Sẽ lấy được những gì, về bên kia thế giới…?

Câu hỏi chắc chắn sẽ không được trả lời như “đáp án” của Du Tử Lê (tác giả bài thơ Khúc thụy du) là: Ngoài trống vắng mà thôi! Bởi, ta hiểu rõ một điều là chết không phải là hết và không phải chỉ mang theo một nỗi “trống vắng” dại khờ mà chết là kết thúc một chặng đường để mang theo những “chất liệu” mà ta đã gieo trồng từ vô thỉ kiếp đến hiện tại đời này…

Cái được gọi là “chất liệu” mà mình dùng thực ra là hạt giống (có lành tốt, có xấu xí, xù xì) từ ý nghĩ, lời nói, việc làm mà mình đã khởi, đã hành ẩn tàng trong tâm mình, và nó trở thành thứ điều kiện cần để biểu hiện trong chặng đường mới, bắt đầu từ cái chết.

Anh bên kia thế giới.jpg

Người tu sĩ, hiểu rõ nhân quả, thấy rõ chánh chơn... nên thân tâm luôn bình an - Ảnh minh họa

Bên kia thế giới, nghĩa là một sự tiếp nối (theo cách hiểu của đạo Bụt) chứ không phải là một thế giới vô hình (mình không nhìn thấy), ở đó con người vẫn sống, sinh hoạt và cứ đều đặn mỗi năm về thăm con cháu một lần thông qua ngày giỗ, chạp, Tết. Và, ở đó, không phải là không bao giờ còn chết nữa, con người có khả năng phù hộ hoặc trả thù người còn sống theo cách nghĩ mà mình đã từng giữa một mớ quan niệm theo kiểu “ông bà ta đã dạy”…

Ngày còn bé, mình từng nghĩ thế nên cứ mỗi lần Tết đến là mình hay ngồi nhìn bàn thờ, rồi tự hỏi, nếu ông bà tổ tiên mình về hết, ngồi sao đủ trên một bàn thờ bé bé, để những hoa quả, thức ăn kia? Thắc mắc nhưng vẫn tin, chốn cũ, quê xưa mà ông bà hay nói là “về quê” (nghĩa là chết) chính là một thế giới y chang như mình, cũng có nhà cửa, ruộng đồng…

Học Phật, nghe Phật dạy về luân hồi sanh tử, về sáu nẻo luân hồi (lục đạo) và sự sanh diệt theo nghiệp thức của từng người mới thấy không phải chết là hết hoặc chết là về hẳn thế giới bên kia (vô hình - phân biệt với thế giới bên này, thấy hình tướng đầy đủ). Hiểu điều đó nên mình không còn sợ ma, bởi mình biết rõ, ma là một danh từ chung chung để chỉ cho người đã về chín suối, nay lãng vãng chốn dương gian này để “làm một cái gì đó” như báo ân, báo oán chẳng hạn. Thực tế, nếu có thể dùng từ ma (theo dân gian) thì đó chính là đường ngạ quỷ trong quan niệm của đạo Bụt. Họ đói khát bởi gieo nhân tham lam, bởi gieo hạt giống cướp bóc, thiếu lòng từ… Trong trùng trùng duyên khởi của nhân-duyên-quả ấy, chúng ta thường không thể lý giải tận cùng một biểu hiện nào đó bởi có khi một quả là cộng gộp của những nhân trong đời này, đời khác.

Chính vì vậy mà trong kinh Thủy Sám có dạy về nhân quả, nghiệp báo có ba thứ: sanh báo (gieo nhân đời này, đời sau sanh ra phải nhận), hậu báo (gieo đời trước, đời này hoặc nhiều đời sau sẽ nhận) và hiện báo (gieo đời này và liền nhận). Căn theo lời dạy này để thấy, có những điều chúng ta không thể chọn lựa, phải sống chung với nó một cách thân thiện như hoàn cảnh gia đình, quê hương, giới tính, tài năng… Đó là những “hậu báo” đã được mặc định từ trước, nên không phải tự nhiên mà một người trở thành thiên tài hoặc tự nhiên mà mình lại sở hữu giới tính nam, hoặc nữ, hoặc đồng tính… Tất cả đã là cái hậu báo (nghiệp quá khứ), nếu có thể tác động để cải thiện hoặc thay đổi chút ít theo hướng kiện toàn, tốt lên thì mình bắt đầu bằng việc an trú với nó thông qua phương pháp nhận diện sự thật (chấp nhận và sống tốt nhất có thể, theo những hoàn cảnh cụ thể mà mình đang tồn tại).

Và từ đó, mình có thể thấy hiện báo cũng có mặt trong hậu báo và sanh báo cũng có mặt trong hậu báo bởi từ cái “mặc nhiên” mình không thể chọn lựa đó mình đã có thể kiến tạo hiện tại của mình theo hướng tốt hoặc xấu đi thông qua ý nghĩ, lời nói, việc làm ngay hiện tại. Và đừng quên, đó cũng là hạt giống cho sanh báo tốt hoặc xấu về sau. Suy nghiệm thế ta sẽ thấy nhân quả là trùng trùng trong tương duyên quá khứ-hiện tại-vị lai.

Trở lại với câu hỏi, trở lại với dòng suy nghiệm về lời Phật dạy cũng như những sự thật nơi cuộc đời mà mình đã có dịp trải qua như “gieo gió gặt bão”, “ganh ghét, hơn thua sinh phiền não, khổ đau”… thì mình sẽ bắt đầu tập sống thảnh thơi, thong dong nơi hiện tại kể cả khi mình sanh ra trong hoàn cảnh nghèo khó nhứt, mình mang trong mình một giới tính tréo ngoe khó chấp nhận ở nhiều người hoặc mình phải sống với căn bệnh trầm kha, sống giữa những nỗi khổ-đau dẫy đầy! Vâng, dẫu thế thì mình vẫn có cơ hội tạo dựng hạnh phúc bằng cách sống với hiện tại, làm tất cả những gì có thể cho hạnh phúc chân thật… Đó cũng là hạt giống lành để ta mang về “bên kia thế giới”, để “trống vắng” không phải là thứ hành trang cho hành trình “tạm biết kiếp này” của ta!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày