Quán Thế Âm: Nghệ thuật sống hạnh phúc

Ảnh: Tư liệu BGN
Ảnh: Tư liệu BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Với phần lớn tín đồ Phật giáo, Quán Thế Âm Bồ-tát là mẹ hiền của mọi chúng sanh, Người luôn hiện hữu khắp nơi để cứu độ khi nghe tiếng cầu nguyện của họ.

Trên bình diện triết lý, Quán Thế Âm (Avalokiteśvara) là vị Bồ-tát biểu tượng hóa của lòng từ bi (metta-karuṇa). Ở cấp độ này, để có thể nhận được sự gia hộ do Bồ-tát Quán Thế Âm hay năng lượng từ bi của Ngài, giới Phật tử phải thực tập hạnh nguyện lắng nghe tâm sự thế nhân (vì Quán Thế Âm có nghĩa là lắng nghe tiếng nói của cuộc đời) để thực tập việc cứu đời qua hạnh nguyện bố thí nhằm phù hợp với những đặc tính chân chính của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Bằng việc làm như thế, người ta có thể tích lũy công đức với hy vọng là họ sẽ được tái sanh trong một thế giới lý tưởng, tức cõi Cực lạc (Sukhavāti-vyūha), nơi Đức Bồ-tát Quán Thế Âm thường an trú thuyết pháp. Ý nghĩa hơn thế, khi thực tập hạnh lắng nghe, hành giả đã có thể tích tụ được năng lượng yêu thương trong tự thân, có khả năng làm lắng dịu khổ đau của chính mình và tha nhân.

Trong thực tế, chúng ta có thể nói rằng không bao giờ có thể vắng mặt được tư tưởng, cảm xúc và cảm nghiệm tôn giáo trong đời sống bất tận của con người. Người ta tin tưởng rằng luôn có một nguồn sức mạnh tâm linh, siêu phàm mà họ thường gọi với nhiều danh xưng khác nhau như Bồ-tát, thánh, thần v.v... thường hiện hữu khắp nơi, có khả năng cứu khổ muôn loài.

Tuy nhiên, với quan điểm của tác giả, để có thể đón nhận được sự ban ơn, cứu độ của các ngài, người ta cần phải hội đủ một số điều kiện nhất định. Giống như cái ti-vi được trang bị những thiết bị cần thiết để có khả năng đón nhận tín hiệu phát ra từ vệ tinh nhằm tạo ra âm thanh thích hợp và hình ảnh được truyền đến. Cũng thế, trong lãnh vực tôn giáo, người nào muốn tiếp nhận được năng lượng tâm linh của thánh thần cũng buộc phải nỗ lực trang bị một số điều kiện tất yếu nhằm thỏa mãn các nhu cầu của người cho.

Trong ý nghĩa này, bất cứ ai ước mong nhận được sự hộ trì của Bồ-tát Avalokiteśvara (Quán Thế Âm) mà người viết ví như là một vệ tinh tâm linh, người ấy cần phải tạo ra các thiết bị tương ứng luôn có sẵn trong thân thể vật lý của họ nhằm để tự liên kết với đặc điểm cao đẹp của Bồ-tát Quán Thế Âm: đó là một niềm tin kiên cố đối với Ngài, thực tập và nuôi dưỡng từ tâm để tương ứng với hạnh nguyện của Ngài.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1172 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1172 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Phương pháp để tạo ra hoặc để xây dựng các thiết bị tâm linh nhằm đón nhận tín hiệu từ bi được ban phát từ vệ tinh tâm linh - Quán Thế Âm - là phải tu tập hạnh bố thí, cúng dường (tài thí, pháp thí và vô úy thí)… Việc thực hành tâm từ bi, hỷ xả không những không tạo ra bất cứ mâu thuẫn, xung đột nào với môi trường hiện nay chúng ta đang sống, mà việc làm ấy rõ ràng còn soi sáng cách hiểu biết và nắm bắt của tín đồ Phật giáo về lý tưởng Bồ-tát, cũng như sự chứng ngộ lý tưởng ấy trong cuộc sống hàng ngày bằng cách thực hành các thiện nghiệp.

