Rất Việt Nam...

… Tu theo một tôn giáo nào đó, như đạo Phật, song song với việc thờ cúng tổ tiên, là một tính chất rất Việt Nam. Tu tại gia, tu tâm dưỡng tánh theo những giá trị đạo đức nên theo của nhà Phật là tự mài dũa con người trần tục của mình cho bớt cái xấu thêm cái tốt. Thờ cha mẹ ông bà tổ tiên người thân là tự giữ cho mình một sợi dây tình cảm nối kết gia đình, gia tộc bền vững, tự an ủi, tự tin trong cuộc đời...

Đến một tuổi nào đó, dù muốn dù không, con người bắt đầu suy nghĩ về cái chết. Những tai nạn trong gia đình, ông, bà, cha, mẹ lần lượt quá vãng, bạn bè cũng vắng bóng vĩnh viễn một số người… Những ấn tượng sâu đậm ấy gây ra một số phản ứng khác biệt và trái ngược. Người thì sợ, không muốn nói tới, tảng lờ, làm thinh. Người thì tỉ mỉ làm di chúc chia của cải, đồng thời căn dặn mọi ý muốn về tang lễ của chính mình. Tựu chung, cái ao ước ngầm dưới mặt sóng nổi là đa số, nếu không muốn nói một cách tuyệt đối, là ai cũng muốn mình sống mãi với trời đất, trên quả đất. Cực chẳng đã, phải nghĩ đến phương cách “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng“. Tiếng tăm để lại trên trần thế cũng là một ao ước, một cách tiếp nối vĩnh cửu “cái tôi" của mình. Trăm năm sau, ngàn năm sau, người hậu sinh còn nhắc đến tên mình, làm cho mình vừa hãnh diện, vừa nghĩ rằng “mình vẫn sống lâu dài đấy chứ!". Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo… những tên tuổi bất tử, nếu các đời sau còn được học Nguyễn Du là ai, Trần Hưng Đạo là ai. Bởi thế, muốn để lại tăm tiếng cũng không phải là một việc muốn là được.

Người Âu châu có một văn hóa tôn trọng cổ nhân khác với người Á châu. Họ rất tôn trọng nơi yên nghỉ của người chết. Các nghĩa địa thường được chăm sóc rất sạch sẽ, không có cỏ dại, các gia đình thường đem hoa đến viếng mộ, mặc niệm, hay “nói chuyện“ ra tiếng với người nằm trong mộ, nhất là các ngày lễ đặc biệt như lễ Toussaint  ở  Pháp, Allerheiligen,  Buß-und  Bettag,  Totensonntag,  eolkstrauertag  ở Đức. Một cách tôn trọng cổ nhân nữa của người Âu châu là cách đặt tên cho trẻ mới ra đời. Con gái thường mang tên bà ngoại, bà nội, mẹ đẻ, mẹ đỡ đầu, con trai thường mang tên ông ngoại, ông nội, cha đẻ hay cha đỡ đầu. Như thế, các thế hệ đi trước vẫn “tồn tại“ qua các thế hệ nối tiếp theo sau. Mỗi khi sum họp gia đình, người Âu châu thường kể lại nguồn gốc xuất xứ của ông bà, cha mẹ, tính tình đặc biệt…. của từng người cho con cháu nghe. Họ cũng rất thích lập gia phả (Génnéalogie), đi ngược dòng thời gian, để tìm cội nguồn xa xưa nhất.

Rất Việt Nam... ảnh 1

Các tăng ni, phật tử trong ngày Phật đản 


Tâm tình người Việt Nam đặc biệt ở chỗ có cái ưu tư, ai sẽ thắp hương cho mình, cầu nguyện cho mình mỗi khi đến ngày giỗ chạp. Ngày tử lại quan trọng hơn ngày sinh, vì người Việt Nam không có truyền thống “ăn“ sinh nhật mỗi năm từ thuở mới lọt lòng cho đến lúc chết như người Âu châu. Có ăn sinh nhật thì vui, không có thì thôi, chẳng sao. Các tổ chức mừng sinh nhật cho người lớn, mừng thọ lên lão 60, 70, 80, 90…thường diễn ra ở thành thị, bởi tầng lớp trung lưu, đại gia giầu có. Nhưng hễ chết rồi, mà không ai thắp một nén hương cho mình thì tủi thân, tủi linh hồn mình lắm. Nhiều nhà nghiên cứu vẫn không xác định được tục lệ thờ cúng người qua đời, thờ cúng tổ tiên, họ tộc của dân Việt có từ bao giờ, chỉ biết là có từ lâu lắm lắm.

Thật thế, việc lập bàn thờ trong nhà là một việc hết sức tự nhiên, không cần đặt câu hỏi lôi thôi. Sau khi làm tang lễ xong xuôi cho má tôi, thày trụ trì chùa bảo tôi: “Cô lấy đem theo một nắm đất chỗ mộ má cô và vài chân nhang qua bên ấy". Khi tôi qua hải quan phi trường, máy báo động reo inh ỏi, chớp đèn đỏ nhay nháy. Trong túi xách tay đầy nhóc, nào là bát nhang, chân đèn đồng, nắm đất, gói gạo, nhang gói, nhang vòng, trầm hương, đồ mã… lỉnh kỉnh. Nhân viên hải quan vẫy tay cho qua ngay, khi tôi nói, đây là các thứ đem đi để lập bàn thờ má tôi, vừa mới qua đời.

Chính ra, tục lệ thờ cúng tổ tiên không thuận với giáo lý hiện tại của đạo Phật, thực hành ở Việt Nam. Đạo Phật, du nhập trực tiếp từ Ấn Độ vào Việt Nam từ rất sớm, khoảng đầu Công nguyên. Theo các nhà nghiên cứu sử học và Phật học thì công việc truyền bá theo dòng thời gian lịch sử đã để lại dấu ấn qua nhiều tông phái, có màu sắc khác nhau(*). Một trong những cái nôi đầu tiên của Phật giáo tại Việt Nam là Luy Lâu (nay là quận Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc). Các vua nhà Lý và nhà Trần đã góp phần phát triển đạo Phật ở Việt Nam rất nhiều. Cao điểm Phật giáo hưng thịnh dưới thời nhà Trần, nhưng qua đến thời nhà Hậu Lê thì bắt đầu suy. Kể từ thời nhà Hậu Lê thông suốt qua tất cả các đời vua nhà Nguyễn, Khổng giáo (Nho giáo) rất
được trọng dụng, để lại ảnh hưởng rất sâu đậm trong xã hội Việt Nam. Tục lệ thờ cúng tổ tiên cũng nhuốm mùi Nho giáo, chỉ có con trai trưởng, cháu đích tôn (nam) mới được giao nhiệm vụ giữ gìn hương hỏa thờ cúng tổ tiên. Chị em gái, và các em khác đến ngày giỗ phải về cúng giỗ, và được coi như “khách“. Con gái tự ý lập bàn thờ cha mẹ ruột của mình trong nhà ở chung với chồng, hay trong gia đình chồng là một việc không phải bình thường. Ở hải ngoại thì lại khác, phụ nữ Việt Nam sống tự do hơn, bình đẳng hơn, tự lập bàn thờ cha mẹ, không kể mình chỉ là “con gái", trưởng nữ hay thứ nữ cũng không lấy làm quan trọng, hay bị người khác cho xuống cấp là “thờ vọng". Có sao đâu.

Đạo Phật, dù Đại Thừa hay Tiểu Thừa, dẫn giải về cái chết giống nhau, nói nôm na là cát bụi trở về với cát bụi, điều quan trọng nhất là hương linh được giải thoát vĩnh viễn, không trở lại đầu thai nữa trên trần thế, dù dưới bất cứ một dạng gì, cây cỏ hoa lá súc vật chim muông hay trở lại kiếp người để trả nợ trần gian, như Đức Phật, vừa mới sinh ra, một tay chỉ trời một tay chỉ đất, đã xác nhận, kiếp này là kiếp đầu thai trần thế cuối cùng. Hiện nay, các thầy thuyết giảng, có khuynh hướng khuyên nên theo phương cách hỏa táng, xóa bỏ mọi dấu vết vật chất, vật dụng, thay đổi cách bài trí nội thất… của người đã qua đời để hương linh không còn chỗ nào trở về quyến luyến vương vấn nữa. Kể cả bình tro cũng không nên để ở nhà, mà nên gởi
trong chùa, hàng ngày được cầu nguyện nhang khói cho mau siêu thoát. Nhiều người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, cũng muốn khi chết được hỏa táng, để đem tro về Việt Nam gởi chùa.

Khuynh hướng hỏa táng ngày càng được thực hiện nhiều hơn tại Âu châu, nhưng chỉ hoàn toàn vì lý do kinh tế thực nghiệm. Phí tổn chôn cất trong nghĩa địa, công việc chăm sóc mồ mả lâu dài trở nên quá tốn kém, đòi hỏi con cháu thêm công thêm việc, nên đốt cháy hết, cho vào một cái hũ, thế là xong, ít tốn kém hơn, gọn nhẹ. Vừa mới chứng kiến một tang lễ hỏa táng của một người thân bên gia đình chồng, tôi rất bàng hoàng. Mới hôm qua đó, hôm nay đã chỉ còn một nắm tro. Người ấy biến mất đột ngột hoàn toàn khỏi thế giới mà tôi đang sống. Nỗi nhớ, nỗi suy tư về người qua đời không biết để nơi đâu. Phải chi có một cái mộ, mình biết người đang nằm đấy trong lòng đất, đem hương hoa đến viếng, đỡ buồn hơn. Từ khi má tôi qua đời, năm nào không về Việt Nam được để viếng mộ má, lòng tôi lấn bấn không yên. Nhưng, chôn cất như thế nào, ở đâu, thật ra cũng tùy thuộc theo từng hoàn cảnh, từng ước nguyện riêng biệt.

Khác với sự tách ly tuyệt đối giữa sống và chết, giữa Trần tục, Địa ngục và Niết bàn trong quan niệm Phật giáo, tục lệ thờ cúng tổ tiên là sự tiếp tục nối kết sợi dây tình cảm vô hình giữa người sống đối với người chết. Các hành động như lập bàn thờ chỗ người qua đời ưa thích trong nhà, gần cửa sổ, trong phòng ở cũ thường cắm một bó hoa ưa thích trên bàn thờ, trên mộ… chẳng hạn, gìn giữ kỹ lưỡng các vật tùy thân của người qua đời, một đôi mắt kính cũ, một cái lược, một cuốn Kiều có bút tích người thân… đều trở thành bảo vật gia đình. Người Âu châu cũng thế, họ truyền từ đời này sang đời khác những hiện vật của tổ tiên dòng họ, từng cái bàn, cái ghế, cái giường, cuốn kinh sách bọc da, một tấm ảnh…., mọi thứ đều rất được trân trọng.

