh đình, những chai rượu champagne cùng những điệu nhạc dân tộc và khiêu vũ, pháo hoa… tất cả vẽ nên một bức tranh đón chào năm mới không thể quên được của người dân nước này.

Bắn pháo hoa mừng năm mới ở Anh - Ảnh Reuters

Bắn pháo hoa mừng năm mới ở Anh - Ảnh Reuters

Ở Đức, năm mới ở Đức được gọi là Nuejahr. Người Đức tổ chức tiệc chia tay năm cũ và đón chào năm mới theo vũ điệu rock. Họ ca hát, nhảy múa, chúc tụng nhau… và vẫn không quên những phong tục truyền thống của dân tộc mình.

Bleigiessen - phong tục nhúng chì đã nấu chảy vào nước lạnh để dự đoán tương lai sẽ ra sao dựa vào hình dáng của viên chì trong nước. Nếu có hình trái tim thì sẽ có đám cưới, hình con tàu là chuyến đi du lịch… Khi đồng hồ điểm 0h đêm giao thừa cũng là lúc mà người dân ở Đức ôm và trao nhau những nụ hôn nồng thắm, chúc nhau năm mới an lành: "Gutes Nue Jahr" hoặc "Happy New Year". Sau đó, mỗi gia đình quây quần bên nhau trong những bữa tiệc thịnh soạn với đầy đủ món ăn và cùng nhau xem các chương trình truyền hình đặc biệt. Người Đức quan niệm nếu ăn cà rốt và bắp cải sẽ mang đến sự ổn định về tài chính.

Mỗi gia đình người Đức được phép bắn pháo hoa trong sân nhà mình để đón chào năm mới và họ đã hân hoan chuẩn bị pháo từ những ngày trước Tết. Tiếp đến, tiếng chuông nhà thờ ngân vang, pháo hoa làm sáng rực cả bầu trời. Đó là cách đón chào năm mới của người Đức.

Ở Pháp, người Pháp gọi đêm giao thừa là La Saint-Sylvestre. Người dân nước này quan niệm một buổi tiệc tối linh đình trong trong thời gian này sẽ mang đến thịnh vượng cho gia đình họ trong năm tới. Thức ăn của bữa tiệc thường là bánh nướng, thịt vịt hoặc ngỗng và rượu champagne. Lễ hội đón năm mới ở Pháp được xem như “lễ hội ánh sáng”. Người dân tham gia vào các cuộc diễu hành với ánh sáng lung linh của ngọn đuốc và cùng nhau uống rượu mừng năm mới. Hàng ngàn ca sĩ, nghệ sĩ thực hiện các show diễn tuần hành trên khắp các nẻo đường, tiến đến Trocadéro, bên dưới tháp Eiffel vào ngày đầu năm mới. Theo phong tục, năm mới cũng là dịp để người Pháp thể hiện tình yêu đôi lứa. Họ ôm hôn nhau chúc mừng năm mới.

Người dân Pháp chào đón năm mới - Ảnh Reuters
Người dân Pháp chào đón năm mới - Ảnh Reuters

Ở Brazil: Brazil là quốc gia được cả thế giới chú ý về màn trình diễn pháo bông mừng năm mới. Lễ hội mừng năm mới luôn diễn ra trong không khí thật tưng bừng, sôi động. Từ các quán bar, các đại sảnh, bãi biển đến khắp các đường phố đều chật ních người. Người dân nước này tin rằng ăn đậu và gạo sẽ mang lại sự thịnh vượng và niềm may mắn cho họ trong năm mới.

Đêm giao thừa mang một ý nghĩa quan trọng trong buổi lễ đón chào năm mới của người Brazil. Lễ hội đón chào năm mới được tổ chức ở Rio de Janeiro - thành phố lớn thứ nhì ở Brazil và lớn thứ ba ở Nam Mỹ. Tất cả mọi người cùng tụ họp bên bãi biển Copacabana nổi tiếng thế giới để chào đón giờ khắc bước sang năm mới. Họ quan niệm nếu nhảy qua 7 ngọn sóng trong đêm giao thừa thì điều ước sẽ trở thành hiện thực.

Những màn trình diễn pháo bông ngoạn mục và đặc sắc trên nóc các khách sạn hoặc xà lan ngoài khơi làm sáng rực cả bầu trời. Mọi người trong trang phục dạ hội, dạo quanh khắp các nẻo đường vừa hát vừa nhảy vũ điệu samba truyền thống.

Bữa ăn tối đêm giao thừa cũng là một phần quan trọng trong buổi lễ đón chào năm mới của người Brazil, gồm salad, gạo, thịt gà, trái cây, những thứ mang lại hương vị cho năm mới.

Theo quan niệm của người Brazil, màu sắc tượng trưng cho những điều tốt lành và niềm hy vọng. Đó là màu trắng (tượng trưng cho hòa bình), màu đỏ (tượng trưng cho tình yêu) và màu vàng (tượng trưng cho sự giàu có). Do đó, trang phục trong buổi lễ mừng năm mới chắc chắn có những màu này.

Ở Mỹ, người Mỹ quan niệm bước sang năm mới là phải “làm mới” mình. Năm mới mang đến sự quyến rũ và may mắn. Thanh niên Mỹ thường đeo mặt nạ và tổ chức những buổi tiệc nhỏ và vui chơi bên bạn bè, gia đình trước thời khắc giao thừa. Khi đồng hồ điểm đúng thời khắc giao thừa, họ sẽ gỡ bỏ mặt nạ và khui rượu Champagne mừng năm mới.

Giao thừa là thời khắc mà người Mỹ chứng kiến nghi thức thả quả cầu rực sáng ánh đèn ở quảng trường Time, New York. Bầu trời chói sáng giữa những làn pháo hoa và màn trình diễn ánh sáng đẹp mắt. Vào khoảnh khắc giao thời, nhiều cặp tình nhân trao những nụ hôn ngọt ngào, thậm chí có không ít chàng trai cầu hôn bạn gái vào thời khắc quan trọng này.

Người dân New York (Mỹ) đổ ra đường mừng năm mới - Ảnh Reuters
Người dân New York (Mỹ) đổ ra đường mừng năm mới - Ảnh Reuters

Ở Nga, biểu tượng năm mới ở Nga là "cây năm mới", gọi là Novogodnaya Yolka, với những ngôi sao rực sáng đèn. Năm mới là dịp để cha mẹ trao quà cho các con dưới cây này. Cũng như một số quốc gia phương Tây khác, người Nga cũng đón năm mới trong màn trình diễn pháo hoa và những buổi tiệc linh đình, gồm: thịt, đậu xanh, dưa chua, hành, sốt mayonnaise, cà rốt và khoai tây. Đặc biệt, người Nga có phong tục lắng nghe Tổng thống đọc lời chúc Tết đầu năm. Ngày Tết ở Nga kết thúc vào ngày 13.1.2008, đây là ngày đầu năm theo lịch juliêng (lịch do Julius Caesar giới thiệu, có hiệu lực từ năm 45 TCN dành cho những quốc gia theo chính thống giáo).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày