Quan Âm Phật đài & lễ hội Quan Âm Nam Hải

GN - Tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm hướng mặt ra biển Đông, từ xa thánh tượng như ở giữa muôn trùng sóng và cát trắng. Hàng năm, hàng triệu lượt khách hành hương đến khu vực cửa biển Nhà Mát để chiêm bái Đức Quán Thế Âm (hay còn gọi là Mẹ Nam Hải) tọa lạc tại phường Nhà Mát (TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) và hòa mình vào không gian lễ hội Quán Âm Nam Hải…

Thiêng liêng Quan Âm Phật đài

Thị xã Bạc Liêu có cửa biển Nhà Mát thuộc phường Nhà Mát, được đông đảo người dân bản xứ và khách du lịch yêu thích. Khu Quan Âm Phật đài tọa lạc tại khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu trở thành nơi chiêm bái, du lịch tâm linh rất nổi tiếng, không chỉ người dân bản xứ mà du khách các nơi cũng tìm về.

Vào năm 1973, thánh tượng Bồ-tát Quán Thế Âm được bác sĩ Nguyễn Tú Vinh và các vị mạnh thường quân tôn tạo với sự chứng minh của HT.Thích Trí Đức, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ.

ANH H (2).JPG

Chư tôn đức Tăng Ni và người dân xứ biển trong lễ khai mạc lễ hội Quán Âm Nam Hải

Thánh tượng Bồ-tát cao 11m, kể cả chân đế là 13,5m, hướng mặt ra biển Đông, là trung tâm của biển xanh và bờ cát trắng, bởi thánh tượng được tôn trí sát bờ biển. Tượng đài Bồ-tát Quán Thế Âm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cho đông đảo đồng bào, người dân làm nghề biển trong khu vực và là ngọn hải đăng cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ.

Trong đời sống người dân ở đây, đặc biệt là người dân vạn chài sống bằng nghề đi biển, Mẹ Quán Thế Âm - mẹ Nam Hải là người luôn lắng nghe những bất trắc, khổ đau và chở che trước mọi sóng gió của đời sống người dân khi trên bờ lẫn khi ra biển.

Sự kính tín, ngưỡng vọng của người dân bản xứ và Phật tử gần xa ngày càng thẩm thấu trong mọi hoàn cảnh sống và đó là niềm tin vững chắc, thiêng liêng trong đời sống của họ. Sự linh ứng của Bồ-tát Quán Thế Âm  trở thành nguồn cảm hứng cho vô số câu chuyện nhiệm mầu với hình ảnh Mẹ tay cầm bình nước cam lồ cứu vớt chúng sinh, gieo vào lòng người con xứ biển và Phật tử  xa gần niềm tin về sự cứu độ, lòng từ bi không bờ bến.

Thuở trước, đường đi chông chênh qua những nhịp cầu tre lắt lẻo nhưng khách thập phương từng đoàn cứ lũ lượt kéo về ngưỡng vọng Mẹ Nam Hải trên vùng đất hoang sơ từng ngày được bồi đắp phù sa. Tôn tượng Bồ-tát lúc bấy giờ sừng sững giữa trời, không nơi tránh mưa, trú nắng bởi cơ sở lúc đó chỉ là căn nhà nhỏ với vật liệu thô sơ dành cho Ban Quản trị Quan Âm Phật đài.

Mỗi buổi chiều, khi thủy triều dâng lên, nước tung trắng xóa và tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm ngự giữa muôn trùng sóng vỗ cứ đi vào lòng người dân và khách thập phương với vô vàn sự kính ngưỡng, niềm tin về sự cứu độ...

Hơn 20 năm sau (1995), Nhà nước cho phép trùng tu chân đế của tượng đài, tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm trở nên trang nghiêm hơn, đồng bào Phật tử đến chiêm bái cũng ngày càng đông hơn.

Đến năm 2003, UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt Dự án Khu du lịch Nhà Mát và cho phép Phật giáo tỉnh Bạc Liêu cùng với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng làm chủ đầu tư xây dựng công trình Quan Âm Phật đài trên mặt bằng được cấp là 2,5 hec-ta. Đến năm 2005, các hạng mục công trình được lần lượt thi công, gồm: cổng Tam quan, điện Thiên Thủ Thiên Nhãn, điện Địa Tạng và một số công trình phụ. Mặt bằng được tiếp tục san lấp làm sân lễ, khu vực tôn tạo 32 thánh tượng hóa thân Bồ-tát.

Đặc biệt, công trình lớn đang thực hiện là núi Quan Âm có dáng Quan Âm Đồng Tử, chiều cao 45m, ngang 90m và rộng 49m. Trong lòng núi là đại điện, tái hiện lịch sử Đức Phật thuyết kinh Pháp hoa tại núi Kỳ -xà-quật (Ấn Độ); phẩm Phổ môn, Bồ-tát Quán Thế Âm xuất hiện với Tổng-đà-la-ni là 84 vị Bồ-tát, mỗi vị có công hạnh khác nhau nhưng tất cả đều lắng nghe tiếng kêu của chúng sanh mà cứu khổ…

Lễ hội của người dân biển

Hàng năm, Quan Âm Phật đài tổ chức các ngày lễ hội rất trang nghiêm, phục vụ cho hàng triệu lượt khách thập phương, đặc biệt là người dân xứ biển đến chiêm bái, kính ngưỡng. Vào dịp Tết Nguyên đán, đồng bào Phật tử hành hương đến với cửa biển Nhà Mát kéo dài trọn tháng.

Lễ vía Bồ-tát trong năm là ngày 19 tháng 2, tháng 6 và tháng 9 âm lịch cùng nhiều đại lễ của Phật giáo như Phật đản, Vu lan được BTS GHPGVN tỉnh Bạc Liêu tổ chức tại đây. Đặc biệt, lễ hội Quan Âm Nam Hải là một trong 4 lễ hội của tỉnh Bạc Liêu được Nhà nước công nhận vào năm 2008. Lễ hội Quan Âm Nam Hải diễn ra trong 3 ngày, từ 22 đến 24-3 âm lịch, thu hút hơn 50 ngàn lượt khách gần xa đến dự.

ANH H (1).JPG

Múa lân sư rồng tại lễ hội Quán Âm Nam Hải

Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân bản xứ, Phật tử, khách hành hương đến cửa biển Bạc Liêu hòa mình vào không gian lễ hội và tâm linh thiêng liêng rất đặc biệt như: thuyết pháp, nghi thức dâng hoa, hoa đăng cúng Phật, rước lễ Quán Âm, múa lân sư rồng, văn nghệ, khai chung bảng, thượng phan, chiêu u…

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, những đạo tràng tại các tự viện trong tỉnh cũng luân phiên tụng niệm, sân lễ đông kín người đến chiêm bái. Từng nhóm Phật tử với lễ vật trưng bày tín tâm cầu nguyện, dâng cúng Bồ-tát. Trước tượng đài Quán Âm lộ thiên, Phật tử các nơi hội tụ, những nghệ nhân nhiều nơi kết hợp thực hiện những điệu múa lục cúng hoa đăng với sự tín tâm, ngưỡng mộ của hàng ngàn người hiện diện.

Nhờ vào chủ trương của tỉnh Bạc Liêu, khu Quan Âm Phật đài được Nhà nước cấp thêm đất với tổng số hơn 11 hec-ta là điều kiện để BTS GHPGVN tỉnh Bạc Liêu thực hiện nhiều hạng mục công trình phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa, tâm linh phục vụ Tăng Ni, Phật tử, khách hành hương trong và ngoài nước.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày