Hình tượng Naga (vị rắn thần thiêng liêng) là một biểu tượng độc đáo và cổ điển trong văn hóa Thái Lan. Với nguồn gốc sâu xa từ tín ngưỡng văn hóa bản địa, hình tượng rắn thần đã trải qua một hành trình chuyển đổi rất lớn sau khi quy y theo Phật giáo và trở thành nhân vật hộ trì Tam bảo. Chính sự chuyển đổi này đã khiến cho Naga không chỉ mang ý nghĩa phản ánh mối quan hệ sâu sắc giữa con người và thiên nhiên, mà còn là minh chứng cho khả năng hòa quyện và tiếp biến giữa các luồng tín ngưỡng, tạo nên bản sắc văn hóa Phật giáo riêng biệt của Thái Lan ngày nay.
Naga hay rắn thần vừa là một sinh vật của thần thoại, vừa là biểu tượng thiêng liêng của sức mạnh thiên nhiên, quyền năng vượt trội và có mối liên hệ mật thiết với nguồn nước. Có hai luồng ý kiến về nguồn gốc của rắn thần ở Thái Lan. Theo trường phái Ấn Độ hóa (Indianized school), Naga hay rắn thần bắt nguồn từ thần thoại Ấn Độ, nơi loài rắn được coi là chúa tể của đại dương, sống trong lòng đất và sở hữu viên ngọc quý kaewmani trên đầu, biểu tượng của sự thịnh vượng và quyền lực. Trong văn hóa Ấn Độ, Naga là hiện thân của những sức mạnh bảo vệ và quyền uy, thường xuất hiện trong dáng hình nửa người nửa rắn hoặc toàn thân rắn có nhiều đầu (thường là số lẻ) và mang vẻ đẹp huyền bí đặc trưng của loại này.
Tuy nhiên, trường phái tín ngưỡng bản địa (Local school) ở Đông Nam Á lại cho thấy hình ảnh rắn thần đã hiện diện từ thời tiền sử, trước khi chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa và tôn giáo từ Ấn Độ. Từ xa xưa, Naga tồn tại trong những câu chuyện dân gian với hai mặt đối lập: vừa là nơi bảo hộ, ban phước lành và đem đến sự trù phú cho con người, nhưng vừa là thế lực có thể trừng phạt, báo thù khi bị xúc phạm.
Câu chuyện về thành phố Muang Thalom, nơi dân làng giết thịt một con cá chình bạc, hiện thân của Naga, và sau đó phải gánh chịu thảm họa toàn thành bị nhấn chìm dưới nước, là minh chứng cho niềm tin vào sức mạnh của loài rắn thần. Tương tự, truyền thuyết về chuyện tình Phadaeng và Nang Ai đã mô tả về sự giận dữ của Naga khi tình yêu của mình bị chia cắt. Hơn thế nữa, những hoa văn hình rắn quấn quanh hiện vật khảo cổ tại Ban Chiang và Ban Kao (miền Bắc Thái Lan) đã chứng minh rằng con người thời kỳ tiền sử nơi đây đã tôn thờ rắn như một biểu tượng của sự sinh sôi, bảo hộ và uy quyền. Quan trọng hơn nữa, tín ngưỡng thờ thần rắn này, khi gặp gỡ Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào, đã không bị xóa nhòa mà thay vào đó, được hòa quyện và tiếp biến để tạo nên một hình tượng Naga độc đáo và ý nghĩa của Phật giáo Thái Lan.
Có thể nói một trong những điểm đặc sắc nhất về hình tượng của rắn thần trong văn hóa Thái Lan hiện nay là sự chuyển đổi sâu sắc về vai trò và ý nghĩa sau khi quy y Phật giáo. Bởi trước đó, Naga mang đặc điểm của một vị thần tự nhiên: mạnh mẽ, bí hiểm và đôi khi đáng sợ. Naga là chúa tể của sông nước, có thể thay đổi hình dạng để bảo vệ hay làm hại loài người. Nhưng sau khi quy y Phật giáo, Naga trở thành người hộ trì Tam bảo trong Phật giáo Nam tông của Thái Lan và thường được tôn kính trong các câu chuyện của Phật giáo.
Một trong những câu chuyện nổi tiếng về Naga trong Phật giáo là tích Muccalinda, vua của loài rắn. Khi Đức Phật vừa đạt giác ngộ, Ngài đã hành thiền dưới gốc cây Bồ-đề. Lúc ấy, mưa bão liên tục ập đến, và vua Naga Muccalinda đã dùng thân mình quấn quanh Ngài, đồng thời trải rộng chiếc mang khổng lồ để che chở Ngài khỏi mưa gió. Hành động này không chỉ là biểu hiện của lòng tôn kính mà còn tượng trưng cho sự chuyển đổi của Naga: từ một vị thần tự nhiên sang người bảo hộ Phật pháp. Sự chuyển đổi này không làm mất đi những đặc điểm huyền thoại ban đầu của Naga, mà hơn thế nữa, tái định nghĩa về vai trò của loài rắn thần trong bối cảnh Phật giáo. Naga không chỉ bảo vệ Đức Phật mà còn là biểu tượng của lòng trung thành và sự bảo hộ đối với những giá trị cao cả.
Trong Phật giáo, khi đã hoàn toàn từ bỏ bản tính hung bạo, Naga trở thành người hộ trì Tam bảo và giúp các vị tu sĩ vượt qua khó khăn. Naga được xem là cầu nối giữa trời và đất. Khi trở về từ cõi trời Tuṣita, Đức Phật đã đi trên chiếc thang được tạo bởi thân của Naga. Hơn thế nữa, Naga còn cố gắng tích lũy công đức như hoàng tử Bhuridatta, con của Vua rắn trong Jataka. Hoàng tử vì muốn thoát khỏi hình dạng thân rắn mà vâng giữ Bát quan trai giới một cách nghiêm ngặt, thể hiện sự giác ngộ và lòng quyết tâm vượt lên bản năng tự nhiên của chính mình.
Trong Phật giáo Thái Lan, hình ảnh Naga không chỉ xuất hiện trong các truyền thuyết mà còn hiện diện rõ nét trong nghệ thuật và kiến trúc chùa chiền. Hình tượng Pang Nak Prok, miêu tả Đức Phật ngồi thiền trên mình Naga với chiếc mào che chở, là biểu tượng quen thuộc trong các ngôi chùa thời kỳ Dvaravati và Khmer. Các bức phù điêu tại Wat Phật giáo hay các họa tiết Naga trên cầu thang, mái chùa ở Thái Lan không chỉ mang ý nghĩa trang trí mà còn tượng trưng cho sự bảo hộ và con đường dẫn dắt đến giác ngộ.
Hơn thế nữa, Naga còn gắn bó mật thiết với dòng sông Mekong – huyết mạch của vùng Đông Bắc Thái Lan. Nhiều truyền thuyết kể rằng Naga chính là người tạo ra dòng sông này, hoặc là người bảo vệ các vùng đất ven sông. Tại Nong Khai, những truyền thuyết về Naga không chỉ xuất hiện trong văn học mà còn được tôn vinh qua các nghi lễ lớn, như lễ hội Bun Bang Fai, nơi người dân cầu mưa và mùa màng bội thu thông qua sự kết nối với Naga.
Sự chuyển hóa của Naga từ tín ngưỡng bản địa sang Phật giáo không chỉ phản ánh sự thay đổi vai trò của một biểu tượng mà còn thể hiện cách văn hóa Thái Lan dung hòa giữa truyền thống và yếu tố du nhập. Naga không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn là một phần không thể thiếu của đời sống văn hóa và tâm linh người Thái. Từ một vị thần rắn quyền uy trong tín ngưỡng bản địa đến người bảo vệ Tam bảo trong Phật giáo, Naga đã trở thành biểu tượng đặc trưng của văn hóa Thái Lan, một biểu tượng vừa mang tính thần thoại, vừa thấm đẫm ý nghĩa tâm linh trong Phật giáo.