Những ngày đầu năm Canh Dần, đi chùa lễ Phật cầu may là một phong tục đẹp khá phổ biến ở các nước châu Á. Tuy nhiên, đến với Malaysia, ngoài việc lễ Phật, rất nhiều người dân và du khách còn đổ về bang Penang để tận mắt được chiêm ngưỡng chùa rắn, với rất nhiều thanh long, bạch xà vắt vẻo trên bình hoa, mâm quả, xà nhà.
Ngôi chùa này được xây dựng năm 1873, ban đầu nó chỉ là một am nhỏ thờ Thanh Thủy tổ sư. Cái tên chùa rắn bắt đầu xuất hiện sau khi công trình này hoàn thành, đã có rất nhiều rắn lục, một loại rắn độc đến cư ngụ. Đặc biệt, hàng năm cứ độ xuân về, nhà chùa khai hội, số lượng rắn bò về chùa ngày một nhiều hơn.
Ngôi chùa đặc biệt này nằm ở phía Nam cách thủ phủ bang Penang 14 km với tên gọi chính thức là Phúc Hưng cung, thờ Trần Chiếu Ứng, một pháp sư, anh hùng chống nhà Nguyên cuối triều Tống, quê ở An Khê – Phúc Kiến. Sau này ông đi tu, lấy phá danh là Thanh Thủy.
Ngôi chùa được hoàn thành vào năm 1795, ngay sau đó có rất nhiều rắn lục bò vào chùa ăn lễ vật người dân cúng bái, càng đuổi chúng càng tìm đến nhiều hơn trước, con to thì dài hơn 1 m, con nhỏ chỉ nhỉnh hơn cái đũa ăn cơm chút ít. Mới bước vào chùa, nếu không biết trước, nhiều người sẽ chết ngất khi thấy vắt vẻo trên đầu mình là những con rắn đủ kích cỡ, màu sắc, chủng loại đang mở trừng 2 mắt im lặng quan sát người dân đến lễ Phật. Trên ban thờ, lọ hoa, mâm quả, thậm chí ngay trên ngai, vai tượng cũng có rắn.
Mặc dù chúng đều là rắn độc, nhưng hơn một trăm năm qua, người ta chưa ghi nhận một vụ rắn cắn nào xảy ra ở đây. Ban ngày, lũ rắn mỗi con nằm im một chỗ, mở to hai mắt và hầu như không nhúc nhích, động đậy, tuyệt nhiên không cắn người và cũng chẳng sợ người.
Khi màn đêm buông xuống là lúc những tiếng vèo vèo, những âm thanh loảng xoảng, choe chóe phát ra từ chính điện. Ấy là lúc lũ rắn hiện nguyên hình, chúng tranh nhau ăn trứng gà và các phẩm vật người dân dâng cúng. Những con rắn lục lao mình từ xà nhà xuống, những chú cạp nong, cạp nia cũng không chịu kém cạnh để kẻ khác ăn hết phần của mình. Nhưng khi bình minh lên, lũ rắn lại trở về trạng thái tĩnh tại, im lặng và quan sát.
Ngôi chùa rắn này ngày càng thu hút tín đồ phật tử thập phương tới lễ Phật, chiêm bái. Trong suy nghĩ của họ, những “ngài” rắn này chính là hóa thân của Hộ pháp để bảo vệ chùa và giữ gìn sự tôn nghiêm nơi cửa Phật. Bất cứ kẻ nào khi đặt chân đến đây mà có ý đồ xấu, chắc chắn sẽ bị “ngài” dọa cho vỡ mật.