Rùa đội hạc trên trống đồng Đông Sơn: Phật giáo thời Văn Lang?

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1243 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1243 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Một chiếc trống đồng Đông Sơn, niên đại thế kỷ II-I trước Tây lịch sưu tầm từ Ninh Bình, trên tang trống xuất hiện hình khắc rùa đội hạc. Đây chính là hình ảnh rùa đội hạc sớm nhất ở nước ta hiện còn lưu giữ được.

Rùa đội hạc gắn liền với một truyền thuyết Phật giáo

Tượng rùa đội hạc xuất hiện tại nhiều chùa, đình, đền cổ ở miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, cặp tượng rùa đội hạc to lớn và tuyệt đẹp vào hàng bậc nhất nước ta là tại chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Ngày nay, ở gian phía bên phải tòa điện Thánh chùa Thầy có đôi hạc được chế tác vào thế kỷ XVIII. Hạc cao 2,4m, thân thon, cổ cao và cong, mỏ dài. Đôi chân hạc đứng thẳng trên lưng rùa, bờm có những dải lông dài xen những dải lông nhỏ tỏa đều ở hai cánh, đau cánh chạm hình rồng.

Rùa thân mập, đầu cổ rụt nhưng ngẩng cao, mai chạm hình lục lăng, bốn chân bám trên mặt bệ. Ngoài ra, gian bên trái tòa điện Thánh của chùa Thầy có 3 con phượng bằng gỗ ở tư thế đứng, niên đại thế kỷ XVIII. Phượng cao 2,3m, đầu ngẩng cao, mỏ quặp, chân thon khỏe. Mao phượng hình mây cuộn, bờm tỉa thành 4 dải tỏa lượn xuống sau gáy. Chân phượng có 4 móng to quặp, đứng trên bệ gỗ được tạc lồi lõm như núi.

Trong văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, cả hạc và rùa đều được cho là hai loài vật có tuổi thọ cao nhất trên thế gian, có thể sống được tới nghìn năm. Theo người xưa, hạc là loài đứng đầu trong họ lông vũ hay còn gọi là đại điểu hoặc nhất phẩm điểu, là loài của vũ trụ, của tầng cao. Hạc còn biểu tượng cho sự thanh đạm, thuần khiết thể hiện cho phẩm chất cao quý, mạnh mẽ đương đầu với khó khăn. Trong cuốn sách Tướng hạc kinh đã gọi chim hạc là “thọ bất khả lượng” tức sống lâu không thể tính hay “hạc thọ thiên tuế” tức hạc sống nghìn năm.

Do đặc thù văn hóa sông nước của người Việt, hình ảnh con rùa đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng và thần thánh hóa trong tâm trí của người Việt. Hình ảnh rùa với cái mai phía trên có hình tròn như bầu trời, phía dưới phẳng như mặt đất, điều này khiến nhiều người tin rằng rùa là một biểu thị của vũ trụ. Rùa thường được mô tả là những sinh vật dễ tính, kiên nhẫn và khôn ngoan. Rùa ăn ít và có khả năng nhịn đói tốt nên được coi là thoát tục. Theo quan điểm của người Việt, rùa có tuổi thọ rất cao và thường được gọi là cụ rùa, thần rùa. Do đó, hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa còn mang ý nghĩa “thọ đội thọ” thể hiện rõ nhất cho khát vọng trường tồn.

Tượng chim hạc ở chùa Thầy (Hà Nội), nửa đầu thế kỷ XIX - Ảnh: C.M.K

Tượng chim hạc ở chùa Thầy (Hà Nội), nửa đầu thế kỷ XIX - Ảnh: C.M.K

Tượng rùa đội hạc ở trong chùa gắn liền với một truyền thuyết Phật giáo về “Sự tích cây phướn”. Xưa kia, một người nông phu nuôi một con rắn, hàng ngày anh chăm chỉ kiếm mồi để nuôi rắn lớn. Một hôm, người nông phu nói với con rắn rằng, hôm nay đói kém nên không thể kiếm ăn cho rắn được. Rắn nghe thế bèn nổi giận và trở mặt, phồng mang, trợn mắt đòi cắn chết anh nông phu. Và rồi anh nông phu nói với rắn hãy đi cùng mình đến gặp một loài vật khác hỏi xem nếu nó đồng ý thì người nông phu sẽ nguyện để rắn ăn thịt. Rắn đồng ý và cả hai đã gặp chim hạc. Anh nông phu kể lại tự sự, hạc nghe xong liền nổi giận cho rắn là phường vong ân bội nghĩa, tội đáng chết. Nhưng rắn không chịu và đòi đi gặp con vật thứ hai. Và rồi cả hai lại gặp con rùa đang nằm ở bên vệ đường. Rùa nghe rắn phân bua, bèn phán và bảo rắn cắn người nông phu chết cho rồi bởi tại sao nuôi rồi còn để cho mi đói.

Sau đó trên đường đi, cả hai gặp con quạ. Nghe xong cớ sự, quạ nổi giận bèn từ trên cành cao nhào xuống mổ con rắn chết ngay tức khắc. Nhưng hồn con rắn không vừa, bèn bay lơ lửng, vẩn vơ tìm Đức Như Lai để nhờ phân xử. Đức Phật nghe rõ đầu đuôi câu chuyện rồi phán rằng: “Hạc là loài có nghĩa, từ nay được đứng trên cao. Rùa ăn nói vô lý, từ nay cho nó bò dưới thấp. Rắn là loài vô ơn nên bị quạ giết là đáng”. Quạ bèn tha xác rắn lên ngọn cây cho muôn loài soi gương mà ăn ở cho có nhân đức, đừng vô ơn phản phúc. Từ đó hạc đứng chầu trên cao. Rùa đội chân hạc. Quạ đậu trên cột phướn và lá phướn treo trước chùa chính là hiện thân xác rắn đang phơi mình cho mỗi người khi trông vào đó mà tự răn lấy mình.

Rùa đội hạc trên tang trống đồng Đông Sơn

Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện trưng bày nhiều trống đồng Đông Sơn, đặc biệt có trống đồng xuất hiện hình khắc rùa đội hạc. Trống đồng này có niên đại tạo tác thế kỷ II-I trước Tây lịch, sưu tầm tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Trên tang trống nổi rõ hình khắc hai con rùa, trên lưng rùa cõng con chim. Rùa phía trái cõng một con chim to lớn được khắc cách điệu, hình thái rất giống chim hạc hoặc chim công, với đuôi dài và rộng, hai cánh dang rộng, đầu và mỏ ngửa thẳng lên trời trong tư thế đang múa. Rùa ở hình bên phải cũng kích thước tương tự, nhưng cõng hình chim nhỏ hơn, có vẻ như chim non chưa trưởng thành.

Theo một số nhà nghiên cứu, có thể người thời Văn Lang, khi nhìn thấy hình ảnh những con chim nước đứng trên lưng rùa để bắt cá dưới đầm lầy, bèn khắc hình ảnh này vào trống đồng. Tuy vậy, hình ảnh chim hạc đang múa trên lưng rùa lại không thể hiện hoạt động bắt cá thông thường, mà mang tính tượng hình nghệ thuật cao, thể hiện tư tưởng khoáng đạt của thiên nhiên, mang tính triết lý của nhà Phật. Từ hình ảnh này, có thể thêm một minh chứng cho thấy Phật giáo đã xuất hiện và ảnh hưởng đến hội họa điêu khắc nói riêng, văn hóa nói chung ở nước ta ngay từ thời Nhà nước Văn Lang - thế kỷ thứ V đến thế kỷ II trước Tây lịch.

Theo TS.Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, chim là động vật thấy xuất hiện nhiều nhất trong nghệ thuật Đông Sơn. Thoạt đầu, do tài liệu khảo cổ học phát hiện chưa nhiều, có học giả đã dùng tên “Chim Lạc” ám chỉ những chim mỏ dài, chân dài dạng cò bay trên hầu hết các trống đồng như một động vật “tô-tem” của cư dân Đông Sơn. Sau này, khoa học phát hiện thêm nhiều loại chim nước chân dài mỏ ngắn không bay khác nữa.

“Theo trật tự thống kê từ gần một ngàn tiêu bản tôi đã gom được, ta sẽ thấy ưu thế tuyệt đối thuộc về các loài chim gắn với lối sống ăn bắt thủy sinh ở các thủy vực đầm lầy ven sông, biển với đặc trưng cổ dài, mỏ cả ngắn lẫn dài và chân cao. Chúng được nghệ nhân Đông Sơn đặc tả khiến người xem rất dễ nhận ra như các loài cò, bồ nông, cốc”, TS.Nguyễn Việt chia sẻ.

Tiến sĩ Việt cho rằng: Theo trật tự bố cục lấy mặt trời làm tâm thì các băng trang trí chim bay trên trống đồng đại diện cho phía Trời. Sát ngay bên dưới là thế giới Người và dưới nữa là thế giới Thú. Khi đồ đồng Đông Sơn gắn với tộc Âu Lạc được phát hiện nhiều ở vùng miền núi trải từ trung và thượng nguồn sông Hồng đến vùng núi miền Tây Thanh - Nghệ, chúng tôi nhận thấy sự gia tăng của loài chim chân cao mỏ ngắn đuôi rậm.

Loài chim này khá giống chim cốc bắt cá ven sông và thảng hoặc hóa công với bộ đuôi có vòng lửa. Chúng thường đậu cả trên mái các nhà sàn nghi lễ trên mặt trống đồng và đứng xen kẽ giữa các thuyền trên tang trống hay thân thạp. Nhiều bằng chứng cho thấy có sự chuyển hóa chúng thành loài công, phượng ở giai đoạn sau. Đặc biệt, sự xuất hiện và thể hiện chim công trong nghệ thuật và thế giới tâm linh của cư dân Đông Sơn là sự thắng thế của một khuynh hướng giành chiếm vị trí cao nhất của một loài chim trong thế giới tâm linh Đông Sơn đa dạng và nhiều biến động.

Đề cập về rùa, ông Việt cho hay, số lượng rùa trong trang trí Đông Sơn cũng rất nhiều. Chúng xuất hiện bên dưới các mái chèo lái của các con thuyền trên thạp đồng và tang trống đồng. Chúng cũng được dùng trang trí trên các ngọn giáo, lưỡi rìu và giáp trụ của chiến binh Đông Sơn như vị thần hộ mệnh cho họ.

Hầu hết biểu tượng rùa Đông Sơn đều gần với mặt trời khi nghệ nhân thường dùng một vành tròn có trang trí để thể hiện mai rùa, còn lại là bốn chân và cái đầu đặc tả. Điều này cũng tương đồng với truyền thuyết đương thời, An Dương Vương xây thành thì rùa thần cho móng để giúp ông chế lẫy nỏ liên châu… “Không còn nghi ngờ nữa, với hình tượng rùa biểu trưng lòng kính trọng của nghệ nhân Đông Sơn thì rùa nước (giải) đã gia nhập các loài Thú thiêng trong tâm linh Đông Sơn. Khi “tứ linh” du nhập vào thế giới Đông Sơn (khoảng thế kỷ I trước Tây lịch) thì hình tượng Rùa vàng (Kim quy) luôn cặp đôi với Chim công (Khổng tước) trên trục Bắc Nam, bên cạnh Thanh long, Bạch hổ trên trục Đông Tây. Thực tế truyền thống đó có vẻ đã sớm có từ trước trong tâm thức Đông Sơn rồi”, TS.Nguyễn Việt nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Thiện Thông thăm hỏi, động viên bà con có hoàn cảnh khó khăn TP.Trà Vinh

Chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu) trao quà tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre

GNO - Sáng 23-11, đoàn từ thiện chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Thượng tọa Thích Thiện Thông, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Liên Trì làm trưởng đoàn đã đến trao quà đến trẻ em và người già neo đơn tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre.
Chùa Thầy (Hà Nội)

Mái chùa che chở hồn dân tộc

NSGN - Bài thơ Nhớ chùa là một tác phẩm bất hủ của thơ ca Phật giáo Việt Nam. Bài thơ này đi vào lòng người mến đạo một cách dịu dàng và nồng ấm như câu ca dao của mẹ, tự nhiên và nhẹ nhàng như hơi thở, bình yên và trong sáng như một mảnh trăng chiều...

Thông tin hàng ngày