Hay, làm mâm cơm cúng, những món ăn ưa thích của người xưa, mời ông bà cha mẹ về “ăn“. Có việc gì khó khăn thì thắp hương khấn xin phù hộ giúp đỡ. Có việc gì đau khổ thì chú tâm nghĩ đến người qua đời xin cho bớt khổ đau… Đi thăm mộ ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết… thì đốt vàng mã, cắm hoa, thắp nến, đốt hương... Đêm Giao thừa Ba mươi Tết rước ông bà tổ tiên về “ăn“ Tết với gia đình, vài ngày sau Tết lại dâng cơm cúng tiễn ông bà tổ tiên đi. Đêm về, đôi khi được báo mộng. Thỉnh thoảng có linh cảm việc này việc nọ…Tất cả những sự kiện ấy đều là những việc gìn giữ nối kết, hương linh vẫn ngự trị trong gia đình, có nhiệm vụ bảo vệ an bình, đem lại may mắn hạnh phúc, cứu giúp khổ nạn của con cháu… , nhưng hương linh có đi đầu thai hay siêu thoát được hay không, thì không ai biết. Việc gìn giữ nối kết vô hình với hương linh mạnh nhất thường có giữa người cùng thế hệ, hay hai thế hệ nối tiếp như cha-mẹ-con, ông-bà-cháu, vợ chồng, anh em, người thân thiết.

Gần đây, những sự kiện thuộc về tình cảm, tâm hồn kết nối giữa người còn sống và người đã chết, giữa cõi dương và cõi âm, được diễn tả trên các báo chí… tại Việt Nam bằng một vài khái niệm, đối với tôi còn là rất mới mẻ, đó là các từ ngữ ”tâm linh", “ngoại cảm", hay những hình thức gọi vong hồn tập thể… chẳng hạn. Tôi biết đến hình thức gọi hồn qua ông đồng bà bóng từ khi tôi còn nhỏ xíu, vì có dịp đi theo vài lần. Thưở nhỏ, thấy gọi hồn là sợ lắm. Nhưng hồn không hại gì ai, chỉ báo trước là người gọi hồn sẽ gặp xui xẻo hay gặp hên, gặp vận may thôi.

Người Âu châu, trong ý định khoa học hóa tất cả mọi sự kiện tâm hồn, tình cảm, quan hệ của con người qua Tâm lý học (Psychologie) và Bệnh lý Tâm thần học (Psychiastrie, Psychanlalyse), khó có thể hiểu được nét đa dạng trong tục lệ thờ cúng tổ tiên, và sự gìn giữ nối kết giữa hai thế giới vô hình và thực tại của người Việt. Các nhà nghiên cứu tranh cãi gọi thế nào cho đúng tục lệ, phong tục, hay “đạo" (trong ý nghĩa là “đường"), cũng như hệ thống hóa các “ích lợi" như: tính chất giáo dục cho đời sau, thực hành chữ “hiếu" theo quan điểm Nho giáo, thể hiện suy nghĩ chính trị dân chủ, yêu gia đình, yêu tổ quốc.v.v... Trong khuôn khổ bài này tôi xin miễn nói về sự kiện thờ thần làng, hay thờ các vị anh hùng liệt nữ của dân tộc, thoát ra khỏi vòng tình cảm gia đình, mang một tính chất xã hội, chính trị rộng lớn hơn.

Điều chắc chắn là tục lệ thờ cúng tổ tiên và những sự kiện chung quanh đó không mang tính chất căn bản của một tôn giáo (có tổ chức hệ thống trật tự hành chính từ trên xuống dưới, có học giáo lý kinh sách, học đọc kinh cầu nguyện, nghe giảng đạo, có giáo sĩ đi truyền đạo khắp nơi, có quy luật hành lễ nghiêm túc phải tuân theo, các giáo sĩ có quyền từ chối không nhận người xin vào đạo, việc xin vào đạo phải tuân theo những điều kiện, những quy tắc nhất định…), mà chỉ là một quyết định cá nhân đơn phương, tự nguyện, tự giác, tự do, cha mẹ ông bà mình thì mình thờ, bàn thờ nhỏ hay bàn thờ lớn, đồ vật thờ cúng bằng đồng hay bằng sứ, sơn son thếp vàng hay không, bao nhiêu bát hương, bao nhiêu hình ảnh to nhỏ…, nhất là không cần ai dạy ai, nhà nào cũng có bàn thờ cha mẹ tổ tiên. Tôi biết có người, không có bàn thờ, trong ví tiền thì có giấy tờ cá nhân và một tấm ảnh cũ sờn, lúc nào cũng kè kè theo người, một tài sản duy nhất. Đó cũng là một cách thờ.

