Sách mới: Thể nhập Chánh pháp Lăng-già

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1201 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1201 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Kinh Lăng-già là một trong số những bản kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa, nhấn mạnh đến sự giác ngộ tự thân, đạt đến tâm vô phân biệt, vượt ngoài mọi hiện tượng nhị nguyên.

Với tầm ảnh hưởng quan trọng về mặt tư tưởng, nhận thức đối với Phật giáo Đại thừa nói chung và Thiền học nói riêng, kinh Lăng-già đã được phiên dịch ra các ngôn ngữ khác nhau từ rất sớm, cũng như nhận được sự quan tâm, nghiên cứu từ các học giả Phật học thời hiện đại, tiêu biểu có Suzuki T. Daisetsu.

Truyền bản kinh Lăng-già Phạn văn xưa nhất hiện còn là Lakāvatārasūtra do Bunyju Najio sao chép vào năm 1883 từ thủ bản lấy được ở Nepal của thư viện Royal Asiatic Society of Great Britain, London, sau đó tham khảo các thủ bản Phạn văn khác cũng như các bản Hán dịch và Tạng dịch để hiệu chính, biên tập lại trước khi được công bố bởi Đại học Otani vào năm 1923 và xuất bản năm 1956.

Bên cạnh đó, truyền bản Hán dịch hiện còn 3 bản gồm Lăng-già a-bạt-đa-la bảo kinh do ngài Guṇabhadra (Cầu-na-bạt-đà-la) dịch, đời Lưu Tống; Nhập Lăng-già kinh do ngài Bodhiruci (Bồ-đề-lưu-chi) dịch, đời Bắc Nguỵ; Đại thừa Nhập Lăng-già kinh do ngài Śikṣānanda (Thiệt-xoa-nan-đà) dịch, đời Đường.

Về phương diện nội dung, với đạo lý duy tâm Phật dạy, trong đó nói về mối tương quan giữa hai duyên tố thức và danh sắc trong sự chuyển biến của nghiệp để hình thành đời sống con người, kinh Lăng-già trình bày và chứng minh sự vô ngã của con người và sự vật, phê phán các quan điểm về bản thể học lập cước trên khái niệm hữu-vô của các bộ phái và học thuyết tại Ấn Độ đương thời.

Kinh giúp người đọc thấu triệt những cốt lõi của giáo pháp, dẫn dắt người đọc trở về trạng thái uyên nguyên, bằng tự thân thể chứng tuệ giác và giải thoát mà Đức Phật từng chứng nghiệm, để từ đó hiểu được nguyên do vì sao bản kinh này lại có sức ảnh hưởng lớn lao đến Thiền học Á Đông như vậy.

Tại Việt Nam, kinh Lăng-già cũng từng được nhiều lần chuyển dịch sang tiếng Việt, trong đó đáng kể có bản dịch Lăng-già Đại thừa kinh từ nguyên tác tiếng Anh của học giả Suzuki do cố Hòa thượng Thích Chơn Thiện, cư sĩ Trần Tuấn Mẫn thực hiện và bản dịch kinh Đại thừa nhập Lăng-già do cố Ni trưởng Thích nữ Trí Hải dịch từ bản Hán văn của ngài Thiệt-xoa-nan-đà, đời Đường. Thể nhập Chánh pháp Lăng-già do Hòa thượng Thích Nguyên Giác - Trưởng khoa Phật học Phạn ngữ, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM dịch và lược giải, đánh dấu lần đầu tiên, bản kinh căn bản của Du-già hành tông thuộc Phật giáo Đại thừa này được chuyển ngữ từ Phạn văn sang Việt văn.

Thể nhập Chánh pháp Lăng-già được Hòa thượng Thích Nguyên Giác thực hiện trong suốt nhiều năm, dựa trên Phạn bản được Bunyju Nanjio biên tập, tham chiếu với 3 bản dịch Hán và bản tiếng Anh của học giả Suzuki. Mặc dù theo Hòa thượng, bản Việt dịch của kinh Lăng-già là “kết quả của những năm tháng học hỏi”, với mong muốn “giúp Phật tử Việt Nam có điều kiện tiếp cận với nguyên bản Phạn văn của kinh”, tuy nhiên, bản dịch kinh Lăng-già từ Phạn văn lần này, có thể nói, mang ý nghĩa vượt ngoài những chia sẻ khiêm tốn ấy.

“Được biên tập trong khoảng cuối thế kỷ IV, giai đoạn mà Phạn ngữ tiêu chuẩn được phát triển ở đỉnh cao với những đặc điểm riêng của nó”, với sự phức tạp trong cấu trúc ngôn ngữ, cùng những sai sót khi sao chép đã khiến người đọc cảm thấy bản kinh Hán văn phần nào rất khó hiểu, thậm chí “bối rối vì những khác biệt đến trái nghịch nhau giữa các bản dịch Hán văn”. Chính vì vậy, việc cho ra đời một bản dịch từ Phạn văn có thể tiếp cận bản kinh theo một chiều hướng khác hơn, trên phương diện ngôn ngữ. Điều này góp phần làm sáng tỏ ý nghĩa của một bản kinh quan trọng đối với quá trình học hỏi của người Phật tử.

Thể nhập Chánh pháp Lăng-già được ấn hành với 2 tập. Trong đó, tập 1 là phần biên dịch trọn vẹn chính văn bản kinh từ Phạn ngữ với 10 chương; tập 2 gồm phần lược giải về nội dung các chương kinh, chú thích, diễn giải các thuật ngữ chuyên môn. Được biết, toàn bộ công trình này được Hòa thượng Thích Nguyên Giác thực hiện trong suốt nhiều năm, với sự đối chiếu, kiểm tra một cách cẩn trọng, có thể coi là một đóng góp mang tính nền tảng cho nghiên cứu Phật học ở nước ta hiện nay.

“Kinh điển Phật giáo được lưu truyền bằng 4 ngữ hệ chính gọi là 4 thánh ngữ, gồm, tiếng Phạn, tiếng Pāli, tiếng Hán và tiếng Tây Tạng. Tam tạng của phái Tāmra-śāīya (Đồng diệp bộ) được lưu truyền bằng tiếng Pāli, và theo truyền thuyết được Mahinda truyền vào Tích Lan từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Tam tạng bằng tiếng Phạn được lưu truyền bởi các bộ phái như Hữu bộ, Đại chúng bộ, Đàm-mô-đức v.v.., và đặc biệt của Phật giáo Đại thừa, và đã được dịch sang tiếng Hán kể từ thế kỷ thứ II sau Tây lịch trở đi.

Riêng kinh điển Phật giáo tiếng Tây Tạng được dịch từ tiếng bản Phạn hoặc tiếng Hán sang. Khái quát về lịch sử truyền thừa kinh điển Phật giáo như thế để thấy rõ vai trò quan trọng của tiếng Phạn trong việc tiếp cận và nghiên cứu chuyên sâu hệ thống kinh điển Phật giáo, nhất là trên phương diện văn bản học. Bởi vì không kể kinh điển Phật giáo bằng tiếng Hán và tiếng Tây Tạng đều liên hệ trực tiếp với tiếng Phạn, vì được dịch trực tiếp từ tiếng Phạn sang, mà ngay cả đối với kinh điển thuộc tạng Pāli, để nắm vững một thuật ngữ Pāli, người ta cần truy về nguồn gốc tiếng Phạn của nó.

Như vậy, tiếng Phạn chính là chiếc chìa khóa mở cánh cửa đi vào ngôi nhà Phật pháp”.

Hòa thượng Thích Nguyên Giác,

Trưởng khoa Phật học Phạn ngữ, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày