Cái thời vàng son cả làng làm tranh của vùng quê bên dòng sông Đuống này, nay chỉ còn trong quá vãng. Nhưng người ta vẫn có thể cảm nhận được không khí nhộn nhịp, nhất là độ tết đến như thế này, khi vào khu sản xuất và trưng bày tranh của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.
Trong khu sản xuất thường xuyên có 11 thợ - là con cháu trong nhà - làm tranh. Còn khu trưng bày đủ người xem dễ hút mắt lạc vào giữa thế giới tranh với những đám cưới chuột, đàn lợn âm dương… Đặc biệt được chiêm ngưỡng một số bộ tranh cổ kể được nghệ nhân Chế sưu tầm như: tích Thạch Sanh, truyện Tống Chân, Cúc Hoa; các mộc bản khắc ván cổ dùng để in tranh…
Tuy chỉ còn vài cơ sở làm tranh, nhưng không vì thế mà sản phẩm tranh kém không khí so với các đồ vàng mã trong làng. Vẫn hối hả lắm du khách đến các cơ sở xem và mua tranh; những chuyến ô tô, xe máy đến lấy hàng vận chuyển đi các nơi. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế hoan hỉ cho hay, sản phẩm tranh Đông Hồ của gia đình đã từ lâu có mặt khắp các tính thành trong cả nước. Và đến nay, hàng cũng đã xuất khẩu được ra nước ngoài.
Các sản phẩm gắn liền với tranh Đông Hồ ngày càng trở nên đa dạng về kiểu dáng. Những bức tranh đã ít bị bó hẹp hơn về kích cỡ, nội dung. Đặc biệt, hình ảnh những của “Đàn lợn âm dương” hay “Chuột vình quy”, “Chăn trâu thổi sáo”… còn được thể hiện trên chất liệu gỗ; duyên dáng trên những bưu thiếp, phong bì làm bằng giấy điệp… Thể hiện sư sung túc, đông vui nên đây cũng là những bức tranh khá đăt khách.