Ở Huế đã từng có một phiên chợ Tết nổi tiếng do một hoàng tử con vua Gia Long lập nên và tồn tại hàng trăm năm. Đó là phiên chợ Tết Gia Lạc, nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa của Tết Huế xưa. Sau khi chấm dứt cùng với chế độ quân chủ năm 1945, chợ Tết Gia Lạc chỉ còn trong sử sách và trí nhớ của một ít người cao tuổi, cho đến khi một chuyên gia về ẩm thực Huế - bà Hồ Thị Hoàng Anh, chủ nhà hàng Phú Xuân được các tổ chức văn hóa nước ngoài mời phục dựng lại phiên chợ này. Nhân dịp chợ Tết Gia Lạc được phục dựng lần thứ ba tại Presidential Club, thượng tầng của tòa nhà Sailing,TP. Hồ Chí Minh, bà Hoàng Anh đã dành cho DNSGCT một cuộc phỏng vấn:
Được biết, tối ngày 15-1 tới đây chị sẽ tổ chức lại phiên chợ Tết Gia Lạc với khách mời là nhiều nhà văn hóa tên tuổi như GSTS Trần Văn Khê, bà Tôn Nữ Thị Ninh… đại diện các cơ quan văn hóa trong nước,cũng như các vị đại sứ nước ngoài và các tùy viên văn hóa các lãnh sự ở thành phố… Như vậy, chắc ngoài là nơi vui chơi ngày Tết, chợ Gia Lạc phải có những ý nghĩa đặc biệt trong đời sống Huế xưa?
Chị Hồ Thị Hoàng Anh
Hồ Thị Hoàng Anh: Trước tiên, người lập ra phiên chợ tết có tính nhân văn này là một vị hoàng tử rất đặc biệt .Đó là Định Viễn quận vương Nguyễn Phúc Bính (1797-1863) là con thứ sáu của vua Gia Long . Đi ngược lại với tư tưởng của vua và triều thần bấy giờ là “ Trọng nông ức thương” xem trọng việc ruộng đồng mà hạn chế việc mua bán ,vị hoàng tử này lại đặc biệt say mê kinh doanh và nghệ thuật hát bội. Ông làm kinh doanh rất giỏi và trở nên rất giàu có. Tuy nhiên , vua Minh Mạng bấy giờ chỉ muốn hoàng thân quốc thích theo đuổi lối học từ chương và tránh xa việc thương mại, quốc phòng nên Định Viễn quận vương thường bị vua khiển trách. Ở Huế ngày xưa có câu “Phú bất như Định Viễn” nghĩa là: Không ai giàu bằng quận vương Định Viễn. Ông còn nuôi cả những đoàn hát bội trong phủ để biểu diễn cho con cháu và dân địa phương cùng xem. Do hợp tác buôn bán với thương nhân nước ngoài , nên Định Viễn quận vương rất cởi mở và giao tiếp với nhiều giới. Ông đã lập ra phiên chợ Tết Gia Lạc mang tính nhân văn nằm ngay trên đường về thôn Vỹ Dạ, nơi ngã ba làng Nam Phổ. Đến đây, mọi người sẽ được tham gia các trò chơi ngày Tết của cung đình và của dân gian, thưởng thức các món ăn từ dân giã đến cao sang, mua sắm các đồ chơi, vật dụng, vật trưng bày ngày Tết. Chợ diễn ra suốt những ngày Tết, ban đầu chỉ dành cho hoàng thân quốc thích và quan lại nhưng về sau mở rộng cho cả dân thường đến tham gia vui chơi.
Nhìn lại lịch sử, thấy một nguyên nhân quan trọng khiến triều Nguyễn trở nên suy yếu là do đã coi thường việc kinh doanh, tìm cách hạn chế sự đi lại, giao thương của người dân nên xã hội trở nên trì trệ, lạc hậu. Trong bối cảnh đó vẫn có những người trong chừng mực dám đi ngược lại chính sách chung của triều đình như Định Viễn quận vương, làm giàu thêm cả về vật chất lẫn tinh thần cho đời sống người dân Huế. Phiên chợ Gia Lạc được duy trì đến năm 1945, tức là gần cả trăm năm sau khi ông mất. Cái tên Gia Lạc có nghĩa là: Thêm niềm vui. Như vậy có thể thấy ông là người có công làm cho Tết Huế vui hơn, đậm màu sắc văn hóa hơn. Đây cũng là bài học lịch sử để chúng ta ngày nay xem lại vai trò của doanh nhân trong việc phát triển đất nước.
