GNO - Sau khi dùng cơm tối xong, trước khi lên lầu nghỉ ngơi, ông xã tôi giúp vợ dọn dẹp sạch sẽ bàn ăn, phần tôi là cái bếp và chậu chén bát cùng nồi niêu xoong chảo. Tôi mang đôi bao tay bước vào bếp mạnh mẽ như một hiệp sĩ.
Đứng trước chậu chén bát tôi nghĩ: mình thử thực tập rửa chén trong chánh niệm như thầy Nhất Hạnh đã dạy xem sao. Thế là từng cái chén từng đôi đũa được bàn tay “chánh niệm” của tôi kỹ lưỡng rửa qua xà bông từ trong ra ngoài rồi để sang một bên và cứ đều đặn như thế.
Mẹ giặt đồ bằng tay không - Ảnh minh họa từ internet
Nhìn đôi bàn tay của mình ngụp lặn trong đám xà phòng tôi chợt nghĩ: những phụ nữ nội trợ Việt Nam mình mấy năm gần đây mới có thói quen dùng bao tay khi làm công việc nhà, như là chùi bếp, rửa chén, giặt đồ, chà rửa phòng vệ sinh...vv. Mấy mươi năm trước những người vợ người mẹ hàng ngày vẫn lao động với đôi tay không, đôi bàn tay cứ phải liên tục ngâm trong nước và chất tẩy.
Dòng suy nghĩ làm tôi nhớ lúc trẻ thơ tôi sống cùng Ba Mẹ và 6 chị em. Cả gia đình là 8 nhân khẩu, các chị em tôi chỉ xê xích nhau 2-3 tuổi nên đều là một đám con nít và ở tuổi đi học, còn Ba tôi đi làm thợ máy một công việc rất nặng nhọc. Thế nên Mẹ tôi phải giặt hơn một chục bộ đồ mỗi ngày, tất nhiên Mẹ giặt bằng tay và không có bao tay.
Hình ảnh Mẹ mỗi sáng sớm ngồi cặm cụi bên đống đồ giặt nhiều như cái núi, đôi tay nhỏ nhắn của Mẹ thì ngụp lặn trong thau nước xà phòng đen thui vò vò lúc nhẹ tay lúc mạnh tay rồi có lúc phải dùng bàn chải chà mạnh, thỉnh thoảng phát hiện ra những chỗ rách và những chỗ dơ giặt không ra. Tôi nhớ rõ lắm gương mặt Mẹ tôi lúc ấy ánh lên niềm vui chứ không nặng nề bực bội mặc dù còn cả trăm công việc sau lưng.
Tháng ngày cứ trôi qua như thế, thành mấy mươi năm, mấy mươi năm Mẹ giặt đồ bằng tay không ngâm trong nước tẩy, rồi bây giờ chỉ ngoài 50 mà sức khoẻ của Mẹ tôi đã yếu đi nhiều. Mẹ nói vì lúc sanh đẻ còn non ngày tháng mà Mẹ phải dậy làm việc nhà, thân thể vọc nước sớm quá.
Bây giờ tôi mới nhận ra, chỉ một hành động giặt đồ của Mẹ mình thôi, mình trả hiếu một đời cũng không hết, tôi thấy thương Mẹ vô cùng, cổ họng tôi nghẹn lại nước mắt lăn dài trên má.
Không biết tôi có thực tập được “rửa chén trong chánh niệm tỉnh giác” hay chưa, nhưng giờ phút này trong an tĩnh lao tác, tôi lại thấy ra một điều mà một người con ba mươi mấy tuổi - ngỡ đã trưởng thành tới bây giờ mới nhận ra một góc nhỏ công ơn sinh thành của cha mẹ.
Mẹ tôi chiếc bóng lặng thầm,
Cha tôi đấu cật nuôi con tháng ngày
Thế gian này có tình yêu nào thiêng liêng hơn?!
Thường Duy
Niềm vui Vu lan Ba Mẹ kính yêu của con! Tháng 7 về mang theo những trận mưa ngâu rả rích, cuốn những chiếc lá vàng lác đác rơi. Không còn cái nắng oi bức hay cơn mưa rào đầu hạ. Thiên nhiên đất trời đang chuyển mình bước vào thu. Và lòng những người con trên khắp thế gian này cũng đang rộn rã , háo hức hướng về một mùa lễ thật đặc biệt - mùa Vu lan báo hiếu. Đây là dịp mà tất cả những người con thể hiện lòng tri ân và báo ân đối với hai đấng sinh thành. Hoa hồng yêu thương cho con biết mình còn có ba, có mẹ... Một mùa Vu lan nữa lại về, lại một lần nữa con sống xa Ba Mẹ, không thể trực tiếp nói lời yêu thương tự trái tim mình, con chọn cách lên chùa lễ Phật, hầu mong nương theo oai lực của chư Tăng, tụng kinh Vu lan , cầu mong cho Ba Mẹ được tăng long phước thọ và an vui trong cuộc sống. Con chờ đợi ngày này đã lâu lắm rồi và háo hức, thầm mong có một mùa Vu lan thật trọn vẹn. Mùa Vu lan, những ký ức ngày xưa như một cuốn phim quay chậm chợt hiện về trong tâm trí của con. Có hình ảnh của Mẹ lao vút trong những ngày mưa, oằn mình những ngày nắng , chở con đi trên tấm thân gầy với hành trang kiến thức đầu đời. Có hình ảnh của Ba lặn lội cõng con đi khám bệnh mặc ngày giông bão, lũ lụt. Có hình ảnh của Mẹ ăn ít cơm đi nhường phần cho con những khi có thức ăn ngon. Có hình ảnh của Ba nhường chăn cho con , chăm con như một đứa trẻ lên 3 những ngày trọ thi Đại học. Có hình ảnh mắt Mẹ quầng thâm, trằn trọc đêm khuya, lặng lẽ chườm khăn, lấy thuốc cho con mỗi khi con ngã bệnh. Có hình ảnh của Ba cao lớn mà bình dị, mang đến sự bình an trong tâm hồn khi con bị chẩn đoán đau ruột thừa ở Bệnh viện Trưng Vương. Có hình ảnh mái tóc Mẹ bạc nhiều hơn xanh. Có hình ảnh đôi vai Ba khom gầy theo năm tháng. Có ánh mắt xa xăm dõi theo của Mẹ. Có nụ cười hiền hậu của Ba … Rồi những dòng suy nghĩ chợt đọng lại trên cánh hồng đỏ thắm mà ai đó đã cài lên ngực áo của con “ Một bông hồng cho em , một bông hồng cho anh. Và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn Mẹ”. Con bật khóc nức nở, khóc như chưa bao giờ được khóc. Con khóc cho những lần ngỗ ngược, bướng bỉnh làm Ba Mẹ phải phiền lòng, khóc cho những ngày tháng vô tâm, dửng dưng khi sống trong vòng tay ấm áp của Ba Mẹ. Và hơn thế nữa, Ba Mẹ kính yêu của con, con khóc trong niềm vui sướng tột cùng, hạnh phúc trào dâng, trong niềm tự hào vô biên rằng mình vẫn còn Ba, còn Mẹ - còn hai vị Phật không tòa sen trong cuộc đời này... Kim Chi (panda.kc90@gmail.com) |