Rước Phật đồi cao

Rước Phật đồi cao
Tịnh Tâm chạy băng lên đồi. Theo sau chú là con Lu Lu đuôi cụt; vừa chạy, nó vừa sục mõm hết chỗ này đến chỗ nọ, như đang tìm kiếm một thứ gì mà chính nó cũng không biết!

Lên tới đỉnh, Tịnh Tâm đứng lại thở dốc, nhìn xuống con đường nhỏ ngoằn ngoèo lúp xúp những lùm cây dại. Phía dưới kia là chùa. Và phía dưới kia nữa là làng. Làng nhỏ, những mái nhà cũng nhỏ; những khung cửa như những con mắt hướng nhìn ra biển. Biển mênh mông, xanh thẳm, mải miết cuộn dâng những đợt sóng trắng ầm ào. Biển thật đẹp, làng thật đẹp, và chùa cũng thật đẹp. Nhưng đối trước cái đẹp, lòng chú lại không thật yên bình. Bao yêu thương lẫn với nỗi buồn day dứt và một cảm giác cô đơn vời vợi!

Thầy thường bảo: Tịnh Tâm, con đừng buồn nữa. Biết sao thầy đặt cho con pháp danh Tịnh Tâm không? Là vì thầy muốn tâm con an tịnh, quên đi chuyện đời mà vui việc đạo. Có lẽ giờ này ba con đã yên nghỉ và mẹ con cũng đã tìm được một bến đỗ yên bình rồi. Biết con ở chùa sớm hôm kinh kệ, được học hành đàng hoàng, mọi người hẳn sẽ vui lắm!

Mọi người mà thầy nói ở đây bao gồm ngoại, mẹ, bà con họ hàng và dĩ nhiên gồm cả ba nữa. Ba Tịnh Tâm mất tích trong một cơn bão lớn cách đây ba năm cùng với bốn người bạn. Chuyến đi biển hôm đó là một chuyến đi định mệnh, ba vĩnh viễn không về và sau đó mẹ cũng bỏ làng đi biệt, để Tịnh Tâm lại cho bà ngoại dưỡng nuôi. Ngoại đã già, sớm sớm cắp rổ ra biển, đi từ ghe này đến ghe khác mua mót chút tôm con, cá cỏ bán lại cho người ta mà vẫn không đủ tiền đi chợ. Trưa, ngoại thường lên chùa công quả, lặt rau, nấu cơm phụ thầy và mấy chú tiểu. Thỉnh thoảng ngoại dắt Tịnh Tâm theo, do đó chú bén duyên với chùa. Đến khi ngoại mất, chú được thầy cho ở lại, xuống tóc tập tu và chính thức trở thành chú tiểu.

Ngồi trên mỏm đá, Tịnh Tâm mông lung hồi tưởng lại bao nhiêu chuyện đã qua. Chuyện nào cũng buồn, ngoại trừ chuyện thầy nhận chú làm đệ tử; và thầy đã trở thành người thầy, người cha của chú!

Từ ngày ở chùa, được thầy dạy dỗ, sớm hôm tụng kinh, bái sám, lòng chú đã nhẹ nhõm phần nào, đôi môi nở lại những nụ cười thơ trẻ. Nhưng, cứ mỗi lần lên đồi, nhìn về phía biển hoàng hôn, lòng chú lại bắt đầu dậy sóng. Giữa ngọn đồi hoang hoải và trước biển bao la, chú không khỏi cảm thấy cô đơn, vơ vất. Đồi mọc đầy sim, loài hoa hoang sơ và tím buồn như nỗi lòng của chú.