Chị có thể giới thiệu sơ qua về phiên chợ Gia Lạc phục dựng lần này?
Chợ Gia Lạc là nơi không phải để sát phạt dành mối, mua bán ra trò…như những phiên chợ thông thường. Mà đến với phiên chợ Gia Lạc ai nấy đều phải ăn mặc đẹp,lòng vui như xuân và ngấm ngầm thi đua lễ độ ,tao nhã . Đến với chợ Gia Lạc lần này là chúng ta có dịp” chạm” vào những giá trị văn -hóa vật- thể và phi- vật- thể của Huế xưa. Được tận mắt thưởng ngoạn một vài cổ vật từng được trang trí , và một số mứt bánh phục vụ vào dịp tết trong cung đình ,vương phủ Huế xưa… Được đắm mình trong không gian trang trí với những vật phẩm văn hóa Huế mà ngày nay đang dần có nguy cơ “tuyệt chủng” như: Trướng liễn làng Chuồn: vào ngày tết nơi chốn quyền quý thường trang hoàng trong các dinh phủ bằng các loại trướng liễn,tranh thêu bằng gấm vóc,chỉ vàng,chỉ kim tuyến…thì ngoài dân gian chỉ dùng trướng liễn bằng giấy có sắc đỏ của làng Chuồn trang trí gian thờ, chỗ tiếp khách để tăng thêm phần ấm cúng,tươi sáng hơn trong cảnh nhà tranh vách đất hàng ngày.Hoa giấy làng Thanh Tiên: là loại hoa giấy màu sắc rực rỡ phù hợp với đạo Mẫu,dùng để cúng trang Bà bổn mạng.
Bông đũa ngũ sắc:dùng để cúng các lễ đầu năm tại bếp,vườn,chuồng nuôi gia súc.Tranh giấy làng Sình: các loại tranh thờ bổn mạng,các ảnh hình nhân cúng sao giải hạn,cúng các vị thần đất đai,gia súc… là loại tranh sử dụng màu sắc từ thiên nhiên như màu đỏ của đá ba-zan, màu đen của vỏ cây, màu xanh của lá,màu ánh kim của vỏ xà cừ…vẻ trên giấy truyền thống. Dạo phiên chợ Gia Lạc là lúc chúng ta có dịp trở về ký ức tuổi thơ qua những món đồ chơi ngày xưa như con tu huýt làm từ đất nung của làng cổ Phước Tích,con vo vo ,con lung tung ngũ sắc mà khi quay sẽ tạo ra âm thanh như một bản hòa âm của côn trùng miền quê… Được dịp mua con bột ngũ sắc,đôi guốc gỗ nhỏ xíu của trẻ con, cái dao cau, khúc xơ muớp để tắm,cái lược chải chí… mà ngày nay gần như “mất bóng”… Cũng là lúc có dịp lắng nghe âm nhạc Huế qua tiếng đàn tranh của nghệ sỹ Hải Phượng.