… Đối với Phật giáo, trí tuệ (prajṇa) và từ bi (mettā-karuṇa) là hai tiêu chuẩn cốt lõi cần thiết bảo đảm cho một đời sống an lạc, hạnh phúc của tự thân và tha nhân. Dĩ nhiên, hai phẩm chất đó là bất khả phân khi nào một trong hai yếu tố ấy được toàn thiện... Bởi vì “Bất cứ ở đâu có sự thương yêu, ở đấy có từ bi; và từ bi có khía cạnh trí tuệ riêng của nó. Đóhình tháisiêuviệt của trítuệ, nhưng không phải là sự hiểu biết về các ý tưởng, sự khôn ngoan gian xảo, dối trá, lừa bịp, và những thứ tương tự như thế; mà ở đó chỉ là sự yêu thương và lòng từ bi trọn vẹn và một sự siêu việt về trí tuệ vốn không phải là loại hiểu biết máy móc1

Theo Aristotle, mục đích của cuộc sống không phải là cái hay, cái đẹp, mà là hạnh phúc…, và hạnh phúc thì đồng nghĩa với đạo đức. Theo triết gia này, khác với mọi chủng loại hữu tình, hạnh phúc con người là nằm ở chỗ toàn thiện những đức tính của con người…2. G. Banseladze, nhà đạo đức của Nga, cũng cho rằng vấn đề lý tưởng tối cao và ý nghĩa của cuộc sống cốt yếu là vấn đề hạnh phúc3.

Như thế, chúng ta có thể nói rằng bất cứ khi nào hạnh nguyện bố thí, cúng dường được tu tập, cả hai phía, tức cả người cho lẫn người nhận, đều gặt hái lợi ích từ việc làm ấy, tức là người ta đang thực nghiệm hạnh phúc ngay khi thực tập nghệ thuật sống này. Rõ ràng người cho có thể hưởng được cảm giác hạnh phúc nhờ vào nỗ lực của tự thân trong việc hoàn thiện các phẩm chất đặc biệt của con người. Cùng lúc ấy, người nhận cũng có được lợi ích nhờ bởi chính công việc ấy.

Theo các tài liệu nghiên cứu có giá trị về sự kiện này đã được công bố, người cho cảm nhận được nhiều hạnh phúc hơn người nhận trong ý nghĩa thời gian4. Kết luận quan trọng trên sẽ làm chúng ta ngạc nhiên khi sự so sánh về triết lý giữa hai hệ thống triết học Đông phương và Tây phương về quan điểm này được thực hiện; bởi vì theo Phật giáo, cảm thọ (hay cảm giác) liên hệ đến vật chất chỉ có giá trị bằng một phần mười sáu (1/16) so với cảm thọ (cảm giác) hạnh phúc do tu tập lòng từ đem lại5.

Spinoza, triết gia nổi tiếng của Do Thái, cho rằng hạnh phúc là mục đích của mọi hành động…, và hạnh phúc là một thứ gì ấy rất đơn giản và có thể nhận thức được; ấy là sự hiện hữu các cảm giác thoải mái, và vắng mặt tất cả cảm giác khổ đau. Nói khác đi, mục tiêu của cuộc sống con người, bao gồm cả hai lãnh vực xã hội và tôn giáo, là kiếm tìm hạnh phúc. Có rất nhiều quan điểm khác nhau về cấp độ hạnh phúc, vì thế phương thức kiếm tìm hạnh phúc chắc chắn cũng khác nhau. Tuy nhiên, hai khuynh hướng sống phổ biến nhất sau đây của con người thời nay có lẽ xứng đáng được nghiên cứu và xem xét.

Một là, giới tín đồ tôn giáo với niềm tin truyền thống vào Thượng đế hay Thánh thần như là đấng tạo thế, ủy thác và giao phó tất cả trách nhiệm về hành động (nghiệp) của họ cho các đấng sáng tạo thế gian. Đối với họ, vấn đề thiện hay ác, lành hay dữ trong tương lai luôn tùy thuộc vào ý muốn của Thượng đế hay Thánh thần; đức hạnh tốt nhất mà họ có thể làm là vâng theo ý muốn của những đấng sáng thế ấy.

Về đặc điểm đời sống xã hội của nghệ thuật sống trên, theo Erich Fromm “là trao đổi và tiếp nhận, là đổi chác và tiêu thụ; tất cả mọi thứ, cả tinh thần lẫn vật chất, đều trở thành đối tượng đđổi chác và tiêu thụ”6. Ngang qua lý tưởng sống và phương tiện giải trí vật chất phục vụ cho nó, có thể không có gì để tranh cãi khi nói rằng mục tiêu của khuynh hướng sống này là nhắm vào việc thỏa mãn dục vọng riêng tư cá nhân trong chừng mực cao nhất mà người ta có thể có được và cho đến khi nào con người đạt đến mục tiêu ấy.

Khuynh hướng sống này không chỉ đang thống trị xã hội các nước Âu Mỹ hiện nay, mà còn được các dân tộc Đông phương, gián tiếp hoặc trực tiếp, hoan nghênh chào đón. Tuy nhiên, một thực tế không mong đợi là khuynh hướng sống này luôn mang theo với nó một sự giới hạn liên hệ đến vấn đề thời gian khiến cho tín đồ của nó không bao giờ có được cảm giác thật sự thỏa mãn trong niềm khoái cảm hạnh phúc.

Điểm này sẽ trở nên rõ ràng qua lời phân tích và lý giải sau đây của nhà đạo đức học người Nga, G. Banseladze: “Trong lãnh vực khoái cảm vật chất, cảm giác khoái cảm của nó càng cao thì thời gian càng ngắn. Cường độ khoái cảm trong lãnh vực vật chất luôn tỷ lệ nghịch với thời gian”7. Tất nhiên, khi dục vọng không được thỏa mãn, với khát vọng nóng bỏng thiêu đốt thúc giục người ta tiếp tục tiến về phía trước để tìm kiếm những cảm giác mới, và dĩ nhiên cường độ của chúng phải mạnh hơn các cảm giác trước đó.

Để đạt được điều ấy, vô số phương tiện giải trí về vật chất, thậm chí một số loại thuốc kích thích làm tổn thương đến sức khỏe con người, ví dụ như thuốc phiện, cô-ca-in, v.v... được sản xuất để thỏa mãn mục đích như thế. Sự thật thì không như vậy, dường như không những người ta không thể đạt được mọi thứ họ đang kiếm tìm, mà càng đắm chìm vào trong các thứ lạc dục như thế người ta càng cảm thấy thèm khát vì sự thiếu thốn cảm giác.

Tình huống này có thể ví như người đang khát nước mà lại vốc nước biển để uống; và dĩ nhiên người ấy sẽ không bao giờ cảm thấy đã khát. Nghiêm trọng hơn thế nữa, do vì không thỏa mãn được trạng thái cảm xúc tình cảm trong hiện tại, số người ấy lao đầu vào trong một số phương tiện giải trí gây chết người. Hành động ấy, trước hết, không những kết liễu cuộc đời của họ do vì khủng hoảng cảm xúc, mà thật sự còn làm cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên đi đến cạn kiệt vì luôn bị khai thác để phục vụ cho các nhu cầu bức xúc đó.

Trái lại với lối sống trên, nghệ thuật sống đòi hỏi cả tình thương lẫn trí tuệ mà Phật giáo gọi là Bồ-tát đạo là khuynh hướng sống điển hình thứ hai trong thế giới hiện nay. Lời phát biểu ngắn gọn sau đây của Paracelsus có thể tóm tắt triết lý sống này: “Người không biết gì thì chẳng yêu thương bất cứ gì. Người không biết làm gì, sẽ chẳng hiểu gì cả... Nhưng người nào hiểu biết, người ấy yêu thương, chú ý, lãnh hội... Kiến thức càng quy tụ vào một đối tượng, tình yêu càng to lớn...”8.

Hiển nhiên, khái niệm thánh thần hay đấng tạo thế, rõ ràng không chiếm vai trò quan trọng trong lối sống trên; trách nhiệm cá nhân đối với mọi việc làm (thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp) là kim chỉ nam cho tất cả hành động họ. Theo quan điểm sống của khuynh hướng thứ hai, hạnh phúc có thể tìm thấy được trong cả hai lãnh vực của cuộc sống, đó là vật chất lẫn tinh thần. Trước hết, cảm giác hạnh phúc về tâm linh hay tinh thần sẽ sinh khởi và tồn tại ngang qua việc trau dồi và cải thiện hai đức tính đặc thù, đó là sự hiểu biết (trí tuệ) và tình yêu thương (từ bi), tức lý tưởng của cuộc sống người Phật tử.