Đầu hạ, hoa sim bắt đầu nở rộ, đúng là tím chiều hoang biền biệt như trong một bài hát người lớn mà đám trẻ con trong làng vẫn thường nghêu ngao hát. Lạ thật, hoa sim thật đẹp, thật đằm, vậy mà chẳng bao giờ có ai hữu ý mang dâng cúng Phật. Rất mộc mà kiêu hãnh, hoa sim nở giữa đồi khô khốc, bất chấp những cơn gió Lào khô hanh, rát bỏng. Chú yêu hoa sim, yêu cái màu tim tím, yêu cái chân chất bình dị, và yêu cả cái kiên cường bất khuất. Một lần, thấy chú mê mải ngắm sim, thầy bảo: Con hãy học hạnh của hoa, giữa gian lao khắc nghiệt, vẫn hồn nhiên cho hoa, cho quả! Hoa sim tím hồng phơn phớt phấn; quả sim tím than ngây ngất lòng - sáu phần ngọt, ba phần chua và một phần chát. Cuộc đời ai đó, chỉ cần hội được cái tỷ lệ ngọt, chua, chát như của quả sim thôi cũng đã là hạnh phúc lắm rồi!

Đang mải miết thả hồn với hoa, chú bỗng nghe tiếng con Lu Lu sủa vang. Quay nhìn lại, chú thấy ba thằng Hoan, Đỉnh, Tú thoăn thoắt chạy đua lên đồi. Tiếng cười của chúng lanh lảnh vang xa. Thấy người quen, con Lu Lu mừng rỡ, ngoáy tít cái đuôi cụt của nó trông rất buồn cười.

- Chú Tâm đây rồi! Thằng Đỉnh reo lên.

Tịnh Tâm nhoẻn miệng:

- Có gì mà tụi bây vui vậy?

Cả ba đồng thanh:

- Tụi tui vừa tìm được một pho tượng Phật ngồi chú ơi!

- Ở đâu? Tịnh Tâm ngạc nhiên hỏi.

- Đằng kia, dưới lùm sim rậm đó!

Chú theo ba đứa chạy đến lùm sim mọc gie ra vách đá, chỗ mấy đứa nhỏ ít khi mon men mò tới vì sợ bị lao đầu xuống biển. Dưới gốc sim rậm, một pho tượng Phật điềm nhiên tịnh tọa. Pho tượng đã cũ, đen đũi như một khối than, không đẹp nhưng rất có hồn.

- Pho tượng nằm dưới đống lá mục, trong khi chơi trốn tìm, tui vô tình giẫm phải! Thằng Tú hí hửng khoe. Mà nó nặng lắm chú ơi, dễ có tới mấy ký!

Tịnh Tâm chắp tay kính cẩn xá Ngài rồi bê lên thử. Pho tượng nhỏ mà rất nặng. Chú lật ngang, lật ngửa săm soi rồi thốt lên:

- Đúng là pho tượng Phật cổ, quý hiếm lắm đây. Tượng này chắc là của vị Tổ khai sơn ngôi chùa làng mình!

Trong ký ức người dân làng chài, từ bé đến lớn, dường như ai cũng biết đến giai thoại vị Tổ sáng lập chùa. Thuở đó, làng chài còn thưa thớt lắm, người dân đánh bắt bằng những chiếc ghe mộc thô sơ và thường xuyên bị nạn đắm tàu. Một hôm, có một nhà sư mang theo một chiếc bọc đến làng. Bên trong chiếc bọc là vài bộ đồ nâu và một pho tượng Phật nhỏ bằng đồng được quấn cẩn thận trong một tấm vải vàng. Thầy lập thảo am trên đồi, tôn trí pho tượng ở nơi trang trọng nhất, sớm hôm kinh kệ, tương chao đạm bạc qua ngày.

Chuyện kể rằng, từ ngày nhà sư đem tượng Phật tới, nạn đắm tàu hầu như dứt hẳn, dân làng bắt đầu an cư lạc nghiệp và đông dần lên. Ai cũng tin rằng chính Đức Phật đã phù hộ, chở che cho làng tai qua nạn khỏi. Nhưng rồi chiến tranh bùng nổ, máy bay địch quần thảo trên làng, và một quả bom rơi trúng thảo am của thầy. Cũng may lúc đó thầy đang tụng kinh ở nhà một tín chủ, nhưng pho tượng thì mất dấu hẳn. Thầy trở về, đứng trầm ngâm trên đồi một đỗi rất lâu như chiêm nghiệm đến lẽ hưng vong, vô thường của cuộc sống rồi nói với mọi người rằng: Đức Phật đã chịu nạn thay cho làng, và thầy cũng đã xong việc của mình!

Nói rồi, thầy lặng lẽ xuống đồi. Từ đó, dân làng không còn ai trông thấy thầy nữa. Ngọn đồi trở nên hoang vu, vắng vẻ. Giữa cuộc mưu sinh tất bật, lâu lắm mới có người lên đồi để nhớ thầy, nhớ Phật…

Nghe nói pho tượng này là của vị Tổ khai sơn, cổ và quý hiếm lắm, thằng Hoan tròn xoe mắt:

- Quý mà sao trông nó… xấu quá trời!

- Phật mà mày dám kêu bằng nó à? Thằng Đỉnh cự.

- Tao nói cái tượng là nó chứ có phải nói Phật đâu! Thằng Hoan phân trần.

Tịnh Tâm nói:

- Sư phụ cũng có một pho tượng Quan Âm bằng đồng, cũ kỹ và không đẹp lắm, vậy mà có người trên thành phố về, trả giá rất cao, nhưng thầy không bán.

- Sao vậy chú? Thằng Hoan hỏi.

- Thì tại thầy không bán chứ sao!

Tịnh Tâm trả lời cho qua chuyện, vì chính chú cũng không hỏi thầy tại sao. Chú chỉ nghĩ một cách rất đơn giản rằng, tượng Phật là để thờ chứ không phải để bán.

Mặt trời bắt đầu khuất bóng. Hoàng hôn phủ khắp ngọn đồi. Phía dưới kia, những chiếc tàu nhỏ bắt đầu ra khơi. Những chiếc thuyền thúng cũng dập dềnh trên sóng; mấy cái cần câu mực như những chiếc ăng-ten dò sóng trên biển. Cả bọn lục tục kéo nhau xuống đồi. Xuống được một đoạn, Tịnh Tâm quay lại nhìn, thấy con Lu Lu còn nấn ná bên pho tượng Phật cổ, nó cứ chạy loanh quanh ngửi ngửi rồi khịt khịt mũi.

- Lu Lu, về thôi!

Nghe tiếng Tịnh Tâm gọi, con Lu Lu ngoáy tít cái đuôi cụt chạy về. Trên đồi, chỉ còn lại mỗi pho tượng Phật. Tịnh Tâm thấy Ngài sao cô độc quá, lòng chú quyến luyến không thôi…

Thầy rất vui khi nghe chú kể về pho tượng. Thầy cũng nghĩ rằng, đó chính là pho tượng Phật cổ đã mất dấu mấy chục năm nay. Phật đã trở lại với làng rồi! Thầy lẩm bẩm nói, miệng mỉm cười. Tịnh Tâm không hiểu ý thầy lắm, nhưng chú cũng cười theo, lòng hân hoan kỳ lạ. Tuy lần đầu trông thấy pho tượng, nhưng chú cảm thấy rất đỗi thân quen.

Đêm đó, trước khi đi ngủ, chú nghĩ sáng sớm mai, sau thời công phu khuya, chú sẽ một mình lên đồi quỳ trước Ngài và khấn nguyện. Chú mong Ngài sẽ gia hộ cho dân làng luôn được bình an; nguyện cho ngoại và ba sớm được vãng sanh Cực lạc; chú cũng nguyện cho mẹ ở nơi xa nào đó có một cuộc sống hạnh phúc, không phải chịu cảnh cơ cực bần hàn, và một ngày nào đó mẹ sẽ trở về thăm chú. Chú thầm niệm danh hiệu Ngài. Niệm, niệm… và chìm vào giấc ngủ.

Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời chỉ mới hừng lên trên biển, Tịnh Tâm đã vội vã lên đồi. Vừa bước ra khỏi sân, chú trông thấy thầy đứng nhìn ra biển, con Lu Lu ngồi cạnh thầy, lặng lẽ một cách kỳ lạ.

- Con đưa thầy lên chỗ tượng Phật nhé! Thầy nói.

Tịnh Tâm dạ rồi lúp xúp chạy trước thầy. Lên đến đỉnh, hai thầy trò vội vã đến bên lùm sim rậm gie ra phía vực. Nơi đó, dưới lớp lá sim ruỗng mục, Đức Phật đã ẩn mình mấy chục năm trời. Tịnh Tâm tưởng tượng đến cảnh cô độc của Ngài mà lòng xa xót. Nhưng kể từ đây, Ngài sẽ không còn cô độc nữa. Chắc chắn thầy sẽ thỉnh Ngài xuống chùa thờ phụng. Và dân làng cũng sẽ lên chùa chiêm bái. Rồi làng chài sẽ hưng thịnh như xưa, không còn những tai ương bất thần ập đến nữa…

Nhưng,… dưới gốc sim, trong ánh sáng mờ mờ, chỗ Ngài ngồi hôm qua, giờ không có gì cả, ngoài mấy hòn đá nhỏ và lớp lá mục…

- Pho tượng đâu mất rồi? Tịnh Tâm thảng thốt kêu lên. Chú quay lại nhìn thầy. Thầy cũng nghi hoặc không kém. Rõ ràng chiều tối qua Ngài còn ngồi ở đây mà! Chú chạy tung hoảng lên kiếm tìm. Không có. Chú bò xuống dưới lùm sim rậm phía chỗ vực sâu, hy vọng Ngài sẽ ẩn vào chỗ mà Ngài đã ẩn mấy chục năm qua. Không có. Chú òa lên khóc:

- Phật mất rồi thầy ơi…

Thầy không biết nói sao, chỉ nhẹ nhàng an ủi:

- Phật không đi đâu, Ngài chỉ ở quanh đây thôi. Con bình tĩnh nào!

Con Lu Lu sau một hồi đứng nhìn Tịnh Tâm chạy loăng quăng cũng đến chỗ Đức Phật ngồi hôm qua, chúi mũi vào lớp lá khô khịt khịt ngửi rồi ngẩng đầu lên kêu ăng ẳng.

Hai thầy trò đứng lặng trên đồi. Thầy ra chiều suy tư còn trò thì sụt sịt khóc.

Mặt trời bắt đầu ló dạng. Những tia nắng đầu ngày trải lên đồi sim một màu vàng sáng rất mực tươi vui. Màu sim tím có vẻ nhạt hơn và cũng bớt buồn hơn, nhưng lòng Tịnh Tâm thì lại buồn não nuột. Chú nhìn xuống đồi, thấy ba thằng Hoan, Đỉnh, Tú cũng thoăn thoắt chạy lên đồi. Ba đứa nó ào đến chỗ thầy, chắp tay xá rồi hỏi Tịnh Tâm:

- Thầy với chú lên đây hồi nào vậy?

Tịnh Tâm không trả lời. Chú đưa tay áo quệt nước mắt rồi chỉ về phía lùm sim rậm. Nhận ra vẻ bất thường, cả ba ào tới. Tụi nó chưng hửng khi không thấy pho tượng đâu cả. Ngay chỗ pho tượng hôm qua là con Lu Lu đang ngồi khịt khịt… ngửi đất!

- Phật đâu rồi hả chú? Cả ba đồng thanh hỏi.

- Phật đi rồi… Tịnh Tâm trả lời trong nước mắt.

Ba đứa nhìn nhau ngơ ngác, chạy quanh quất tìm. Phật đã đi thật rồi. Chỉ sau một đêm, Ngài đã mất dấu.

- Mấy đứa con lại đây thầy hỏi!