Với khu ẩm thực của phiên chợ,chúng ta sẽ được thưởng thức những món ăn nấu theo lối của truyền Huế xưa như : Món gắp tư dùng với đồ chua ,món khối bò,bánh ướt dùng với thịt bê xáo, bánh kê dùng với gà nướng lá chanh, bánh canh Nam Phổ,bánh tét làng Chuồn,xôi thịt hon,bánh lọc bánh nậm gói trong lá dung,cuốn tôm chua,thịt phay mắm rò…Cũng như được thưởng thức những món ngọt ngày tết trong cung đình,phủ đệ như: món xôi đường nức tiếng của làng cổ Phước Yên, bánh bài,bánh cây, mứt cam sành,mứt bát bửu…mà những món ăn sẽ thay đổi theo ngày do tôi trực tiếp hướng dẫn các em trong câu lạc bộ Đầu Bếp Trẻ phụ trách.Và tôi nghĩ rằng đó cũng là dịp để truyền thừa kinh nghiệm nấu các món ăn truyền thống cho thế hệ đầu bếp trẻ vì họ nấu rất giỏi các món Âu. Và đặc biệt trong phiên chợ này cũng giới thiệu những món chay rất ngon lành ,thơm tho…
Sau khi dạo chơi và mua sắm và thưởng thức các món ăn là lúc bắt đầu khai hội “ Cầu may đầu năm” với các trò chơi hào hứng của dân gian như: Bầu cua tôm cá,Bài tới cũng là lúc chúng ta có dịp nghe lại những tiếng hò bài tới, tiếng rao bài chòi…rất vui tươi dí dỏm của nhóm nghệ sĩ Đức Tâm tạo nên một không khí rất náo nhiệt trong ngày xuân. Và có dịp biết thêm về trò chơi ngày xuân trong cung đình là: Hội xăm hường là một trò chơi mở ra như một hội thi để chúc phúc cho con cháu được đổ đạt từ tú tài,cử nhân,tiến sĩ và khi đạt được tam khôi là trạng nguyên,bảng nhãn,thám hoa đó là 3 học vị cao nhất dưới thời đại quân chủ. Mà những trò chơi trên không có tính đỏ đen cao thấp,sát phạt nhau mà có tính ngẫu nhiên để thử vận hên đầu năm nên mọi người có thể tham gia.
Việc phục dựng lại phiên chợ đã mất đi hơn nữa thế kỷ chắc có nhiều khó khăn? Chị có thể chia sẻ một chút về quá trình làm công việc này của mình?
Trước tiên phải nghiên cứu qua sách vở, rồi gặp gỡ trao đổi với các vị trưởng lão tại vùng đất cố đô và các nhà nghiên cứu văn hóa Huế. Sau đó nhiều lần đến Huế lặn lội về những ngôi làng cổ từng sản xuất những vật phẩm được bày bán ở chợ Gia Lạc xưa. Và thú thật cũng gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm những vật phẩm đó dù chỉ là những loại đồ chơi lành mạnh của trẻ con ngày xưa.Trong khi đó một lần đến lễ hội Sakura tại ngôi chùa Shingakuzi ở ngay trung tâm Tokyo (Nhật Bản),tôi rất ngạc nhiên khi thấy có bày bán loại đồ chơi trẻ con y hệt như cái lùng tung ở Huế nhưng lại bằng gỗ.Rồi khi đến Singapore dịp tết trung thu lại thấy ngay tại siêu thị Takashimaya sang trọng nằm trên đường Orchard cũng có bán con lùng tung nhưng lại đúc bằng nhựa và sản xuất tại Trung Quốc.Trong lúc đó khi đã đặt chân đến được ngôi làng ở Huế trước đây chuyên làm loại đồ chơi này thì mới vỡ lẽ đối với loại đồ chơi truyền thống này chẳng mấy ai còn sản xuất và lưu giữ nữa.Nhưng cuối cùng may mắn lại đến với chúng tôi khi gặp được một mệ già còn lưu giữ lại một số kèn con ếch, con vo vo, con lùng tung…còn lại do không bán được trong những mùa trước nên tiếc công gói lại gác trên gian bếp. Chúng tôi rất mừng và xin mua lại để giới thiệu trong lần lễ hội này dù đã ngã màu với thời gian!
Và khi đi tìm đến một ngôi chùa sư nữ cổ rất xa trên núi- Ngôi chùa nguyên là do công chúa Ngọc Cơ con vua Gia Long lập ra để tu học và biết nơi đây còn lưu giữ những khuôn bánh cổ truyền theo đúng kiểu cách cung đình Huế là các loại khuôn bánh bài.Khi gặp được Sư Bà thì chúng tôi được cho hay là nhà chùa đã không còn sử dụng loại khuôn bánh này và đã gói cất hẳn rồi vì nhiều người cho loại bánh đó đã lỗi thời và không còn ưa chuộng nữa. Nhưng khi nghe chúng tôi trình bày về lý do muốn giới thiệu lại nét đẹp văn hóa Huế thì Ni Sư rất hoan hỷ cho làm lại những loại bánh đó để giới thiệu trong dịp này.
Khi đến làng Chuồn để tìm loại trướng liễn giấy,chúng tôi lại đến đúng ngay ngôi nhà của người thợ duy nhất trong làng có thể sản xuất loại trướng giấy mỹ thuật này thì mới được biết vì không ai có nhu cầu mua nữa nên ông ta đã bỏ hẳn nghề và cũng đã bán hẳn bản gỗ in cho khách du lịch nơi mù tăm viễn xứ! Nhưng rất may là phân viện văn- hóa Việt Nam tại Huế còn lưu giữ lại một bộ duy nhất và đồng ý cho chúng tôi mượn cho lễ hội lần này.
Tuy thật khó khăn với việc tìm lại những vật phẩm xưa nhưng chúng tôi lại gặp được những nhà nghiên cứu văn hóa trẻ của phân viện nghiên cứu này tận tình giúp đỡ trong những chuyến điền dã đến những ngôi làng cổ xa xôi. Đặc biệt là nhà nghiên cứu văn hóa Bảo Đàn xuất thân từ hoàng tộc,tuy còn trẻ nhưng rất yêu mến và am hiểu nhiều về văn hóa mỹ thuật Huế nên đã nhiệt tình đồng hành cùng chúng tôi để tìm lại những giá trị văn hóa Huế xưa.Nhưng ngược lại , các nhà nghiên cứu trẻ ấy lại cám ơn chúng tôi đã làm cho họ ấm áp trong những ngày mùa đông lạnh giá của xứ Huế khi được nhìn lại màu sắc rực rỡ của hoa giấy Thanh Tiên,trướng liễn làng Chuồn… những nét đẹp của Huế xưa mà lâu nay họ đã bỏ ra rất nhiều công sức,tâm trí để mong lưu giữ lại cho đời sau. Nhưng rất đáng buồn,do nhiều nguyên nhân mà nét đẹp truyền thống đó càng ngày càng lu mờ lùi vào quá khứ ngay tại cái nôi văn hóa đã sản sinh ra!
Là một chuyên gia ẩm thực nhưng qua những việc làm đã qua của chị lại như một nhà hoạt động văn hóa.Trước phiên chợ Gia Lạc tới đây, tại Festival làng nghề truyền thống tháng 5/2011 chị đã được UBND Huế mời về phục dựng yến tiệc cung đình triều Nguyễn tại Duyệt Thị Đường đã vắng bóng gần 70 năm nay, chị có những suy nghĩ gì?
Tôi nhận lời đảm nhiệm việc phục dựng tiệc, chợ Tết cũng vì ước muốn tìm lại văn hóa xưa thông qua ẩm thực. Có lẽ người Việt mình tiếp thu những trào lưu văn hóa mới rất nhanh chóng nhưng đôi khi lại lãng quên đi những nét đẹp văn hóa mà tổ tiên truyền lại . Lần đầu qua trung tâm giao lưu Đức Á tôi được mời phục dựng chợ Gia Lạc tại khuôn viên trường đại học dân lập Munich (Đức) và lần thứ hai nhận lời mời của trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa tại Nantes (Pháp) để tái hiện màu sắc của chợ Gia Lạc trong buổi dạ tiệc cuối năm tại Le LieuUnique . Tôi thấy dù rất phát triển khoa học,kinh tế nhưng người nước ngoài họ rất quý trọng những giá trị văn hóa truyền thống.
Điều này rất đáng tiếc vì những vật trang trí như hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, trướng liễn làng Chuồn, những đồ chơi trẻ con dân gian như con bột, con vo vo ,con lung tung,con tu huýt.. đến nay vẫn có giá trị du lịch- văn hóa nếu chúng ta biết khai thác. Một nguyên nhân chính có lẽ là ý thức tổ chức làng nghề của chính quyền lẫn người dân Huế chưa thật hợp lý, thực tế như những nơi khác.
Xin cảm ơn chị!