Thêm vào đó, như học giả G. Banseladze đã chứng minh, yếu tố thời gian trong lãnh vực cảm xúc tinh thần hay tâm linh có một vai trò khác biệt nếu so sánh với lãnh vực khoái cảm vật chất. Cường độ cảm xúc tâm linh thì tỷ lệ thuận với thời gian. Cảm xúc khoái cảm càng cao thì thời gian tồn tại của nó càng được kéo dài9. Do vậy, sự toàn thiện hai đức tánh từ bi (lòng yêu thương) và trí tuệ (sự hiểu biết) là mục tiêu tối hậu của nghệ thuật sống này.

Trong bối cảnh của thế giới ngày nay, thứ mà nhân loại đang thật sự cần đến để tạo ra sự an bình cho cá nhân và xã hội là nếp sống độ lượng, bao dung, yêu thương mọi loài (từ bi, hỷ, xả) qua sự hiểu biết đúng đắn (trí tuệ). Nguyên nhân là do vì bị ảnh hưởng lối sống chủ nghĩa vật chất thực dụng, con người đương đại đang càng ngày càng trở nên xa lạ với chính họ, đang tách ly dần dần khỏi đồng loại và thế giới tự nhiên.

Xuyên qua việc nới rộng và phát triển tình yêu thương, người ta hy vọng là sẽ nhận thức được chân giá trị của cuộc sống cũng như chân giá trị của con người. Theo thiển ý của tác giả, Albert Einstein, nhà khoa học vĩ đại của thế kỷ thứ XX, đã từng cảm nghiệm về chúng khi ông phát biểu rằng: “giá trị chân chính của một con người chủ yếu được xác định bằng các tiêu chuẩn và ý nghĩa trong đó người ấy đãđạt tới sự giải thoát khỏi cái ngã10.

Có thể nói ra rằng nghệ thuật sống của Phật giáo ngang qua lý tưởng Bồ-tát nói chung, và giáo lý Avalokiteśvara (Quán Thế Âm) nói riêng, đã thực sự hiển bày những đặc tính tương tự. Do thế, rõ ràng đã đến lúc cho giới tín đồ Phật giáo nói riêng và con người nói chung cần chọn lựa cho mình một trong hai cách sống như đã được bàn luận và vạch ra ở trên.

(Nội dung bài viết này trích dẫn một số đoạn trong tác phẩm “Khái niệm về Bồ-tát Quán Thế Âm” của tác giả Viên Trí, xin gửi đến độc giả nhân ngày lễ vía Bồ-tát để chiêm nghiệm về một nếp sống có khả năng tạo ra an lạc và hạnh phúc tự thân và tha nhân).

Chùa Từ Mãn, cuối thu 2022

Thích Viên Trí/Báo Giác Ngộ

--------------------------------------

1 Peter Michel, Krishnamurti: Love and Freedom, Motilal Barnasisdass Publishers, Delhi, 1996, tr.152.

2 Xem thêm “Will Durant, The Story of Philosophy”, Washington Squar Press, 1961 (Reprints), tr.75.

3 Xem “G. Banseladze, Đạo đức học, NXB.Giáo Dục, Hà Nội, Việt Nam, 1979, tr.266-267.

4 Sđd, tr.268.

5 Đại tạng kinh VN, Kinh Tăng chi bộ, tập IV.

6 Erich Fromm, The Art of Loving, Thoons An Imprint of Harper Collins Publishers, London, 1995.

7 G. Banseladze, Đạo đức học, NXB.Giáo Dục, Hà Nội, 1979, tr.268.

8 Erich Fromm, The Art of Loving, Thoons An Imprint of Harper Collins Publishers, London, 1995, tr.vi.

9 Xem G. Banseladze, Đạo đức học, NXB.Giáo Dục, Hà Nội, tr.269.

10 Albert Einstein, Ideas and Opinion, Rupa & Co., London, 1995, tr.12.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng toạ Thích Tĩnh Triệt

Đồng Tháp: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh có tân Trưởng ban sau khi Hoà thượng Thích Chơn Minh viên tịch

GNO - Nguồn tin của Báo Giác Ngộ, ngày 14-11, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ấn ký Quyết định số 444/QĐ-HĐTS bổ nhiệm Thượng tọa Thích Tĩnh Triệt làm Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp.

Thông tin hàng ngày