Một khi đã đặt bàn thờ nơi nào rồi, khi dời chi, đổi hướng…đều phải suy nghĩ  kỹ lưỡng. Nhà giàu thì có phòng thờ riêng, chỉ có bàn thờ, không được sử dụng làm nơi ở. Nhà nghèo thì bàn thờ ngự ngay trong gian chính, đặt dựa tường, nhìn ra ánh sáng, nhìn qua cửa ra vào là nhìn thẳng vào bàn thờ, tất cả mọi người, ăn, ngủ, làm việc…lăn lóc ngay trước bàn thờ. Bàn thờ Phật chỉ có trong gia đình những người sùng kính đạo, và phải là một bàn thờ riêng biệt. Phật không ngồi chung với tổ tiên. Tuy thế, khi chật chỗ, thì người ta làm bàn thờ thành từng lớp, Phật ngồi trên, tổ tiên cha mẹ ngồi dưới. Cúng Phật hay cúng cha mẹ tổ tiên một công hai việc cho tiện.

Phong cách thờ cúng như thế nào cũng hoàn toàn tự do, tuy rằng có khuynh hướng muốn áp đặt một cách bày biện bàn thờ, một cách cúng theo khuôn khổ, theo lớp lang bài vở, gọi là “có truyền thống". Nhưng như thế thì lại đi vào một hình thức bó buộc, màu mè, phô trương vô ích. Tưởng niệm, cầu nguyện người thân phải tự chính lòng thành của mình thoát ra. Một cành hoa đem về, một quả táo mới hái, một nhánh lúa mới lên ngoài đồng, một ly nước mát... hay chỉ một nén hương... Nếu hình thức lấn át nội dung thì người ta lại tự tạo một cái vỏ giả tạo, không thực tâm.

Tại Paris thủ đô hoa lệ, tôi đến thăm nhà một bác người Việt quen. Bác rất hiền, rất tần tảo làm lụng và rất thương con. Đó chỉ là một căn phòng duy nhất, tối tăm, chỉ có một cửa sổ phía không có nắng, và một phòng vệ sinh nhỏ có vòi nước tắm đằng sau phòng. Trong phòng chỉ có một cái giường tầng cho hai mẹ con, một cái ti-vi cũ kỹ đặt trong góc, một cái bàn nhỏ, hai chiếc ghế đẩu xếp chồng lên nhau. Rất chật hẹp, nghèo nàn. Khách được mời nằm túi ngủ trên sàn nhà. Ban đêm, những con dán thật to chui ra từ cống rãnh bò phơ phới trên đầu trên tóc người nằm ngủ, còn chuột chạy qua chạy lại dưới chân kêu chí chóe. Trên cái ti-vi, một diện tích nhỏ xíu, là bàn thờ, có tượng Phật, bát nhang, chân đèn, một khung hình, tất cả đều nhỏ xíu, nhưng giăng đèn kết hoa, ánh sáng xanh đỏ chớp chớp liên tục, suốt ngày suốt đêm.

Hai việc khác nhau, đi chung với nhau, tu theo một tôn giáo nào đó, như đạo Phật, song song với việc thờ cúng tổ tiên, là một tính chất rất Việt Nam. Tu tại gia, tu tâm dưỡng tánh theo những giá trị đạo đức nên theo của nhà Phật là tự mài dũa con người trần tục của mình cho bớt cái xấu thêm cái tốt; thờ cha mẹ ông bà tổ tiên người thân là tự giữ cho mình một sợi dây tình cảm nối kết gia đình, gia tộc bền vững, tự an ủi, tự tin trong cuộc đời. Người Âu châu, thấy tính cách Việt Nam sống có tình nghĩa, có hậu, có nhân đức, thì họ phục.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày