Quy định về treo cờ Tổ quốc và cờ Phật giáo tại tư gia

Cờ Tổ quốc và cờ Phật giáo - Ảnh minh họa
Cờ Tổ quốc và cờ Phật giáo - Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Nhân mùa Phật đản 2021, xin hỏi về việc treo cờ Tổ quốc và cờ Phật giáo tại tư gia có được không? Nếu được thì treo cờ theo quy chuẩn nào?

GN - Hỏi: Nhân mùa Phật đản 2021, xin hỏi về việc treo cờ Tổ quốc và cờ Phật giáo tại tư gia có được không? Nếu được thì treo cờ theo quy chuẩn nào? Các Phật tử thiết lập vườn Lâm Tỳ Ni và thực hiện nghi thức tắm Phật tại tư gia được không? Nếu chính quyền địa phương hỏi vềtính pháp lý của việc trần thiết, trang hoàng, tổ chức, thực hiện nghi thức tắm Phật tại tư gia thì chúng tôi trưng dẫn văn bản nào? Rút kinh nghiệm thực tế đã từng xảy ra một số nơi, trong trường hợp đại diện chính quyền địa phương nói họ không biết về văn bản pháp lý của GHPGVN thì chúng tôi phải làm sao?

(NGUYỄN KHUYẾN, nguyenkhuyen…@gmail.com; VÔ ƯU, hoavouu…@gmail.com)

Bạn Nguyễn Khuyến và Vô Ưu thân mến!

Căn cứ Thông bạch Về việc tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2565, số 69/TB-HĐTS, do HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ký ngày 1-4-2021, mục III. Hình thức tổ chức Đại lễ Phật đản:

“2. Các chùa, cơ sở tự viện tổ chức bồn tắm Phật truyền thống và khuyến khích các gia đình tôn trí bồn tắm Phật nơi trang nghiêm tại tư gia thực hiện các nghi thức tắm Phật cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình.

3. Treo cờ, phan, phướn, lồng đèn, thiết lập vườn Lâm Tỳ Ni, biểu ngữ Kính mừng Phật đản v.v… tại Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố và cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các cơ sở tự viện của GHPGVN và tại tư gia Phật tử.

Để việc treo cờ được trang nghiêm, cờ Tổ quốc bên tay phải, cờ Phật giáo bên tay trái (từ mặt chính diện trụ sở nhìn ra)”.

Như vậy, các tín đồ Phật tử trên khắp cả nước được thiết lập vườn Lâm Tỳ Ni, treo cờ, đèn, thực hiện các nghi thức tắm Phật tại tư gia cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình. Việc treo cờ, thông bạch đã chỉ rõ, từ mặt chính diện nhà (trụ sở) nhìn ra, cờ Tổ quốc treo bên tay phải, cờ Phật giáo treo bên tay trái.

Nếu chính quyền địa phương (ở một số nơi) hỏi về tính pháp lý của việc trần thiết, trang hoàng, tổ chức, thực hiện nghi thức tắm Phật tại tư gia, Phật tử hãy trưng dẫn Thông bạch Về việc tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2565, số 69/TB-HĐTS.

Trong trường hợp đại diện chính quyền địa phương nói họ không biết về văn bản pháp lý của GHPGVN (cụ thể là Thông bạch 69/TB-HĐTS) thì Phật tử cần ứng xử văn minh với trí tuệ và từ bi trong tinh thần thượng tôn pháp luật:

Căn cứ vào phần Nơi nhận của Thông bạch 69/TB-HĐTS, gồm: Ban Thường trực Hội đồng Trị sự; Ủy ban Trung ương MTTQVN; Ban Dân vận Trung ương; Ban Tôn giáo Chính phủ, Vụ Phật giáo; A02 Bộ Công an; UBND, UBMTTQ, Sở Nội vụ/Ban Tôn giáo các tỉnh/thành phố thì lãnh đạo các ban ngành hữu quan của Chính phủ, các tỉnh/thành phố đều đã nhận Thông bạch 69/TB-HĐTS và đã chỉ đạo các ban ngành trực thuộc tại quận/huyện, phường/xã nhằm hỗ trợ Tăng/Ni/Phật tử tổ chức Đại lễ Phật đản trang nghiêm, đúng pháp luật.

Nếu cán bộ chính quyền địa phương thực sự không biết Thông bạch 69/TB-HĐTS (vì lý do khách quan) thì Phật tử trưng dẫn thông bạch để đôi bên cùng hiểu biết và sẻ chia trên tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc. Tuy nhiên, trường hợp này trong thời đại số hóa và truyền thông đa phương tiện như hiện nay, rất hiếm khi xảy ra.

Trường hợp hy hữu nhất, nếu đại diện chính quyền địa phương khẳng định không biết Thông bạch 69/TB-HĐTS (theo nghĩa không quan tâm và làm khó) thì Phật tử cần xác định tên tuổi, chức vụ của vị ấy (nếu có ghi âm, chụp ảnh thì càng tốt), sau đó phản ánh lên các cấp chính quyền và Giáo hội. Các vị trụ trì tự viện ở cơ sở, sau khi nhận phản ánh của Phật tử cần nhanh chóng xác minh và báo ngay cho Thường trực Ban Trị sự Phật giáo cấp quận/huyện, tỉnh/thành phố cho đến các cấp cao hơn là Văn phòng I và Văn phòng II GHPGVN để kịp thời hỗ trợ và giải quyết.

Ngoài ra, khi gặp những khó khăn liên quan đến việc tổ chức Phật đản tại tư gia, Phật tử ngoài việc trình báo lên Giáo hội các cấp, còn có thể thông tin, phản ánh bằng phương tiện truyền thông cá nhân (Facebook, Zalo… rất phổ biến hiện nay) nhưng phải chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Các cơ quan truyền thông của GHPGVN các cấp cần nhanh chóng phổ biến Thông bạch 69/TB-HĐTS để phổ biến toàn xã hội, đồng thời cập nhật liên tục không khí tổ chức Phật đản, kể cả việc tháo gỡ những khó khăn nếu có, để mọi người cùng hoan hỷ, cầu nguyện Đại lễ Phật đản 2021 thành công tốt đẹp.

Chúc các bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Phát triển bền vững là hành trình của lòng từ bi và sự tỉnh thức

GNO - Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng phải đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng về nhiều mặt như hiện nay, Thiền sư Pomnyun Sunim, một nhà sư Phật giáo nổi tiếng của Hàn Quốc, đã tham gia hội thảo kéo dài 3 ngày tại Bhutan từ ngày 7 đến ngày 9-9-2024.

Thông tin hàng ngày