Thầy gọi rồi ngồi xuống một hòn đá nhỏ. Ba thằng Hoan, Đỉnh, Tú vội chạy đến, ngồi sà xuống bên thầy. Thầy hỏi:

- Các con đã kể chuyện tìm thấy pho tượng cho ai nghe chưa?

- Dạ, con có kể cho mẹ và ngoại con nghe! Thằng Tú nói.

- Con kể cho chị Hai và dì Thứ! Thằng Đỉnh tiếp lời.

- Hồi đêm con ngủ sớm… Con chưa kể cho ai nghe cả! Thằng Hoan ngập ngừng nói.

- Như vậy thì cũng không nhiều người biết!

Nói xong, thầy đưa mắt nhìn ba đứa dò hỏi. Cũng giống như Tịnh Tâm, cả ba thằng Hoan, Đỉnh, Tú đếu mồ côi cha do cơn bão lớn ba năm về trước. Ba đứa nó tuy không hoàn toàn ngoan ngoãn nhưng cũng không đến nỗi hư hỏng. Nhìn vẻ mặt ngây thơ bên cạnh mình, thầy không muốn khởi lên sự nghi ngờ nào, mặc dù thầy biết rất có thể một trong ba đứa đã mang tượng Phật về nhà…

Trong lúc ba thầy trò đang ngồi trầm ngâm như thế thì bà cụ Huân, ngoại thằng Tú, tất tả lên đồi. Gặp thầy, bà vừa thở dốc vừa hỏi:

- Mô Phật! Con nghe nói Đức Phật đã được tìm thấy rồi phải không thầy?

Thầy đứng dậy chắp tay xá bà cụ rồi cười buồn:

- Ngài đã trở về, nhưng tạm thời Ngài chưa đến với làng được!

Bà cụ không hiểu ý thầy, chưa kịp hỏi lại thì thằng Tú đã nhanh nhảu:

- Tượng Phật bị mất rồi ngoại ơi…

- Mất rồi? Làm sao mất? Bà hốt hoảng hỏi.

Làm sao mất? Không ai trả lời bà cụ được. Bỗng dưng bà khóc to lên:

- A Di Đà Phật! Ngài lại bỏ con mà đi nữa rồi…

Vừa khóc, bà vừa đi lại chỗ nền chùa cũ lạy sụp xuống. Lạy đến cái thứ ba, bà không đứng dậy nổi nữa. Bà nằm rạp trên đất than oán:

- Ngài không thương con… Ngài không che chở cho con… Thằng con trai của con bị chết chìm giữa biển… Hu hu…

Nghe nhắc đến ba mình, thằng Tú cũng khóc theo. Mấy đứa còn lại cũng không cầm được nước mắt. Trong mơ hồ, chúng nhận ra rằng, pho tượng bị mất là một tai họa. Thầy đến đỡ bà cụ dậy, bảo mấy đứa đừng khóc nữa. Bà cụ đứng không vững, ôm choàng ngang hông thầy. Bỗng bà nói như năn nỉ:

- Thầy ơi, thầy đừng bỏ làng mà đi nghe thầy…

Tám mươi tuổi, bà đủ già để chứng kiến bao nhiêu chuyện xảy ra trong làng. Mấy mươi năm trước, bà là người đầu tiên thấy Tổ khai sơn ôm chiếc bọc vải đến làng; bà cũng là người đứng nhìn thầy tay không ra đi và không bao giờ trở lại. Bà không biết thầy còn sống hay đã viên tịch nơi nào. Trong ký ức già nua của bà, Phật mất dấu thì thầy cũng bỏ làng mà đi. Và tai nạn ập xuống…

Thầy nhẹ nhàng gỡ tay bà cụ ra, đỡ bà đứng thẳng dậy, bảo:

- Thầy không đi đâu, bà cụ đừng lo. Chiều nay thầy sẽ làm lễ cầu nguyện Đức Phật trở về và ở lại với làng mãi mãi!

Bà cụ Huân vén tà áo thâm lên chậm nước mắt. Tuổi già nước mắt như sương nhưng kỷ niệm thì luôn đầy ắp. Bà lại ngồi xuống nền chùa, mân mê từng viên gạch cũ. Mỗi viên gạch là cả một nỗi u hoài, một hình ảnh không bao giờ phai nhạt. Này là gương mặt ông Tư nhễ nhại mồ hôi, sáng nào cũng lên chùa công quả; này là cái dáng lòm khòm của ông Năm khô khan, héo úa lọm khọm đánh khánh tụng thí thực mỗi chiều; này là nụ cười trơ lợi của bà Hoàn một khi ai đó khen bà siêng năng niệm Phật… Tất cả đã lần lượt ra đi. Và trong số những viên gạch này, chắc chắn đã thấm biết bao nhiêu giọt mồ hôi của họ những ngày đầu dựng chùa. Theo định luật vô thường, cái thủa ấm áp ấy đã xa thật xa, giờ chỉ còn trơ lại một nền gạch cũ. Song, cái nền gạch ấy không vô tri như người ta thường nghĩ. Với bà, mỗi viên gạch còn là một bài kinh; mỗi viên gạch còn lưu lại tiếng tụng niệm tha thiết của thầy…

Bà Huân lại bắt đầu kể câu chuyện mà ai cũng thuộc nằm lòng: Sau khi thảo am của thầy khai sơn dựng xong vài năm, trong một lần đi trợ tiến hương linh ở xa về, thầy phát hiện tượng Phật đã bị kẻ tham đánh cắp. Bà cười móm mém, nói thêm: Vì có lời đồn đại rằng, tượng Phật của thầy không những cổ mà còn được làm bằng đồng đen! Vậy là thầy và cả làng chia nhau đi tìm. Như được ơn trên mách bảo, đến khuya, chính bà đã vô tình phát hiện pho tượng bị giấu kỹ trong một lùm cây cạnh bến đò. Và Phật đã trở lại chùa. Mọi người ai cũng hoan hỷ!

- Đứa ác nào đã cắp pho tượng, vì nó tưởng sẽ bán được tiền. Nhưng hộ pháp ở cái đất này còn linh lắm, nó sẽ bị bẻ tay và đọa xuống mười tám tầng địa ngục! Bà uất ức nói.

Tịnh Tâm thút thít thưa thầy:

- Thầy ơi, chiều nay thầy làm lễ cầu nguyện, thầy nhớ cầu siêu cho ba con và cầu an cho mẹ con nữa nghe thầy!

Thầy gật đầu, bảo:

- Thầy sẽ cầu an cho làng, và sẽ cầu siêu cho những người đã bị bão chết!

Thầy lại nhìn sâu vào mắt của mấy thằng Hoan, Đỉnh, Tú và chậm rãi nói:

- Đặc biệt là ba của mấy đứa con đó! Các con phải biết rằng, giá trị của pho tượng Phật làng mình là giá trị tâm linh. Đức Phật đã gắn bó với làng mình mấy mươi năm nay, Ngài là linh hồn của làng. Ai lấy pho tượng vì nghĩ rằng pho tượng bán được là sai và có tội với tất cả người dân làng mình. Quả báo của việc đánh cắp tượng Phật là lớn lắm, các con có biết không?!

- Sẽ bị cụt tay phải không thầy? Thằng Tú hỏi.

- Và bị nghèo ba đời nữa! Thằng Đỉnh nói.

Thầy im lặng thay cho câu trả lời.

Rồi mấy thầy trò lục tục xuống đồi. Thằng Hoan còn nấn ná một hồi, đến khi nghe Tịnh Tâm gọi nó mới chạy theo. Trông gương mặt lo lắng của nó, thằng Tú hỏi:

- Có phải mày đánh cắp pho tượng phải không?

- Đâu có! Nó vội vàng đáp, rồi quay qua nói với Tịnh Tâm một câu chẳng ăn nhập gì: Hoa sim đẹp quá phải không chú?

Tịnh Tâm ừ hữ cho qua chuyện. Lúc này chú chẳng còn tâm trí đâu mà ngắm hoa với hòe. Nhưng thằng Tú vẫn không buông tha cho nó:

- Mày mà ăn cắp tượng Phật là sẽ bị trời đánh đó!

- Tao đã nói là không có mà! Thằng Hoan giãy nãy.

Thầy lên tiếng:

- Mấy con đừng nghi cho nhau nữa. Bây giờ xuống phụ thầy quét dọn chùa và thiết trí bàn Phật đản sanh. Mai là Phật đản rồi…

Mấy thầy trò hăng hái làm việc quên cả nghỉ trưa. Có mấy bác Phật tử lên công quả nữa nên chẳng mấy chốc chùa đã sạch đẹp, bàn Phật đản sanh cũng được thiết trí đơn giản nhưng hết sức trang nghiêm bên trong chánh điện.

Không để cho mọi người "nhàn cư vi bất thiện", thầy tay cầm chổi, tay cầm cào, huy động mọi người xuống dọn dẹp bãi biển, treo thêm cờ phướn ở một số nơi. Bãi biển tuy là "mặt tiền" của làng, nơi tập trung đông đảo, nhưng cũng là nơi "cha chung không ai khóc", luôn bị ô nhiễm bởi rác rưởi và chất phóng uế. Vào những dịp đặc biệt, thầy thường huy động Phật tử xuống dọn dẹp, nhờ vậy mà sau đó bãi biển trở nên thơ mộng, tươi đẹp được một thời gian…

Dọn dẹp xong, thầy thông báo với bà con trong làng rằng chiều nay thầy sẽ có một cuộc lễ đặc biệt trên đồi. Lời thầy chưa dứt, trời đang nắng chang chang bỗng trở nên âm u một cách kỳ lạ. Mây đen từ đâu kéo tới và sấm chớp đùng đùng. Những tia sáng rằn rện rạch nát cả một khoảng trời. Tịnh Tâm la hoảng lên:

- Về thôi! Trời đang giận, đứa nào ăn cắp tượng Phật sẽ bị đánh chết!

- Tịnh Tâm, con không được ác khẩu! Thầy nhíu đôi mày, la chú. Tịnh Tâm biết mình lỡ lời, nói ác; nhưng đúng là trong lòng, chú không dễ gì xả được nỗi giận đối với kẻ đã đánh cắp pho tượng. Chú vội vàng gom chổi, cào rồi chạy theo thầy. Ba thằng Hoan, Đỉnh, Tú cũng chạy vội theo. Tới cổng chùa thì mưa xối xuống như trút nước. Mấy thầy trò không tới kịp hậu liêu, bèn ghé vội vào mái hiên chánh điện trú ẩn. Mặc dù mưa xuống nhưng sấm sét vẫn không ngừng, ầm ầm như thể trời đang sai thiên lôi xuống trần truy đuổi kẻ gian. Tịnh Tâm và ba đứa sợ hãi đứng nép sau lưng thầy. Bỗng một tia sáng xẹt ngang qua mái chùa và tiếng sấm nổ lên vang dội, rung chuyển cả mái tôn chánh điện. Thằng Hoan sợ quá, hét một tiếng. Chưa kịp hoàn hồn, nó trực nhìn lên, thấy tượng Đức Hộ pháp đang uy nghiêm nhìn xuống, đôi mắt to trừng và cái chùy trên tay như chực giáng vào đầu nó. Sợ quá, nó hét một tiếng nữa và quỳ thụp xuống ôm lấy chân thầy.

- Thầy ơi, mình vào chánh điện đi thầy. Con sợ quá! Nó mếu máo.

Nhìn điệu bộ của nó, thầy không cầm lòng được, trấn an:

- Mấy con ở đây, thầy lui hậu liêu rồi vào trong mở cửa chánh điện.

Nói rồi thầy đội mưa đi. Lát sau, cửa chánh điện xịch mở, cả nhóm ùa vào. Nhìn thấy pho tượng Phật đang từ bi mỉm cười, tất cả thở phào nhẹ nhõm, cảm thấy Đức Phật như đang dang tay ôm từng đứa vào lòng…

Cơn mưa đầu mùa dai dẳng kéo dài như không bao giờ dứt. Buổi lễ cầu nguyện trên đồi do đó bị hoãn vô thời hạn. Tạnh mưa, trời cũng vừa sẫm tối, dân làng lục tục kéo nhau lên chùa sám hối và tụng bài Khánh đản. Sáng hôm sau là rằm, là ngày Đức Phật đản sanh, ngày vui của toàn nhân loại.

Sáng mai ra, Tịnh Tâm và thầy dậy sớm quét sân chùa, sắp xếp lại những việc cần thiết để mừng Phật đản.

Buổi lễ diễn ra khá sớm. Thầy niêm hương bạch Phật, Tịnh Tâm đứng bên hầu thầy còn Phật tử thì quỳ trang nghiêm trong chánh điện, tràn ra cả ngoài sân. Giữa bầu không khí trang nghiêm như thế, bỗng thằng Hoan ở đâu đó rón rén bò vào. Nó đến bên Tịnh Tâm, thì thầm vào tai chú:

- Chú ơi, Đức Phật đã về rồi!

Tịnh Tâm chưa hiểu ra chuyện gì, hỏi lại:

- Đức Phật nào?

- Đức Phật trên đồi đó! Nó nói.

Tịnh Tâm tròn xoe mắt:

- Thật hả?

Tịnh Tâm liếc nhìn thầy, thấy thầy đang nhắm mắt niêm hương; nôn nóng quá, chú xá thầy một xá, lạy Phật ba lạy rồi nhẹ nhàng rút lui, theo thằng Hoan chạy vụt lên đồi, con Lu Lu đang nằm ngoài sân thấy vậy cũng vụt chạy theo. Kia rồi, ngay dưới lùm sim rậm, Đức Phật đang ngồi đó, điềm nhiên như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Chú quỳ sụp xuống, dùng hai tay nâng Ngài lên ngang mặt nhìn thật kỹ, như sợ rằng đó chỉ là ảo ảnh. Con Lu Lu ngửi ngửi pho tượng, ngoáy tít cái đuôi cụt, sủa ăng ẳng rồi liếm vào mặt chú. Tịnh Tâm bừng tỉnh, sức nặng của pho tượng đồng đè xuống hai bàn tay nặng trĩu, như mách bảo rằng không phải chú đang mơ. Bỗng dưng nước mắt chú trào ra, không cách nào ngăn lại được. Chú kính cẩn đặt tượng Phật xuống rồi sụp lạy. Hai bàn tay chú ngửa ra, trán chạm xuống đất, tưởng như mình đang hôn bàn chân Đức Phật. Giữa chú và Phật dường như không còn một khoảng cách nào nữa. Phật chính là chú và chú cũng chính là Phật. Ba năm ở chùa, chú đã lạy Phật không biết bao nhiêu lạy, nhưng chưa bao giờ chú cảm thấy mối cảm ứng, giao hòa giữa chú và Phật sâu sắc đến vậy. Chú tiếp tục lạy cái thứ hai, cảm thấy mối giao hòa như tăng thêm một bực. Trong chú không chỉ có Phật, mà còn có cả thầy tổ, cha mẹ và họ hàng thân thuộc. Lạy cái thứ ba, chú thấy trong chú chứa đựng cả pháp giới, chúng sinh; chú là tất cả, tất cả là chú, không còn bất kỳ một sự ngăn chia nào cả. Phật đã về, không chỉ trên đồi, mà trong lòng chú. Chú sụp xuống trong yên lặng như thế một đỗi rất lâu để cảm nhận trọn vẹn cảm giác mới mẻ chưa từng có đó, cảm nhận nỗi hạnh phúc ngọt ngào không thể nào tả được...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày